Kết quả cho thấy có sự cải thiện về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng sử dụng thức ăn, phản ứng ứng miễn dịch và khả năng chống lại sự lây nhiễm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của huyết tương sấy khô trong chế độ ăn (SDP) của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei). Kết quả cho thấy những động vật được cho ăn theo chế độ có SDP đã cải thiện tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng sử dụng thức ăn, phản ứng miễn dịch và khả năng chống lại sự lây nhiễm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Ảnh của Darryl Jory.

Huyết tương sấy khô (SDP) là một sản phẩm phụ từ máu động vật giàu protein thu được từ các lò mổ. Việc sản xuất SDP trong công nghiệp bao gồm việc tách huyết tương ra khỏi tế bào máu bằng cách ly tâm, cô đặc bằng cách bay hơi trong chân không hoặc lọc và sau đó sấy khô. SDP thường được điều chế từ lợn (huyết tương lợn sấy khô – SDPP) hoặc máu gia súc (huyết tương bò sấy khô – SDBP). Nó chứa nhiều thành phần có lợi, và là một trong những nguồn protein trong thức ăn chăn nuôi. SDP từ lâu đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường sức khỏe của động vật.

Các đặc tính giúp tăng cường sức khỏe của SDP được nhiều nhà nuôi trồng thuỷ sản biết đến. Thêm vào đó, bằng chứng khoa học hỗ trợ cho ứng dụng của SDP là rất rộng rãi, bao gồm tăng cường hiệu suất tăng trưởng, sử dụng chất dinh dưỡng và thức ăn, ngăn chặn sự lây nhiễm và tỷ lệ mắc bệnh, và ảnh hưởng tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột.

Do có hàm lượng protein phong phú, SDP đã được đánh giá để sử dụng trong thức ăn thủy sản như một phần thay thế bột cá với kết quả đầy hứa hẹn ở nhiều loài khác nhau, bao gồm cá hồi vân, cá rô phi, cá tráp biển, cá pacu và những loài khác. Những nghiên cứu này đã chứng minh tác dụng có lợi của SDP trong khẩu phần ăn của các loài cá nói chung. Kết quả này tương tự như những kết quả quan sát được ở những động vật trên cạn khác. Một số lợi ích bổ sung của SDP được báo cáo trong các nghiên cứu trên cá bao gồm tăng cường khả năng miễn dịch và cải thiện hình thái ruột.

Nhìn chung, ảnh hưởng của SDP đối với sức khỏe tôm vẫn chưa được hiểu rõ. Theo sự hiểu biết của các nhà nghiên cứu, thông tin về những lợi ích tiềm năng của SDP trong nuôi tôm chỉ được giới hạn trong một nghiên cứu được công bố trên một nguồn không qua thẩm định, kết luận rằng chế độ ăn bổ sung từ 1- 3% SDP có thể làm tăng tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) trong điều kiện phòng thí nghiệm, và 6% SDP có thể cải thiện trọng lượng cơ thể và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương trong một thử nghiệm thực địa.

Bài báo này được chỉnh sửa và tóm tắt từ bài báo gốc (theo Chuchird, N. và cộng sự, năm 2021. Ảnh hưởng của huyết tương sấy khô về năng suất tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng sử dụng thức ăn, phản ứng miễn dịch và khả năng chống sự lấy nhiễm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus ở tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei)) – nghiên cứu tác dụng của SDP từ lợn trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương về việc tăng cường sức khỏe, với mục đích cung cấp bằng chứng khoa học hỗ trợ cho việc sử dụng SDP vào thức ăn cho tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, góp phần cho một ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.

Thiết lập nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh Nuôi trồng Thủy sản (ABRC), Khoa Thủy sản, Đại học Kasetsart, Thái Lan. Ba nghìn ấu trùng tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei) (ấu trùng giai đoạn 9 (PL-9)) từ một trại sản xuất tôm giống thương mại ở tỉnh Chachoengsao, Thái Lan đã được đưa vào bể bằng sợi thủy tinh 500 L ở 27 – 29 0C và độ mặn 25 ppt trong ba ngày cho đến khi chúng đạt đến giai đoạn PL-12.

Năm chế độ ăn thử nghiệm được xây dựng với các nồng độ SDP thương mại khác nhau (AP 820, APC Europe, Granollers, Tây Ban Nha) bao gồm 0% SDP ở nhóm đối chứng, 1,5% SDP, 3% SDP, 4,5% SDP và 6% SDP (hoặc chế độ ăn 0 g/kg, 15 g/kg, 30 g/kg, 45 g/kg, và 60 g/kg).

Nghiên cứu được chia thành hai thí nghiệm. Trong thí nghiệm 1, ảnh hưởng của SDP trong chế độ ăn đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng sử dụng thức ăn và phản ứng miễn dịch được đánh giá ở tôm khỏe mạnh. Ấu trùng tôm được chia thành 5 nhóm (mỗi nhóm có 4 bể tôm và có 80 con trong mỗi bể). Chúng được cho ăn hàng ngày 4 lần với SDPP ở mức 0%, 1,5%, 3%, 4,5% và 6% trong 45 ngày.

Trong thí nghiệm 2, tác động của SDP đến khả năng kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus đã được đánh giá sau thử thách lây nhiễm thực nghiệm. Trong thí nghiệm này, những con tôm sống sót từ Thí nghiệm 1 được phân lại thành sáu nhóm: bốn nhóm SDP như trong Thí nghiệm 1, cộng với các đối chứng tích cực và tiêu cực (bốn bể cho mỗi nhóm và mỗi bể chứa 30 con). Sau đó, chúng được thử thách với vi khuẩn V. parahaemolyticus bằng cách ngâm ở 105 CFU / mL (đơn vị hình thành khuẩn lạc) và được cho ăn với chế độ ăn giống nhau trong bốn ngày nữa.

Để biết thông tin chi tiết về thiết kế của từng thí nghiệm; ương dưỡng; việc chuẩn bị khẩu phần ăn trong thử nghiệm; đánh giá miễn dịch học và mô bệnh học; thử nghiệm cảm nhiễm với vi khuẩn; và các phân tích thống kê, vui lòng tham khảo bài báo gốc.

Kết quả và thảo luận

Kết quả của nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống của tôm được cho ăn với SDP đến cuối thí nghiệm 1 và 2 đều cao hơn đáng kể so với tôm ở nhóm đối chứng. Thức ăn cho tôm được bổ sung SDP từ lợn ở mức 3 đến 6% trong khẩu phần ăn, có thể cải thiện năng suất tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng sử dụng thức ăn, phản ứng miễn dịch và giảm tỷ lệ chết khi nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus. Liều lượng SDP hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương ở nghiên cứu này phù hợp với những gì được báo cáo trong các nghiên cứu trước về lợn (5 đến 8% SDP). Các thông số miễn dịch khác nhau (tổng số lượng huyết cầu và các hoạt động thực bào, phenoloxidase và superoxide dismutase) của tôm được cho ăn từ 3 đến 6% SDP cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể so với nhóm đối chứng.

Hình 1: Tỷ lệ sống của L. vannamei đối với các mức độ SDP khác nhau và nhóm đối chứng trong thử nghiệm cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.

Nhiều phương thức hoạt động của SDP đã cho thấy các kết quả tích cực ở nhiều loài khác nhau liên quan đến việc cải thiện năng suất tăng trưởng và khả năng sử dụng thức ăn. Những điều này có thể liên quan một phần nào đó đến giá trị dinh dưỡng cao và khả năng tiêu hóa cao của SDP, hình thái ruột được cải thiện như tăng nhung mao (phần nhô ra bên trong ruột giúp tối đa hóa diện tích hấp thụ) và tăng cường hoạt động của các enzym tiêu hóa. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã báo cáo rằng chế độ ăn chứa nhiều protein đã được sử dụng để thúc đẩy sự tăng trưởng ở các động vật trong thử nghiệm.

Trong thí nghiệm 2, tỷ lệ sống của tôm khi được cho ăn với SDP từ 3 đến 6 % cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng tích cực ở ngày thứ 4 sau thử thách ngâm với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Tương tự như vậy, nghiên cứu mô bệnh học cho thấy các dấu hiệu nhiễm vi khuẩn trong gan tụy ở nhóm từ 3 đến 6% SDP nhẹ hơn so với nhóm nhóm đối chứng tích cực và nhóm 1,5% SDP. Nhìn chung, tôm L. vannamei được cho ăn chế độ ăn có SDP, đặc biệt là từ 4,5% đến 6% trong khẩu phần của chúng, cho thấy sự cải thiện đáng kể về tình trạng sức khỏe tổng thể và khả năng chống sự lây nhiễm của vi khuẩn V. parahaemolyticus.

Hình 2: Ảnh hưởng của SDP trong chế độ ăn đến các chỉ số miễn dịch của tôm post L. vannamei. Tổng số lượng huyết cầu (106 tế bào / mL) (A), hoạt động thực bào (phần trăm) (B), hoạt tính phenoloxidase (đơn vị / phút / mg protein) (C), và hoạt động superoxide dismutase (SOD) (phần trăm ức chế) (D) của tôm (n = 5) được cho ăn theo chế độ ăn đối chứng, 1,5%, 3%, 4,5% và 6% SDP vào ngày thứ 45. Dữ liệu được trình bày dưới dạng giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn. Các chữ cái khác nhau phía trên các thanh thể hiện sự khác biệt đáng kể (p <0,05).

Tác dụng tăng cường sức khỏe của SDP được thừa nhận rộng rãi chủ yếu là do đặc tính điều hòa miễn dịch của SDP trên hàng rào ruột và các hoạt động chống viêm của nó giúp ngăn chặn việc sản xuất các hợp chất tiền viêm. Việc niêm mạc ruột tiếp xúc liên tục với mầm bệnh hoặc độc tố do vi khuẩn gây ra có thể gây kích thích mãn tính hệ miễn dịch niêm mạc, do đó làm suy giảm chức năng hàng rào ruột và dẫn đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng bị yếu đi. Việc sử dụng SDP cho các loài động vật khác nhau trên cạn đã được chứng minh là làm giảm sự kích hoạt quá mức khả năng miễn dịch niêm mạc, giúp duy trì chức năng hàng rào của ruột và cung cấp nhiều năng lượng hơn cho sự tăng trưởng cũng như các chức năng sản xuất khác.

Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy SDP từ lợn có tác động tích cực đến sức khỏe của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương. Kết quả của nghiên cứu này phù hợp với các kết quả của một số nghiên cứu trước đối với các loài động vật khác nhau trên cạn.

Mặc dù có thể tìm thấy một số hợp chất có hoạt tính sinh học trong SDP, nhưng người ta thường tin rằng các globulin miễn dịch (kháng thể) là thành phần hoạt động chính chịu trách nhiệm cho việc thúc đẩy sự tăng trưởng của SDP. Các thành phần chức năng khác trong SDP – như transferrin, peptide hoạt tính sinh học, yếu tố tăng trưởng, cytokine và các hợp chất khác – cũng có tác động tích cực đến sức khỏe của nhiều loài được nuôi bằng chế độ ăn SDP.

Nghiên cứu cũng xác định rằng SDP làm tăng phản ứng miễn dịch tuần hoàn ở tôm. Lý do tại sao SDP có cả hoạt động ức chế và kích thích hệ thống miễn dịch vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng nó có thể liên quan đến sự tác động lẫn nhau giữa các vị trí hoạt động, các globulin miễn dịch và các chất hoạt tính sinh học khác trong SDP, tình trạng miễn dịch của động vật và một số yếu tố khác.

Mức độ thấp hơn của những thay đổi mô bệnh học trong gan tụy của tôm nuôi SDP quan sát được trong nghiên cứu hỗ trợ hoạt động bảo vệ SDP khỏi nhiễm vi khuẩn. Không có gì ngạc nhiên khi lợi ích của SDP trong việc cải thiện tỷ lệ sống sót ở tôm thách thức với vi khuẩn V. parahaemolyticus (thí nghiệm 2) nổi bật hơn so với tôm khỏe mạnh (thí nghiệm 1). Một hiệu quả nổi trội hơn của SDP cũng được quan sát thấy ở động vật trên cạn được nuôi trong điều kiện vệ sinh kém so với một môi trường sạch hơn. Điều này hỗ trợ cho việc suy đoán rằng phương thức hoạt động của SDP có thể liên quan đến các hoạt động chống mầm bệnh và chống viêm của nó.

Quan điểm

Nhìn chung, kết quả của nghiên cứu đã chứng minh rằng huyết tương sấy khô từ lợn trong khẩu phần ăn của L. vannamei có thể cải thiện năng suất tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng sử dụng thức ăn, phản ứng miễn dịch và giảm tỷ lệ chết của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương khi nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus, và có thể là một số loài vi khuẩn khác. Do đó, nó giúp giảm việc sử dụng các hợp chất không cần thiết.

Theo Tiến sĩ Niti Chuchird, Tiến sĩ Tirawat Rairat, Arunothai Keetanon, Putsucha Phansawat, Tiến sĩ Chi-Chung Chou và Tiến sĩ Joy Campbell.

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/evaluating-the-effects-of-dietary-spray-dried-animal-plasma-on-pacific-white-shrimp/

Biên dịch: Huyền Thoại – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page