Lập kế hoạch, phòng ngừa giảm thiểu tác động của dịch bệnh do vi rút.

Các ao được bảo đảm an toàn sinh họcCác ao được bảo đảm an toàn sinh học bằng cách sử dụng dây xua đuổi chim và hàng rào để ngăn chặn các con vật mang mầm bệnh.

Thành công hay thất bại trong nuôi tôm thường phụ thuộc vào việc có ngăn chặn và kiểm soát được sự bùng phát của virus thành công hay không. Hầu hết các địa điểm trang trại ở Châu Á không phải là nơi không có virus, vì vậy các cơ sở phải có khả năng hoạt động được trong trường hợp có sự đe dọa từ vi rút.

An toàn sinh học đã được áp dụng để kiểm soát vi rút kể từ khi nuôi tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei đến châu Á vào năm 2002. An toàn sinh học bắt đầu với thiết kế trại chất lượng và tiếp theo là vận hành hệ thống an toàn sinh học. Với thiết kế, vận hành và đào tạo phù hợp tại các trang trại, các vấn đề về virus có thể được giảm thiểu.

Đặc tính của Vi rút

Hiểu được đặc tính của các loại vi rút gây ra vấn đề là yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát nó. Trong trường hợp vi rút gây hội chứng đốm trắng (WSSV) – bệnh đã tàn phá ngành nuôi tôm trong nhiều thập kỷ, loại vi rút này hoạt động trong môi trường nước tự do trong 72 giờ. Giả sử nó cũng có thể hoạt động ở tôm chết và vẫn nằm im trong tôm tươi đông lạnh, thì có nguy cơ WSSV có thể hoạt động trở lại trong môi trường thuận lợi. Cua và động vật giáp xác trưởng thành ở giai đoạn ấu trùng là những vật mang WSSV. Các loài chim cũng được phát hiện là có khả năng lây lan mầm bệnh do bắt tôm bệnh từ ao bị ảnh hưởng và thả chúng vào các ao và trang trại khác.

Cơ sở hạ tầng và thiết kế trại

Thiết kế trang trại cần phù hợp với hoạt động an toàn sinh học. Hệ thống cụm ao hay còn gọi là “mô đun” mà trong đó, nguồn nước biển đầu vào được xử lý trong các ao chứa trước khi bơm vào các ao nuôi là một thiết kế hiệu quả. Nước từ cùng một nguồn cho các mô-đun cần phải đi qua ít nhất hai ao xử lý trước khi chảy vào kênh đầu vào của từng mô-đun.

Tất cả các đầu vào và đầu ra của nước cần phải được đảm bảo không bị rò rỉ. Lót ao bằng vật liệu PE hoặc bê tông giúp tăng độ an toàn sinh học. Nhằm ngăn vật mang virus xâm nhập vào các mô-đun, cần phải lắp đặt hàng rào cua và dây xua đuổi chim. Để đạt được sức tải trong nuôi trồng, cần có hệ thống thoát nước trung tâm.

Giống tôm, xử lý nước

Trong các hoạt động nuôi, chỉ nên sử dụng nguồn giống sạch bệnh cụ thể. Mật độ thả phải phù hợp với năng lượng đầu vào và kích thước hệ thống để tránh gây căng thẳng cho tôm trong ao. Duy trì và đảm bảo tôm giống chất lượng bằng cách kiểm tra kích thước tiêu chuẩn và mang tôm phát triển tốt.

Việc thay nước tối thiểu nên được áp dụng trong hệ thống nuôi, chỉ sử dụng nước đã qua xử lý. Xử lý nước bao gồm các phương pháp vật lý, hóa học và thời gian để loại bỏ các “hạt” vi rút và vật mang vi rút. Tất cả các nguồn lấy nước đầu vào phải được bọc bằng lưới 250 µ để lọc các loài giáp xác và ấu trùng xâm nhập vào ao nuôi.

Để đảm bảo rằng tất cả các vật mang mầm bệnh đã được diệt trừ thì có thể sử dụng clo hoặc các hóa chất khác đã được phê duyệt vào các bể chứa và ao nuôi. Sau đó, nước được ủ tối thiểu 72 giờ để phân hủy các “hạt” virus. Nên giảm thiểu việc thay nước trong quá trình vận hành để giảm thiểu việc đưa các “hạt” virut vào.

Quản lý nước ao nuôi

Mật độ thả tôm giống và sử dụng năng lượng trong ao nuôi cần được tính toán dựa trên cơ sở hạ tầng và hệ thống ao nuôi. Các phương pháp sục khí cần được thực hiện để giữ cho lượng oxy hòa tan trong nước ao ở mức đồng nhất bằng cách hoạt động suốt ngày đêm, đồng thời cân nhắc chi phí năng lượng.

Để tăng sức tải của ao nuôi, bùn tích tụ ở đáy ao cần được loại bỏ bằng cách hút qua ống thoát ở trung tâm ao. Việc hút đáy ao thường bắt đầu từ ngày thứ 40 đến ngày thứ 50, tùy thuộc vào việc quản lý ao. Các ao nuôi có thể được hút nước từ hai đến ba lần mỗi tuần, mỗi lần tối đa là hai tiếng.

Kiểm soát con người, thiết bị

Một yếu tố quan trọng khác là kiểm soát chặt chẽ lượng người ra vào và thiết bị sử dụng, vì các nhân tố này thường có thể mang vi rút. Việc kiểm soát con người áp dụng đối với người quản lí ao nuôi cũng như kỹ thuật viên phòng thí nghiệm. Mỗi ao cần có thiết bị riêng để lấy mẫu nước. Nếu phải dùng chung các thiết bị như lưới, thì phải cẩn thận khử trùng nó trước và sau khi sử dụng.

Chỉ những người quản lí ao được phân công mới được xử lý các mẫu và thiết bị. Nếu được yêu cầu, mẫu có thể được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích thêm.

Cách ly, an toàn sinh học

Trong trường hợp vi rút bùng phát, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm dịch để ngăn vi rút lây lan sang các ao hoặc trang trại khác. Ngay khi nghi ngờ ao bị virus tấn công, ao phải được cách ly bằng các biển báo và các biện pháp khác để ngăn chặn lối vào khu vực ao nuôi. Đảm bảo rằng tất cả các cửa ra vào ao đều được đóng chặt.

Nếu phát hiện dương tính với vi rút, ao phải được khử trùng bằng clo với liều lượng cao hơn bình thường càng sớm càng tốt. Không mất thời gian chờ đợi kết quả PCR. Tất cả tôm chìm hoặc tôm chết phải được thu gom và đốt hoặc chôn. Ngừng vận hành tất cả các thiết bị sục khí, nhưng không đưa nó ra khỏi ao. Để yên nước ao ít nhất bảy ngày trước khi xả.

Sự ra vào của con người cũng cần được kiểm soát trong khu vực cách ly. Tất cả các máy lấy mẫu để phân tích môi trường và tôm phải được tạm dừng để tránh lây lan sang các cụm ao hoặc ao khác. Thành lập đội xử lý đặc biệt để thực hiện quy trình cách ly.

Nhận thức về an toàn sinh học là điều cần thiết cho tất cả nhân viên tại các trại. Không có cách nào để biết khi nào dịch vi rút bùng phát, vì vậy việc đào tạo thông qua các cuộc hội thảo hoặc các cuộc họp ngắn cho tất cả nhân viên các cấp tại trại là rất quan trọng.

Tác giả: Tiến sĩ Nyan Taw.

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/biosecurity-shrimp-farms/

Biên dịch: T.L – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *