Đây là thông tin hiển thị trên website, KHÔNG dùng để quét mã QR. Vui lòng liên hệ 1900 86 68 69 nếu link QR dẫn đến trang web này.
Đây là thông tin hiển thị trên website, KHÔNG dùng để quét mã QR. Vui lòng liên hệ 1900 86 68 69 nếu link QR dẫn đến trang web này.

Nhiều đợt bùng phát WSSV, AHPND và WFS/EHP đã được báo cáo, liên quan đến điều kiện khí hậu bất lợi

Những ao mới đầu tiên trong một trang trại rộng 100ha ở Kebumen Regency, Đảo Trung Java nằm trong kế hoạch quốc gia của Indonesia nhằm tăng sản lượng lên 2 triệu tấn vào năm 2024. Ảnh do Romi Novriadi cung cấp.

Theo khảo sát của GOAL, ước tính sản lượng tôm biển toàn cầu vào năm 2022 là khoảng 5,5 triệu tấn, bao gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Châu Á đóng góp hơn 3,5 triệu tấn. Vào tháng 1 năm 2023, Hội đồng Tôm tại Hội nghị Tiếp thị Thủy sản Toàn cầu (GSMC) ước tính sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 4,973 triệu tấn, trong đó châu Á đóng góp 2,955 triệu tấn.

Tính đến tháng 11 năm 2022, Mỹ nhập khẩu 779.725 tấn tôm, ít hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 808.534 tấn. Seafoodsource.com cho biết trong nửa cuối năm 2022, nhập khẩu hàng tháng thấp hơn so với năm trước. Dữ liệu của Cục Thủy sản Quốc gia (NMFS) cho thấy nhập khẩu đều giảm ở Ấn Độ (-9%), Indonesia (-2%), Việt Nam (-14%) và Trung Quốc (-35%).

Dự kiến năm 2023 sẽ là một năm khó khăn sau mức tồn kho thấp trong quý cuối năm 2022; nửa cuối năm sẽ phụ thuộc vào sự biến động của giá tôm và kinh tế thế giới, cả hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sức mua và từ đó ảnh hưởng đến sự tiêu thụ. Dự kiến những quốc gia có sản lượng tiêu thụ trong nước sẽ ít bị ảnh hưởng hơn những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu (GSMC, 2023).

Liên quan đến sản lượng toàn cầu năm 2023, hội đồng tôm GSMC dự báo sản lượng giảm 1% xuống còn 4,870 triệu tấn. Theo Nikolik và Sharma (2022), ngành tôm vẫn lạc quan về nguồn cung vào năm 2023 với sự tăng trưởng về nguồn cung và sự phục hồi trong sản xuất của Trung Quốc. Đóng góp của châu Á sẽ tăng 4% lên 4 triệu tấn vào năm 2023. Trong khi đó, ngành tôm ở Ecuador dự kiến xuất khẩu 1,02 triệu tấn từ sản lượng 1,4 triệu tấn vào năm 2023.

Trong các đoạn sau đây, chúng tôi thảo luận về những phát triển gần đây trong ngành nuôi trồng thủy sản, cụ thể là tôm ở Châu Á dựa trên thông tin từ ngành công nghiệp, các bài thuyết trình tại các hội nghị và bản tin tức gần đây.

Bảng 1. Một số ước tính về sản lượng tôm nuôi (tấn) ở các nước lớn ở Châu Á. DOF- Cục Thủy sản, Thái Lan; SAP- Hiệp hội các chuyên gia nuôi trồng thủy sản, Ấn Độ; GSMC 2023-Hội nghị tiếp thị thủy sản toàn cầu, 15-19 tháng 1 năm 2023, Palm Springs, California, Hoa Kỳ; SCI- Câu lạc bộ tôm Indonesia; Manoj Sharma, Mayank Aquaculture, Ấn Độ; Cơ quan thống kê Philippines.

Một trại giống ở miền Trung Việt Nam. Ảnh do Mark R Napulan cung cấp

Ấn Độ

Ấn Độ hiện dẫn đầu châu Á về tôm nuôi. Trong đánh giá vụ nuôi tôm hàng năm, Hiệp hội các chuyên gia nuôi trồng thủy sản (SAP) ước tính tổng sản lượng sẽ giảm nhẹ 3% xuống còn 902.525 tấn vào năm 2022. Tuy nhiên, điều này trái ngược với ước tính trước đó rằng sản lượng năm 2022 sẽ giảm 20-30%.

Trong blog của mình, Willem van der Pijl, chuyên gia về tôm, cho biết ngành tôm ở Ấn Độ đang phải đối mặt với “giá tại trang trại thấp bất thường và chi phí đầu vào cao”. Do nhập khẩu tôm bố mẹ và xuất khẩu tôm giảm mạnh trong tháng 10 và tháng 11, nên dự kiến sản lượng có thể sẽ giảm trong quý đầu tiên của năm 2023. Seafoodsource.com cho biết tình hình này đã khiến nông dân không còn năng nổ trong việc tiếp tục thả giống, nhiều người suy nghĩ đến việc bỏ hoang đất cho đến tháng 4 năm 2023.

Khoảng 40% tôm của Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, và Trung Quốc là thị trường tiếp theo sau Mỹ. Kích cỡ thu hoạch được ưa chuộng đối với tôm thẻ chân trắng tùy thuộc vào nhà chế biến và nhu cầu thị trường. Đối với thị trường Trung Quốc, kích cỡ được ưa chuộng là 80-90 con/kg. Vào cuối tháng 2 năm 2023, giá tại trang trại đối với tôm cỡ 100 con/kg là 255 INR/kg (3,08 USD/kg) và chi phí sản xuất dao động từ 200-210 INR/kg (2,42-2,54 USD/kg) tại các trang trại ở Andhra Pradesh, bang dẫn đầu trong nuôi tôm thẻ chân trắng.

Tuy nhiên, sản xuất tôm cỡ 100 con/kg không được ưa chuộng đối với nông dân ở Tamil Nadu, nuôi trong các ao ven biển/vùng sông có độ mặn cao, vì thời gian nuôi lâu hơn, từ 60-70 ngày và chi phí sản xuất quá cao, khoảng 215 INR/kg (2,6 USD/kg, chi phí trực tiếp). Kích thước thu hoạch có lợi nhuận đối với họ là cỡ 40 con/kg với chi phí sản xuất khoảng 265 INR/kg (3,21 USD/kg) và giá tại trang trại vào khoảng 380 INR/kg (4,60 USD/kg).

Tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng ở Ấn Độ. Cho đến đầu năm 2023, mức độ lây nhiễm với nhiều tác động khác nhau và tỷ lệ nhiễm Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) trên toàn quốc là gần 80%. Virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) đã phổ biến hơn trong những tháng mùa đông.

B. Ravikumar, Trợ lý Phó Chủ tịch – Kinh doanh và Kỹ thuật tại Growel Feeds Pvt Ltd cho biết: “Ở các vùng của Andhra Pradesh (Krishna, phía Tây và Đông Godavari), việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở độ mặn thấp (5-12ppt) khá được ưa chuộng, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của EHP, vì tỷ lệ sống và tăng trưởng không bị ảnh hưởng nhiều. Tỷ lệ nuôi thành công thấp ở các ao truyền thống có độ mặn cao hiện đã đẩy giá thuê đất ở các vùng nuôi có độ mặn thấp lên cao”.

Bảng 2. So sánh tỷ lệ sống, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) và chi phí sản xuất (COP) trong ao có độ mặn thấp (5-12ppt), có và không có Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) ở Andhra Pradesh, Ấn Độ. Cuộc khảo sát được thực hiện trên gần 1.000 ao từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023. Nguồn: B. Ravikumar và Gnanasri Jandhyala, Growel Feeds Pvt Ltd. Quy đổi: 82,52 INR=1 USD (20/3/2023).

“Khi bị nhiễm EHP, tùy thuộc vào kích cỡ thu hoạch, chi phí sản xuất tăng 10-13% trong các ao có độ mặn thấp ở Andhra Pradesh so với 20-25% trong các ao có độ mặn 25-33ppt ở Tamil Nadu. Ở những ao có độ mặn thấp này, nông dân có thể sản xuất 3-4 vụ/năm cỡ 100 con/kg với giá 225-240 INR/kg (2,72-2,90 USD/kg) vì mỗi vụ kéo dài khoảng 50-60 ngày.”

Liên quan đến di truyền học, ngành công nghiệp cũng cho biết rằng dòng cân bằng của SyAqua đã rất thành công và đang thu hút được sự chú ý ở Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng ổn định và khả năng sống tốt hơn trong các trang trại. Tôm post hoạt động tốt hơn trong điều kiện độ mặn thấp và phục hồi sau khi nhiễm phân trắng nhanh hơn.

Wan Nadhri Wan Fauzi (bên phải) với vụ thu hoạch tôm sú tại Blue Archipelago Bhd.

Việt Nam

Ngành công nghiệp báo cáo sản lượng đạt 800.000 tấn vào năm 2021 và dự báo sẽ giảm 10% vào năm 2022 xuống còn 720.000 tấn bởi sự xuất hiện của EHP vào nửa cuối năm 2022. Hội đồng tôm GSMC ước tính sản lượng tôm thẻ chân trắng là 680.000 tấn và tôm sú là 180.000 tấn.

Việc tăng sản lượng tôm hàng năm là mục tiêu liên tục của các bên liên quan trong ngành tôm Việt Nam. Các nhà lãnh đạo ngành cho rằng, sản lượng có thể đạt 1 triệu tấn vào năm 2022 nếu áp dụng các mô hình công nghệ cao, có thể cho năng suất 40-60 tấn/ha so với năng suất bình quân năm 2021 là trên 5 tấn/ha (vietnamagriculture.nongnghiep.vn).

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, Phòng thí nghiệm ShrimpVet cho biết, tại trang trại của ông, kích cỡ thu hoạch được ưa chuộng là 50 con/kg hoặc lớn hơn, nhưng các nhà chế biến nói chung thường ưa chuộng kích cỡ 40-60 con/kg. Trong một bài thuyết trình tại TARS 2022, Olivier Decamp và Nguyễn Văn Khánh, Grobest, đã mô tả chi tiết các dấu hiệu cho thấy sự suy giảm sản lượng. Trong số đó có tình trạng xuất khẩu giảm từ tháng 6 năm 2022, nguồn cung tôm giống thấp hơn vào đầu năm 2022, dịch EHP bùng phát, hội chứng phân trắng (WFS) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) kể từ tháng 4 và khí hậu bất lợi. Trong số đó, EHP là dịch bệnh nghiêm trọng nhất.

Vào tháng 7 năm 2022, Seabinagroup báo cáo rằng giá tôm thẻ chân trắng tăng 1.000-2.000 đồng/kg (0,04-0,08 USD/kg) tại Sóc Trăng (Đồng bằng sông Cửu Long) do sản lượng thu hoạch thấp hơn. Phạm vi giá cho tôm cỡ lớn (40-25 con/kg) là 130.000-175.000 đồng/kg (5,51 USD-7,42 USD/kg). Đối với cỡ nhỏ hơn (100-70 con/kg) là 99.000-119.000 đồng/kg (4,19-5,04 USD/kg).

Trung Quốc

Khảo sát của GOAL đã điều chỉnh ước tính về sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc lên 800.000 tấn vào năm 2022 và GSMC cũng đưa ra con số tổng là 800.000 tấn, trong đó có 120.000 tấn tôm sú. Kể từ khi xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ giảm 35%, Trung Quốc hiện được coi là nhà tiêu thụ tôm, thay vì là nhà cung cấp toàn cầu.

Theo Fatima Ferdouse, Chuyên gia tư vấn quốc tế ngành thủy sản, Malaysia, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 1 triệu tấn vào năm 2022, chủ yếu vào các tháng sau khi kết thúc giãn cách xã hội từ tháng 7 năm 2022 với mức 100.000 tấn/tháng. 60% nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Ecuador, tiếp theo là Việt Nam và Ấn Độ. Một nguồn tin trong ngành cho biết, sản xuất tôm thẻ chân trắng và tôm sú sống tại địa phương đang tăng lên. Tuy nhiên, giá có sự biến động, giá sẽ giảm khi nông dân thu hoạch nhiều tôm hơn. Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào năm 2023 sẽ là điểm sáng với nhu cầu ngày càng tăng và hy vọng điều này sẽ cải thiện mức giá chung.

Indonesia

Theo Haris Muhtadi, Chủ tịch Câu lạc bộ Tôm Indonesia, ước tính gần đây nhất về tổng sản lượng tôm nuôi năm 2022 là 445.000 tấn, con số này không thay đổi so với sản lượng năm 2021. Trong số đó có khoảng 50.000 tấn tôm sú từ các hệ thống nuôi quảng canh. Vào năm 2023, Haris dự kiến sản lượng sẽ thấp hơn so với năm 2022, chỉ ở mức 415.000 tấn do dịch bệnh gia tăng, chủ yếu là WSSV, AHPND và bệnh hoại tử cơ (IMNV) ở Bắc Sumatra, Lampung, Java và Sulawesi. Tại GSMC, hội đồng tôm lạc quan hơn với dự báo sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 380.000 tấn vào năm 2023.

Dựa trên dữ liệu về doanh số thức ăn chăn nuôi và ước tính từ những người dân địa phương trong ngành, một bài đăng trên blog Shrimp Insights vào tháng 2 năm 2023 đã cho biết tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng ở Indonesia sẽ không vượt quá 400.000-450.000 tấn. Bài đăng này cũng cho biết số sản lượng xuất khẩu tôm thẻ chân trắng chỉ đạt trên 200.000 tấn trong năm 2022. Xuất khẩu tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2022 và sau đó đình trệ trong 9 tháng cuối năm.

Haris cho biết sản lượng vẫn thấp hơn kỳ vọng do dịch bệnh, giá tại trang trại thấp hơn và nông dân muốn thu hoạch tôm cỡ nhỏ với giá chào bán tốt hơn từ các nhà máy chế biến trong nửa cuối năm 2022.

Kích cỡ thu hoạch được ưa chuộng là 30 con/kg nhưng điều này rất khó đạt được vì hầu hết các trang trại đều nằm trên đảo Java và các nhà chế biến chỉ cần một số lượng nhỏ sản phẩm này. Với điều này, chi phí sản xuất là 50.000-60.000 IDR/kg (3,25-3,90 USD/kg). Các nhà chế biến lại tìm kích cỡ từ 50-100 con/kg.

Chính phủ đã bắt đầu kế hoạch tăng sản lượng tôm nuôi vào năm 2024 lên 2 triệu tấn. Indonesia đã ra mắt trang trại đầu tiên ở Kebumen Regency, Đảo Trung Java với 149 ao lót bạt. Sản lượng mục tiêu là 40 tấn/ha.

Thái Lan

Sản lượng của Thái Lan là 256.832 tấn, trong đó có 241.526 tấn tôm thẻ chân trắng và 15.306 tấn tôm sú, tiếp tục giảm kể từ năm 2019. Dữ liệu chính thức này được thu thập từ một hệ thống có tên là Tài liệu thu mua sản phẩm nuôi trồng thủy sản (APD) liên kết nông dân với các nhà chế biến. Nếu không sử dụng hệ thống này, nông dân không thể bán tôm của họ: Cục Thủy sản giải thích rằng làm như vậy để tạo niềm tin vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của Thái Lan.

Theo Chuyên gia tư vấn phát triển nuôi trồng thủy sản Vinij Tansakul, phần lớn nông dân Thái Lan muốn quay trở lại thời kì sản xuất cao hơn hoặc ít nhất là nâng cao sản lượng. “Do thị trường biến động và vốn đầu tư hạn chế nên số nhà máy chế biến có kho lạnh giảm xuống còn 20 nhà máy, với tổng công suất khoảng 160.000-200.000 tấn/năm. Nếu muốn tăng năng suất, nông dân cũng phải cân nhắc đến khả năng thu mua của các nhà chế biến và cơ sở lưu trữ, đặc biệt là trong thời gian sản xuất cao điểm vào nửa cuối năm. Nếu không, sản lượng cao hơn sẽ làm giá giảm.”

Kích cỡ thu hoạch được ưa chuộng của nông dân Thái Lan là từ 60-70 con/kg vì nó mang lại lợi nhuận cao hơn. Tỷ lệ sống dao động từ 65-75%. Tansakul nói: “Các nhà chế biến thích cỡ 25-30 con/kg, nhưng cỡ này thực tế rất khó tìm và mua từ các trang trại nuôi tôm ở Thái Lan, vì cần đến 110-120 ngày nuôi. Phần lớn các trang trại nuôi tôm ở Thái Lan muốn nuôi tối đa là 80-90 ngày. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thường là 1,3-1,4 và tăng trưởng trung bình hàng ngày (ADG) đối với dòng tôm tăng trưởng nhanh là 0,21-0,23g, đối với dòng cân bằng là 0,18-0,21g. WSSV đã xuất hiện từ quý 4 năm 2022 và dường như nó tồn tại trong một thời gian dài đến bất thường.”

Trong buổi họp mặt gần đây cho ngành tôm Thái Lan tại Suratthani, Robins Mcintosh, Charoen Pokphand Foods Public Ltd (CPF), đã trình bày về việc sử dụng di truyền học như một công cụ chứ không phải là một giải pháp. Ông đưa ra ví dụ về những nông dân thành công (có lợi nhuận) đạt năng suất 30 tấn/ha sau 85 ngày với tỷ lệ sống đạt 92%. McIntosh nhấn mạnh vào tỷ lệ cho ăn phù hợp với di truyền và giảm mật độ thả xuống còn 100PL/m² để đạt được tăng trưởng trung bình hàng ngày là 0,33g.

Philippines

Trong số những người nuôi trong ngành, có một số mơ hồ liên quan đến sản lượng sản xuất vào năm 2022; họ cho biết sản lượng dao động trong khoảng 60-65.000 tấn nhưng dựa trên mức tiêu thụ thức ăn, sản lượng có thể vào khoảng 40.000 tấn đối với tôm thẻ chân trắng. Cơ quan Thống kê Philippines đưa ra sản lượng tôm sú năm 2022 là 33.731 tấn, trong đó có thể bao gồm cả tôm thẻ chân trắng. Các đợt bùng phát dịch bệnh lẻ tẻ như AHPND, WSSV và EHP và các bệnh đồng nhiễm gây ra tỷ lệ chết đột ngột. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của nông dân bao gồm điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, độ mặn thấp gây mất cân bằng khoáng chất, chi phí thức ăn tăng và giá tôm giảm theo mùa.

Vào cuối năm 2022, toàn bộ khu vực Calatagan đã bị tấn công bởi AHPND, EMS, hội chứng tôm chết hàng loạt (RMS) cùng với EHP được gửi đến BFAR để xét nghiệm. William Kramer, CCM Agri Aqua Ventures, cho biết: “Tình hình dịch bệnh dường như đã bắt đầu vào tháng 4, tháng 5 năm 2022 ở phía tây của tỉnh.” Ở những nơi khác, các công ty trong ngành đã báo cáo WSSV ở Negros Occidental và một phần của Đảo Cebu.

Với nguồn cung giảm do dịch bệnh cũng như chi phí sản xuất tăng cao, Kramer cho biết giá tại trang trại đã tăng lên. “Giá cơ sở (100 con/kg) là 240-280 PHP/kg (4,38-5,11 USD/kg) đối với các trang trại ở Luzon và 140 PHP/kg (2,55 USD/kg) đối với các trang trại ở Visayas. Các nhà sản xuất ở Luzon có lợi thế hơn nhờ vị trí gần các thị trường có nhu cầu cao xung quanh Metro Manila, trong khi các nhà sản xuất Visayas cần chi 70-80 PHP/kg (1,27-1,46 USD/kg) cho chi phí vận chuyển, và các nhà sản xuất ở Mindanao chi 90-100 PHP/kg (1,64-1,82 USD/kg) cho vận tải hàng không”. Vào tháng 3 năm 2023, giá tại trang trại ở Cebu vẫn ở mức cao là 260 PHP/kg (4,75 USD/kg), trong khi giá cơ sở thường chỉ là 190 PHP/kg (3,47 USD/kg, Tiến sĩ Valeriano Corre, pers. comm).

Malaysia

Ngành tôm ở Malaysia không kỳ vọng sản lượng năm 2022 thay đổi so với 40.000 tấn đạt được trong năm 2021. Về kích cỡ, các nhà chế biến ưa chuộng cỡ 31-40 con/kg đối với tôm thẻ chân trắng hoặc tôm sú. Tôm sống luộc bán với giá cao hơn so với tôm luộc đông lạnh mặc dù không có sự khác biệt về giá tại trang trại ở mức 33-35 MYR/kg (7,37-7,81 USD/kg) cho cỡ 30 con/kg (tháng 3 năm 2023). Màu sắc rất quan trọng đối với những người mua tập trung vào màu 29 dựa trên SalmoFan (công cụ đo màu sắc). Hầu như tất cả các sản phẩm đều được sản xuất cho thị trường nội địa. Singapore là một thị trường quan trọng đối với tôm sống, Tôm địa phương có giá tại trang trại là 27 MYR/kg (6,03 USD/kg) đối với cỡ 70 con/kg, thường cạnh tranh với tôm nhập khẩu chất lượng cao từ Thái Lan và khi điều này xảy ra, giá sẽ giảm.

Wan Nadhri Wan Fauzi, Giám đốc điều hành của Blue Archipelago Bhd, nhà tích hợp tôm hàng đầu Malaysia, cho biết: “Khách hàng của chúng tôi thích tôm cỡ 40-60 con/kg nhưng đối với chúng tôi, phạm vi tối ưu là 14g-18g (cỡ 70-50 con/kg) hoặc số ngày nuôi từ 65-85 ngày, dựa trên tỷ lệ sống sót, FCR, giá thị trường và kế hoạch giảm thiểu dịch bệnh. Vào năm 2022, những thách thức lớn của chúng tôi là các vấn đề về dịch bệnh, đặc biệt là WSSV. Về mặt di truyền học, chúng tôi cảm thấy hài lòng với khả năng kháng mầm bệnh cụ thể/không có mầm bệnh cụ thể (SPT/SPF) và chúng tôi mong muốn có thêm 1-2 dòng tôm đã được chứng minh có khả năng chống chịu tốt với tốc độ tăng trưởng cao như tăng trưởng trung bình hàng ngày trên 0,2g.”

Thu hoạch tôm sú ở Malaysia

Phân đoạn trại giống và di truyền

Gần đây, các trại sản xuất giống ở Ấn Độ và Đông Nam Á đã có một số lựa chọn về dòng tăng trưởng và dòng cân bằng của tôm bố mẹ. Ở Ấn Độ, dòng Hardy của Shrimp Improvement Systems (SIS) và dòng Balance của Kona Bay dẫn đầu thị trường. Kona Bay đã có một năm thuận lợi tại Indonesia, trong khi các dòng tôm mới từ American Penaeid Inc (API) và Benchmark đã được giới thiệu đến các trại sản xuất giống ở Lampung và Java. Một nguồn tin trong ngành cho biết kết quả của những đợt giới thiệu mới này vẫn chưa được nhìn thấy, đồng thời cho biết thêm rằng đã có sự thay đổi đối với tôm có khả năng kháng bệnh ở Indonesia, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, dẫn đến FCR cao hơn, làm giảm lợi nhuận, đặc biệt là giá thấp hơn. Ông nói thêm rằng dòng Balance dường như được ưa chuộng hơn, nhưng hiệu suất tăng trưởng vẫn chưa đạt được sự chắc chắn.

Một số nhận xét về việc sử dụng các dòng tăng trưởng và dòng có khả năng kháng bệnh đã được đưa ra trong báo cáo của các quốc gia có liên quan, bao gồm:

  • Nhìn chung các dòng tăng trưởng nhanh vẫn được ưa chuộng.
  • Tôm bố mẹ dựa trên di truyền của dòng Balance có xu hướng được ưa chuộng hơn trong các chu kỳ có dịch bệnh bùng phát và trong mùa mưa.
  • Benchmark và API chưa bước vào thị trường Philippines, nhưng đây là quốc gia ưu tiên tốc độ tăng trưởng nhanh.
  • Trong khi nông dân đang phải đối mặt với các vấn đề về dịch bệnh, họ vẫn tiến bộ về mặt kỹ thuật và cởi mở hơn để thử nghiệm và thích ứng với các gen mới.

Từ những chuyến thăm nhiều trại giống ở châu Á, Mark R. Napulan, Zeigler Feeds, đã nhận thấy: “Các công ty sản xuất giống cần tập trung hơn vào việc nâng cao các biện pháp an toàn sinh học bằng cách giảm sử dụng thức ăn tươi sống và thực hiện các quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt trong trại giống. Chúng tôi khuyến khích việc chuyển sang sử dụng chế độ ăn an toàn sinh học trong quá trình trưởng thành của tôm và nuôi ấu trùng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh và ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh. Việc áp dụng một chương trình probiotic hiệu quả và đã được chứng minh trong trại sản xuất giống có thể loại bỏ Vibrio, tăng cường sức khỏe đường ruột và duy trì môi trường ổn định cho tôm giống.”

Về mặt tối ưu hóa chi phí, Napulan gợi ý rằng các trại sản xuất giống bắt đầu đánh giá hiệu quả sử dụng thức ăn bằng cách tính toán số lượng tôm post được sản xuất/g thức ăn. Napulan cho biết: “Việc sử dụng chế độ ăn giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa sẽ tạo ra hậu ấu trùng chất lượng, có thể phát triển tốt hơn trong ao nuôi sau này.”

Ở Indonesia, Philippines, Malaysia và Ấn Độ, các hệ thống ương dưỡng hiện không được áp dụng tốt và ít được quan tâm. Từ quan điểm của nông dân, rủi ro của việc ương giống lớn hơn lợi ích của nó. Các trang trại trước đây đã đầu tư vào hệ thống ương giống đã quay trở lại với việc trực tiếp thả giống”. Các lý do khác khiến các trang trại không áp dụng hệ thống ương là do cần có các kỹ thuật viên giỏi và việc quản lý hệ thống này vẫn được nhiều nông dân cho là phức tạp.

Tôm sú

Trong một phiên họp dành riêng cho nuôi tôm sú tại Diễn đàn tôm toàn cầu (GSF) năm 2022, McIntosh cho biết, sự gia tăng hoạt động nuôi tôm ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia, phần lớn là do nguồn tôm bố mẹ được thuần hóa và không có mầm bệnh cụ thể (SPF) của CPF. Ông dự kiến sản lượng tôm sú của Trung Quốc sẽ tăng lên 180.000 tấn từ 100.000 tấn vào năm 2021 trong khi CEO của Minh Phú, ông Lê Văn Quang dự kiến 20% sản lượng tôm của Việt Nam là tôm sú, ước tính đạt 180.000 tấn (AAP, tháng 9/10 năm 2022).

Ở Ấn Độ, sự quan tâm đến ngành nuôi sú đến từ sự sẵn có của nguồn tôm sú SPF tăng trưởng nhanh như giống tôm từ Moana (Hawaii) và tôm bố mẹ thuần hóa từ Madagascar. Đó cũng là do tôm sú có khả năng kháng EHP, WFS, và RMS cao hơn và phù hợp hơn để nuôi ở Gujarat trong những tháng hè nóng bức mà tôm thẻ chân trắng không thể chống chịu được. Nông dân Gujarat luôn chỉ có một vụ/năm và với tôm sú, họ có thêm một sự lựa chọn. SAP ước tính sản lượng đạt 50.000 tấn vào năm 2022, trong khi Tiến sĩ Manoj Sharma, Mayank Aquaculture, Ấn Độ, đưa ra ước tính sản lượng đạt 30.000-35.000 tấn vào năm 2022.

McIntosh cho biết các trang trại tôm thẻ chân trắng ở Trung Quốc, Việt Nam và một số vùng của Ấn Độ thường phải đương đầu với dịch bệnh, nhưng tôm sú lại không gặp thách thức tương tự (seafoodsource.com). “Nếu tôm sú trở lại chiếm 20% sản lượng tôm nuôi ở châu Á, đó sẽ là một thành công lớn.”

Giá cả hoạt động tốt trong thời gian đầu năm 2022. Đến giữa năm, các nhà sản xuất ở Malaysia bắt đầu phàn nàn về giá thấp, trái ngược với giá thu mua tại trang trại ở Việt Nam.

Vào tháng 3 năm 2023, giá tại trang trại đối với tôm sú cỡ 30 con/kg ở mức 33-34 MYR/kg (7,37-7,59 USD/kg) thấp hơn 1,00 MYR/kg (0,22 USD/kg) so với tôm thẻ chân trắng cỡ tương tự. Vào cuối năm 2022, giá tôm sú cỡ 20 con/kg giảm xuống còn 420 INR/kg (5,08 USD/kg) từ 720 INR/kg (8,72 USD/kg) tại Ấn Độ trong khi chi phí sản xuất là 480 INR/kg (5,81 USD/kg). Giá tôm sú cỡ 30 con/kg của Việt Nam duy trì ở mức cao hơn 7,80 USD/kg vào cuối năm và tăng lên 9,60 USD/kg vào tháng 2/2023, trong khi giá của Ấn Độ giảm xuống 4,30 USD/kg vào tháng 2/2023.

Trên blog của mình, Willem van der Pijl cho biết xuất khẩu tôm sú sống cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 15.500 tấn vào tháng 10, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021. “Người tiêu dùng từ Bỉ, Đức và Hà Lan – những thị trường truyền thống lớn hơn đối với tôm sú châu Á rõ ràng đang bổ sung hoặc thay thế nguồn cung từ Bangladesh bằng các lô hàng từ Ấn Độ.”

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/march-april-2023/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA- CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page