EHP đã trở thành mối đe dọa chính và một số biện pháp được đề xuất để ngăn chặn sự lây lan

Tại hội thảo Infofish Shrimp 2019, được tổ chức từ ngày 12-14 tháng 11 với chủ đề “Cập nhật các mối đe dọa từ dịch bệnh trên tôm”. Ba diễn giả đã thảo luận về những kiến thức mới nhất: Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, Phòng thí nghiệm ShrimpVet, Minh Phú AquaMekong, Việt Nam; Tiến sĩ Kallaya Sritunyalucksana-Dangtip, Trung tâm Quốc gia về Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (BIOTEC), Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Thái Lan và Tiến sĩ Jumroensri Thawonsuwan, từ Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Động vật Thủy sản Songkhla (SAAHRC), Cục Thủy sản, Thái Lan (DOF). Jumroensri đã trình bày kết quả từ các cuộc giám sát do DOF Thái Lan thực hiện cũng như một số biện pháp trên toàn quốc nhằm giảm sự xuất hiện của mầm bệnh trong nuôi tôm.

Cả Tiến sĩ Trần Hữu Lộc và Jumroensri đều thảo luận về các mối đe dọa từ một số bệnh tôm, nhưng trong báo cáo này chủ yếu tập trung vào Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), Kallaya cho biết: “Nhìn chung, nó đã trở thành dịch bệnh trong nuôi tôm châu Á. Cụ thể, ở Thái Lan, tỷ lệ nhiễm EHP cao với 60,1% số ao bị ảnh hưởng.” Jumroensri cho biết ở Thái Lan, DOF tập trung vào việc phát hiện mầm bệnh trong các mẫu. Trong đợt giám sát năm 2019, sự hiện diện ở tôm giống và tôm nuôi thương phẩm là: EHP >VpAHPND WSSV>IHHNV>YHV. Sự hiện diện của EHP đã tăng lên 26,5% vào năm 2019, từ 25,1% vào năm 2017 và 17,5% vào năm 2018, trong khi việc phát hiện Vibrio parahaemolyticus (VpAHPND) đã giảm xuống 2,1% vào năm 2019 từ 3,6% vào năm 2018 và 6,4% vào năm 2017. Ngoài ra, sự hiện diện của EHP ở tôm thẻ chân trắng giai đoạn bột cao gần gấp đôi so với tôm giống.

Trần Hữu Lộc, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc của ShrimpVet đã xem xét các bài học rút ra từ sự xuất hiện của ba mối đe dọa dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của ngành tôm châu Á. Đó là hội chứng tôm chết sớm/bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND), EHP và bệnh phân trắng (WFD). Bên cạnh đó, tất nhiên là cũng có những thách thức từ virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV), virus gây ánh kim trên hồng cầu tôm (SHIV) cũng như dư lượng kháng sinh, khi các trang trại sử dụng các biện pháp khắc phục nhanh chóng. Dựa trên các mẫu xét nghiệm tại Phòng thí nghiệm ShrimpVet, ông Lộc cho thấy kết quả PCR dương tính với EHP có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2019, có đến 60,3% tỷ lệ dương tính EHP trong mẫu tôm nuôi so với 43% trong năm 2018. Ngược lại, tỷ lệ dương tính với AHPND chỉ ở 33% trong năm 2019. Ông cho biết: “Có sự tích tụ mầm bệnh này trong các trang trại và nguồn nước đầu vào và việc sống với EHP đang trở thành một “thói quen”.”

Tôm chậm lớn khi cảm nhiễm với EHP.
Ảnh từ Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, Shrimp Vet Lab, Minh Phú AquaMekong

EHP

Kallaya, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Sức khỏe Động vật Thủy sản (AQHT) tại BIOTEC, đã đưa ra thông tin cập nhật từ nghiên cứu được thực hiện tại BIOTEC và hợp tác với các chuyên gia về vi bào tử trùng tại CEFAS và Đại học Exeter, Vương quốc Anh. EHP là một loại vi bào tử trùng liên quan đến nấm và tôm nhiễm sẽ bị bệnh chậm lớn. Tuy nhiên, sự chậm lớn này không biểu hiện rõ ràng trước hai tháng nuôi. Nhóm nghiên cứu tìm cách giải đáp một số câu hỏi được liệt kê dưới đây. Các câu trả lời sẽ giúp họ thiết kế các chiến lược kiểm soát khả thi.

Con đường lây truyền và cơ chế lây nhiễm của EHP

Kallaya cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh được EHP lây truyền theo chiều ngang khi chúng tôi thả tôm bị nhiễm bệnh vào một bể nuôi tôm chưa bị nhiễm bệnh. Tại phòng thí nghiệm, sự lây nhiễm xảy ra trong vòng 14 ngày. Điều này là do phân của tôm bị nhiễm bệnh có chứa các bào tử. Chúng tôi đã mất nhiều thời gian để làm sạch bào tử nhằm hiểu rõ hơn về cơ chế lây nhiễm. Sự nảy mầm của bào tử EHP là một quá trình quan trọng đối với sự lây nhiễm EHP ở tôm. Gần đây, chúng tôi đã có thể làm sạch các bào tử EHP và phát triển thử nghiệm để tạo ra sự nảy mầm của bào tử thông qua quá trình “đẩy” của ống phân cực. Thử nghiệm cho phép chúng tôi kiểm tra các hóa chất và chất khử trùng có thể được sử dụng để ức chế quá trình nảy mầm trong trại giống và ao nuôi thương phẩm (Aldama-Cano và cộng sự, 2018)”. Hình 1 cho thấy bào tử EHP nảy mầm (bào tử hoạt động) và bào tử không nảy mầm (bào tử bất hoạt).

Nguyên nhân tôm chậm lớn

Sau khi làm sạch bào tử, Kallaya nói rằng nhóm đã tiếp tục giải trình tự bộ gen của vi bào tử trùng (Wiredu Boakye, và cộng sự, 2017). “Bộ gen cho thấy các gen bị thiếu mã hóa cho các enzyme liên quan đến con đường glycolysis trong EHP. Vì glycolysis là con đường cơ bản để tạo ATP ở sinh vật nhân thực, khi các gen của con đường này bị mất, năng lượng cho sự phát triển của EHP được lấy trực tiếp từ tôm, dẫn đến tôm chậm lớn.”

Phương pháp PCR mới

Xuất phát từ nghiên cứu về bộ gen của EHP, BIOTEC và Centex Shrimp đã phát triển một phương pháp (SWP-PCR) để phát hiện EHP. Nó được khuyến nghị sử dụng để phát hiện EHP trong các mẫu không phải là tôm (phân, thức ăn và môi trường) để xác định những vật thể mang EHP tiềm năng (Jaroenlak và cộng sự, 2016). Phương pháp SWP-PCR mới không cho ra kết quả dương tính giả từ các microsporidia có liên quan chặt chẽ, trong khi các phương pháp phát hiện PCR hiện tại (SSU-PCR) có thể cho kết quả xét nghiệm dương tính giả do phản ứng chéo của mồi SSU-PCR với DNA từ các microsporidia có liên quan chặt chẽ, gây nhiễm cho các sinh vật thủy sinh khác.

Môi trường chứa EHP

“Mặc dù các phương pháp SWP-PCR đã được thiết lập và chúng tôi đã hiểu rõ hơn về cơ chế lây nhiễm EHP, nhưng tỷ lệ nhiễm EHP trong cuộc khảo sát gần đây nhất của chúng tôi ở Thái Lan vẫn cao. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng có thể có một hoặc nhiều ổ chứa EHP trong ao mà chúng tôi đã bỏ qua. Nhiệm vụ hiện tại của chúng tôi là sử dụng lưới thu sinh vật phù du với các kích cỡ mắt lưới khác nhau để lọc nước thu thập từ các ao bị nhiễm EHP nặng. Bằng cách sử dụng phương pháp metagenomics, chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy ổ chứa EHP trong ao, nếu có,” Kallaya nói thêm.

WFD-EHP: Một cặp bài trùng

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc đã đưa ra mô tả này khi tôm bị nhiễm EHP lần đầu tiên. WFD có nhiễm khuẩn và gây sự bong tróc các vi nhung mao và tế bào của gan tụy. Vibrio đã được phân lập từ cá thể bị nhiễm WFD. Trong một số thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, ông đã chỉ ra rằng việc nhiễm EHP trước đó có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của WFD trong thử nghiệm cảm nhiễm với Vibrio. Hiện tượng dẫn tới mắc WFD tương tự cũng được quan sát thấy tại trang trại, một trường hợp có thể điều trị được khi chỉ có Vibrio và một trường hợp không thể điều trị được là Vibrio + EHP.

Một số giải pháp thiết thực cho EHP

Từ sự hiểu biết về phân tử hiện tại, Kallaya đã đưa ra một số gợi ý thiết thực về việc kiểm soát EHP bao gồm:

    • Kiểm tra tôm giống bằng PCR-SWP trước khi mua.
    • Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy việc ức chế hoàn toàn sự nảy mầm của bào tử khi bào tử được đông lạnh ở -20°C trong ít nhất 2 giờ. Các hóa chất mang lại hiệu quả ức chế 100% là 15 ppm KMnO4, (thuốc tím) trong 15 phút, 40 ppm clo hoạt tính (nồng độ 65%) trong 15 phút hoặc 10 ppm clo hoạt tính (65%) trong 24 giờ và ethanol 20% trong 15 phút (Aldama -Cano và cộng sự, 2018). Thành phần axit béo của giun nhiều tơ không bị ảnh hưởng sau 3 tháng đông lạnh.
    • Sự nảy mầm của bào tử xảy ra ở pH cao (≥9). Xử lý ao nuôi thương phẩm trước khi thả giống bằng cách tăng nồng độ pH có thể giúp kích thích bào tử bị ô nhiễm trong ao từ vụ trước nảy mầm. Sự nảy mầm mà không có vật chủ sẽ làm cho bào tử bị bất hoạt và cuối cùng là chết.

Hình 1: Bào tử EHP nảy mầm (bào tử hoạt động) và bào tử không nảy mầm (bào tử bất hoạt). Ảnh từ Kallaya Sritunyalucksana-Dangtip, BIOTEC

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, điều quan trọng là phải kiểm soát EHP ở cấp trại giống. Ông khuyến nghị kiểm tra PCR đối với tất cả các yếu tố đầu vào (tôm bố mẹ, thức ăn cho đàn bố mẹ) và quan trọng là để đông lạnh giun nhiều tơ sống. “Đây là biện pháp kiểm soát rất hiệu quả, nhưng nhược điểm là giảm khả năng sinh sản, làm tăng chi phí sản xuất nauplii lên 30%. Tổng chi phí là nhỏ; tại trại giống, chi phí sản xuất nauplii chỉ bằng 10% tổng chi phí sản xuất và đối với chi phí cho tôm giống chỉ chiếm 5% tổng chi phí nuôi nên chủ trại giống và người nuôi cần hợp tác, chia sẻ chi phí để phòng chống EHP trong hệ thống nuôi”.

Kiểm soát mầm bệnh trên toàn quốc

Ở Thái Lan, Jumroensri, Giám đốc SAAHRC cho biết DOF đã thiết lập một số biện pháp và luật pháp để giảm tác động của dịch bệnh trong giai đoạn sản xuất giống và ương giống. Có tiêu chuẩn bắt buộc đối với hệ thống sản xuất ấu trùng nauplii của tôm thẻ chân trắng P. vannamei sạch mầm bệnh tại các trang trại tuân thủ được chứng nhận. Hiện nay đã có 50 trang trại được chứng nhận. “Dự án làm sạch” trại sản xuất giống và trại ương tôm biển sử dụng xét nghiệm Real-time PCR đối với 8 bệnh (WSSV, IHHNV, YHV, TSV, IMNV, VPAHPND, EHP, SHIV) và trong đó có 245 trang trại được liệt kê trong danh sách trắng, DOF tiến hành “Dự án từng lô” nơi mà tôm post được kiểm tra 8 mầm bệnh trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm.

Về chiến lược kiểm soát, DOF hợp tác với BIOTEC- sau khi có được thông tin, một số giao thức được phát triển để chuyển giao cho nông dân. Một ví dụ là về xử lý ao, sử dụng phân bón và tăng độ kiềm để kích thích tiêu diệt bào tử. DOF khuyến cáo sử dụng probiotics Bacillus và chiết xuất thảo mộc (chiết xuất riềng) để giảm nhiễm trùng.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/march-april-2020/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *