Một thử nghiệm gần đây đã cho thấy rằng việc sử dụng bột mì thay vì mật đường để làm nguồn carbon trong hệ thống biofloc có thể cải thiện hiệu suất tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm.

Hệ thống sản xuất biofloc cho phép nông dân nuôi tôm với lượng thức ăn và lượng nước đầu vào tối thiểu

Hệ thống sản xuất biofloc cho phép nông dân nuôi tôm với lượng thức ăn và lượng nước đầu vào tối thiểu. Ảnh của Florida Organic Shrimp

Nghiên cứu mới từ Đại học Suez đã kết luận rằng việc sử dụng bột mì làm nguồn carbohydrate để nuôi tôm thẻ chân trắng trong hệ thống biofloc có liên quan đến việc cải thiện các thông số sản xuất như hiệu quả sử dụng thức ăn, tỷ lệ sống, thành phần vi sinh vật, thành phần dinh dưỡng và hiệu suất tăng trưởng của tôm.

Trong hệ thống biofloc, việc bổ sung carbohydrate cho phép vi khuẩn dị dưỡng phát triển và cân bằng nồng độ nitơ trong nước. Ngoài ra, nó còn giúp người nuôi duy trì được các thông số chất lượng nước ở mức ổn định mà không cần thay nước. Việc bổ sung các nguồn carbohydrate hoặc carbon có thể làm tăng sản lượng tôm bởi vì nó giúp cân bằng quần thể vi khuẩn trong hệ thống. Ngoài ra, nó cũng giúp cơ thịt tôm đạt chất lượng tốt hơn vào cuối chu kỳ sản xuất.

Các nguồn carbon khác nhau đã được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật trong biofloc, bao gồm mật đường, glycerol và glucose. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng việc sử dụng các nguồn carbon hữu cơ có thể thúc đẩy sự phát triển của các quần thể vi khuẩn dị dưỡng có lợi.

Mặc dù hệ thống biofloc có thể mang lại hiệu quả về năng suất sản xuất và tác động tích cực đến môi trường, nhưng việc duy trì chất lượng vi khuẩn trong hệ thống là một thách thức không hề nhỏ. Nếu mật độ vi khuẩn trong hệ thống không được quản lý liên tục, chúng có thể vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép và gây hại cho tôm.

Tôm thẻ chân trắng được nuôi trong hệ thống biofloc

Tôm thẻ chân trắng được nuôi trong hệ thống biofloc

Nghiên cứu tại Đại học Suez đã thử nghiệm mật đường và bột mì để xác định nguồn carbon nào sẽ hoạt động tốt hơn trong hệ thống biofloc. Thử nghiệm đã so sánh ảnh hưởng của chất nền đối với chất lượng nước, hiệu suất tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, thành phần floc, thành phần dinh dưỡng của tôm và quần thể vi sinh vật xung quanh.

Kết quả chính

Phân tích các thông số chất lượng nước, kết quả chỉ ra rằng nghiệm thức sử dụng bột mì có ảnh hưởng đến nồng độ oxy hòa tan (DO) cao hơn so với mật đường. Không có sự khác biệt đáng kể giữa các nghiệm thức về nồng độ amoniac, nitrit và pH. Tuy nhiên, sự gia tăng độ đục (64,27 NTU) và thể tích floc (18,40 mL/L) được ghi nhận ở nghiệm thức bổ sung mật đường.

Kết quả về hiệu suất tăng trưởng được nhận thấy bao gồm trọng lượng cuối cùng (12,37 g), tăng trọng (12,34 g), tăng trọng trung bình hàng ngày (0,096 g/ngày), tăng trọng hàng tuần (0,68 %) và tốc độ tăng trưởng cụ thể (4,70 %). Dữ liệu này cao hơn đáng kể so với nghiệm thức sử dụng mật đường. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng việc sử dụng bột mì cho tỷ lệ sống cao hơn (99%), sinh khối cao hơn (71,16 kg) và tỷ lệ phần trăm tăng sinh khối (395.337).

Ngoài ra, họ cũng chỉ ra rằng các nghiệm thức bổ sung bột mì đã cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn, dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp hơn (1,37) và hiệu quả sử dụng protein cao hơn (1,92). Tương tự như vậy, thành phần dinh dưỡng của biofloc cũng như chất lượng cơ thịt của tôm tốt hơn ở nghiệm thức bổ sung bột mì. Khi đề cập đến các thông số vi khuẩn trong nước nuôi, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng tổng số vi khuẩn dị dưỡng là giống nhau giữa các nghiệm thức bột mì và mật đường, không có sự khác biệt đáng kể giữa các nghiệm thức.

Dựa trên những kết quả này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng bột mì là một nguồn carbohydrate lý tưởng để nuôi tôm trong hệ thống biofloc.

Theo The Fish Site

Nguồn: https://thefishsite.com/articles/which-biofloc-substrate-is-better-wheat-or-molasses

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *