Thông tin về sản xuất trong nước của Trung Quốc tạo ra mối liên kết giữa việc nhập khẩu và tiêu thụ, cũng như tiềm năng tăng cường sản xuất trong tương lai gần.

Luôn có một bí ẩn xung quanh sản lượng tôm biển thực tế ở Trung Quốc, cả thời điểm trước và trong đại dịch. Trong khi một số nguồn ước tính sản lượng của Trung Quốc vào khoảng 800.000 tấn thì chính phủ Trung Quốc tuyên bố con số trên 2 triệu tấn. Việc thu thập được dữ liệu thực tế về sản xuất tôm ở Trung Quốc có thể được xem là một thách thức.

Trong khoảng thời gian từ tháng 10/tháng 11 năm 2022 đến tháng 3/tháng 4 năm 2023, tôi đã dành 5 tuần để tham quan các nhà máy thức ăn chăn nuôi và trang trại nuôi tôm cũng như tương tác với các bên liên quan. Điều này mang lại cho tôi cơ hội thu thập dữ liệu về nuôi tôm ở Trung Quốc. Trong hội thảo về Sản xuất Tôm tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu, tổ chức từ ngày 5-7 tháng 9 tại Utrecht, Hà Lan, tôi đã trình bày một số thong tin về nuôi tôm ở Trung Quốc và công bố số liệu sản xuất tôm của Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2022 và tiềm năng tăng sản lượng.

Sản xuất tôm thẻ chân trắng ở Trung Quốc

Dữ liệu chính thức từ Niên giám Thống kê Thủy sản về sản lượng tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei trong môi trường biển là 900.000 tấn vào năm 2014 và tăng lên 1,3 triệu tấn vào năm 2021. Năm tỉnh dẫn đầu là: Quảng Đông, Quảng Tây, Sơn Đông, Phúc Kiến và Giang Tô, trong đó tổng sản lượng được sản xuất là 1,6 triệu tấn vào năm 2021. Con số này đã bao gồm tôm thẻ chân trắng được nuôi trong nước có độ mặn dưới 5ppt mà ngành công nghiệp Trung Quốc phân loại là hệ thống nước ngọt, đóng góp khoảng 300.000 tấn vào năm 2021 (Hình 1 và 2).

Hình 1. Sản xuất tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei tại Trung Quốc từ năm 2014 đến năm 2021. Theo Niên giám Thống kê Thủy sản Trung Quốc, tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei năm 2021 là 1,99 triệu tấn, tăng 6,15% so với năm 2020, trong đó 1,27 triệu tấn được sản xuất từ tôm nuôi nước biển (SW) và 703.800 tấn từ tôm nuôi nước ngọt (FW).

Hình 2. Sản lượng tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei nuôi trong nước biển và nước ngọt của 5 tỉnh hàng đầu Trung Quốc năm 2021 (x 1.000 tấn). Theo Niên giám Thống kê Thủy sản Trung Quốc.

Niên giám Thống kê Thủy sản Trung Quốc mới nhất không có số liệu cho năm 2022, nhưng theo phương tiện truyền thông đáng tin cậy từ WeChat, 11 tỉnh và khu vực vào năm 2022 đã sản xuất 1,49 triệu tấn tôm thẻ chân trắng từ các trang trại sử dụng nước biển. Giả định thêm 300.000 tấn nữa từ các trang trại nước ngọt, tổng sản lượng vào năm 2022 ước tính đạt hơn 1,8 triệu tấn.

Tại Trung Quốc, các trang trại nuôi tôm trải rộng từ tỉnh Hải Nam ở phía nam đến tỉnh Liêu Ninh ở phía bắc. Ít nhất 11 tỉnh và khu vực đang nuôi tôm biển dọc theo bờ biển dài 14.500 km. Nhiệt độ mùa hè nóng và ẩm, nhưng nhiệt độ mùa đông thay đổi từ nhiệt đới ở Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông đến ôn đới ở Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô và đến mùa đông lạnh giá ở Sơn Đông, Hà Bắc và Liêu Ninh (Hình 3).

Hình 3. Sản xuất tôm ở Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc được điều chỉnh để hiển thị các điều kiện nuôi, nguồn https://www.thoughtco.com/ china-provinces-4158617

Hệ thống nuôi

Hệ thống nuôi của Trung Quốc có thể được phân thành bốn loại: ao đất, ao nổi, nhà kính lớn nhỏ và nhà máy nuôi tôm (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, RAS).

Ao đất

Những hệ thống này chiếm một nửa khối lượng sản xuất hàng năm. Kích thước ao nuôi dao động từ 0,5-3ha, không có lớp lót ao; nước thường được cung cấp thông qua trao đổi thủy triều mà không cần bơm, và mật độ thả giống dao động từ 10-30 PL/m2. Trong ao thường có một số quạt nước hoặc thiết bị sục khí, và không có hệ thống sưởi trong những tháng mùa đông. Thường có từ 1-2 vụ/năm và sản lượng dao động từ 4,5-11 tấn/vụ/ha. Tất cả các ao nuôi đều là hệ thống mở, an toàn sinh học thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thời tiết như dao động nhiệt độ, mưa, lũ lụt và bão.

Ao nổi

Hệ thống nuôi này chiếm khoảng 15% sản lượng hàng năm. Ao được lót bạt, hoặc được xây bằng gạch hay tường bê tông, dùng máy bơm để lấy nước, mật độ thả giống từ 50-120 PL/m2 có quạt nước và máy sục khí. Thường có từ 1-2 vụ/năm. Năng suất dao động từ 11-26 tấn/vụ/ha. Tôm trong các hệ thống mở này có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Ao nuôi dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động nhiệt độ, bão, lũ lụt.

Nhà kính

Khoảng 30% sản lượng tôm đến từ hệ thống này. Dựa trên kích thước của ao, hệ thống này có thể được chia thành các nhà kính lớn và nhỏ.

Hệ thống nhà kính lớn về cơ bản là một ao đất được lót bạt. Trong hệ thống này, ao nuôi nhỏ (0,4-1ha) và mật độ thả giống cao (50-80 PL/m2) so với ao đất thông thường. Năng suất dao động từ 9-23 tấn/vụ/ha. Lớp màng phủ giúp che chắn ao khỏi chim, sâu bệnh và mưa, đồng thời ổn định nhiệt độ nước bằng cách duy trì điều kiện ấm áp khi sử dụng hệ thống sưởi. Tuy nhiên, nó vẫn có nguy cơ bị thiệt hại do bão vì kích thước rộng lớn của nó.

Hình ảnh bên trong nhà kính với chủ trang trại Chen Zhongfa tại Tiêu Sơn, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh của Fu-Ci Guo

Hệ thống nhà kính nhỏ thường có kích thước 10m×40m (0,04ha) không có lớp lót bạt. Mật độ thả nuôi từ 75-100 PL/m2 và năng suất 12-30 tấn/vụ/ha. Thường có 2-3 vụ/năm. Lớp màng phủ giúp che chắn ao nuôi với môi trường bên ngoài và ổn định nhiệt độ khi sử dụng hệ thống sưởi. Những nhà kính nhỏ này ít bị thiệt hại do bão.

Mô hình nhà kính nhỏ bắt đầu ở Rudong, tỉnh Giang Tô khoảng một thập kỷ trước. Số lượng nhà kính hiện đã vượt quá 200.000 đơn vị chỉ riêng ở tỉnh Giang Tô. Gần đây mô hình này đã mở rộng về phía nam tới các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến. Người ta ước tính có 450.000 nhà kính hiện đang hoạt động trên toàn quốc, sản xuất khoảng nửa triệu tấn tôm. Mô hình với kích thước nhỏ giúp việc quản lý và vận hành được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do ao hình chữ nhật nên không có hệ thống thoát nước trung tâm và sục khí được nén bằng ống sục khí nano. Đây là một hệ thống bio-floc dựa vào probiotics để xử lý nước và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác.

Hệ thống nhà kính ở Tiêu Sơn, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh của Fu-Ci Guo.

Toàn cảnh hệ thống nhà kính nhỏ ở tỉnh Giang Tô. Nguồn: https://sdxw.iqilu.com/share/ YS0yMS0xMzM2OTk2Mw==.html

Thu hoạch tôm trong hệ thống nhà kính nhỏ. Nguồn: www.fishfirst.cn

“Nhà máy tôm” (RAS)

Ở Trung Quốc, hệ thống này được gọi là trang trại công nghiệp hóa trong nhà (IIF). Mặc dù chỉ đóng góp 3% tổng sản lượng nhưng hiện nay nó đã trở thành một xu hướng lớn. Các bản tin cho biết Charoen Pokphand (CP) đã đầu tư 31 triệu USD vào Dongying, tỉnh Sơn Đông. Gần khu vực đó, Tongwei đã đầu tư 1,2 tỷ CNY (khoảng 170 triệu USD), đặt mục tiêu sản xuất 10.000 tấn vào năm 2023 và một triệu tấn trong vòng 5 đến 10 năm. Evergreen và Haida cũng đang đầu tư mạnh vào miền nam Trung Quốc. Nhà máy tôm là trang trại thông minh công nghệ cao; nó có thể hoạt động tới 5 vụ/năm và sản lượng trên mỗi đơn vị cao gấp 4-10 lần so với trang trại nhà kính nhỏ.

Toàn cảnh một trang trại trong nhà được công nghiệp hóa.

Trung Quốc có tiếp tục nhập khẩu tôm không?

Câu hỏi được đặt ra tại hội thảo ngành tôm Trung Quốc sau buổi thuyết trình là “Liệu nguồn cung nội địa cao như vậy có trở thành mối đe dọa đối với nhập khẩu tôm của Trung Quốc hay không, và trong 5 năm tới, liệu Trung Quốc có cần phải nhập khẩu tôm nữa hay không?”

Sự chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ trong nước là khoảng một triệu tấn. Nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu một triệu tấn tôm mỗi năm trong vài năm tới. Vì sản lượng trong nước là khoảng 2 triệu tấn, cộng với 1 triệu tấn nhập khẩu, nên mức tiêu thụ là 3 triệu tấn. Khi chúng ta chia nguồn cung này cho 1,4 tỷ dân, mức tiêu thụ bình quân đầu người là 2,1kg mỗi năm. Con số này ngang bằng với Hoa Kỳ, quốc gia có mức tiêu thụ 2,13kg bình quân đầu người/năm vào năm 2019 (SeafoodSource.com).

Tóm lại, những nội dung trên đã cung cấp những thông tin có giá trị về sản xuất tôm nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu sản lượng cao này có cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Ecuador và các nước châu Á khác không? Lựa chọn tốt nhất là đảm bảo cả hai nguồn cung cấp sẽ tiếp tục phát triển song song để đáp ứng nhu cầu hàng năm khoảng 3 triệu tấn.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://issuu.com/aquacultureasiapacific/docs/aq23192_aap_nov_dec_23_fa_mr?e=28637981/97734629

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

Tác giả: Fu-Ci Guo

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *