Mực nước mặn trên dòng sông Mê Kông đang lên cao kỷ lục. Nơi đây, những cánh đồng lúa màu xanh mướt một thời đang dần nhường chỗ cho các trại nuôi tôm. Tuy nhiên, trước những biến đổi khí hậu gay gắt, liệu ngành nuôi tôm có thể trụ vững và đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai? Liệu “tôm” có còn là lựa chọn cho người dân trong khu vực?

Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, con sông Mê Kông hùng vĩ chảy suốt 3.000 dặm trước khi hòa mình vào Biển Đông. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái đa dạng phong phú, sánh ngang với kiệt tác Amazon. Đồng thời, nó cũng là một trong những vựa lúa thâm canh bậc nhất châu Á, hỗ trợ sinh kế cho hàng chục triệu người.

Tại Việt Nam, trồng lúa đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là “vựa lúa quốc gia”, đóng góp hơn một nửa sản lượng lúa gạo cả nước. Nhờ thành tích xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, ngành lúa đã góp phần đưa Việt Nam lên tầm cao mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, bức tranh xán lạn ấy đang dần ảm đạm bởi thách thức mang tên xâm nhập mặn. Nước mặn lấn sâu vào đồng bằng, đe dọa trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây lúa, khiến cho tương lai của “vựa lúa quốc gia” trở nên mong manh.

Xu hướng lựa chọn chế độ ăn phong phú

Trở lại những năm 1970, chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào việc khai hoang, tưới tiêu và cải tạo đất để thúc đẩy thâm canh sản xuất lúa gạo. Kết quả là diện tích ruộng lúa trải dài trên đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng từ 2 lên 4,3 triệu ha vào năm 2016, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này giúp đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, nhưng nông dân trồng lúa lại phải sản xuất loại gạo chất lượng thấp với lợi nhuận thấp khi họ bán sản phẩm thu hoạch cho nhà nước với giá thấp.

Khi thị hiếu của người tiêu dùng dần chuyển sang ưa chuộng gạo chất lượng cao hơn và chế độ ăn đa dạng hơn, nhiều nông dân trồng lúa đang chuyển sang trồng trái cây, cá hoặc tôm để mang lại thu nhập tốt hơn.

Mê Kông đối mặt tình trạng bất ổn định & Lúa gạo đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Hằng năm, theo chu kỳ tự nhiên, nước biển len lỏi vào dòng sông Mê Kông trong mùa khô. Khi những cơn mưa rào rập đổ xuống vào mùa mưa, nguồn nước cùng phù sa màu mỡ từ thượng nguồn lại được bồi đắp, tưới tắm cho những cánh đồng lúa mênh mông. Lũ lụt trên sông Mê Kông cũng góp phần làm sạch đồng bằng, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn.

Mực nước biển dâng cao khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền và len lỏi vào các cửa sông trong mùa khô. Đồng bằng sông Cửu Long, vốn chỉ cao hơn mực nước biển trung bình 1 mét, đang đối mặt với nguy cơ bị ngập lụt 40% diện tích nếu mực nước biển dâng từ 0,7 đến 1,0 mét. Đặc biệt, cây lúa rất nhạy cảm với độ mặn và lũ lụt do nước mặn gây ra không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lúa mà còn cản trở hoàn toàn việc canh tác. Với mực nước biển ngày càng tăng dọc theo bờ biển đồng bằng khiến dòng sông trở nên mặn hơn mỗi năm, nhiều cánh đồng lúa đã bị phá hủy. Cuộc khủng hoảng khí hậu này cũng đang buộc người nông dân phải từ bỏ nghề trồng lúa truyền thống.

Việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang tạo thêm áp lực lên dòng chảy, dẫn đến tình trạng suy giảm lượng nước ngọt và hạn chế vận chuyển chất dinh dưỡng, phù sa trong mùa lũ. Hệ quả là, khi mực nước biển dâng cao, lũ lụt sẽ trở nên dữ dội hơn, mang theo lượng nước mặn lớn xâm nhập sâu vào nội địa, gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng và hệ sinh thái đa dạng của sông Mê Kông. Nguy cơ mất an ninh lương thực và sinh kế cho hàng triệu người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang hiển hiện rõ ràng. Theo dự báo, trong thế kỷ này, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long có thể lên đến 70%.

Nông dân tìm thấy tia hy vọng ở tôm

Trước nguy cơ xâm nhập mặn gia tăng ở nhiều khu vực dọc theo sông Mê Kông, môi trường canh tác lúa đang trở nên ngày càng khó khăn. Nông dân buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế và nuôi tôm nổi lên như một lựa chọn tiềm năng. Hai loại tôm được nuôi phổ biến nhất là L. vannameiP. monodon, có khả năng chịu mặn cao lên đến 40 ppt.

So với trồng lúa, nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 12 lần, mở ra cơ hội mới cho người dân địa phương. Xuất khẩu tôm Việt Nam đã vượt qua gạo và liên tục tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2013. Nhằm thúc đẩy ngành thủy sản, chính phủ đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu tôm lên 10 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo và hỗ trợ tài chính cho nông dân. Giữa bối cảnh cánh đồng lúa dần chết mòn vì xâm nhập mặn, hy vọng về lợi nhuận từ con tôm đang thôi thúc nông dân chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng mới.

Kinh doanh tôm: Lợi hay hại?

Sự bùng nổ của ngành nuôi tôm, hứa hẹn lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa, đã dẫn đến việc nhiều cánh đồng lúa bị bỏ hoang hoặc chuyển đổi thành ao nuôi. Việc phá hủy rừng ngập mặn để làm ao nuôi tôm khiến cho khu vực ven sông không còn khả năng chống lại lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn. Hơn nữa, hoạt động nuôi tôm còn gây ra ô nhiễm môi trường do lượng lớn thuốc kháng sinh, hóa chất và nước thải từ các trang trại được thải trực tiếp ra sông Mê Kông. Khi sông Mê Kông đạt đến tình trạng ô nhiễm không thể khắc phục được, con tôm vốn được xem như “tia hy vọng” cho người dân địa phương, cũng không thể tồn tại.

Hồi sinh ruộng lúa và cứu tôm

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ sông Mê Kông là một thách thức to lớn nhưng cũng là cơ hội để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, kết hợp với hoạt động nông nghiệp và khai thác thủy điện, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào việc đảo ngược những tác động tiêu cực, chúng ta cần hướng đến giải pháp phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả con người và môi trường. Việc phát triển đồng thời hai ngành nông nghiệp trọng yếu – lúa gạo và tôm – là chìa khóa để đạt được mục tiêu này.

Đối mặt với biến đổi khí hậu và nhu cầu sản xuất bền vững, mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa-tôm (NTTSLT) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng cho đồng bằng sông Cửu Long. Khác với phương pháp truyền thống tách biệt giữa trồng lúa và nuôi tôm, NTTSLT tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên để mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Với hình thức nuôi trồng thủy sản hỗn hợp lúa-tôm, các ao này sản xuất lúa và tôm nước ngọt vào mùa mưa và nuôi tôm nước lợ vào mùa khô và thời kỳ xâm nhập mặn. Ao được bón phân tự nhiên bằng phân tôm và trầm tích giàu dinh dưỡng từ nước lũ vào mùa mưa. Phương pháp này phục hồi quá trình lắng tự nhiên và giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trong xử lý ao nuôi. Nước sông sạch sẽ được cung cấp qua các kênh lấy nước, còn nước thải sẽ được thải ra các kênh khác.

Nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa-tôm không chỉ mang lại giá trị kinh tế và tăng năng suất mà còn góp phần bảo tồn môi trường tự nhiên.

Bữa cơm của người dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi chén cơm trắng dẻo thơm và những con tôm tươi ngon. NTTSLT là giải pháp hoàn hảo để đáp ứng nhu cầu này, đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người nông dân.

Theo Jillian Wong

Nguồn: https://rynanaquaculture.com/blog/from-rice-to-shrimp

Biên dịch: Nguyễn Thị Quyên – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page