Nghiên cứu này chứng minh rằng việc cắt bỏ cuống mắt tôm có thể gây ra những tiêu cực như làm giảm khả năng sống của tôm giai đoạn post và juveniles khi nhiễm bệnh

Tôm mẹ (Penaeus vannamei)

Ngành nuôi tôm toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát dịch bệnh thường xuyên, gây ra những vụ mùa thất bát và thiệt hại tài chính nghiêm trọng (Shinn và cộng sự, 2018b). Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hay Hội chứng chết sớm (EMS), vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và bệnh đốm trắng (WSD) lần lượt là các bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng và virus gây ra, ảnh hưởng đến sản lượng tôm thẻ chân trắng (Phước và cộng sự, 2009; Lightner và cộng sự, 2012; Sajali và cộng sự, 2019). Tổng thiệt hại do AHPND gây ra ở một số quốc gia châu Á (bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam) và ở Mexico trong giai đoạn 2009-2016 là 23,58 tỷ USD (Shinn và cộng sự, 2018b). Kể từ báo cáo đầu tiên về nhiễm virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) ở Đài Loan và Trung Quốc vào năm 1992 (Chou và cộng sự, 1995), thiệt hại sau đó đã được ước tính bởi Lightner và cộng sự (2012), tính đến thời điểm báo cáo của họ, là khoảng 8-15 tỷ USD. Trong cùng năm đó, Stentiford và cộng sự (2012) ước tính rằng WSD gây thiệt hại hàng năm gần 1 tỷ USD. Do đó, tìm cách giảm tác động của bệnh và đảm bảo tỷ lệ sống cao từ lâu đã trở thành mục tiêu chính của ngành.

Việc cắt mắt tôm bố mẹ vẫn là một thực hành tiêu chuẩn ở hầu hết các trại sản xuất giống trên toàn thế giới, nhưng nó ngày càng bị chỉ trích vì tác động của nó đối với phúc lợi, tình trạng tôm bố mẹ (tình trạng dinh dưỡng và/hoặc sinh lý) và chất lượng của thế hệ sau (ví dụ: hậu ấu trùng) được sản xuất. Hiệu suất tăng trưởng và tỷ lệ sống cuối cùng của thế hệ sau từ con cái không bị cắt mắt (NAF) không có sự khác biệt so với thế hệ sau từ con cái bị cắt mắt (AF), nhưng có sự cải thiện về khả năng chống chịu với stress được đo bằng tỷ lệ sống sau khi kiểm tra sốc độ mặn (Zacarias và cộng sự, 2019). Kiểm tra sốc độ mặn là một phương pháp phổ biến được người nuôi tôm sử dụng để kiểm tra chất lượng tôm giống khi chọn nguồn cung. Tuy nhiên, thử nghiệm này chủ yếu liên quan đến khả năng chịu áp lực môi trường của tôm post và không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng chống chịu với các thách thức liên quan đến dịch bệnh trên tôm. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá khả năng phục hồi của tôm thẻ chân trắng P. vannamei giai đoạn post và juveniles được sản xuất từ tôm bố mẹ NAF và AF sau khi cảm nhiễm với mầm bệnh và kiểm tra giả thuyết rằng thế hệ sau của NAF thể hiện khả năng kháng bệnh cao hơn khi cảm nhiễm với Vibrio parahaemolyticus (VpAHPND) và WSSV trong các điều kiện thí nghiệm được kiểm soát.

Thiết lập nghiên cứu

Các thử nghiệm nghiên cứu được tiến hành ở Thái Lan. Tôm post có nguồn gốc từ một quần thể tôm bố mẹ P. vannamei duy nhất, một nửa trong số đó đã bị cắt mắt và nửa còn lại không bị cắt mắt, được sản xuất tại trại giống Sichon của SyAqua Siam và được chuyển đến R&D của Benchmark (Thái Lan) để thử nghiệm. Để tránh sai lệch, phương pháp nghiên cứu “double-blind” (“mù đôi” – cả người nghiên cứu và người tham gia đều không biết rõ ai sẽ được nhận liệu pháp điều trị nào) đã được sử dụng trong suốt quá trình thử nghiệm và phân tích sau đó. Tình trạng cắt mắt của những con cái sinh ra từ từng nhóm tôm post (AF hoặc NAF) không được SyAqua Siam tiết lộ cho đến khi hoàn thành các thử nghiệm cảm nhiễm.

Trước khi bắt đầu các thử nghiệm, một mẫu gộp gồm 150 tôm post (được lấy ngẫu nhiên từ các bể nuôi) trên mỗi quần thể (NAF và AF) đã được sàng lọc 7 bệnh chính trên tôm, cụ thể là: VpAHPND được kiểm tra bằng Nested PCR; vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và WSSV được kiểm tra bằng xét nghiệm qPCR, sử dụng các phương pháp được phê duyệt bởi Tổ chức Y tế Thế giới (OIE, 2019); đối với virus hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV), virus hoại tử cơ (IMNV), virus gây hội chứng Taura (TSV) và virus gây bệnh đầu vàng (YHV) được kiểm tra bằng bộ Kit iiPCR (Công ty Công nghệ sinh học GeneReach, Taichung, Đài Loan). Cả hai quần thể đều được xác nhận là không nhiễm bất kỳ bệnh nào trong 7 bệnh được nêu trên.

Đối với các thử nghiệm cảm nhiễm AHPND, các nhóm tôm post (100 cá thể; trọng lượng trung bình 14mg) từ AF hoặc NAF được đặt trong bể (20L). 5 lần lặp lại cho mỗi điều kiện (cắt mắt hoặc không cắt mắt) và nước được duy trì ở độ mặn 15ppt và nhiệt độ 29,05 ± 0,13°C. Các quần thể cảm nhiễm đã tiếp xúc với 2,0 x 108 CFU/mL VpAHPND. Các quần thể đối chứng không tiếp xúc với VpAHPND. Tỷ lệ chết của tôm được kiểm tra 3 giờ một lần trong khoảng thời gian 96 giờ sau cảm nhiễm.

Thử nghiệm cảm nhiễm với WSD được thực hiện với tôm giai đoạn juveniles từ AF hoặc NAF (trọng lượng trung bình 1,42 ± 0,07g). Chúng được giữ riêng lẻ trong các bình 1L (50 lần lặp lại cho mỗi điều kiện). Độ mặn và nhiệt độ được duy trì lần lượt là 15ppt và 26,33 ± 0,73°C. Cảm nhiễm qua đường miệng được thực hiện bằng cách cho ăn một khẩu phần có chứa 0,1g mô tôm P. vannamei bị nhiễm WSSV (trung bình 2,02 x 109 WSSV mỗi khẩu phần) để cảm nhiễm quần thể. Quần thể đối chứng được cho ăn với chế độ ăn bình thường. Tôm được theo dõi 3 giờ một lần để loại bỏ tôm chết hoặc sắp chết trong khoảng thời gian 162 giờ sau cảm nhiễm.

Kết quả và thảo luận

Tôm post có nguồn gốc từ AF bị cảm nhiễm với VpAHPND có tỷ lệ sống thấp hơn đáng kể (p = <1,3E-36) (38,8%) so với tôm post từ NAF (70,4%) (Hình 1). Tôm giai đoạn juveniles có nguồn gốc từ NAF cũng có tỷ lệ sống sót cao hơn, nhưng không đáng kể (p>0,05) ở mức 62% so với những con từ AF (48%) khi cảm nhiễm với bệnh đốm trắng (Hình 2).

Hình 1. Tỷ lệ sống của tôm thẻ Penaeus vannamei giai đoạn PL17 có nguồn gốc từ tôm mẹ không cắt mắt (NAF) và cắt mắt (AF) không gây cảm nhiễm và được cảm nhiễm với Vibrio parahaemolyticus

Hình 2. Tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei giai đoạn juveniles có nguồn gốc từ tôm mẹ không cắt mắt (NAF) và cắt mắt (AF) không gây cảm nhiễm và được cảm nhiễm với WSSV

Tiến hành thử nghiệm thách thức với bệnh WSSV bằng cách cảm nhiễm từng con tôm

Tình trạng của tôm bố mẹ là yếu tố quan trọng để sản xuất con tôm giống chất lượng cao (Racotta và cộng sự, 2003). Cơ sở của điều này có thể là dinh dưỡng (Racotta và cộng sự, 2003) và/hoặc sinh lý (Chamberlain và Lawrence, 1981; Palacios và cộng sự, 1999). Về mặt lý thuyết, tôm bố mẹ NAF sẽ thể hiện tình trạng tổng thể tốt hơn so với tôm bố mẹ AF, vì tôm bố mẹ AF đã được báo cáo là có chấn thương và căng thẳng về thể chất, mất cân bằng sinh lý và kích hoạt/giảm các gen liên quan đến miễn dịch do ảnh hưởng của việc cắt bỏ cuống mắt (Sainz-Hernandez và cộng sự, 2009; Bae và cộng sự, 2013). Do đó, điều này sẽ phản ánh chất lượng khác biệt của thế hệ con của chúng, như đã được chứng minh rõ ràng trong nghiên cứu hiện tại, khi những tác động tiêu cực của việc cắt bỏ cuống mắt ảnh hưởng đến sức khỏe/thể lực của thế hệ con.

Phương pháp cắt bỏ một bên cuống mắt đã được sử dụng trong ngành trong nhiều thập kỷ để đảm bảo nguồn cung nauplii ổn định, vì phương pháp này làm tăng tần suất, năng suất và tính nhất quán trong sản xuất nauplii. Tuy nhiên, việc thực hành cắt bỏ cuống mắt đã bị các nhà bán lẻ và người tiêu dùng giám sát chặt chẽ, đe dọa khả năng tiếp cận thị trường.

Nghiên cứu này chứng minh rằng việc cắt bỏ cuống mắt có thể gây ra những chi phí tiêu cực thông qua việc giảm khả năng sống sót của tôm giai đoạn post và juveniles khi phải đối mặt với các thách thức về dịch bệnh. Những chi phí (và tổn thất) này có thể không rõ ràng cho đến khi tôm post được thả vào trang trại. Các trại sản xuất giống hoạt động mà không cắt bỏ cuống mắt có sẽ thể phải bổ sung thêm tôm cái để cung cấp số lượng nauplii, mặc dù các thử nghiệm trước đó cho thấy tỷ lệ sản xuất nauplii có thể được duy trì thông qua việc cải thiện quản lý và chế độ cho ăn.

Nghiên cứu mới này đề cập đến các vấn đề phúc lợi quan trọng liên quan đến việc cắt bỏ một bên cuống mắt tôm, sử dụng kháng sinh và hóa chất trong sản xuất tôm, cũng như trong quản lý và kiểm soát dịch bệnh trên tôm. Thế hệ con từ quần thể bố mẹ không cắt mắt có khả năng chống chịu với các bệnh thường gặp cao hơn, dẫn đến tỷ lệ sống của đàn cao hơn và giảm nhu cầu đối với các phương pháp điều trị đắt tiền (và thường không hiệu quả). Điều này làm giảm khả năng tổn thất tài chính, góp phần vào sự bền vững của ngành và đặc biệt quan trọng đối với nông dân quy mô nhỏ, đảm bảo nuôi tôm là một lựa chọn sinh kế khả thi.

Kết luận

Phát hiện mới này có thể được kỳ vọng sẽ trở thành một chiến lược sức khỏe quan trọng trong nuôi tôm trong tương lai. Các trại sản xuất giống áp dụng chiến lược không cắt mắt sẽ tạo ra những thế hệ con khỏe mạnh hơn, có thể có giá cao hơn dựa trên chất lượng và phúc lợi. Nông dân nên xem xét việc tìm nguồn cung tôm từ đàn bố mẹ không bị cắt mắt như một phần của chiến lược quản lý và an toàn sinh học tổng thể, nhờ đó cải thiện năng suất trong thời gian bùng phát dịch bệnh mà không cần sử dụng đến các biện pháp điều trị tốn kém và không hiệu quả.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/may-june-2021/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA- CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *