Sản lượng nauplii và post phụ thuộc vào hiệu suất sinh sản của các dòng thương mại

Chương trình nhân giống của Maricultura del Pacífico kiểm soát chặt chẽ thế hệ của từng cá thể, giúp giảm tình trạng cận huyết trong quần thể ở mức tối thiểu.

Việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong các hệ thống sản xuất thủy sản phụ thuộc vào việc cải tiến liên tục và sử dụng các chương trình nhân giống. Đây là lý do tại sao hầu hết các trại giống tôm lớn đều phát triển các chương trình nhân giống nhằm tăng các đặc tính tăng trưởng, tỷ lệ sống và/hoặc khả năng kháng bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài, các chương trình này sẽ làm tăng tình trạng cận huyết trong quần thể của các trại giống.

Giao phối cận huyết làm giảm sự biến đổi di truyền, ảnh hưởng đến khả năng phản ứng chọn lọc ở các thế hệ tiếp theo và cuối cùng có thể làm suy giảm tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu suất sinh sản của động vật. Với khả năng sinh sản cao của tôm, các chương trình nhân giống thường chọn lọc và sử dụng một số lượng ít cá thể tôm bố mẹ, điều này làm tăng khả năng giao phối của những con tôm có mối quan hệ họ hàng.

Maricultura del Pacífico

Chương trình nhân giống tại Maricultura del Pacífico, trại tôm giống lớn nhất Mexico, được thiết kế dựa trên chương trình chọn lọc hai giai đoạn để tăng tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống. Giai đoạn đầu tiên đánh giá tốc độ tăng trưởng của tôm ở thời điểm 28 ngày tuổi và bắt đầu với 300 gia đình. Giai đoạn thứ hai bắt đầu với 150 gia đình tốt nhất được chọn lọc từ giai đoạn một, và xem xét chỉ số để đánh giá tốc độ tăng trưởng của tôm ở giai đoạn 130 ngày tuổi, và tỷ lệ sống ở giai đoạn từ 70-130 ngày tuổi trong bốn ao nuôi khác nhau. Chương trình nhân giống kiểm soát chặt chẽ thế hệ của từng cá thể, làm giảm tình trạng cận huyết trong quần thể xuống mức thấp nhất.

Trại giống bắt đầu hoạt động vào năm 1998, và đến năm 2009, các thế hệ tôm trong trại giống bao gồm 2.485 tổ tiên và hơn 175.000 con cái. Năm 2009, tỷ lệ cận huyết trong quần thể được ước tính là 3,1%. Maricultura del Pacífico cũng dự trữ một dòng riêng biệt, được tách ra từ dòng đầu tiên. Dòng này cũng đang được lựa chọn, nhưng mục tiêu chính của nó là phục vụ như một nguồn biến đổi di truyền trong tương lai.

Đội ngũ trong lĩnh vực nhân giống cũng đang nghiên cứu ứng dụng để cải tiến và đánh giá chương trình nhân giống tại trại giống. Các nghiên cứu đang kiểm tra việc sử dụng các dấu hiệu di truyền để phân bố tôm bố mẹ và đánh giá những thay đổi di truyền liên quan đến chương trình nhân giống. Những tác động tiềm ẩn của mức độ cận huyết cao cũng đang được nghiên cứu cũng như các cách để cải thiện phương pháp thụ tinh nhân tạo hiện nay.

Hậu quả của cận huyết

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên việc đánh giá tác động của tình trạng cận huyết đối với các khía cạnh như tăng trưởng, tỷ lệ sống và sinh sản. Một thí nghiệm đã được thực hiện để so sánh 2 nghiệm thức, nhóm thử nghiệm bao gồm 16 gia đình có hệ số cận huyết cao, dao động từ 25-33% và nhóm đối chứng bao gồm 70 gia đình có hệ số cận huyết trung bình là 1,5%.

Kết quả sơ bộ cho thấy tình trạng cận huyết không có tác động bất lợi đến trọng lượng cơ thể của tôm ở giai đoạn 130 ngày tuổi, tỷ lệ sống ở giai đoạn từ 70-130 ngày tuổi và số lượng trứng mỗi lần sinh sản. Tuy nhiên, tỷ lệ thụ tinh và số lượng nauplii được sinh ra trên mỗi con cái có hệ số cận huyết cao trong nhóm thử nghiệm thấp hơn so với con cái có hệ số cận huyết thấp trong nhóm đối chứng (Bảng 1).

Bảng 1. Hiệu suất của tôm thẻ chân trắng cận huyết và không cận huyết. Các chữ cái khác nhau trong các cột thể hiện sự khác biệt về mặt thống kê (P < 0,05).

Mặc dù tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống dường như không bị ảnh hưởng trong phạm vi của mức độ cận huyết được nghiên cứu, nhưng điều đáng chú ý là tôm trong nghiên cứu chỉ phát triển dưới một loại môi trường cụ thể. Trong các giai đoạn tiếp theo của thí nghiệm này, tôm cận huyết sẽ được nuôi dưỡng và đánh giá trong một số điều kiện trang trại thương phẩm điển hình của Mexico.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng cận huyết không ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể và tỷ lệ sống của tôm, nhưng tỷ lệ thụ tinh và số lượng nauplii trên mỗi con tôm cái có mức độ cận huyết cao (nhóm thử nghiệm) lại thấp hơn so với những con tôm cái có mức độ cận huyết thấp (nhóm đối chứng).

Mặc dù tác động tiêu cực quan sát được đối với các đặc điểm sinh sản không ảnh hưởng trực tiếp đến các trang trại nuôi tôm, nhưng việc giảm khả năng sinh sản được quan sát thấy ở các gia đình cận huyết là rất quan trọng đối với các trại giống. Ngành tôm phải nhận thức được những hậu quả của tình trạng cận huyết đối với các các đặc điểm liên quan đến sinh sản như khả năng sinh sản, tỉ lệ thụ tinh, số lượng trứng sản xuất và một số yếu tố khác, vì việc sản xuất nauplii và post của các dòng cận huyết phụ thuộc vào hiệu suất sinh sản của các dòng thương mại được sử dụng trong ngành.

Theo Tiến sĩ Gabriel R. Campos-Montes, Tiến sĩ Héctor Castillo-Juárez, Tiến sĩ Hugo H. Montaldo

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/inbreeding-affects-growth-survival-reproduction-of-pacific-white-shrimp/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *