Sử dụng hệ thống nuôi tôm nhiều giai đoạn, bao gồm giai đoạn ương trung gian giữa trại giống và ao nuôi thương phẩm, có thể tăng năng suất, giảm thời gian thu hoạch và cải thiện quản lý trang trại.

Hasanuddin Atjo (bên phải) là một trong những người tiên phong về hệ thống ương giống ở Indonesia

Atjo tin rằng việc áp dụng giai đoạn ương dưỡng khi nuôi tôm có thể tăng năng suất mỗi năm bằng cách giảm thời gian nuôi thương phẩm và tăng tỷ lệ sống

Theo Hasanuddin Atjo – một nông dân nuôi tôm kỳ cựu ở Sulawesi, mặc dù nuôi tôm nhiều giai đoạn ở Indonesia còn phát triển chậm nhưng nó có tiềm năng rất lớn. Bằng cách thực hiện giai đoạn ương giữa trại giống và giai đoạn nuôi thương phẩm tại trang trại, ông đã tăng năng suất từ 71-100 tấn lên 121-140 tấn tôm/ha/chu kỳ.

Ông cho rằng hệ thống ương nên được áp dụng rộng rãi hơn ở Indonesia, vì nó đã phát triển thành công tại các trang trại thâm canh ở Việt Nam và Thái Lan, cũng như trong các hệ thống quy mô hơn ở Ecuador. Atjo nói rằng nó có thể tăng năng suất hàng năm bằng cách giảm thời gian nuôi thương phẩm và tăng tỷ lệ sống nhờ môi trường ương được kiểm soát chặt chẽ.

Hệ thống ương phải phản ánh vòng đời của tôm

Tại một hội thảo trực tuyến gần đây do Minapoli tổ chức, Atjo đã nêu lý do tại sao hệ thống nhiều giai đoạn lại tốt hơn cho tôm. Như ông giải thích, chu kỳ tăng trưởng của tôm giống như một đường cong của hàm sigmoid (hình chữ S): bắt đầu với tốc độ tăng trưởng chậm, sau đó tăng trưởng nhanh trước khi chậm lại một lần nữa vào giai đoạn trưởng thành.

Giai đoạn tăng trưởng chậm ban đầu diễn ra trong 50 ngày đầu sau khi nở – quá trình phân chia tế bào trong cơ thể tôm diễn ra chậm và chúng không cần không gian rộng. Tuy nhiên, dinh dưỡng và môi trường cần phải được tối ưu hóa. Theo Atjo, ấu trùng nên được giữ trong trại giống trong 20 ngày đầu tiên trước khi chuyển sang ao ương trong 30 ngày tiếp theo.

Chu kỳ tăng trưởng của tôm giống như một đường cong của hàm sigmoid, khiến nó phù hợp với mô hình nuôi nhiều giai đoạn

Atjo nói rằng hệ thống nuôi tôm nhiều giai đoạn có thể tăng năng suất, giảm thời gian thu hoạch và cải thiện quản lý trang trại

Ông cho biết: “Giai đoạn ương tốt nhất nên diễn ra trong nhà. Hệ thống này không cần ao lớn, do tôm post giai đoạn PL1 – PL35 tăng trưởng chậm, nhưng tôm cần được cung cấp dinh dưỡng chất lượng cao và các thông số chất lượng nước tốt nhất.”

Theo Atjo, tôm post phát triển mạnh ở độ mặn tương đối thấp, khoảng 12 ppt. Mức độ mặn này cũng có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio và Atjo cho rằng sự bùng phát bệnh vi khuẩn trong ao có thể được kích hoạt bởi độ mặn cao hơn.

Sau giai đoạn tăng trưởng chậm ban đầu, tôm bắt đầu phát triển nhanh hơn do quá trình phân chia tế bào tăng lên đáng kể. Atjo lập luận rằng đây là thời điểm tốt nhất để chuyển tôm sang ao lớn hơn. Ngoài ra, những con tôm có kích thước lớn hơn thu được từ hệ thống ương có thể thích nghi tốt trong môi trường biến động, mặc dù chúng sẽ hoạt động tốt hơn nếu môi trường và dinh dưỡng của chúng được tối ưu hóa. Atjo giải thích rằng giai đoạn nuôi thương phẩm, sau khi tôm được chuyển từ hệ thống ương, nên được nuôi trong 70-90 ngày.

Ông nói thêm: “Trong giai đoạn tăng trưởng chậm, một số năng lượng từ thức ăn được sử dụng cho sự trưởng thành của các cơ quan sinh sản, do đó tốc độ tăng trưởng giảm.”

Việc áp dụng mô hình ương giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt hơn các điều kiện sản xuất

Atjo nói rằng mặc dù hệ thống này sẽ tốn chi phí thức ăn cao hơn, nhưng việc quản lý và đánh giá trang trại sẽ cải thiện đáng kể.

Tối ưu hóa dinh dưỡng ở giai đoạn quan trọng

Một lý do khác khiến hệ thống ương đáng được xem xét là vì nó cho phép tối ưu hóa dinh dưỡng cho tôm. Trong hệ thống nuôi thương phẩm không áp dụng mô hình ương được sử dụng phổ biến như hiện nay, nông dân thường cho tôm ăn theo phương pháp cho ăn “mù”, tức là cho ăn không kiểm soát và dựa trên số lượng PL thả vào ao. Hệ thống ương được thiết kế để giới thiệu và thích nghi tôm với thức ăn công nghiệp trong khoảng 30 ngày, sử dụng một lượng thức ăn dạng bột tương ứng với số lượng tôm thả nuôi. Trong giai đoạn này, thực vật phù du tự nhiên, được tạo ra bằng cách thêm phân bón vào nước, cũng có sẵn dưới dạng thức ăn. Khi kết thúc chương trình cho ăn mù, nông dân sẽ tính toán chương trình cho ăn tiếp theo dựa trên sinh khối hiện tại, ví dụ như cung cấp thức ăn tương đương với 10% sinh khối mỗi ngày.

Atjo lưu ý rằng, với hệ thống ương, mặc dù chi phí thức ăn sẽ cao hơn, nhưng việc quản lý và đánh giá trang trại sẽ tốt hơn nhiều, vì các ao ương nhỏ giúp đánh giá tôm và kiểm soát các điều kiện dễ dàng hơn. Ông khuyến nghị tiếp tục cho tôm ăn artemia, như đã làm trước đây trong trại giống, trong ba ngày và kết hợp chúng với thức ăn chế biến có hàm lượng protein cao (40-50%) và độ ổn định của nước cao. Sau ba ngày, tôm nên được chuyển sang thức ăn chế biến.

Trong ba ngày đầu tiên, ông khuyến cáo nông dân cung cấp 454 gram artemia hàng ngày cho mỗi 1 triệu PL. Cũng như giúp quá trình chuyển đổi trước khi được đưa vào thức ăn công nghiệp, artemia chứa glycogen và axit béo omega 3, rất tốt cho sự tăng trưởng và khả năng miễn dịch của tôm. Trong khi đó, khối lượng thức ăn chế biến nên chiếm 10 – 20% sinh khối tôm ước tính trong hệ thống. Dựa trên kinh nghiệm của ông, cho ăn 8 lần/ngày là tốt nhất. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng việc sử dụng máy cho ăn tự động, có thể cung cấp thức ăn thường xuyên hơn và cải thiện kết quả nhiều hơn.

Người nuôi tôm đang sử dụng các bể nhỏ hơn và tròn hơn cho hoạt động của họ

Các bể tròn và nhỏ hơn có thể ngăn chặn sự bùng phát EHP vì chúng làm giảm lượng nước thải tích tụ và cung cấp một cống thải trung tâm © MMAF

Giảm nguy cơ nhiễm EHP

Ở châu Á, Việt Nam là một ví dụ điển hình về hệ thống nuôi nhiều giai đoạn đang được sử dụng rộng rãi – với nhiều trang trại có ao ương hình tròn, kích thước tương đối nhỏ. Người sáng lập Aquaculture 101, David Kawahigashi, xác nhận rằng khoảng 40% người nuôi tôm ở Việt Nam thường sử dụng ao nuôi thương phẩm dưới 1.000 m2.

Ông nói: “Như chúng ta đã thấy trong những năm qua, xu hướng là lựa chọn các khu vực nuôi thương phẩm nhỏ hơn. Trong khi trước đây chúng ta thường nuôi tôm trong ao rộng nửa hec-ta, thì theo thời gian, ao nuôi ngày càng nhỏ lại, và hiện nay nhiều nông dân sử dụng các bể có diện tích 500-800 m2.”

Dựa trên kinh nghiệm của mình trong việc phát triển hệ thống ao tròn cho mô hình ương, ông nói rằng hệ thống này có nhiều ưu điểm. Một trong số đó là giúp dễ dàng tập trung nước thải hữu cơ vào cống trung tâm hoặc hố siphon và sau đó xả vào bể chứa bùn. Ông lập luận rằng điều này giúp ngăn chặn Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), vì ông cho rằng sự dư thừa các hợp chất hữu cơ trong ao, phản ánh bởi độ đục của nước tăng lên, là tác nhân gây ra sự xuất hiện và bùng phát của EHP.

Kawahigashi giải thích: “Người Việt Nam nói rằng các bào tử của EHP rất dính và chúng bám vào biofloc cũng như các chất nền khác, và tôm sẽ ăn phải chúng. Và như vậy, một hệ thống biofloc thuần túy không còn được chấp nhận ở Việt Nam. Biofloc hoạt động nhiều hơn để có độ đục thấp, làm sạch bể hiệu quả để ngăn ngừa sự phát triển của các bào tử EHP, bởi vì có mối tương quan tích cực giữa sự tích tụ chất hữu cơ, trầm tích và nồng độ của các bào tử EHP.”

Để đảm bảo chất lượng nước luôn tốt, nông dân Việt Nam cũng áp dụng hệ thống tuần hoàn và sử dụng nhiều diện tích đất hơn để xử lý nước. Trong vòng 24 giờ, nước trong ao sẽ được tuần hoàn hoàn toàn. Trong khi việc giảm diện tích nuôi tôm được bù đắp bằng khả năng chứa của các ao nuôi tăng lên. Ông nói rằng năng suất trung bình của hệ thống này có thể đạt 8 kg/m2.

Kawahigash nói: “Có một khu vực dành riêng cho việc lắng và xử lý nước lớn hơn nhiều so với diện tích nuôi thương phẩm. Nhưng điều đó sẽ đem lại giá trị và được bù đắp bằng lượng sinh khối được sản xuất và chất lượng nước được cải thiện.”

David Kawahigashi (bên trái) thành lập Aquaculture 101

David Kawahigashi (bên trái) nhận giải thưởng từ CEO Minapoli Rully Setya Purnama (bên phải) sau khi phát biểu về hệ thống đa giai đoạn cho nông dân Indonesia tại Việt Nam

Theo ông, hệ thống ương rất tiềm năng để sử dụng ở Indonesia. Điều này nhờ vào chất lượng nước tương đối tốt ở Indonesia, có nghĩa là họ có thể không cần sử dụng nhiều trang trại của mình để xử lý nước như ở Việt Nam.

Theo The Fish Site

Nguồn: https://thefishsite.com/articles/the-advantages-of-employing-a-shrimp-nursery-system-minapoli

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA- CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG 

Xem thêm:

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *