Nghiên cứu đánh giá các giai đoạn lột xác và tuổi để cải thiện quy trình xác định chất lượng tôm post

Kết quả của nghiên cứu này có thể cải thiện việc sử dụng các bài kiểm tra căng thẳng và cải thiện các quy trình được sử dụng để xác định chất lượng tôm post thẻ L. vannamei được bán bởi các trại giống thương mại.

Với sự phát triển của ngành nuôi tôm, yêu cầu được đặt ra đối với các nhà sản xuất và người mua tôm post (PL) ngày càng tăng để đảm bảo tôm PL đạt chất lượng tốt nhất, điều này được phản ánh qua hiệu suất sản xuất tổng thể của họ. Tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm phụ thuộc vào tình trạng tôm bố mẹ và dinh dưỡng, điều kiện duy trì và sinh sản.

Tình trạng sinh lý và chất lượng tôm post được đánh giá dựa trên khả năng di chuyển, phát triển hình thái, mức độ phân nhánh của mang, sự hiện diện của lipid trong gan tụy, độ lớn của đoạn đuôi thứ sáu liên quan đến chiều dài của ruột, màu sắc, hình dáng, hoạt động, phân bố kích thước, thời gian sống của các giai đoạn ấu trùng và các bài kiểm tra stress, cùng với nhiều đặc điểm khác.

Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là loài sinh vật rộng nhiệt (euryhaline), tức là có khả năng chịu được nhiều độ mặn (5 đến 45 ppt); tuy nhiên, điểm đẳng tích của nó là 27,7 ppt. Tuy nhiên, phạm vi chịu đựng độ mặn và điều kiện độ mặn tối ưu có thể khác nhau tùy vào giai đoạn phát triển. Tỷ lệ sống của tôm post trong các thử nghiệm sốc độ mặn chủ yếu là phụ thuộc vào khả năng điều hòa thẩm thấu, mức độ phát triển, tuổi, giai đoạn lột xác và tình trạng sinh lý của tôm post.

Các bài kiểm tra căng thẳng để đánh giá tình trạng tôm post được sử dụng rộng rãi như một tiêu chí kiểm soát chất lượng tôm trong các trại giống và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các bài kiểm tra căng thẳng được sử dụng phổ biến nhất liên quan đến việc thả tôm post ở độ mặn thấp, tức là giảm độ mặn đột ngột trong một khoảng thời gian nhất định, và sau đó cho phép vật nuôi trở lại trạng thái ban đầu.

Chu kỳ lột xác ảnh hưởng đến một số khía cạnh sinh học của động vật giáp xác, bao gồm hình thái động vật, quá trình chuyển hóa tế bào, sinh lý và hành vi của chúng. Tôm he lột xác trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần, và chu kỳ lột xác được chia thành các giai đoạn bao gồm: giai đoạn hậu lột xác (Postmolt), giữa giai đoạn lột xác (Intermolt), giai đoạn tiền lột xác (Premolt) và giai đoạn lột xác (Ecdysis). Mỗi quá trình lột xác mà tôm trải qua đều bao gồm những thay đổi về hình thái và sinh lý, những thay đổi này trở nên phức tạp hơn khi tôm phát triển.

Việc hiểu và xác định được các giai đoạn lột xác của tôm là công cụ quản lý quan trọng trong việc chuyển tôm post từ trại giống sang trại nuôi. Hầu hết các tiêu chí đánh giá đều mang tính trực quan, như đánh giá qua hành vi bơi của tôm, và điều quan trọng là phải có một phương pháp đáng tin cậy và dễ dàng để đánh giá chất lượng tôm trong trại giống. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này để đánh giá mối quan hệ giữa giai đoạn lột xác, tuổi và sốc thẩm thấu ở tôm thẻ L. vannamei nhằm cải thiện việc sử dụng các bài kiểm tra căng thẳng. Bài viết này được chuyển thể và tóm tắt từ tạp chí Aquacultura (Ecuador) tháng 11 năm 2017.

Thiết lập thử nghiệm

Thử nghiệm được thực hiện tại trại ương tôm biển (LCM) của Đại học Liên bang Santa Catarina, Brazil, sử dụng tôm thẻ L. vannamei giai đoạn từ PL7 – PL17 được sản xuất từ trại giống của họ. Thí nghiệm được thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên với phương pháp lấy mẫu 3 x 11 tạo thành 33 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Có 2 yếu tố chính được xem xét, yếu tố 1 (F1) là giai đoạn lột xác (giữa giai đoạn lột xác (IM); lần lột xác đầu tiên (PrMI); và lần lột xác cuối cùng (PrMF)) và yếu tố 2 (F2) là tuổi post (PL7 – PL17).

Có tổng cộng 3.300 PL được sử dụng và chúng đã được gây sốc thẩm thấu trong mỗi giai đoạn lột xác đã được thiết lập trước đó. Đối với thử nghiệm này, 330 PL được sử dụng để xác định sự phát triển của mang và 660 PL được sử dụng để xác định các giai đoạn lột xác. Tôm PL được phân tích bằng kính hiển vi quang học để quan sát hình thái của đuôi và phân loại các giai đoạn lột xác theo tài liệu kỹ thuật đã công bố.

Mẫu PL được thu thập hàng ngày trong giai đoạn đánh giá. Từ các mẫu được thu thập, tình trạng chung của chúng được xác định liên quan đến giai đoạn lột xác, thời gian lột xác, sự phát triển của mang, các bài kiểm tra căng thẳng và xác định trọng lượng khô. Chỉ những con tôm PL được xác định là sạch bệnh và mang sạch mới được thử nghiệm, bất kỳ cá thể nào bị hoại tử hoặc nhiễm vi khuẩn dạng sợi đều bị loại bỏ.

Sau đó, ba mẫu gồm 10 PL ở mỗi giai đoạn đã được thu thập, sự phát triển và sự phân nhánh của mang được quan sát dưới kính hiển vi quang học. Số lượng phân chia của mỗi sợi mang đã được đếm và chỉ số phát triển mang của quần thể đã được xác định.

Đối với thử nghiệm sốc thẩm thấu, ba mẫu gồm 100 PL đã được thu thập và duy trì ở độ mặn 35 ppt. Tôm PL được đếm và đặt trong 3 cốc nước dung tích 1 lít với độ mặn 0 ppt để thay đổi độ mặn đột ngột. Tôm PL được duy trì trong điều kiện này trong 30 phút, sau đó trở lại độ mặn ban đầu là 35 ppt trong 30 phút nữa. Sau đó, số lượng PL còn sống sót trong mỗi cốc được biểu thị bằng phần trăm của số lượng ban đầu đếm được và bị loại bỏ.

Quy trình thí nghiệm này được thực hiện cho từng độ tuổi và từng giai đoạn lột xác. Đối với phân tích thống kê dữ liệu, một bộ tạo số ngẫu nhiên đã được sử dụng để phân bổ ngẫu nhiên các nghiệm thức. Để biết thêm các quy trình chi tiết về thiết lập và quy trình thử nghiệm, cũng như các phân tích thống kê được sử dụng trong nghiên cứu, vui lòng tham khảo bài báo gốc.

Các bài kiểm tra căng thẳng được sử dụng phổ biến nhất liên quan đến việc thả tôm PL ở độ mặn thấp, với độ mặn giảm đột ngột trong một thời gian nhất định, và cho phép vật nuôi phục hồi sau đó.

Kết quả và thảo luận

Các thông số chất lượng nước (nhiệt độ, oxy hòa tan, độ mặn, pH và độ trong) được đo hàng ngày trong thời gian nghiên cứu đều nằm trong các giá trị được khuyến nghị cho nuôi tôm biển. Tỷ lệ sống đạt được trong thử nghiệm sốc thẩm thấu cao hơn ở giữa giai đoạn lột xác (74,12%).

Trọng lượng trung bình của tôm PL thay đổi tùy thuộc vào mật độ nuôi, nguồn tôm bố mẹ, chất lượng nước và thức ăn được cung cấp. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tôm PL có tốc độ tăng trưởng 41% trong thời gian nghiên cứu, với trọng lượng khô trung bình ban đầu là 0,18 ± 0,027 mg ở PL7 và trọng lượng cuối cùng là 15,42 ± 0,267 mg đối với PL17, cho thấy rằng tôm PL được cho ăn tốt và yếu tố này không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống.

Bảng 1 cho thấy sự phát triển của mang cũng như số lượng sợi mang ở mỗi độ tuổi. Sự phát triển ban đầu của bốn sợi ở PL7 và 14 sợi ở PL17 đã được quan sát. Tương tự, các giá trị của chỉ số phát triển mang của mỗi cá thể (DBI) được xác định với giá trị ban đầu là 0,50 đối với PL7 và 0,88 đối với PL11, và chỉ số phát triển mang của quần thể (DBP) với 0,017 đối với PL7 và 0,029 đối với PL11. Từ PL12 trở đi, các chỉ số này không được tính toán vì số lượng nhánh mang quá nhiều.

Bảng 1. Sự phát triển mang của tôm PL và số lượng sợi mang ở từng độ tuổi. DBI: Sự phát triển mang của mỗi cá thể; RF: số lượng phân chia của mỗi sợi mang; DBP: sự phát triển mang của quần thể; DBI: số lượng PL.

Bảng 2 cho thấy tỷ lệ sống của tôm PL ở từng độ tuổi được đánh giá bằng cách so sánh giữa tất cả các cặp nghiệm thức. Có sự khác biệt đáng kể giữa các nghiệm thức (tương tác giữa lột xác và tuổi; P = 0,0028). Tỷ lệ sống trung bình ở giữa giai đoạn lột xác là 74,12%, trong khi ở lần lột xác đầu tiên là 60,24% và chỉ 46,73% ở lần lột xác cuối cùng. Giai đoạn tiền lột xác ở các độ tuổi từ PL7 đến PL17 có tỷ lệ sống thấp hơn so với ở giữa giai đoạn lột xác, với giá trị cao nhất (91-100%) đối với PL15 đến PL17.

Bảng 2. Tương tác giữa các yếu tố đối với tỷ lệ sống của tôm PL sau thử nghiệm sốc thẩm thấu trong giai đoạn lột xác và tuổi. *Có sự khác biệt đáng kể (P<0,05).

Chu kỳ lột xác và mức độ mặn khác nhau có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của tôm, đặc biệt là yếu hơn ở lần lột xác đầu tiên (PrMI) và lần lột xác cuối cùng (PrMF) do có sự biến đổi trong quá trình chuyển hóa axit amin, khả năng tiêu hóa của carbohydrate và lipid trong thức ăn, khả năng thẩm thấu, hemocyanin, glucose, glycogen trong gan tụy, và protein toàn phần.

Trong phân tích yếu tố 2 (tuổi), sự phát triển của mang xác định rằng độ tuổi càng lớn thì sự hiện diện của các sợi mang càng nhiều. Tương tự như vậy, chỉ số phát triển mang của cá thể (DBI) và chỉ số phát triển mang của quần thể (DBP) được cho là tỷ lệ thuận với tuổi PL. Với vai trò của mang trong việc điều hòa thẩm thấu, ít nhất một phần sự gia tăng tỷ lệ sống có thể là do sự phát triển mạnh mẽ của mang.

Bảng 3. Sự tương tác giữa tuổi và giai đoạn lột xác đến tỷ lệ sống của tôm thẻ L. vannamei sau thử nghiệm sốc thẩm thấu. PrMI: lần lột xác đầu tiên; PrMF: lần lột xác cuối cùng; IM: giữa giai đoạn lột xác.

Liên quan đến tuổi, tỷ lệ sống ở giai đoạn PL17 là cao nhất với 98,44%. Những kết quả này cho thấy khả năng chịu áp lực thẩm thấu tăng lên khi tuổi của ấu trùng tăng lên. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố duy nhất vì các giai đoạn của chu kỳ lột xác cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống.

Sự tương tác giữa hai yếu tố (giai đoạn lột xác, tuổi) tăng lên khi tuổi PL tăng lên, vì vậy chúng tôi xác định rằng liệu pháp tốt nhất để thực hiện các bài kiểm tra căng thẳng đối với tôm PL để chứng minh chất lượng của chúng nên được thực hiện ở giữa giai đoạn lột xác và tuổi post từ PL15-17.

Kết quả chỉ ra rằng, do sự tương tác giữa tuổi và các giai đoạn trong chu kỳ lột xác, các thử nghiệm sốc thẩm thấu chỉ nên được thực hiện với ít nhất là PL12 ở giữa giai đoạn lột xác, nuôi ở độ mặn 35 ppt và nhiệt độ 29°C.

Tỷ lệ sống của tôm PL sau các bài kiểm tra căng thẳng được xác định là tốt khi giá trị lớn hơn 75%. Các giá trị thu được từ PL11 trong giai đoạn IM, PL12 trong PRMI và PL17 trong PrMF mang lại tỷ lệ sống cao nhất khi chúng được phân tích dưới tác động của sự tương tác giữa tuổi và giai đoạn lột xác.

Khả năng điều hòa thẩm thấu của tôm PL trong giai đoạn đầu bị thiếu hụt do các cấu trúc thực hiện chức năng này (cụ thể là mang) không phân nhánh hoàn toàn và diện tích trao đổi của chúng không đủ để bù đắp cho sự sốc thẩm thấu hoặc chưa thể thực hiện trao đổi ion hiệu quả. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các yếu tố như hormone tăng đường huyết và cấu hình trao đổi chất của hemolymph được điều chỉnh tùy thuộc vào độ mặn khác nhau mà tôm phải đối mặt và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng.

Quan điểm

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có thể góp phần cải thiện các quy trình được sử dụng để xác định chất lượng tôm post thẻ L. vannamei từ các trại giống thương mại. Trong các quy trình để xác định chất lượng tôm PL, giai đoạn lột xác phải được xem xét vì tỷ lệ sống thấp trong các bài kiểm tra căng thẳng không đủ để xác định rằng lô tôm PL đó không đủ chất lượng.

Chúng tôi kết luận rằng, do sự tương tác giữa tuổi và các giai đoạn trong chu kỳ lột xác, các thử nghiệm sốc thẩm thấu chỉ nên được thực hiện ít nhất với PL12 ở giữa giai đoạn lột xác và được nuôi ở độ mặn 35 ppt và nhiệt độ 29°C.

Theo Elizabeth Burbano-Gallardo, Marco Antonio Imués-Figueroa, Tiến sĩ Edgar Andrés Gonzalez-Legarda, Luis Otavio Brito, Tiến sĩ Alfredo Olivera Galvez và Tiến sĩ Luis Alejandro Vinatea Arana.

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/osmotic-stress-pacific-white-shrimp-postlarvae/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *