Để có một vụ nuôi tôm thành công như mong đợi của bà con, phụ thuộc vào các yếu tố như: chuẩn bị ao nuôi, chất lượng tôm giống, kỹ thuật nuôi, mùa vụ, thời tiết,… Cách thả tôm giống đúng phương pháp là sự khởi đầu cho quá trình sinh trưởng và phát triển thuận lợi của tôm nuôi.

Phương pháp thả tôm giống đúng cách đóng một vai trò không kém phần quan trọng. Ngoài yếu tố lựa chon con giống tại cơ sở chất lượng, bà con cần phải thực hiện các bước sau: chuẩn bị đón nhận tôm giống, bố trí nơi thả giống phù hợp, thuần tôm trước khi thả và thả tôm giống trực tiếp xuống ao nuôi.

  1. Chuẩn bị đón nhận tôm giống

Để việc chuẩn bị đón nhận giống được thuận lợi, đạt hiệu quả giúp tôm giống khỏe mạnh khi thả thì  bà con cần chuẩn bị những công việc như sau:

  • Chuẩn bị đủ nguồn nhân lực và phương tiện cho hoạt vận chuyển và thả tôm giống.
  • Chuẩn bị vị trí thả tôm thuận lợi nhất.
  • Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ thuần tôm giống (bể thuần tôm, máy sục khí, ống thả tôm, thức ăn tôm…), nếu thả trực tiếp ta cần chuẩn bị khung gièo bọc tôm ngay vị trí thả tôm( khung tre, ống nhựa, dây nhựa)
  • Chuẩn bị một số sản phẩm bổ sung giúp chống sốc và phục hồi nhanh sức khỏe tôm giống như: khoáng, yucca, vitamin C, vitamin tổng hợp.
  • Chuẩn bị một số dụng cụ kiểm tra môi trường nước trong bọc tôm và trong ao nuôi trước khi thả như: Test Kiềm, Test pH, nhiệt kế, dụng cụ đo độ mặn …
  • Kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi trước khi thả.​

Phương tiện vận chuyển phù hợp

  1. Bố trí nơi thả giống phù hợp
  • Vị trí thả tôm giống phải rộng, bằng phẳng và gần đường cơ giới, giúp cho hoạt động đón nhận tôm, chuyển tôm, thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian thả tôm.
  • Vị trí thả giống phải nằm đầu hướng gió, nguồn nước ở khu vực này sạch hơn, tôm giống sau khi thả ra ao sẽ phân tán nhanh hơn.
  • Vị trí thả tôm phải gần dàn quạt nước đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan cao, đồng thời sẽ giúp tôm giống phân tán nhanh hơn khi thả.
  • Vị trí thả giống cần đảm bảo bờ ao vững chắc (tránh bị sạt lở làm đục nước khi thả giống), dễ bố trí khung giữ bọc tôm (nếu thả trực tiếp).
  1. Thuần môi trường nước trước khi thả giống

Do quá trình vận chuyển tôm giống trong thời gian dài nên các yếu tố môi trường nước trong bọc tôm có nhiều biến động rất khác so với môi trường nước ao nuôi khi thả (nhiệt độ, pH, kiềm, độ mặn,…), đặc biệt là nhiệt độ nước trong quá trình vận chuyển giống rất thấp so với nhiệt độ nước ao nuôi (nhiệt độ nước vận chuyển tôm giống thường khoảng 22 – 23oC). Những thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường nước sẽ làm rối loạn các chức năng sinh lý trong cơ thể tôm giống, gây sốc, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và tỉ lệ sống. Vì vậy, công tác thuần môi trường đóng vai trò rất quan trọng, giúp tôm giống làm quen với môi trường hoàn toàn mới trong ao nuôi.

Để thực hiện tốt việc thuần môi trường nước trước khi thả nuôi, người nuôi cần:

  • Các dụng cụ thuần tôm cần được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo an toàn sinh học.
  • Mật độ tôm trong bể thuần nên từ 300 – 500 PL/ lít nước.
  • Cho toàn bộ tôm giống vào bể thuần, mở sục khí liên tục để đảm bảo cung cấp đủ oxy.
  • Kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong bọc tôm giống (nhiệt độ, pH, kiềm, độ mặn) với các yếu tố môi trường nước ngoài ao nuôi.
  • Châm nước mới từ ao nuôi từ từ vào bể thuần để cân bằng nhiệt độ và các yếu tố môi trường. Tốc độ châm nước nhanh hay chậm tùy thuộc vào sức khỏe tôm giống và mức độ chênh lệch các yếu tố môi trường giữa ao nuôi so với trong bọc tôm giống. Ví dụ: tôm giống khỏe mạnh, linh hoạt, mức độ chênh lệch các yếu tố môi trường (đặc biệt là nhiệt độ và pH) giữa ao nuôi và nước trong bọc tôm thấp thì có thể châm nước nhanh hơn và thuần tôm trong thời gian ngắn hơn.
  • Nếu phải thuần tôm trong thời gian dài nên bổ sung thêm thức ăn, giúp tôm nhanh hồi phục và không cắn nhau. Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp (dinh dưỡng cao) hoặc artemia sống. Lượng thức ăn sử dụng cho thuần tôm khảng 100g/100,000 PL (60 phút cho ăn một lần). Thời gian thuần tôm tùy thuộc vào độ chênh lệch cao hay thấp giữa các yếu tố môi trường trong bọc tôm và môi trường ao nuôi .
  • Tạt vitamin C (5ppm) và vitamin tổng hợp (1ppm) vào bể thuần để giúp tôm nhanh phục hồi, giảm stress.
  • Sau khi cân bằng các yếu tố môi trường nước, tôm giống hoạt động mạnh thì tiến hành thả tôm ra ao nuôi, mở van hoặc sử dụng ống nhựa hút tôm từ bể thuần tôm xuống ao nuôi.

  1. Phương pháp thả tôm trực tiếp xuống ao nuôi.

Đây là phương pháp thường được bà con áp dụng khi thả tôm giống. Khi tôm giống về ao nuôi trước khi thả phải đảm bảo có sức khỏe tốt, không có chênh lệch quá lớn các yếu tố môi trường nước giữa ao nuôi và bọc tôm giống (nhất là pH và độ mặn) và đặc biệt phải cân bằng nhiệt độ nước giữa bọc tôm và ao nuôi.

Các bước thực hiện phương pháp này như sau:

  • Thực hiện tốt các công tác chuẩn bị như đã trình bày ở phần 2 (lưu ý không cần chuẩn bị bể thuần, máy sục khí cũng như thức ăn cho thuần môi trường).
  • Bố trí khung tre trong ao ngay khu vực thả để giữ các bọc tôm giống.
  • Chạy quạt nước trước khi thả giống ít nhất 5 giờ để tăng cường oxy hòa tan trong nước.
  • Ngâm bọc tôm giống vào vào vị trí gièo đã thiết kế sẵn, khoảng 30 phút để cân bằng nhiệt độ (thời gian thuần nhiệt độ tùy thuộc vào sức khỏe tôm giống và mức độ chênh lệch nhiệt độ giữa bọc tôm và nước ao nuôi).
  • Sau khi nhiệt độ đã cân bằng, tiến hành thả tôm giống ra ao nuôi, tạt vitamin C ngay tại khu vực thả tôm để giúp tôm giống nhanh hồi phục và chống sốc. Có thể bổ sung thêm khoáng sau khi thả tôm 30 phút giúp tôm mau cứng vỏ sau khi lột.

Thuần tôm thả trực tiếp dưới ao nuôi

Lưu ý: không nên lội xuống ao mà nên sử dụng xuồng, cầu, phao để thả, tránh làm đục nước tại khu vực thả giống và không đảm bảo an toàn sinh học.

Người thực hiện: ThS. Huỳnh Duy Phong – Công Ty TNHH Phát Triển Thủy Sản Bình Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page