Tiến sĩ Trần Hữu Lộc (người đang đứng) cùng các thành viên trong buổi hội thảo, từ trái sang phải, Tiến sĩ Luis Fernando Aranguren; Tiến sĩ Rajeev Jha, Chuyên gia tư vấn, Ấn Độ; Chengli Wang, Giám đốc Bán hàng và Dịch vụ, Genereach, Đài Loan; Eduardo Reyes, Giám đốc Sản xuất tại Grupo Almar, Ecuador; Tiến sĩ Kallaya Srifunyalucksana, Nhà nghiên cứu chính của Nhóm Nghiên cứu Thú y Thủy sản, BIOTEC-NSTDA, Thái Lan và Lê Văn Khoa, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Grobest.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tôm lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, Người sáng lập và Giám Đốc ShrimpVet Lab, Việt Nam đã dẫn đầu một hội thảo bao gồm các chuyên gia về dịch bệnh đến từ Mỹ, Ấn Độ và Thái Lan, nhà sản xuất tôm ở Ecuador và các nhà cung cấp thức ăn và chẩn đoán bệnh từ Đài Loan và Việt Nam, để thảo luận một số khía cạnh về quản lý dịch bệnh ở Châu Á và Châu Mỹ. Hội nghị Thượng đỉnh Tôm do Trung tâm Thủy sản có trách nhiệm (TCRS) tổ chức vào ngày 24-26/7.

Tiến sĩ Luis Fernando Aranguren mở đầu cho cuộc thảo luận với phần trình bày về lịch sử bùng phát dịch bệnh ở Châu Á và Châu Mỹ. Vào tháng 7, Luis Fernando gia nhập Grupo Almar Ecuador với vai trò Giám đốc Y tế. Trước đây ông làm việc tại Phòng thí nghiệm Bệnh học Nuôi trồng Thủy sản, Đại học Arizona. Ông lưu ý rằng đợt bùng phát gần đây nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) ở Ecuador vào năm 2015, nhưng sản lượng vẫn có xu hướng tiếp tục tăng. Ngược lại ở châu Á, những đợt bùng phát gần đây của Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) đã làm giảm đáng kể sản lượng. Có sự khác biệt rõ ràng về mối đe dọa dịch bệnh ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Hai dịch bệnh hàng đầu ở châu Á là EHP/ hội chứng phân trắng (WFS) và WSSV, trong khi ở châu Mỹ là WSSV và AHPND.

Sự khác biệt giữa bệnh HPM hay bệnh nhiễm vi bào tử trùng gan tụy ở Châu Mỹ và EHP ở Châu Á đã được thảo luận. Với WFS, nghiên cứu cho thấy rằng đó là sự kết hợp của một số mầm bệnh sơ cấp và thứ cấp với một vật chủ nhạy cảm, được hỗ trợ bởi các tác nhân như mật độ nuôi cao, sinh khối cao, quản lý kém và vượt quá khả năng chứa.

OIE và EHP

Luis Fernando đề xuất rằng các chính sách của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) cần được cập nhật để loại bỏ virus gây hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV) và virus gây hội chứng Taura (TSV) ra khỏi danh sách các mầm bệnh đáng chú ý, đồng thời thêm EHP và WFS vào danh sách. Theo ý kiến của ông, việc thay đổi này sẽ buộc ngành phải quản lý việc kiểm tra và tránh sự lây lan EHP ở tôm bố mẹ, không chỉ trong cùng một khu vực mà còn giữa các khu vực khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các thị trường có thể sử dụng danh sách này của OIE để tạo ra các rào cản thương mại, như tình trạng hiện tại khi các quốc gia yêu cầu xét nghiệm WSSV ngay cả trong các sản phẩm đông lạnh. Một lựa chọn khác là khuyến cáo OIE chỉ nên kiểm tra EHP cụ thể trên tôm sống.

Dựa trên nghiên cứu của họ, Kallaya, Tiến sĩ Lộc và Rajeev đồng ý rằng EHP bị vô hiệu hóa trong tôm đông lạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đưa EHP vào danh sách OIE để có ít nhất sự kiểm soát về sự lây lan của nó trong nước.

Chẩn đoán và mầm bệnh mới

Sự hiểu biết hạn chế về phát hiện mầm bệnh đã dẫn đến việc tập trung chủ yếu vào các mầm bệnh đã biết được xét nghiệm bằng PCR. Các phương pháp chẩn đoán bằng PCR để phát hiện EHP/HPM bao gồm PCR thông thường, Real-time PCR và Nested-PCR. Chỉ có phương pháp phát hiện protein thành bào tử (SWP)-PCR được phát triển ở Thái Lan là có độ nhạy với EHP.

Mặc dù mô bệnh học đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các nguyên nhân hoặc hội chứng mới, nhưng việc sử dụng nó đang giảm dần. Vấn đề PCR dương tính giả được phát hiện từ các yếu tố virus nội sinh (EVE) trong bộ gen của tôm, khi tôm chưa bị nhiễm bệnh, đã được đặt ra. Thách thức là phát triển các mồi không bị ảnh hưởng bởi DNA virus tích hợp. IHHNV-EVE là ví dụ điển hình cho hiện tượng này ở tôm sú.

Tương lai của các công cụ chẩn đoán bao gồm giải trình tự thế hệ tiếp theo (NGS). Chẩn đoán dựa trên CRISPR mới có thể cung cấp độ nhạy tương tự như PCR nhưng với chi phí thấp hơn nhiều và không cần thiết bị hoặc đào tạo chuyên dụng.

Có một số mầm bệnh mới như bệnh tôm chết bí ẩn do nodavirus gây ra (CMNV) và bệnh mờ đục trên hậu ấu trùng (TPD) nhưng không có bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện và tác động của chúng đối với ngành tôm. Tuy nhiên, cẩn trọng là điều cần thiết. Quan trọng là phải điều tra nguyên nhân/tính chất của bất kỳ trường hợp chết nào.

Quản lý dịch bệnh

Tăng thân nhiệt tôm là biện pháp được sử dụng để kiểm soát WSSV. Ngoài ra, còn có việc sử dụng các dòng tôm kháng WSSV ở Châu Mỹ, nơi tỷ lệ sống là 40% so với 5% ở các dòng không có mầm bệnh cụ thể (SPF) hoặc với tất cả các dòng phơi nhiễm với tất cả mầm bệnh (APE), nơi tỷ lệ sống sót là 20% so với 0% ở các dòng tôm nhạy cảm (dễ bị nhiễm bệnh).

AHPND hiện diện ở Châu Mỹ, nhưng cách nó tác động đến các trang trại lại khác biệt so với ở Châu Á. Các trang trại ở châu Á sử dụng tôm bố mẹ SPF/kháng mầm bệnh (SPR) để sản xuất tôm giống sạch bệnh, không giống như ở châu Mỹ, điều này có lẽ là do châu Mỹ có mật độ nuôi thấp hơn và ít căng thẳng hơn.

Dịch bệnh tiếp tục là vấn đề lớn nhất mà các nhà sản xuất trên toàn thế giới phải đối mặt. Thách thức là làm thế nào để xây dựng sức mạnh và nguồn lực để đối phó với dịch bệnh. Có nên ưu tiên kiểm soát một số loại bệnh không? Tiến sĩ Lộc cho rằng điều này phải căn cứ vào mức độ rủi ro của từng mầm bệnh. Rajeev đưa ra quan điểm tập trung vào tổn thất kinh tế, trong đó EHP gây ra tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cao, trong khi AHPND gây ra tỷ lệ chết mãn tính. ​

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://issuu.com/aquacultureasiapacific/docs/aq23192_aap_nov_dec_23_fa_mr?e=28637981/97734629

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *