Điều quan trọng là kiểm tra đàn bố mẹ hoang dã sạch bệnh và kiểm dịch chúng trong 2 tuần trước khi đưa vào bể dưỡng.

Tôm bố mẹ trong bể trưởng thành. Chỉ những con bố mẹ sạch bệnh mới được nuôi trong các bể này từ 1-3 tháng.

Có hai dự án đồng thời về tôm sú Penaeus monodon ở Ấn Độ, được thực hiện bởi Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản Rajiv Gandhi (RGCA), bộ phận R&D của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản (MPEDA). Năm 2005, trước khi tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei xuất hiện vào năm 2009 và sau đó trở thành loài tôm chủ lực trong ngành tôm ở Ấn Độ, RGCA đã bắt đầu chương trình thuần hóa và nhân giống tôm sú P. monodon tại Kodiaghat và Amkunj ở Quần đảo Andaman và Nicobar. Dự án đang ở thế hệ thứ chín để sản xuất tôm sú bố mẹ sạch mầm bệnh cụ thể (SPF).

Dự án còn lại là một cơ sở sản xuất giống và nuôi tôm trưởng thành trong Khu liên hợp nuôi trồng thủy sản đa loài (MAC) trên đảo Vallarpadam, Kochi, Kerala. Mục đích của dự án này là sản xuất ra ấu trùng tôm sú sạch bệnh. Quá trình sản xuất này sử dụng tôm bố mẹ đánh bắt tự nhiên được thu thập từ khắp Ấn Độ. Mục tiêu là khởi động lại ngành nuôi tôm sú, với sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm, so với gần 750.000 tấn tôm thẻ chân trắng vào năm 2019.

Các giám đốc Dự án RGCA, Tiến sĩ S. Kandan và Tiến sĩ T.G. Manojkumar, đồng thời là Giám đốc Dự án tại MAC, rất vui mừng với sự quan tâm gần đây của nông dân đối với việc khôi phục nghề nuôi tôm sú. “Tôi tin rằng với chất lượng tôm post tốt, loài tôm này có thể quay trở lại. Ở đây, chúng tôi chỉ có khả năng chứa cho 20 triệu tôm post (PL12-PL20), nhưng lượng đặt hàng hiện tại đã lên tới 24 triệu post,” Kandan nói.

Một trong những hạn chế chính trong việc phát triển tôm sú sạch mầm bệnh cụ thể (SPF) ở Andamans là hội chứng IHGS và hội chứng gây chết tôm bố mẹ – SMV, dường như đây là bệnh đặc hữu của quần thể địa phương (Luna, 2013). Theo Manojkumar, gần đây người ta phát hiện ra rằng với sự phát triển của các thế hệ, đã có sự xuất hiện của một số dòng có khả năng kháng IHGS.

Xử lý nước là một điều kiện tiên quyết và quan trọng cho trại giống này. Ở đây, nước có độ mặn 30-34ppt được lấy từ con sông gần đó. Nước đi qua một bộ lọc cát siêu nhỏ trước khi được dẫn đến một bể chứa có thêm clo (nồng độ 20ppm), sau đó là sục khí 20 phút. Sau 12 giờ, phần nước nổi phía trên được dẫn sang một bể chứa khác để khử clo bằng natri thiosulfat. Nước chảy đến một bể chứa khác để ozon hóa, lọc cát và carbon, trước khi đi qua bộ lọc cartridge 1 micron và cuối cùng là xử lý tia cực tím, sau đó sẽ được sử dụng trong trại giống.

Bể nuôi ấu trùng

Sự khác biệt về loài của tôm bố mẹ hoang dã

Tại trại giống, Manojkumar nói rằng họ thu thập tôm bố mẹ từ khắp Ấn Độ. Ông cho biết rằng có sự khác biệt về loài giữa tôm sú được đánh bắt ở bờ biển phía đông và phía tây của Ấn Độ. Trên thực tế, họ cũng nhận thấy sự khác biệt về loài giữa tôm được đánh bắt ở các địa điểm khác nhau ở bờ biển phía đông, như ở Visakhapatnam, Paradweep và Pazhayar. Tương tự, sự khác biệt cũng được ghi nhận giữa tôm đánh bắt ở các địa điểm khác nhau ở bờ biển phía tây. “Tiến sĩ D. Lightner thông báo với chúng tôi rằng có thể có sự khác biệt đối với tôm ở các địa điểm thậm chí cách nhau 200-300 km. Sự khác biệt này chủ yếu là tốc độ tăng trưởng. Trong đó có một thế hệ tôm cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều và màu sắc cũng rất nhạt. Chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng cân bằng ở các thế hệ khác chỉ sau 120 ngày, và chúng cũng có khả năng chống chịu với IHGS.”

PL12 đã sẵn sàng đóng gói cho người nuôi

Tôm bố mẹ sạch bệnh

Tất cả tôm bố mẹ đều được kiểm dịch và xét nghiệm 15 tác nhân gây bệnh, trong đó có 7 tác nhân gây bệnh được liệt kê bởi Tổ chức Y tế Thế Giới OIE, bao gồm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV), virus gây hội chứng Taura (TSV), virus gây bệnh đầu vàng (YHV) và virus gây hội chứng liên quan đến mang (GA), virus gây hoại tử cơ (IMNV), virus gây hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV), vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy hepatobacter penaei (NHP-B) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Tám virus còn lại là Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), virus gây bệnh gan tụy (HPV), virus gây ánh kim trên hồng cầu (SHIV), virus gây hội chứng chậm lớn Laem-singh (LSNV), virus gây chết tôm bố mẹ (SMV) và bệnh do vi khuẩn giống loài rickettsia (RLB) gây ra.

Manojkumar nói: Chỉ khi tôm bố mẹ sạch bệnh, chúng tôi mới đưa chúng đến trại giống để nuôi thành thục và sinh sản. Sau đó, chúng tôi lai một con cái từ vùng này với một con đực từ vùng khác. Vào năm 2018, chúng tôi đã tìm thấy một số kết quả thú vị từ những phép lai này. Chúng tôi sẽ sớm tiết lộ kết quả nhưng tôi có thể nói với bạn rằng một số phép lai này đã cho kết quả tuyệt vời. Một nông dân cho biết, suốt 16 năm nuôi tôm sú, chưa bao giờ ông thấy tôm lớn nhanh như vậy, tôm đạt 25-30 con/kg trong 86 ngày nuôi. Chúng tôi cho rằng điều này là do lai giữa các chủng khác nhau và nâng cao tỷ lệ sống qua di truyền.”

Việc cung cấp tôm post khỏe mạnh cho nông dân bắt đầu vào ngày 18 tháng 2 năm 2019. Kandan cho biết: “Hậu ấu trùng của chúng tôi có danh tiếng rất tốt.” Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là thành lập các trại sản xuất giống tư nhân trên khắp Ấn Độ. Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ chính quyền bang Gujarat và Andhra Pradesh. Tôi tin chắc rằng nếu có nguồn tôm giống chất lượng tốt thì ngành tôm sú sẽ được phục hồi trở lại”.

Nông dân đang chất các túi tôm post vào ô tô để chuẩn bị cho chuyến hành trình 5 tiếng về trang trại của mình. Bằng cách này, tôm được đảm bảo về nhiệt độ mát mẻ trong suốt chuyến đi.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/may-june-2020/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page