Cần quan tâm nhiều hơn đến kĩ thuật cắt bỏ cuống mắt tôm, coi phúc lợi động vật là một phần của nuôi tôm bền vững
Tôm thẻ mẹ không bị cắt mắt
Phúc lợi động vật – được định nghĩa là “cách mà động vật được đối xử tốt về mặt sinh học, hành vi và cảm xúc trong môi trường sống của chúng” – ngày càng được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu cho một tương lai bền vững. Nó thậm chí còn được công nhận là có lợi cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc trong năm 2030. Các cuộc thảo luận về phúc lợi của động vật thủy sinh đã vắng bóng cho đến những năm gần đây, trong đó, phúc lợi động vật trong nuôi trồng thủy sản gặp nhiều trở ngại hơn so với các loài động vật có xương sống trên cạn.
Thứ nhất, không giống như nuôi động vật trên cạn, phần lớn các loài thủy sản hiện đang được nuôi là hoang dã hoặc cho đến gần đây mới được thuần hóa. Thứ hai, số lượng động vật thủy sản được nuôi cao hơn ít nhất 15 lần so với động vật nuôi trên cạn. Ngoài ra, một số hệ thống sản xuất như lồng, ao và RAS cần được xem xét cho các nghiên cứu về phúc lợi động vật. Thứ ba, các nghiên cứu về tri thức, khả năng chịu đựng đau đớn và hành vi trốn ở động vật giáp xác khó thực hiện hơn so với động vật có xương sống. Cuối cùng, khó đồng cảm với cá hoặc động vật giáp xác hơn so với động vật có xương sống trên cạn; ví dụ như cừu.
Việc đánh giá mức độ đau đớn và tri thức ở decapods (giáp xác 10 chân) rất phức tạp, do đó, câu hỏi đặt ra là: động vật giáp xác có phải là động vật có tri giác không? Birch và cộng sự (2021) đã phân tích các tiêu chí khác nhau, bao gồm sự hiện diện của các thụ thể đau, các vùng não tích hợp phản ứng đau, tác dụng của thuốc mê đối với hành vi của động vật, sự đánh đổi, chiến thuật tự bảo vệ và kinh nghiệm học tập, trong hơn 300 nghiên cứu khoa học, để xác định bằng chứng về tri giác ở cephalopods (động vật chân đầu) và decapods. Nghiên cứu kết thúc với khuyến cáo rằng “tất cả các loài thân mềm cephalopods và giáp xác decapods đều được coi là động vật có tri giác theo mục đích của luật phúc lợi động vật ở Vương quốc Anh. Chúng nên được tính là “động vật” theo mục đích của Đạo luật phúc lợi động vật năm 2006 và được đưa vào phạm vi của bất kỳ luật nào trong tương lai liên quan đến tri thức ở động vật” (Birch và cộng sự, 2021). Các quốc gia khác như Úc, Áo, New Zealand và Na Uy cũng bảo vệ hợp pháp đối với động vật giáp xác.
Cắt cuống mắt của tôm cái
Đây là hành động loại bỏ hoặc thắt một hoặc hai bên cuống mắt tôm bằng cách cắt, đốt hoặc buộc/thắt. Quy trình bắt này đầu vào những năm 1970 như một cách để kích thích sự trưởng thành của con cái trong phòng thí nghiệm ở Penaeus monodon và Penaeus duoradum. Phương pháp này đã được sử dụng thường xuyên trong hơn 30 năm để tăng khả năng dự đoán sản xuất nauplii ở các trại giống trên toàn thế giới.
Kỹ thuật này thúc đẩy sự trưởng thành của buồng trứng bằng cách giảm sản xuất hormone ức chế tuyến sinh dục (GIH)/hormone ức chế sự hình thành tế bào trứng (VIH). Vì hormone này được tiết ra từ phức hợp tuyến xoang cơ quan X nằm trong các cuống mắt, nên việc cắt bỏ một hoặc cả hai cuống mắt sẽ làm giảm hoặc thậm chí ngừng sản xuất hormone này.
Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo, bên cạnh những tác động có lợi, thì việc cắt bỏ cuống mắt cũng có những tác dụng phụ nghiêm trọng. Các hormone khác như MIH (hormone ức chế lột xác), MOIH (hormone ức chế cơ quan hàm dưới) và CHH (hormone tăng đường huyết của giáp xác) cũng được sản xuất trong phức hợp tuyến xoang cơ quan X. Do đó, quá trình cắt mắt gây mất cân bằng sinh lý, nhu cầu năng lượng cao, thay đổi các con đường sinh hóa và giảm nồng độ haemocyanin và glucose trong gan tụy (Palacios và cộng sự, 1999a). Việc cắt mắt thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch, làm tăng tính nhạy cảm với việc nhiễm vi khuẩn Vibrio (Zang và cộng sự, 2022) và hoại tử gan tụy (NHP – necrotizing hepatopancreatitis) (Morales-Covarrubias và cộng sự, 2005). Tất cả những tác động này là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ chết của con cái trong quá trình sản xuất, như đã được báo cáo ở tôm sú P. monodon và tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei bởi de Meneses và cộng sự (2019) và một số nhà nghiên cứu khác.
Hình 1. Các chỉ số năng suất trưởng thành ở những con cái bị cắt mắt và không cắt mắt trong phòng thí nghiệm thương phẩm.
Trường hợp loại bỏ việc cắt mắt ở con cái trong thế kỷ 21
Trong những năm gần đây, việc cắt mắt con cái là một vấn đề thường xuyên xảy ra trong các chiến dịch bảo vệ động vật. Những ấn phẩm như: “Không thể từ bỏ việc cắt mắt tôm? Chúng ta cần nói về hành vi cắt bỏ cuống mắt tôm” (Gough, 2021); “Tôm cái trong trang trại bị cắt mắt” (Nhóm Animals Australia, 2017), và một số tác phẩm khác, đã gây ra thiệt hại to lớn cho hình ảnh của ngành tôm. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại về việc cắt mắt tôm, câu trả lời của ngành tôm là nếu việc cắt mắt tôm bị hủy bỏ, thì các trại sản xuất giống sẽ phải dựa vào sinh sản tự nhiên, nhưng sinh sản tự nhiên diễn ra chậm và không thể đoán trước được tỷ lệ sản xuất nauplii, do đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu tôm giống để thả (Wright, 2016) trong các ao nuôi.
Tuy nhiên, các báo cáo gần đây đã gợi ý rằng các quy trình quản lý mới, bao gồm tạo điều kiện nuôi trưởng thành sớm, tăng mật độ thả và/hoặc thay đổi tỷ lệ giới tính, có thể giúp những con không bị cắt mắt đạt năng suất tương tự như những con bị cắt mắt (Zacarias và cộng sự, 2019).
Ngoài ra, gia hóa và chọn lọc giống có khả năng sinh sản sớm cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong hiệu quả thành thục mà không cần cắt bỏ cuống mắt. Kể từ năm 2017, Benchmark Genetics đã bãi bỏ việc cắt mắt con cái, cả trong trung tâm nhân giống ở Colombia và Florida, Hoa Kỳ. Năm năm sau, các thông số sản xuất tốt hơn so với những năm trước, với số lượng nauplii trên mỗi con cái cao hơn, tỷ lệ chết của con cái thấp hơn và chất lượng nauplii tốt hơn (Andres Suarez, Bernardo Jaramillo, pers. comm). Ngoài ra, Seajoy Farms nhận thấy việc loại bỏ quá trình cắt mắt trong các trại sản xuất giống của họ khá dễ dàng, và hiện tại, 100% tôm của Seajoy được sản xuất ở Honduras và Nicaragua đều không trải qua quá trình cắt mắt (Wright, 2016).
Số lượng nauplii
Tuy nhiên, việc cho đẻ không cắt mắt vẫn không hiệu quả về mặt chi phí khi xét về tổng số nauplii được sản xuất cho nhiều trại giống, vì các thông số năng suất đối với con cái không cắt mắt thấp hơn 20% so với con bị cắt mắt. Các thông số sản xuất của những con cái bị cắt bỏ và không bị cắt bỏ từ chương trình nhân giống của Benchmark Genetics đã được đánh giá trong một trại sản xuất giống thương phẩm ở Việt Nam. Việc đánh giá những con cái từ cùng một nguồn gốc được thực hiện trong những điều kiện giống nhau. Như thể hiện trong Hình 1, sản lượng nauplii từ những con cái bị cắt mắt cao hơn 23% so với những con không bị cắt mắt, chủ yếu là do tỷ lệ trưởng thành/ngày của con cái bị cắt mắt cao hơn (19,1% so với 16,7% đối với những con không bị cắt bỏ). Tuy nhiên, những con cái không bị cắt bỏ có thể sản xuất 1,3 triệu nauplii/tháng, chứng tỏ rằng việc không cắt mắt là khả thi trong điều kiện thương phẩm.
Chất lượng ấu trùng
Việc cắt bỏ cuống mắt đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến chất lượng nauplii và ấu trùng. Một bài báo về không cắt mắt ở tôm hồng Penaeus brasiliensis cho thấy chất lượng nauplii cao hơn ở thế hệ con của chúng. Zacarias và cộng sự (2021) phát hiện ra rằng hậu ấu trùng từ những con cái không bị cắt mắt có tỷ lệ sống cao hơn đáng kể (70,4%) so với những con cái bị cắt mắt (38,8%) sau 96 giờ cảm nhiễm với VpAHPND. Nghiên cứu chứng minh rằng hậu ấu trùng và con non từ những con cái không bị cắt mắt có khả năng chống chọi tốt hơn với mầm bệnh vi khuẩn và có thể cho thấy tỷ lệ sống cao hơn trong đợt bùng phát dịch bệnh.
Palacios và cộng sự (1999b) đã tìm thấy sự suy giảm chỉ số tình trạng nauplii ngày càng tăng sau khi cắt mắt, điều này cho thấy rằng sự cạn kiệt khả năng sinh sản của tôm bố mẹ liên quan đến những thay đổi trong quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến khả năng sống của ấu trùng. Đối với các nhà sản xuất thương phẩm, hoạt động sản xuất không cắt bỏ đang gia tăng như một thông lệ ở các trại giống châu Á trong những năm gần đây. Điều này là do nông dân đang báo cáo postlarvae từ những con bố mẹ không cắt mắt có tính trạng chưa được thực nghiệm tốt hơn (Bruno Decock, pers. comm).
Kết luận
Cắt mắt con cái là một công cụ thiết yếu trong những năm đầu nuôi tôm và bắt đầu quá trình trưởng thành của một chu trình khép kín. Tuy nhiên, với số lượng thế hệ động vật được nuôi ngày càng tăng và sự chọn lọc di truyền của những con cái sinh sản sớm, một số trại giống và chương trình nhân giống đã có thể thực hiện phương pháp không cắt mắt mà không gặp vấn đề nghiêm trọng nào.
Với xu hướng ngày càng tăng về tầm quan trọng của phúc lợi động vật trong nuôi trồng thủy sản và tầm quan trọng của việc cắt mắt trên thị trường cũng như nhận thức của công chúng, có thể dự đoán rằng người tiêu dùng sẽ chỉ mua tôm từ đàn bố mẹ không bị cắt mắt, và nếu các nhà sản xuất vẫn sử dụng những con cái bị cắt mắt, sản phẩm của họ có thể bị cấm đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn việc cắt mắt tôm chỉ có thể đạt được khi có sự đồng ý của tất cả các bên có liên quan.
- Các công ty nhân giống nên cải thiện hiệu suất thành thục của những con cái không bị cắt mắt và hướng dẫn khách hàng về các quy trình quản lý phù hợp đối với động vật nuôi.
- Cộng đồng khoa học nên hướng đến việc đánh giá năng suất của hậu ấu trùng từ những con cái không bị cắt mắt.
- Hậu ấu trùng từ những những nhà lai tạo không cắt mắt sẽ có giá trị cao hơn để bù đắp cho năng suất thấp hơn, điều này có thể đạt được bằng cách tăng nhu cầu đối với tôm từ các nhà tạo giống không cắt mắt. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng phải sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm đó.
Cuối cùng, câu hỏi duy nhất còn lại đối với các trại sản xuất giống là: “Liệu các công ty sẽ dẫn đầu trong các hoạt động không cắt mắt này, hay họ sẽ trở thành những kẻ tụt hậu phía sau?”
Theo Aqua Culture Asia Pacific
Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/september-october-2022/
Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh
“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”
Xem thêm:
- Chương Trình Nhân Giống Thúc Đẩy Sản Lượng Côn Trùng Lên 20%
- Những Người Nuôi Tôm Càng Đỏ Chào Đón Những “Người Chơi Mới” Trong Ngành Khi Nhu Cầu Tiếp Tục Vượt Xa Nguồn Cung
- Hoạt tính kháng khuẩn của các chủng Bacillus chống lại vi khuẩn Vibrio campbellii gây bệnh AHPND ở tôm thẻ chân trắng