Tóm tắt

Hội chứng tôm chết liên tục (RMS) là vấn đề nghiêm trọng ở các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei. Trong những năm gần đây, người nuôi tôm phải đối mặt với tình trạng mất mùa do căn bệnh này. Để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh khác nhau trong nuôi tôm, nông dân thường sử dụng hóa chất và kháng sinh. Những chất hóa học điều trị này gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với vai trò là một giải pháp thay thế cho thuốc hóa học, các hợp chất thảo dược được tin dùng để cải thiện khả năng miễn dịch của sinh vật nuôi trồng trong nuôi trồng thủy sản. Thức ăn bổ sung thảo dược thương mại Phytozoi được sử dụng ở mức 3g/Kg thức ăn sau 40 ngày nuôi (DOC) cho đến khi thu hoạch ở ao nuôi thử nghiệm P2 và P3 so với ao đối chứng (P1 và P4). Kết quả cho thấy rõ ràng rằng việc bổ sung thức ăn thảo dược phytozoi cho tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei trong ao nuôi đã làm tăng tỷ lệ sống, lượng thức ăn ăn vào, cải thiện chất lượng nước, quá trình lột xác diễn ra bình thường và phục hồi được gan tụy của tôm. Nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt đáng kể (P<0,01) về tỷ lệ sống và tổng sản lượng giữa các ao thử nghiệm khi so với ao đối chứng. Phytozoi bổ sung thức ăn thảo dược có thể cải thiện khả năng chống lại hội chứng tôm chết liên tục và mang lại lợi ích kinh tế.

1. Giới thiệu

Nuôi trồng thủy sản là ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, bao gồm cả các nước châu Á. Ngành này đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng chất lượng tốt hơn, tạo việc làm và phát triển nông thôn (Jayanthi và cộng sự, 2015). Nghề nuôi tôm ở Ấn Độ đã gặp phải nhiều vấn đề từ dịch bệnh do các bệnh nhiễm virus và vi khuẩn gây ra. Gần đây, do các vấn đề thường xuyên về dịch bệnh, người nuôi tôm ở Ấn Độ đã chuyển từ nuôi tôm sú Penaeus monodon sang nuôi tôm thẻ chân trắng L. vannamei. Sau năm 2009, tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei trở thành loài tôm được nuôi phổ biến hiện nay ở Ấn Độ. Một số đợt bùng phát dịch bệnh cũng có liên quan đến bệnh Vibriosis do vi khuẩn các loài Vibrio gây ra. Trong quá khứ, hầu hết các loài Vibrio được coi là loài thứ cấp và cơ hội, gây chéet cho động vật trong môi trường bị suy thoái (Lightner và cộng sự, 1984). Việc gia tăng các đợt bùng phát dịch bệnh đã được báo cáo là có liên quan đến sự gia tăng quần thể Vibrio gây bệnh trong nước nuôi cũng như bội nhiễm các loài Vibrio gây chết hàng loạt ở nhiều loài thủy sản như Litopenaeus vannamei.

Kể từ năm 2011, một hội chứng mới chưa được xác định đã trở thành vấn đề lớn trong nuôi tôm ở Ấn Độ (Masthan và Osman Ahmed, 2016). Tôm nuôi trong các ao bị ảnh hưởng cho thấy tỷ lệ chết kéo dài trong suốt vụ nuôi. Không có mối liên hệ với các thông số chất lượng nước và bất kỳ bệnh nào khác được báo cáo trước đó. Tình trạng này được gọi là “Hội chứng tôm chết liên tục” hoặc RMS ở tôm. Đây là vấn đề mà các nhà sản xuất trên khắp Tamil Nadu và Andhra Pradesh hiện đang phải đối mặt. Sản lượng tôm thẻ chân trắng của Ấn Độ có thể giảm trong năm 2015 do nông dân phải đối mặt với các vấn đề dịch bệnh và cân nhắc chuyển sang nuôi tôm sú (Neil Ramsden, 2015). Các vấn đề về bệnh tật thường xuyên cùng với sự bền vững của môi trường và sự tồn tại lâu dài của thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh và các hóa chất độc hại khác trong môi trường nước dẫn đến sự tích tụ dư lượng hóa chất trong mô động vật, gây ra nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe con người. Hiện nay các nhà khoa học và nông dân đang sử dụng các sản phẩm thảo dược để nâng cao khả năng miễn dịch của vật nuôi và giảm lượng vi khuẩn gây bệnh trong môi trường ao nuôi. Một số nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra các hợp chất mới từ nguồn thực vật với chi phí thấp và chúng là những hợp chất tốt nhất để ngăn chặn các sinh vật gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản (Sivasankar và cộng sự, 2015). Có một số cây thuốc được sử dụng trong nuôi tôm bao gồm cây bầu nâu Aegle marmelos, tỏi Allium sativum, sầu đâu Azadirachta indica, muồng hoàng yến Cassia fistula, dừa cạn Catharanthus roseus, nghệ Curcuma longa, cỏ gà Cynodon dactylon, cây bông ổi Lantana camara, dâu tằm trắng Morus alba, cây húng quế Ocimum americanum, diệp hạ châu đắng Phyllanthus amarus, me rừng Phyllanthus emblica, ổi Psidium guajava, lu lu đực Solanum nigrum, Tridax procumban Tylophora indica (Balasubramanian và cộng sự, 2007). Mục đích của nghiên cứu này là xác định tác dụng của sản phẩm thảo dược thương mại “Phytozoi” đối với Hội chứng tôm chết liên tục (RMS), chưa được tiến hành trước đó ở tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei trong ao nuôi bán thâm canh.

2. Vật liệu và phương pháp

Nghiên cứu này được thực hiện tại một trang trại nuôi tôm tư nhân ở làng Koppolu, gần khu vực Ongole (15° 30′ 20,6028” Bắc và 80° 2′ 59,7084” Đông), huyện Prakasam, Andhra Pradesh, Ấn Độ. Nghiên cứu được thực hiện tại 4 ao nuôi tôm bán thâm canh (P1, P2, P3 và P4). Có một ao chứa riêng rộng khoảng 0,8 ha được duy trì để xử lý nước thô lấy từ con lạch. Độ mặn của nước lạch được điều chỉnh bằng cách trộn nước giếng khoan để duy trì độ mặn 10 ppt trong ao nuôi. Các ao nuôi được sử dụng cho nghiên cứu này được chuẩn bị đồng bộ, tuân theo các biện pháp thông thường như cày xới, bón vôi, v.v. và được bơm đầy nước lạnh đã lọc, khử trùng bằng clo (30 ppm) và khử clo ở độ sâu lên tới 1,2 đến 1,3 m. Sau đó, tất cả các ao đều được bón phân để sinh vật phù du phát triển tốt trong nước ao và bổ sung men vi sinh với mật đường để môi trường vi khuẩn có lợi phát triển. Sau khi chuẩn bị ao thích hợp, ấu trùng tôm thẻ chân trắng L. vannamei (PL14) được thả với mật độ 30/m2 ở P1, P2 và 35/m2 ở P3, P4 lần lượt thu được từ trại giống tôm tư nhân sau khi sàng lọc kỹ lưỡng tình trạng ô nhiễm virus và vi khuẩn (Bảng 1). Không thay nước trong thời gian nuôi. Tuy nhiên, việc bổ sung nước theo yêu cầu được thực hiện định kỳ từ ao chứa để bù lượng nước mất đi do bốc hơi hoặc thẩm thấu đất.

Bảng 1: Chi tiết ao nuôi thí nghiệm

Trong quá trình nuôi, các biến chất lượng nước được duy trì ở mức tối ưu. Sau khi thả giống, ấu trùng được cho ăn bằng thức ăn tôm CP (CP Aquaculture India Ltd., Chennai, Ấn Độ) trong suốt thời gian nuôi theo các khẩu phần ăn và lịch trình cho ăn khác nhau được đề xuất trong biểu đồ thức ăn CP và được điều chỉnh theo quan sát khay kiểm tra thích hợp.

Thức ăn bổ sung thảo dược Phytozoi (Biode Technologies, Bangalore) được trộn @ 3g/Kg thức ăn sau 50 ngày nuôi cấy (DOC) cho đến khi thu hoạch ở các ao nuôi thử nghiệm P2 và P3, các ao nuôi khác (P1 và P4) cũng được theo dõi với các biện pháp quản lý ao nuôi tương tự, nhưng không sử dụng bổ sung thức ăn thảo dược. Các biện pháp xử lý thông thường được thực hiện bằng các chất bổ sung khác cùng với vitamin C để kiểm soát tỷ lệ chết trong ao nuôi.

Tỷ lệ chết, phân, màu sắc cơ thể tôm, mất các phần phụ và độ đầy ruột được quan sát hàng ngày vào lúc 6 giờ sáng bằng cách quan sát trực quan toàn bộ ao từ đê và quan sát khay kiểm tra. Các thông số chất lượng nước như pH, tổng Nitơ – Amoniac, Oxy hòa tan, Độ kiềm tổng, Nitrite-Nitrogen được xác định trong tất cả các ao nuôi theo phương pháp tiêu chuẩn (APHA, 1995). Tổng sản lượng, tỷ lệ sống và số lượng tôm được quan sát bằng các quy trình tiêu chuẩn tại vụ thu hoạch.

Dữ liệu được phân tích thống kê bằng cách sử dụng phân tích phương sai một chiều (ANOVA) để tìm ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào giữa các nhóm thử nghiệm và việc so sánh giữa các nghiệm thức được thực hiện bằng phép thử đa phạm vi của Duncan (DMRT) với P<0,05 (Snedesign và Cochran, 1967) (SPSS; phiên bản 14.0).

3. Kết quả và thảo luận

Trong các ao nuôi L. vannamei, vào ngày nuôi thứ 40 (DOC), khoảng 8 con tôm chết được tìm thấy trong khay kiểm tra và tỷ lệ chết tăng mạnh hàng ngày ở cả 4 ao nuôi. Ở đây, các yếu tố độc hại có mặt ngoài vi khuẩn, nhưng các thông số chất lượng nước như pH, Tổng nitơ Amoniac, Oxy hòa tan, Độ kiềm tổng, Nitrite-Nitrogen đã được phân tích và tìm thấy nó ở mức bình thường (Bảng 2). Do đó, các chuyên gia nghi ngờ đây có thể là một bệnh dịch và cần phải thực hiện chương trình y tế đối với các sinh vật nuôi trồng. Tôm sắp chết có biểu hiện đổi màu từ hồng nhạt đến hơi vàng ở vùng đầu ngực (Hình 3), toàn bộ cơ thể chuyển sang màu đỏ và gan tụy bị hoại tử có màu đen (Hình 1). Các triệu chứng bệnh ở tôm chết được phát hiện thông qua quan sát trực quan hàng ngày trên khay kiểm tra (Hình 7), trong đó có thể đánh giá được một số dấu hiệu. Chủ yếu là râu gãy (Hình 3); uropod màu đỏ (Hình 2); phân màu trắng hoặc vàng trong ruột (Hình 5); tỷ lệ chết cao được quan sát thấy trong giai đoạn giữa các lần lột xác (Hình 4); tôm chết chìm xuống đáy ao. Các triệu chứng tương tự cũng được báo cáo bởi Ravi Kumar và Sambasiva Rao (2014), Srinivas và cộng sự (2016) và Mastan và Osman Ahmed (2016).

Bảng 2: Sai số trung bình và tiêu chuẩn (± SE) theo nhóm của các thông số chất lượng nước trong ao nuôi đối chứng và ao nuôi thí nghiệm.

Hình 1: Tôm L. vannamei đỏ toàn thân

Hình 2: Uropod màu đỏ

Hình 3: Vùng đầu ngực từ hồng nhạt đến hơi vàng và đỏ toàn thân

Hình 4: Tỷ lệ chết trong giai đoạn lột xác

Hình 5: Phân màu vàng

Hình 6: Tôm bình thường

Hình 7: Tôm chết trong khay kiểm tra

Người ta cũng cho rằng căn bệnh này có thể là do sự chênh lệch về nhiệt độ cao. Việc điều trị căn bệnh này đã được thực hiện thông qua nhiều nỗ lực với các chất bổ sung thức ăn thương mại khác nhau cùng với vitamin “C” với các liều lượng khác nhau (3g/Kg; 5g/Kg thức ăn) được nghi ngờ là do bệnh Vibrio gây ra. Tuy nhiên, kết quả không khả quan với liều lượng 5g/kg cải thiện ít hơn 5% sức khỏe tôm trong 24 giờ sau khi điều trị và chỉ phục hồi dưới 10%. Các chất bổ sung thức ăn tương tự cũng được sử dụng trong hai ao thí nghiệm (P2 và P3), nhưng không thể kiểm soát được tỷ lệ tử vong kéo dài do nguyên nhân chưa xác định.

Kết quả cho thấy bằng cách sử dụng chất bổ sung thức ăn thảo dược Phytozoi trong hai ao nuôi thí nghiệm (P2 và P3) đã cải thiện tỷ lệ sống, hoạt động và lượng thức ăn ăn vào ở các sinh vật nuôi trồng. Đặc tính kích thích miễn dịch của Phytozoi đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường tác dụng có lợi cho sức khỏe tôm trong ao nuôi. Kết quả cho thấy lượng thức ăn tiêu thụ đã tăng lên ở cả các ao xử lý, hành vi lột xác diễn ra bình thường và gan tụy của tôm chuyển từ màu nhạt sang màu xanh ô liu đã được quan sát thấy trong các ao xử lý và kiểm soát tỷ lệ chết hàng ngày trong các ao nuôi. Kết quả cũng cho thấy rõ ràng rằng có sự khác biệt đáng kể (P<0,01) về tỷ lệ sống và tổng sản lượng giữa các ao thí nghiệm (P2 và P3) và ao đối chứng (P1 và P4). Tỷ lệ sống tốt hơn là yếu tố quan trọng để đạt được sản lượng tốt và số lượng tốt trong nuôi tôm.

4. Kết luận

Nói chung, việc sử dụng các chất bổ sung và chiết xuất thảo dược không dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Các sản phẩm thảo dược được biết là có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh vì chúng chứa các hoạt chất có chất chống oxy hóa, đặc tính kháng khuẩn, chống căng thẳng, thúc đẩy tăng trưởng, kích thích thèm ăn, kháng bệnh và kích thích miễn dịch. Bổ sung thức ăn thảo dược Phytozoi có thể được dùng để ngăn chặn sự xâm nhập của các sinh vật gây bệnh vào hệ thống ao, giảm thiểu tác động của bệnh bằng cách giảm căng thẳng cho tôm, điều này có thể tăng cường khả năng kháng bệnh và kích thích quá trình lột xác diễn ra thường xuyên. Việc sử dụng các chất bổ sung thảo dược thay thế cho kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm là một giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu các vấn đề liên quan đến quá trình tích tụ sinh học trong mô, từ đó dẫn đến việc từ chối toàn bộ lô hàng trong quá trình xuất khẩu.

Theo E Rammohan Rao, CH Venkatrayulu and V Venkateswarlu

Nguồn: https://www.academia.edu/40071981/Effect_of_herbal_feed_supplement_Phytozoi_on_Running_Mortality_Syndrome_in_white_leg_shrimp_Litopenaeus_vannamei_Boone_1931_farming

Biên dịch: Nguyễn Thị Quyên – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *