Việc nuôi tôm thâm canh dường như đang dần có hiệu quả ở châu Mỹ Latinh, đặc biệt là Ecuador, tuy nhiên họ nên cẩn trọng với những gì xảy ra ở châu Á, nơi mà ngay cả những khoản đầu tư lớn vào công nghệ mới cũng không thể giải quyết được các vấn đề xảy ra bởi tình trạng thả nuôi quá mức trong lịch sử.
Một trang trại nuôi tôm lớn ở Indonesia
Trong vài thập kỷ qua, khi nghề nuôi tôm phát triển, có một xu hướng chung là tăng mật độ nuôi lên cao hơn để tăng sản lượng. Ở Mỹ Latinh, thuật ngữ “công nghệ hóa” thường được sử dụng để mô tả quá trình này – qua đó, việc áp dụng các hình thức công nghệ khác nhau được sử dụng để tăng mật độ nuôi.
Khi quá trình công nghệ hóa thành công, nó sẽ tăng sản lượng tôm trên một đơn vị diện tích nuôi, dẫn đến sản lượng tôm toàn cầu sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang lại lợi nhuận khi nó làm tăng hiệu suất sản xuất tôm và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.
Công nghệ hóa đã thành công ở châu Á trong những năm 2000 và hiện đang hoạt động tốt ở Ecuador. Nhưng đó không phải là một chiến lược không có rủi ro.
Từ năm 2002-2010, sản lượng tôm ở châu Á đã tăng từ 1 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn, trong khi chi phí sản xuất tại một trang trại điển hình ở Thái Lan đã giảm từ 175 baht/kg xuống còn 90 baht/kg. Trong thời gian đó, các trang trại đã triển khai các giải pháp công nghệ để hỗ trợ tăng trưởng: bao gồm sục khí, cho ăn tự động, ương dưỡng, sử dụng nguồn giống SPF, di truyền, cải thiện dinh dưỡng và quản lý thức ăn cũng như các biện pháp an toàn sinh học.
Gần đây hơn, Ecuador đã đi theo một quy trình tương tự, với việc tăng sản lượng và giảm chi phí, ngay cả khi lạm phát đang gia tăng.
Ecuador đã áp dụng những công nghệ tương tự như những gì mà châu Á đã áp dụng và thành công từ rất sớm. Họ cũng đóng cửa ao nuôi để không phụ thuộc vào chu kỳ mặt trăng cho việc thu hoạch: điều này cho phép thu hoạch tôm hàng ngày và chế biến được nhiều tôm hơn. Thông qua ứng dụng công nghệ, họ đã giảm chi phí và tăng năng suất – tương tự như những gì châu Á đã đạt được vào đầu những năm 2000.
Một trang trại nuôi tôm trên đảo Puna, Ecuador
Bước ngoặt ở Đông Nam Á
Dịch bệnh APHND (EMS) ở Đông Nam Á vào đầu những năm 2010 đã khiến nguồn cung tôm thế giới trì trệ trong 2 năm, điều này đã tạo động lực cho Ấn Độ và Ecuador đẩy mạnh sản xuất, mặc dù với mật độ nuôi tương đối thấp.
Trong khi đó, để không tụt lại phía sau những “người chơi mới” trong ngành, các nước như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc đã quyết định phát triển các mô hình nuôi thâm canh với nhiều biện pháp kiểm soát hơn, trong các đơn vị diện tích nuôi ngày càng nhỏ với mục tiêu tăng sản lượng và khắc phục các vấn đề về dịch bệnh.
Mật độ thả giống tăng từ 100 con/m2 lên đến hơn 300-400 con/m2. Để đạt được điều này, các chất khử trùng hóa học, probiotics và thức ăn chức năng đã được đưa vào quy trình sản xuất.
Liệu công nghệ mới có thể tiết kiệm chi phí?
Thị trường xuất khẩu có tính cạnh tranh cao là động lực thúc đẩy sự đổi mới và phản ứng nhanh chóng trong lĩnh vực nuôi tôm. Nhiều nông dân hiện đang cân nhắc việc áp dụng công nghệ để chuyển đổi những trang trại không có khả năng cạnh tranh hiện tại, thành những trang trại có khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Chúng ta đã nghe nhiều về Trí tuệ nhân tạo (AI), về Internet vạn vật (IoT), về tự động hóa như những cách để tăng cường hiệu suất, và có thể những công nghệ này sẽ tăng cường hiệu suất. Tuy nhiên, việc áp dụng chúng phải đi kèm với sự hiểu biết và bằng chứng cho thấy chi phí bổ sung sẽ mang lại hiệu quả và lợi tức đầu tư cao hơn.
Cần phải cẩn trọng: nếu công nghệ không được áp dụng đúng cách nó sẽ dẫn đến thua lỗ thay vì cải thiện lợi nhuận của trang trại. Công nghệ thành công phải có khả năng giảm phát.
Không được vượt quá khả năng chứa của hệ thống nuôi
Cần phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng ở những khu vực có mật độ và cường độ vượt quá khả năng chứa – có thể là của từng ao nuôi, toàn bộ trang trại hoặc thậm chí toàn bộ khu vực địa lý.
Vượt quá khả năng chứa của ao nuôi có thể tác động tiêu cực đến môi trường, làm môi trường mất khả năng duy trì một hệ thống nuôi khỏe mạnh. Nhiều sản phẩm và công nghệ hứa hẹn sẽ khắc phục được các vấn đề do vượt quá sức chứa của ao gây ra, nhưng nhiều trong số những lời hứa này không thể thực hiện được trong môi trường thực tế. Việc vượt quá khả năng chứa của ao sẽ làm tăng khả năng bùng phát dịch bệnh và tải lượng mầm bệnh. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc đã đối mặt với những hậu quả của việc vượt quá khả năng chứa của ao và tin rằng công nghệ sẽ giảm thiểu được vấn đề xảy ra trong ngành nuôi tôm của họ.
Công nghệ có thể giúp các hệ thống nuôi quá tải giải quyết vấn đề để tiếp tục hoạt động, nhưng việc sử dụng chúng có thể sẽ phải đối mặt với khoản chi phí đầu tư rất lớn, làm giảm cơ hội cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cần phải có sự nhận thức về giới hạn của hệ thống nuôi và giới hạn này cần phải được “tôn trọng”. Việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ để tạo ra sự cạnh tranh có thể còn gây ra nhiều vấn đề hơn thay vì giải quyết vấn đề.
Ao nuôi tôm được che lưới ở Thái Lan
Trong trường hợp của Thái Lan, ở một mức độ nào đó, việc sử dụng công nghệ đã thành công vì sản lượng đã được phục hồi – mặc dù không đạt mức cao như trước đây. Tuy nhiên, công nghệ đã thực sự làm tăng chi phí cho mỗi kg tôm sản xuất, trong khi sản lượng tôm thế giới tăng, dẫn đến giá tôm giảm.
Nếu việc áp dụng công nghệ có thể làm giảm chi phí sản xuất thì các trang trại đang thực hiện theo chiến lược này có thể sẽ thành công. Tuy nhiên, với xu hướng giá tiếp tục giảm do sản lượng tôm thế giới tiếp tục tăng nhanh hơn mức tiêu thụ, sẽ xuất hiện hai vấn đề sau. Vấn đề thứ nhất liên quan các nước xuất khẩu, nếu các nước này không thể sản xuất tôm một cách hiệu quả hơn, họ sẽ không thể cung cấp tôm theo giá hàng hóa nữa. Ví dụ như ở Thái Lan và Việt Nam, hiện họ phải tăng thêm giá trị cho những con tôm mà họ muốn xuất khẩu để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn. Vấn đề thứ hai liên quan đến những quốc gia có thị trường nội địa mạnh mẽ như Trung Quốc, Brazil, Úc và Malaysia (Singapore) có khả năng tiếp tục phát triển ngành tôm của họ, mặc dù giá xuất khẩu cạnh tranh.
Trong phần lớn lịch sử nuôi tôm công nghiệp; người ta đã giả định rằng sẽ có thị trường cho tất cả tôm được sản xuất. Tuy nhiên, do giá cả lên xuống theo chu kỳ, nếu hiện tại bạn vẫn còn nghĩ rằng khi bạn xây dựng một trang trại mới, bạn sẽ bán được tôm hoặc khi bạn tăng sản lượng và bạn vẫn sẽ bán được tôm, thì điều này không còn khả thi nữa. Do đó, các trang trại cần phải quan tâm đến chi phí sản xuất, vì giá cả và việc tiếp cận thị trường không còn đảm bảo như trước đây.
Một trang trại nuôi tôm lớn ở Sumbawa, Tây Nusa Tenggara, Indonesia
Giải pháp khả thi cho vấn đề
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề cho các khu vực đã vượt quá sức chứa của hệ thống nuôi và đang phải đối mặt với những thách thức dịch bệnh quá tải và chất lượng nước bị suy giảm.
Câu trả lời rất đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện.
Mật độ nuôi phải được giảm xuống, không được vượt quá sức chứa của ao, và phải sử dụng nguồn giống SPF. Nếu vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực địa lý thì phải có sự hợp tác giữa các trang trại trong khu vực đó để giảm mức độ thả giống. Cần phải hiểu rằng chất lượng nước là nền tảng của mọi hoạt động nuôi trồng thủy sản, nếu chất lượng nước bị suy giảm do lượng chất thải từ các trang trại nuôi tôm, các hoạt động nông nghiệp hoặc công nghiệp khác thải ra quá nhiều, thì việc nuôi tôm sẽ trở nên khó khăn hơn. Nguồn nước kém chất lượng làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch bẩm sinh ở tôm, từ đó khiến tôm dễ bị nhiễm bệnh và sau đó phát tán nhiều mầm bệnh ra môi trường. Một vòng lặp bắt đầu khiến cho việc nuôi tôm hiệu quả ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Điều này quá rõ ràng với bệnh vi bào tử trùng EHP. Nếu ai đó theo dõi môi trường bên ngoài, họ sẽ thấy có sự xuất hiện của bào tử trong nước, và vì những bào tử này rất khó tiêu diệt, nên sự lây nhiễm vẫn tiếp tục xảy ra ở các trại giống hoặc trang trại không áp dụng các công nghệ đắt tiền và tiên tiến.
Ví dụ về sự thành công
Một số trang trại ở Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đang tìm cách thành công trở lại bằng cách không vượt quá khả năng chứa trong hệ thống nuôi của họ. Chiến lược là thả nuôi ở mật độ thấp hơn (trở lại mức trước năm 2012, khi mật độ nuôi tôm ở Thái Lan trung bình 100 con/m2); cung cấp đủ sục khí; duy trì đáy ao sạch để tránh tạo điều kiện cho Vibrio phát triển; sử dụng nguồn giống SPF được chứng nhận không có EHP; và không sử dụng hóa chất sát khuẩn trong quy trình quản lý.
Có thể sử dụng probiotics và thức ăn cân bằng dinh dưỡng – những loại thức ăn có hàm lượng protein phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của tôm nuôi.
Tin vui là những trang trại mở rộng quy mô đã trở nên có lợi nhuận. Và tin vui hơn nữa là với sự cải tiến về di truyền hiện có, tôm có thể đạt kích thước lớn hơn trong thời gian nuôi ngắn hơn, giảm chi phí ao và chi phí thức ăn (FCR thấp hơn) và đạt hiệu suất 25-30 tấn/ha/vụ. Điều này không chỉ mang tính bền vững mà còn mang lại lợi nhuận trong thị trường cạnh tranh ngày nay.
Thiết bị kiểm tra chất lượng nước (vật thể nổi màu vàng) đang được kiểm tra tại một trang trại nuôi tôm ở Việt Nam
Kết luận
Cuối cùng, nếu người nuôi tôm muốn đạt được thành công liên tục về mặt thương mại trên quy mô toàn cầu thì nhiều quốc gia phải tăng tiêu thụ tôm trong nước, giảm áp lực lên thị trường xuất khẩu. Nhưng họ cũng cần lưu ý đến khả năng chứa trong hệ thống nuôi của họ và khả năng chứa trong một khu vực được liên kết bằng nguồn nước chung.
Mọi công ty và mọi quốc gia đều mong muốn cải thiện doanh thu từ tôm của mình. Tăng cường thả nuôi một cách không có kiểm soát không phải là cách. Việc gia tăng mật độ chỉ là một biện pháp “kế toán”, không phản ánh thực tế, nơi có sự hạn chế về khả năng chứa của hệ thống nuôi.
Di truyền sẽ là một trong những giải pháp, nhưng không phải theo cách mà hầu hết mọi người nghĩ – nó sẽ không làm tăng khả năng chứa của một hệ thống hoặc khu vực địa lý nhất định. Di truyền là một công cụ thiết yếu và quan trọng để tăng hiệu suất, nhưng nó không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.
Thay vì tăng mật độ thả tôm để tăng năng suất, cải tiến di truyền có thể giảm thời gian nuôi, đem lại nhiều chu kỳ nuôi hơn mỗi năm và giảm FCR – từ đó tăng sản lượng và doanh thu hàng năm, đồng thời giảm chi phí. Cải tiến di truyền giúp tăng kích thước tôm, cải thiện doanh thu trên thị trường. Nó cũng là công nghệ giúp tăng khả năng chống chịu đối với mầm bệnh cụ thể và cải thiện mức độ miễn dịch bẩm sinh ở tôm.
Mong muốn của Robins McIntosh, Phó chủ tịch tập đoàn Charoen Pokphand Foods, là các nhà sản xuất tôm có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, và Châu Mỹ Latinh sẽ học hỏi từ kinh nghiệm của Châu Á, nơi mà thâm canh quá mức đã làm tăng chi phí sản xuất. Họ phải tìm ra giới hạn của hệ thống nuôi để đảm bảo lợi nhuận và duy trì mật độ nuôi trong giới hạn đó.
Việc kiểm soát và xử lý chất thải tôm, đồng thời bảo vệ nguồn nước tránh hiện tượng dư thừa chất dinh dưỡng, sẽ làm giảm tải lượng mầm bệnh và áp lực về sau này. Bây giờ là lúc bắt đầu giám sát môi trường và nâng cao nhận thức.
Theo The Fish Site
Nguồn: https://thefishsite.com/articles/the-perils-of-overintensification-in-shrimp-farming
Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh
TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG
Xem thêm:
- Đánh Giá Chất Thải Thức Ăn Thủy Sản: Tác Động Đến Các Hệ Thống Tự Nhiên Và Các Biện Pháp Giảm Thiểu Thực Tế
- Đánh Giá Về Virus Gây Hội Chứng Đốm Trắng (WSSV): Mối Đe Dọa Tiềm Tàng Đối Với Nghề Nuôi Tôm Ở Bangladesh Và Một Số Nước Châu Á
- Ảnh Hưởng Của Mật Độ Thống Khác Nhau Của Ấu Trùng Tôm Biển Litopeneaus Vannamei Đến Chất Lượng Nước Sử Dụng Công Nghệ Biofloc