Thuần tôm post trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm, mương hoặc bể nuôi là một bước quan trọng trong quy trình nuôi tôm. Ảnh: Darryl Jory.

Quá trình nuôi tôm bao gồm một số bước theo trình tự chính, từ việc mua tôm post (PL) ở trại giống, đến nuôi chúng ở quy mô thương mại trong nhiều hệ thống khác nhau (bể, ao, mương), đòi hỏi sự quản lý và theo dõi liên tục, cũng như các cường độ sản xuất khác nhau (từ thâm canh đến siêu thâm canh).

Ngoài ra, vẫn còn có một số bước quan trọng nhưng ít được chú ý, mặc dù thời gian thực hiện khá ngắn, chỉ từ vài giờ đến vài ngày, nhưng lại đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công hoặc thất bại của quá trình nuôi. Một trong những bước quan trọng này là thuần tôm post để chúng thích nghi với các điều kiện môi trường trong hệ thống nuôi thương phẩm, vốn rất khác biệt so với các điều kiện nuôi trong trại giống.

Những thay đổi đột ngột về điều kiện môi trường có thể gây ra căng thẳng đáng kể, mặc dù không mức gây chết tôm, nhưng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng và giảm hiệu suất cũng như lợi nhuận tổng thể vào cuối chu kỳ sản xuất.

Điều kiện nuôi tôm post trong trại giống thường bao gồm môi trường tương đối an toàn, có thể dự đoán được, nhiệt độ và độ mặn ổn định, thức ăn luôn có sẵn và vấn đề về việc ăn thịt đồng loại là không đáng kể. Hầu hết người nuôi tôm dành nguồn lực và công sức đáng kể trong quá trình chuẩn bị ao nuôi, thả giống vào hệ thống nuôi thương phẩm với điều kiện môi trường tốt nhất có thể, không có động vật ăn thịt, không có đối thủ cạnh tranh và ít căng thẳng nhất có thể, đồng thời đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên đầy đủ.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ điều kiện trại giống sang những điều kiện trong các hệ thống mở như bể và ao, nơi điều kiện nước có thể thay đổi liên tục hoặc không thể đoán trước (như sự biến động giữa ngày và đêm, mùa khô và mùa mưa trong chu kỳ sản xuất) có thể là một quá trình đầy căng thẳng đối với tôm post, trừ khi quá trình chuyển đổi này diễn ra từ từ và căng thẳng được giảm thiểu. Bài viết này sẽ xem xét một số khía cạnh quan trọng của quá trình thuần tôm post, một bước quan trọng để đạt được thành công trong quá trình nuôi tôm.

Đánh giá sức khỏe của tôm post

Có thể có sự khác biệt đáng kể về sức khỏe hoặc sức chịu đựng của tôm post được sản xuất trong trại giống, và nhiều tác giả đã gợi ý rằng quá trình thuần tôm phải được điều chỉnh dựa trên tình trạng sức khỏe của tôm post, những con tôm khỏe hơn có thể được thuần với tốc độ nhanh hơn so với những con yếu hơn. Các bài kiểm tra căng thẳng khác nhau đã được sử dụng để thử thách đàn vật nuôi và xác định mức độ khỏe mạnh của chúng, từ đó quyết định quy trình thuần phù hợp. Những thử nghiệm hoặc thách thức này thường bao gồm 100 đến 200 mẫu tôm, trải qua quá trình sốc nhiệt, thay đổi độ mặn và/hoặc tác động hóa học trong khoảng thời gian từ 1 đến 4 giờ và sau đó “đếm những con sống sót”.

Một thử nghiệm được sử dụng rộng rãi là thách thức do Clifford đề xuất (Proceedings of the Special Session on Shrimp Farming. World Aquaculture Society, Baton Rouge, LA. U.S.A. 1992). Ông đề xuất một phương pháp “thử nghiệm căng thẳng” được tiêu chuẩn hóa, trong đó một mẫu tôm được đặt trong thùng chứa hoặc bể chứa, đồng thời độ mặn và nhiệt độ của nước được giảm xuống lần lượt là 20 ppt và 10°C trong 4 giờ (thời gian thử nghiệm dưới 4 giờ không đủ để đánh giá tỷ lệ chết của tôm post).

Một phương pháp khác là sử dụng formalin nồng độ 100-150 ppm. Nếu tỷ lệ sống của tôm trong thử nghiệm đạt từ 80-100% cho thấy tôm post có chất lượng cao, tỷ lệ sống từ 60-79% được xem là ở mức có thể chấp nhận được và tỷ lệ sống dưới 60% cho thấy việc cân nhắc nên từ chối hoặc giữ lại lô tôm trong trại giống để tiếp tục nuôi thêm vài ngày nhằm cải thiện sức khỏe và chất lượng của chúng.

Một phương pháp khác để đánh giá sức khỏe của tôm post là thử nghiệm căng thẳng được đề xuất bởi Brock và Main (The Oceanic Institute. Honolulu, HI. UNIHI-SEAGRANT-CR-95-01. 241 p. 1994). Trong thử nghiệm về sức khỏe đối với một hoặc hai thông số (nhiệt độ và/hoặc độ mặn), 100 con tôm post được thu thập ngẫu nhiên, đặt vào thùng chứa có dung tích từ 10-15 lít nước ở 22°C và độ mặn 5 ppt, hoặc ở nhiệt độ môi trường trong trại giống và độ mặn từ 0-1 ppt. Tôm được duy trì trong những điều kiện này trong 1 giờ và đếm những con sống sót (những con tôm bơi lội và phản ứng bình thường). Quần thể được coi là đã vượt qua thử nghiệm nếu tỷ lệ sống đạt từ 80% trở lên.

Hình ảnh thuần tôm post chuẩn bị cho quá trình thả giống. Các thùng tôm vận chuyển bằng bìa cứng (bên trái); bể thuần (ở giữa); và đếm tôm post (bên phải). Ảnh: Darryl Jory.

Trạm và thiết bị thuần tôm

Việc chuẩn bị trạm và trang thiết bị thích hợp là bước vô cùng quan trọng trong quá trình thuần tôm. Trạm thuần tôm bao gồm tất cả các bể chứa và hồ chứa, thiết bị (lưới, ống siphon, xô, ống dẫn và các vật dụng khác), phải được làm sạch và khử trùng kỹ lưỡng bằng clo hoặc chất khử trùng khác, rửa sạch nhiều lần và nếu có thể, phơi khô ráo dưới ánh nắng mặt trời.

Việc có được thiết bị hoạt động tốt và hiệu chuẩn đúng để theo dõi các thông số nước (nhiệt độ, độ mặn, pH và oxy hòa tan) trước khi tôm giống đến trạm thuần là điều quan trọng. Thời điểm phát hiện khúc xạ kế không được hiệu chuẩn đúng cách hoặc màng đầu dò thiết bị không ở tình trạng tốt là trong quá trình chuẩn bị chứ không phải trong quá trình thuần.

Việc chuẩn bị các thiết bị dự phòng, nếu có thể, rất được khuyến khích, đặc biệt đối với các thiết bị quan trọng như thiết bị sục khí (và nguồn điện cung cấp cho chúng) và khúc xạ kế. Tất cả nguyên vật liệu phải có sẵn trước khi tôm post đến, bao gồm nguồn cung thức ăn thương mại, Artemia đông lạnh, cũng như chất ức chế amoniac, than hoạt tính, dung dịch đệm và các loại khác.

Quy trình thuần chung

Các quy trình thuần đã được công bố trong nhiều năm, bao gồm những bước sau đây: tăng/giảm độ mặn không quá 3 ppt mỗi giờ; mật độ vận chuyển: 1.000-5.000 PL/gallon (khoảng 260-1.300 PL/lít); tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (hơn 3-4°C); duy trì nồng độ oxy hòa tan ở mức 6-7 ppm.

Một số bài báo gần đây đã mô tả về các quy trình thuần tôm post, nhưng hầu hết các trang trại nuôi tôm đều phát triển và triển khai quy trình của riêng họ, phù hợp với điều kiện, nguồn tài nguyên và quy trình quản lý của họ. Quá trình thuần tôm post có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau.

Ví dụ, tại một số trang trại, khi sự khác biệt về độ mặn và nhiệt độ của nước ao nuôi và nước trong bọc tôm là rất nhỏ (>3-4 ppt; 1-2°C), việc thuần tôm có thể được thực hiện đơn giản bằng cách đặt các bọc đựng tôm post vào ao nuôi trong 30-60 phút (sau khi tạo các lỗ nhỏ trên túi) rồi thả tôm ra, mặc dù phương pháp này ít được khuyến khích.

Quá trình thuần tôm cũng có thể được bắt đầu trong quá trình vận chuyển (từ trại giống đến trang trại) nếu tôm post được vận chuyển với số lượng lớn trong các thùng chứa lớn, có thể thuần tôm bằng cách thêm từ từ nước với các thông số mong muốn (nhiệt độ ao, độ mặn, pH) và hoàn tất khi đến trang trại. Nhưng nhìn chung, hầu hết các trang trại đều có các trạm/địa điểm thuần chuyên dụng hoặc sử dụng các trạm tạm thời được thiết lập dọc theo ao, và một số trang trại sẽ có cả hai, hoặc thậm chí là có các hệ thống ương dưỡng mới đang dần trở nên phổ biến.

Trạm thích nghi hiện đại, cố định tại trại nuôi tôm (bên trái); Các hệ thống ương dưỡng mới (ở giữa, bên phải) cũng có thể được sử dụng làm trạm thuần khi bắt đầu chu kỳ nuôi thương phẩm, khi tôm giống đến trang trại. Ảnh: Darryl Jory.

Có thể có nhiều thay đổi nhưng quá trình thuần điển hình về cơ bản bao gồm việc giữ tôm post trong một khoảng thời gian trong bể và từ từ thêm nước ao nuôi vào bể để cân bằng các thông số khác nhau (chủ yếu là độ mặn và nhiệt độ). Cần đặc biệt chú ý để giảm thiểu tất cả các nguồn gây căng thẳng. Mức oxy hòa tan phải được duy trì gần mức bão hòa, tôm post phải được cho ăn và theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian này.

Các cơ sở thuần hiện đại và hệ thống ương dưỡng cho phép thả tôm giống lớn hơn, khỏe hơn vào ao nuôi thương phẩm. Ảnh: Darryl Jory.

Artemia sống và đông lạnh, lòng đỏ trứng chín và các loại thức ăn khác thường được sử dụng làm thức ăn cho tôm post, nhưng nhìn chung việc sử dụng Artemia sống không được khuyến khích vì có khả năng kích thích hành vi ăn thịt đồng loại ở tôm post. Mật độ đóng tôm phụ thuộc vào tuổi post và thời gian vận chuyển, do đó mật độ có thể dao động từ 1.500-3.000 PL/lít đối với tôm post nhỏ hơn (< PL8-10) đến 800-1.000 PL/lít đối với tôm post lớn hơn (> PL15), và thời gian vận chuyển trên 12 giờ.

Giảm nhiệt độ nước trong bọc tôm (xuống 18-22°C) và bổ sung các hợp chất khác nhau vào nước (bao gồm chất ức chế amoniac, chất đệm và than hoạt tính) sẽ làm tăng khả năng sống của tôm khi thời gian vận chuyển kéo dài. Mật độ thuần không được vượt quá 300-500 PL/lít tùy thuộc vào kích cỡ tôm post và thời gian thuần.

Độ mặn có lẽ là thông số quan trọng nhất cần xử lý trong quá trình thuần tôm. Nhiều tác giả đã đề xuất các tỷ lệ điều chỉnh độ mặn khác nhau trong quá trình thuần tôm; ví dụ: tăng/giảm không quá 3 ppt mỗi giờ. Các tác giả khác đã báo cáo về sự thành công trong quá trình thuần tôm thích nghi với độ mặn, thời gian trung bình khoảng 18-20 giờ, tại các trang trại thương phẩm ở nhiều quốc gia khu vực Mỹ Latinh, nơi độ mặn dao động từ 0-2 ppt trong mùa mưa và từ 6-10 ppt trong mùa khô.

Quy trình thích nghi với độ mặn này bao gồm các khoảng thời gian sau: 20 phút (từ 35-15 ppt), 30 phút (từ 15-10 ppt), 60 phút (từ 10-4 ppt) và 120 phút (từ 4-0 ppt). Quy trình này nên được đề xuất làm cơ sở để phát triển quy trình nội bộ và điều quan trọng cần lưu ý là tốc độ thực tế để tôm thích nghi sẽ khác nhau tùy thuộc vào chất lượng, điều kiện và độ tuổi của tôm post cũng như mức độ thay đổi thông số cần thiết, đặc biệt là độ mặn và nhiệt độ, đồng thời còn tùy thuộc vào việc hai thông số này phải điều chỉnh tăng hay giảm.

Những thay đổi sinh lý của tôm post trong quá trình thuần

Môi trường nước trong các hệ thống nuôi, đặc biệt là bể ngoài trời, ao và mương, thường thay đổi liên tục. Những thay đổi đột ngột và mạnh mẽ có thể khiến tôm không thể thích nghi và tồn tại, hoặc bị căng thẳng, dẫn đến khả năng tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất bị ảnh hưởng đáng kể.

Các dấu hiệu căng thẳng thường biểu hiện rõ ràng ở cấp độ hành vi và mô học. Các điều kiện như oxy hòa tan thấp và độ mặn thấp là hai thông số quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý và trao đổi chất bình thường ở tôm giống trong quá trình thuần. Nhiều thay đổi sinh lý xảy ra trong quá trình tôm trước khi thả vào hệ thống nuôi thương phẩm, và người quản lý ít nhất phải nhận thức được thay đổi nào là quan trọng nhất, sự liên quan của những thay đổi và ý nghĩa của chúng.

Dinh dưỡng hợp lý là một khía cạnh quan trọng đối với khả năng chịu đựng của tôm post khi điều kiện môi trường thay đổi. Ví dụ, tôm post được cho ăn khẩu phần có hàm lượng HUFA cao (axit béo không bão hòa cao) thường có khả năng chịu đựng với sự thay đổi độ mặn tốt hơn trong quá trình thuần và chuyển sang hệ thống nuôi thương phẩm sau khi thả giống, và mức tiêu thụ oxy có thể thay đổi để đáp ứng với sự thay đổi độ mặn.

Khâu sắp xếp các thùng chứa để vận chuyển tôm post từ trại giống đến trang trại nuôi thương phẩm. Ảnh: Darryl Jory.

Quan điểm

Quá trình thuần tôm post trước khi thả vào các hệ thống nuôi thương phẩm khác nhau (ao, mương, bể) là một bước quan trọng trong quá trình nuôi tôm nhưng thường bị bỏ qua. Điều quan trọng nhất trong quá trình thuần tôm là các thông số phải được thay đổi một cách từ từ để tôm có thời gian thích nghi. Nói chung, đối với nhiều thông số, tốc độ thay đổi quan trọng hơn mức độ thay đổi (trong giới hạn chịu đựng). Ảnh hưởng của các tác động hiệp đồng có thể xảy ra khi một trong những thông số thay đổi (ví dụ: độ mặn, nhiệt độ), điều này có thể làm cho tôm có những độ nhạy cảm khác nhau đối với các thông số khác (ví dụ: oxy hòa tan, amoniac).

Giảm thiểu căng thẳng nên được ưu tiên hàng đầu trong quá trình thu hoạch tôm post tại trại giống, vận chuyển đến trang trại, trong quá trình thuần và thả giống, bởi vì nếu thả tôm bị căng thẳng vào ao nuôi thương phẩm – môi trường vốn khắc nghiệt hơn nhiều so với điều kiện ở trại giống – chúng có thể có khả năng sống sót thấp hơn, và nếu có thể sống sót, chúng có thể mang theo dấu hiệu bệnh tiềm ẩn, dẫn đến giảm tỷ lệ sống, tăng trưởng, sản lượng và lợi nhuận.

Theo Tiến sĩ Darryl E. Jory

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/acclimating-shrimp-postlarvae-before-pond-stocking/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *