Nông dân châu Á đang gặp khó khăn trong việc nuôi tôm có lợi nhuận, chủ yếu do dịch bệnh. Vậy làm thế nào để có thể tăng lợi nhuận và thành công của của người nuôi trong lĩnh vực này? Phần thứ ba và cũng là phần cuối cùng trong chuỗi câu chuyện về tôm, thảo luận về các vấn đề ở thị trường châu Á cũng như những thách thức ở Ecuador trong tương lai.

Nguồn: Cargill Aqua Nutrition

Nông dân châu Á đang gặp khó khăn trong việc nuôi tôm có lợi nhuận. Bên cạnh những vấn đề về giá cả, nhu cầu thị trường và bối cảnh kinh tế, còn có những vấn đề kỹ thuật mà nông dân có thể giải quyết để cải thiện và tăng lợi nhuận.

Dịch bệnh

Vấn đề chính mà người nuôi tôm châu Á phải đối mặt là tổn thất sản lượng do dịch bệnh.

Melony Sellars, Giám đốc điều hành của Genics giải thích: “Các mầm bệnh chính đang thách thức cho ngành tôm của chúng ta trên toàn cầu hiện nay là EHP, AHPND/EMS và WSSV. Ngoài ra, IMNV cũng là một dịch bệnh nghiêm trọng ở một số quốc gia. Những nguyên nhân phổ biến làm giảm hiệu suất sản xuất, bao gồm IHHNV và HPV, và ở một số quốc gia là GAV và YHV7.”

“Điều này có thể được cải thiện theo nhiều cách bao gồm di truyền học, trong đó, các nhà lai tạo chú trọng hơn vào việc chọn lọc để kháng bệnh; cải thiện an toàn sinh học của các cơ sở sản xuất hiện có (trại sản xuất giống và trại nuôi); và chuyển đổi mô hình nuôi từ các hệ thống ao mở, ao ngoài trời, sang các hệ thống nuôi thương phẩm tuần hoàn trong nhà,” Jeffrey Prochaska, nhà khoa học về nhân giống tại Trung tâm Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản cho biết.

Di truyền học

Robin Pearl, Giám đốc điều hành của American Penaeid cho biết: “Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia theo cách này hoặc cách khác, kể cả Ecuador. Điều khác biệt ở Ecuador là quốc gia này đang tập trung vào việc thả giống dựa trên tỷ lệ sống cao. Ở châu Á, nông dân thường thả giống chủ yếu tập trung vào tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, điều này không khó bằng việc đạt được tỷ lệ sống cao. Điều quan trọng là dịch bệnh sẽ không biến mất và nếu nông dân châu Á càng sớm chấp nhận việc sử dụng giống có tỷ lệ sống cao thì họ phải càng sớm bắt đầu sản xuất tốt hơn.”

Ngoài việc áp dụng mô hình của Ecuador, chất lượng tôm giống cũng rất quan trọng. Ramir Lee, Giám đốc Kỹ thuật Khu vực, Zeigler Bros., Inc., cho biết: “Nếu tôm post đến từ trại giống bị nhiễm EHP, người nông dân sẽ thất bại trước khi bắt đầu. Việc chi trả nhiều hơn một chút để có được con tôm post chất lượng cao nhất và khỏe mạnh nhất là một khoản đầu tư mà nông dân không nên bỏ qua. Tuy nhiên, ngay cả với những con giống tốt nhất, việc nuôi tôm thành công còn phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất và kỹ thuật nuôi khoa học. Ví dụ, ở Ecuador, việc áp dụng điện khí hóa và công nghệ cho ăn tự động đã thúc đẩy tăng sản lượng tôm, tạo áp lực giá cả trên toàn cầu và thúc đẩy hợp nhất ngành.”

An toàn sinh học

Sellars nói: “Về nguồn tôm bố mẹ, chúng ta có thể học hỏi từ Ecuador rằng tôm mang mầm bệnh sẽ không có hiệu suất tốt bằng những con không mang mầm bệnh khi chúng trưởng thành, và những thế hệ sau từ đàn tôm bố mẹ dương tính với mầm bệnh sẽ không thể mang lại hiệu suất tốt trong ao nuôi thương phẩm bằng đàn tôm bố mẹ âm tính với mầm bệnh, mặc dù nguồn gen trước đó của chúng mạnh.”

Sellars cho biết thêm: “Tôm post khi thả vào ao ương và/hoặc ao nuôi thương phẩm phải luôn được xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính trước khi thả. Bên cạnh việc sử dụng xét nghiệm PCR có độ chính xác và độ nhạy cao, việc thiết kế một chương trình lấy mẫu hợp lý về mặt thống kê cũng rất quan trọng để đảm bảo các quyết định được đưa ra dựa trên dữ liệu chất lượng cao nhất có thể.”

Thomas Raynaud, Trưởng bộ phận quản lý sản phẩm – nuôi trồng thủy sản của ADM Animal Nutrition cho biết: “Việc kiểm soát chất lượng nước và giữ nước sạch trong toàn bộ quá trình sản xuất là chìa khóa để cải thiện năng suất, tăng trưởng và hiệu quả của tôm. Các quy trình xử lý nước bằng probiotics (xử lý sinh học) cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm nước, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Một số loại thức ăn cho tôm có chứa probiotics hỗ trợ đường ruột của vật nuôi và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh từ vi khuẩn gây bệnh trong hệ tiêu hóa.”

Stephen Newman, Giám đốc điều hành của AquaInTech, cho biết: “Các trang trại thường được thiết kế liền kề nhau. Nước thải chưa qua xử lý từ trang trại này có thể trở thành nguồn nước đầu vào của một trang trại khác. Không nên xây dựng các trang trại liền kề nhau mà cần có sự cách ly giữa chúng. Trang trại không được phép xả nước thải khi chưa xử lý qua ao lắng, và khi dịch bệnh bùng phát, người quản lý trang trại buộc phải “đóng cửa” trang trại của mình và thông báo cho hàng xóm khi có sự cố.”

Lee nói: “Không chỉ dừng ở việc nâng cấp trang trại. Các giải pháp để quản lý dịch bệnh tốt hơn luôn có sẵn, và mọi người đã được đào tạo về các biện pháp an toàn sinh học cụ thể cũng như cải thiện quản lý cơ sở vật chất để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trại giống đang sử dụng thức ăn sống và đông lạnh bị nhiễm bệnh cho con giống của họ. Tại sao lại như vậy? Điều này liên quan đến lợi nhuận và việc duy trì sản lượng nauplii tối đa. Một số trại giống ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn là sức khỏe lâu dài của ngành. Với tư duy này, cộng với việc ngày càng thiếu sự quan tâm đến tính bền vững và tầm nhìn dài hạn, thì việc thay đổi là không thể xảy ra.”

Nguồn: Genics

Sự quản lý

Quy mô của trang trại và mật độ nuôi là những thách thức khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Raynaud cho biết: “Sự khác biệt lớn nhất giữa các trại sản xuất giống ở Châu Á-Thái Bình Dương APAC và khu vực Mỹ Latinh (LATAM) là quy mô hoạt động. Các ao nuôi thâm canh với mật độ nuôi lớn hơn phải đánh giá cách quản lý cả sức khỏe và dịch bệnh. Mật độ nuôi càng cao đồng nghĩa với việc tạo ra căng thẳng ngày càng lớn, kết quả là làm giảm khả năng miễn dịch và khả năng chống chịu với dịch bệnh. Đây là một thách thức đối với nhiều trang trại lớn ở APAC, nơi mật độ nuôi tôm ít nhất là 100 con/m2. Mặt khác, mô hình trang trại bán quảng canh ở Ecuador có thể giảm nguy cơ dịch bệnh bằng cách giữ quần thể tôm nhỏ hơn, gần với điều kiện tự nhiên hơn. Trung bình, mật độ nuôi tôm ở Ecuador là 40 con/m2.”

Robins McIntosh, phó chủ tịch điều hành, Charoen Pokphand Foods (CPF) Public Company, cho biết: “Nông dân cần hiểu khái niệm về ‘khả năng chứa của ao nuôi’, duy trì mật độ nuôi trong giới hạn cho phép và áp dụng điều này ao nuôi, trại nuôi và khu vực nuôi. Đây là điều cực kỳ quan trọng để ngành tôm phục hồi trở lại.”

Đối với việc quản lý PL, Sellars đề xuất triển khai các hệ thống ương nuôi trong một số trường hợp để giảm thiểu tác động của bệnh. “Nông dân châu Á có thể hưởng lợi từ việc xem xét lắp đặt hệ thống ương vèo chi phí thấp để đưa vật nuôi từ PL10/12 lên PL25/30 trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm”.

Phương pháp tiếp cận dinh dưỡng cũng có thể hỗ trợ khả năng phục hồi và năng suất trong nuôi tôm. Raynaud cho biết: “Các nhà khoa học dinh dưỡng đang tìm ra những cách mới để điều chỉnh công thức thức ăn cho phù hợp với các yếu tố gây căng thẳng cụ thể, bao gồm hỗ trợ khả năng miễn dịch, cũng như kết hợp các thành phần có lợi đã được chứng minh để hỗ trợ tăng trưởng và khả năng phục hồi của tôm.”

Angel Gomez, giám đốc điều hành của Cargill Aqua Nutrition Latam North, cho biết: “Các công cụ và công nghệ quản lý mới có thể cải thiện đáng kể hiệu quả và năng suất của các trang trại nuôi tôm và trại sản xuất giống. Trong khi nhiều nông dân quy mô lớn có thể áp dụng những tiến bộ công nghệ này, một số nông dân quy mô nhỏ hơn sẽ không có khả năng làm như vậy và họ cần sự hỗ trợ. Chúng tôi đã thấy rằng ở Việt Nam, những công nghệ này đã giúp khách hàng đối phó với những thách thức về quản lý nước. Công nghệ ép đùn tiên tiến, làm cho thức ăn tôm có khả năng chống nước cao, để lại ít thức ăn thừa, đảm bảo ao nuôi luôn sạch, giảm gánh nặng xử lý nước, đặc biệt là trong thời điểm gió mùa.

Quay trở lại với tôm sú

David Danson, giám đốc điều hành tại Hendrix Genetics cho biết: “Một số nông dân đang chuyển sang nuôi tôm sú do lợi nhuận hoặc nhu cầu thị trường đối với tôm thẻ chân trắng thấp. Sự hồi sinh của tôm sú có thể là do sự thúc đẩy của thị trường hơn là do lợi thế sinh học của loài này. Theo truyền thống, đây được xem là loài tôm có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn kém hiệu quả hơn và đòi hỏi thức ăn có hàm lượng protein cao hơn.”

Gomez cho biết: “Với tôm sú, bạn cần nhiều bột cá hơn trong thức ăn, trong khi tôm thẻ chân trắng lại giúp giảm việc sử dụng các nguồn protein từ biển và do đó, giảm lượng khí thải carbon tổng thể của ngành.”

Sản xuất tôm sú hiện nay đã được chứng minh là có nhiều tiềm năng, nhưng nó cũng chứng tỏ rằng nó không thể cạnh tranh với sản xuất tôm thẻ chân trắng. Marcos De Donato, nhà khoa học về nhân giống tại Trung tâm Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản, cho biết: “Tôm sú chỉ có thể tồn tại như một sản phẩm đặc biệt và được nuôi trong điều kiện mật độ thấp. Nó không phải là loài thích nghi với hệ thống sản xuất mật độ cao. Thách thức chính khác là có ít công ty có thể cung cấp số lượng lớn tôm có nguồn gen tốt và thích nghi với các điều kiện nuôi khác nhau. Các chương trình di truyền của tôm sú chỉ mới hoàn thiện gần đây và vẫn còn một chặng đường dài để đạt đến mức độ di truyền như của tôm thẻ chân trắng.”

Jonas Keitel, nhà nghiên cứu tôm và các loài nước ấm tại Skretting cho biết: “Những thách thức chính có thể là hiểu được khả năng chứa của các hệ thống nuôi và duy trì mật độ nuôi ở mức có thể chấp nhận được để tránh các vấn đề về chất lượng nước và sức khỏe xảy ra với tôm thẻ chân trắng.”

Sellars nói: “Đa dạng hóa là kết quả tốt của xu hướng thị trường khi một số nông dân chuyển sang (hoặc quay trở lại) nuôi tôm sú P. monodon. Chắc chắn sẽ có nhu cầu đối với tôm bố mẹ chất lượng cao hơn so với nguồn cung hiện tại, tuy nhiên, có một số chương trình nuôi tôm sú thành công đã được thiết lập có thể đáp ứng nhu cầu này khi được mở rộng quy mô phù hợp. Một thách thức chính đối với ngành sẽ là tìm và đào tạo các thành viên trong nhóm về kỹ năng nuôi tôm sú, điều này rất khác biệt so với nuôi tôm thẻ chân trắng L. vannamei.”

Olivier Decamp, giám đốc kỹ thuật nhóm tại Grobest cho biết: “Thức ăn cho tôm sú, cùng với việc quản lý ao nuôi đúng cách, sẽ cho phép việc kinh doanh rất có lợi nhuận. Thách thức chính đối với tôm sú là độ lớn thị trường giảm so với tôm thẻ chân trắng. Tôm sú chủ yếu được tiêu thụ ở châu Á. Do đó, nếu thị trường nhỏ hơn, nhưng tiêu thụ cao hơn, sẽ có thể nhanh chóng được mở rộng nếu một số lượng lớn nông dân chuyển sang loài này.”

Pearl nói: “Nguyên nhân khiến người nuôi từ bỏ nuôi tôm sú là do dịch bệnh và tỷ lệ sống thấp. Những vấn đề này vẫn còn tồn tại. Một nông dân đang gặp vấn đề với việc nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ không thể giải quyết vấn đề của mình bằng cách chuyển sang nuôi tôm sú.”

Ao nuôi ở Ecuador. Nguồn: Genics

Ecuador

Yếu tố góp phần quan trọng đối với sự thành công của Ecuador là công tác quản lý và ngăn chặn dịch bệnh. Gomez giải thích: “Mật độ nuôi chính là chìa khóa, vì hầu hết mật độ nuôi ở Ecuador là dưới 20 con/m2. Có nhiều hệ thống bền vững hơn, ao sâu hơn và nhiều nguồn nước hơn. Ngoài ra, Ecuador không sử dụng tôm SPF mà thay vào đó là các chủng kháng bệnh được lựa chọn thông qua các đợt tuyển chọn hàng loạt. Đồng thời, họ còn có sự cải tiến liên tục trong quản lý và kết hợp các hệ thống cho ăn tự động và hệ thống năng lượng mặt trời giúp giám sát và theo dõi thời điểm tôm ăn. Sự kết hợp giữa khai thác công nghệ mới và bảo vệ phúc lợi của động vật giúp mang lại lợi thế cho Ecuador.”

Mặc dù có sự thành công trong ngành tôm ở Ecuador, vẫn còn nhiều yếu tố có thể được cải thiện từ quan điểm kỹ thuật cũng như những thách thức trong tương lai.

Sellars nói: “Khả năng của Ecuador có thể tăng gấp đôi sản lượng chỉ đơn giản thông qua việc tăng cường sản xuất (từ 14-20/m2 lên 40-60/m2) nếu nguồn cung cấp điện đáng tin cậy cho các trang trại được giải quyết, cho phép sử dụng hệ thống sục khí, hệ thống cho ăn, v.v. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng có thể quyết định khả năng bền vững của Ecuador trong việc duy trì sự tăng trưởng và lợi nhuận là nguồn năng lượng được sử dụng. Việc trợ cấp dầu diesel không ổn định có thể khiến cho một trang trại có khả năng thu lợi nhuận chuyển sang thua lỗ chỉ sau một đêm. Giáo dục và đào tạo nông dân ở Ecuador về cách quản lý tôm cũng như ao nuôi khi nuôi ở mật độ cao sẽ đóng một vai trò quan trọng.”

Pearl nói: “Ecuador đang tăng mật độ thả giống. Họ bắt đầu với mật độ rất thấp, do đó việc tăng mật độ nuôi đã tạo ra sự tăng trưởng. Thách thức đối với Ecuador không phải là tăng mật độ lên quá cao vì sau đó họ sẽ bắt đầu gặp những thách thức tương tự như các đối thủ châu Á của họ đang gặp phải.”

Các dòng di truyền vẫn còn rất nhiều điểm cần cải thiện. De Donato cho biết: “Biết rằng chúng có tính thay đổi di truyền lớn và hiện nay công nghệ chọn lọc bộ gen đang được sử dụng trong các chương trình di truyền chính, sẽ có sự cải thiện lớn về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống, giữ cho hệ thống có chi phí thấp và năng suất cao. Hạn chế duy nhất để mở rộng sản xuất nhanh hơn có thể là chi phí thức ăn và giá tôm, vì hệ thống của họ không phải là hiệu quả nhất, do đó lợi nhuận có thể rất nhỏ, thậm chí có thể đưa sản xuất vào tình trạng thua lỗ. Do đó, để sản xuất tiếp tục tăng trưởng, sự kết hợp giữa nguồn gen tốt hơn và hệ thống hoạt động hiệu quả hơn cần được thực hiện.”

Tăng cường bằng cách kết hợp sục khí, công thức thức ăn tiên tiến và hệ thống cho ăn sẽ cho phép tăng sản lượng. McIntosh kết luận: “Nhìn vào xu hướng, khi so sánh các ao nuôi công nghệ cao so với ao nuôi không công nghệ cao, chỉ ra rằng quốc gia này có thể đạt hơn 5 triệu tấn. Nhưng quy luật tự nhiên về khả năng chứa có cho phép điều này không? Đó là câu hỏi triệu đô cho Ecuador và thế giới. Khi đã đủ thì là đủ.”

Theo Hatchery Feed Management

Nguồn: https://hatcheryfm.com/shrimp/shrimp-iii-disease-and-profitability/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *