Độ kiềm là một trong những yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm do có liên quan trực tiếp đến độ ổn định của pH nước và hoạt động lột xác của tôm. Độ kiềm càng cao, pH của nước càng ổn định. Độ kiềm càng thấp càng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lột xác và tỷ lệ sống của tôm nuôi. Độ kiềm ban đầu cao hay thấp phụ thuộc vào chất đất, nguồn nước và hoạt động bổ sung bicarbonate. Trong quá trình nuôi, độ kiềm phụ thuộc vào mức độ phát triển của tảo và các sinh vật khác có trong ao như ốc đinh hay nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hoạt động lột xác của tôm, mức độ thay nước và hoạt động bổ sung bicarbonate của người nuôi. Độ kiềm lý tưởng CaCO3 = 140 – 180 mg/l.
1/ Nguyên nhân và tác hại
+ Độ kiềm cao: CaCO3 >200 mg/l, kết hợp với pH lớn hơn 8,5 lại ngăn cản quá trình lột xác của tôm, do hàm lượng kim loại nặng và phèn trong ao cao, vôi hóa lớp vỏ làm tôm nuôi chậm lột xác dẫn đến tôm chậm lớn và phân đàn.
+ Độ kiềm thấp: CaCO3 < 100 mg/l, do trong ao nuôi có ốc và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ cạnh tranh lượng kiềm với tôm nuôi, làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, dẫn đến tôm bị mềm vỏ, cong thân, đục cơ, chậm lớn, có tỷ lệ sống thấp. Hoặc mật độ nuôi không hợp lý và độ mặn thấp. Các ao nuôi có độ kiềm quá thấp (dưới CaCO3 < 50 mg/l) thường rất khó để gây màu nước.
2/ Biện pháp khắc phục
+ Độ kiềm cao: thay nước, sử dụng EDTA 2kg / 1000m3 2 ngày liên tục, định kỳ 5 ngày/lần nếu có sử dụng nước ngầm, tạt khoáng 2 – 5kg / 1000m3 để kích thích tôm lột xác tạo lớp vỏ mới.
+ Độ kiềm thấp: Nên diệt ốc, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ ngay đầu vụ nuôi, mật độ nuôi thích hợp, độ mặn > 5%o. Tăng độ kiềm bằng cách sử dụng vôi Dolomite và CaCO3 10kg/ 1000m3 và Bicarbonate 2kg / 1000m3 định kỳ 2 ngày/lần. Sử dụng các loại khoáng vi đa lượng kích thích tôm mau cứng vỏ.
* Thường xuyên kiểm tra môi trường nước ao nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
Người thực hiện: ThS. Huỳnh Duy Phong – Công Ty TNHH Phát Triển Thủy Sản Bình Minh