Kết quả cho thấy có một số biến đổi cụ thể giữa các dòng tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là một trong những loài nuôi trồng thủy sản phổ biến nhất và chiếm ưu thế trên toàn thế giới. Chúng được ưa thích bởi hương vị thơm ngon, chất lượng thịt vượt trội cùng với các đặc tính dinh dưỡng và dễ chế biến. Chúng đã trở thành một trong những sản phẩm thủy sản có giá trị thương mại trên toàn cầu. L. vannamei là loài tôm euryhaline (thích nghi với nhiều độ mặn khác nhau) thích hợp để nuôi mật độ cao với các độ mặn đa dạng.

Sự khác nhau giữa các dòng L. vannamei

Nghiên cứu này đã đánh giá sự khác nhau giữa các dòng thẻ L. vannamei được nuôi trong điều kiện ao nuôi có kiểm soát. Kết quả cho thấy có sự biến đổi cụ thể theo từng chủng, điều này có thể cung cấp một tài liệu tham khảo mua hàng tiềm năng cho người tiêu dùng. Ảnh của Fernando Huerta.

Trung Quốc có được các giống tôm bố mẹ cải tiến nhờ vào số lượng tôm nhập khẩu. Một số dòng tôm mới cũng được phát triển ở quốc gia này. Các nghiên cứu thích hợp ở thời điểm hiện tại chủ yếu tập trung vào việc lựa chọn quỹ gen (nguồn gen sống). Kết quả của một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng có sự khác nhau về thành phần dinh dưỡng giữa các dòng thẻ L. vannamei.

Thành phần dinh dưỡng là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá quỹ gen ở tôm. Đồng thời, nó cũng là cơ sở cho sự phát triển cũng như cải tiến nguồn gen. Các thông số kỹ thuật, điều kiện độ mặn, môi trường nuôi và mô hình sản xuất khác nhau đã được báo cáo là có ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng và chất lượng của tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đã đánh giá các loài tôm có cùng chủng trong các điều kiện khác nhau. Việc xác định thành phần dinh dưỡng của các chủng khác nhau trong cùng điều kiện nuôi có thể cung cấp những thông tin dinh dưỡng mới đến người tiêu dùng.

Bài báo này được chỉnh sửa và tóm tắt từ bài báo gốc (theo Tiến sĩ Wang và cộng sự năm 2021. Đánh giá chất lượng và thành phần hoá học của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei: Ảnh hưởng đến các thành phần dinh dưỡng trong thịt. Thực phẩm và Khoa học Dinh dưỡng chương 9 – đã đánh giá và so sánh các thành phần dinh dưỡng cơ bản, thành phần axit amin (thủy phân và tự do), và thành phần axit béo của bốn chủng thẻ L. vannamei.

Thiết lập nghiên cứu

Thử nghiệm cho ăn trong 90 ngày của nghiên cứu được thực hiện tại một trang trại nuôi tôm ở Binzhou, Trung Quốc. Trước khi thử nghiệm, tôm giống – có nguồn gốc từ các nhà cung cấp thương mại Universal từ Indonesia, chủng địa phương Kehai số 1, KH-1, chủng Syaqua từ Thái Lan, và chủng địa phương (chủng thông thường) khác – với trọng lượng ban đầu là 0,63 ± 0,02 gam, được nuôi tạm thời và thuần trong 7 ngày và sau đó thả vào 12 ao thí nghiệm 30 m3 để tạo thành bốn nhóm nghiệm thức thực hiện trong ba lần. Mật độ thả khoảng 300 con / m2. Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sống giữa các nghiệm thức (78,42 ± 1,29 %).

Nước biển trong ao được lọc bằng cát, và điều kiện chất lượng nước được duy trì ở 29 ± 1 0C, pH ở mức 7,5 – 8,0, oxy hòa tan> 5.0 mg/l và độ mặn ở mức 29 – 31 ppt. Việc bổ sung vi khuẩn được thực hiện bảy ngày một lần. Tôm được cho ăn với chế độ ăn thương mại (40% protein thô, 8% lipid thô) có nguồn gốc từ một công ty thức ăn chăn nuôi ở địa phương. Tất cả các nhóm tôm trong thí nghiệm được cho ăn hai lần mỗi ngày ở mức 6 – 10 % trọng lượng cơ thể với khẩu phần được điều chỉnh sau 15 ngày. Chế độ cho ăn thủ công (rải bằng tay) cho đến khi thấy tôm đã ăn đủ lượng thức ăn và tỷ lệ cho ăn được chọn để đảm bảo tôm đạt được cảm giác no mà lượng thức ăn cho tôm không bị quá mức. Nước biển sạch được thay ở mức 10% sau khi cho ăn.

Sau khi kết thúc thử nghiệm cho ăn kéo dài 90 ngày, tôm trong mỗi ao được lấy mẫu 24 giờ sau lần cho ăn cuối cùng. 30 con tôm được chọn ngẫu nhiên từ mỗi ao (20,10 ± 2,30 gam) để phân tích các thành phần gần đúng. Để biết thông tin chi tiết về thiết kế thí nghiệm và cách chăn nuôi; thu thập mẫu và phân tích nhanh; và các phân tích thống kê, vui lòng tham khảo bài báo gốc.

Kết quả và thảo luận

Nhìn chung, kết quả của nghiên cứu cho thấy với điều kiện nuôi và thức ăn giống nhau, cả bốn chủng tôm đều có mức protein cao (21,1- 22,3 %) và ít chất béo (0,8 – 1,1 %). Chủng Universal có hàm lượng protein, chất béo và các axit amin thiết yếu cao nhất (147,97). Chủng Syaqua có hàm lượng axit béo không bão hòa đa và PUFAs cao nhất (44,88%). Chủng KH-1 có hàm lượng axit amin tự do FAA cao nhất (2,68%).

Thành phần gần đúng của bốn chủng tôm được thể hiện trong Bảng 1. Hàm lượng protein thô dao động từ 21,1 – 22,3 %, hàm lượng chất béo thô dao động từ 0,8 – 1,1 %, và tro thô không có sự khác nhau giữa các chủng. Những kết quả của nghiên cứu này phù hợp với những kết quả đã được báo cáo ở những nghiên cứu bởi nhiều nhà nghiên cứu khác nhau, họ đã phát hiện ra rằng hàm lượng protein và chất béo thô giữa các chủng tôm tương đối đồng đều.

Thành phần dinh dưỡng

Chủng

Độ ẩm Protein Chất béo Tro Năng lượng

Universal

74.6 ± 0.51b 22.3 ± 0.30a 1.1 ± 0.02a 1.7 ± 0.02a 425 ± 1.2a
Syaqua 75.2 ± 0.43ab 21.7 ± 0.29ab 1.0 ± 0.02b 1.7 ± 0.02a

413 ± 1.5b

KH-1 75.4 ± 0.39b 21.8 ± 0.31ab 1.0 ± 0.01b 1.6 ± 0.03a

411 ± 0.9b

Địa phương 76.5 ± 0.41a 21.1 ± 0.34b 0.8 ± 0.01c 1.6 ± 0.03a

388 ± 1.4c

Bảng 1: Thành phần xấp xỉ của bốn chủng tôm được nghiên cứu (trung bình ± SD) (g/100g trọng lượng ướt). Các giá trị trong cùng một cột với các chữ cái khác nhau thể hiện sự khác nhau đáng kể (p <0,05)

Trong số bốn chủng được thử nghiệm trong nghiên cứu này, hàm lượng protein thô là cao nhất trong chủng Universal (22,3%). Hàm lượng chất béo thô thấp nhất ở chủng tôm địa phương. Hàm lượng tro thô thấp nhất ở chủng KH-1 và chủng địa phương. Nhìn chung, dựa trên các phân tích thành phần hóa học, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng bốn chủng tôm được thử nghiệm đều có sự cân bằng về chất dinh dưỡng và mức protein.

Về cấu hình axit amin thủy phân (HAA) của bốn chủng tôm được đánh giá, axit glutamic là axit amin phong phú nhất trong tất cả các chủng, tiếp theo là lysine, axit aspartic và leucine. Bốn axit amin này chiếm 41,34 – 42,64 % tổng số axit amin (TAA). Chủng KH-1 có lượng TAA cao nhất ở mức 82,07 g/100g (trọng lượng khô, DW), và hàm lượng các axit amin thiết yếu (EAA) của chủng KH-1 cũng cao. Tỷ lệ EAA / TAA dao động từ 38,22 % (chủng thông thường) đến 38,79 % (chủng Syaqua).

Giá trị dinh dưỡng của thức ăn phụ thuộc vào thành phần và hàm lượng axit amin. Đối với con người, thực phẩm có hàm lượng axit amin cao hơn có thể cung cấp giá trị dinh dưỡng tốt hơn. TAA và EAA cũng là những chỉ tiêu quan trọng đánh giá giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thủy sản. Bốn chủng tôm được đánh giá có hàm lượng axit glutamic dao động từ 172,8 mg/g (KH-1) đến 176,6 mg/g (Syaqua) protein thô. Những giá trị của nghiên cứu này cao hơn đáng kể so với những giá trị đã được báo cáo ở những nghiên cứu trước đối với nhiều loài tôm, cá và động vật giáp xác khác.

Các axit amin tự do (FAA) là thành phần quan trọng của thịt có thể ảnh hưởng đến hương vị của động vật thủy sản. Đặc biệt là axit glutamic, glycine, alanin và axit aspartic, chúng được cho là có thể ảnh hưởng đáng kể đến hương vị của tôm. Mỗi axit amin có một hương vị riêng, sự đóng góp của hương vị phụ thuộc vào giá trị hoạt độ vị (TAV). TAV là tỷ lệ giữa chất điều vị có trong mẫu và giá trị ngưỡng của nó. Tuy nhiên, TAV không xem xét sự tương tác giữa các thành phần, nhưng có thể có tác dụng hiệp đồng đến mùi vị của thực phẩm. Trong số bốn chủng tôm được đánh giá, các axit amin axit glutamic, glycine, valine, methionine, lysine và histidine có giá trị TAV đáng kể. Các đánh giá cảm quan bổ sung ở những dòng tôm này được dự tính cho những nghiên cứu trong tương lai.

Các mô hình về hàm lượng FAA tương tự nhau giữa các chủng, ngoại trừ chủng địa phương (chủng thường). Chất đóng góp hàng đầu cho hương vị là glutamine, với TAV là 14,33. TAV của alanin và glycine lần lượt là 7,83 và 3,69, chúng cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hương vị của thịt tôm. Các mô hình chỉ ra rằng KH-1 sẽ có vị tươi và ngọt hơn so với các chủng khác.

Hình dạng và hàm lượng axit béo (FA) của bốn chủng tôm được đánh giá là khác nhau. Hình dạng của tất cả các chủng đều bị ảnh hưởng bởi các axit béo không bão hòa đa (PUFA), ngoại trừ chủng địa phương, tiếp theo là axit béo bão hòa (SFAs) và axit béo không bão hòa đơn (MUFAs). Trong số các SFA, axit palmitic là chiếm ưu thế nhất, kế đến là axit stearic. MUFA chiếm ưu thế là axit oleic (C18: 1). Các PUFA chiếm ưu thế là axit linoleic (LA); axit docosahexaenoic (DHA); và axit eicosapentaenoic (EPA).

Trong số các FA có giá trị thì DHA và EPA đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh viêm và tim mạch. Chúng có tác dụng làm giảm chất béo trung tính trong huyết thanh trong cơ thể của động vật thuỷ sản. Trong kết quả của nghiên cứu, EPA và DHA có hàm lượng cao vừa phải ở tất cả các mẫu tôm, đặc biệt là ở chủng KH-1. Tuy nhiên, hàm lượng EPA trong nghiên cứu này thấp hơn so với báo cáo của nghiên cứu trước ở L. vannamei (11,5 – 13,7 g / 100 FA), trong khi hàm lượng DHA trong nghiên cứu trước (dao động từ 8,9 – 10,4 g / 100 g FA) lại thấp hơn so với hàm lượng được báo cáo trong nghiên cứu này.

Quan điểm

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng có sự biến đổi trong thành phần hóa học của các dòng tôm L. vannamei được đánh giá trong điều kiện sản xuất ao nuôi được kiểm soát. Chủng Universal nhập khẩu có hàm lượng protein và chất béo cao nhất. Ngoài ra, tất cả hàm lượng EAA của chúng cũng cao nhất so với các chủng còn lại. Chủng Syaqua nhập khẩu có hàm lượng PUFAs cao nhất và chủng KH-1 là chủng cao nhất về các thành phần kích thích vị giác FAA.

Theo: Tiến sĩ Xiao Li, Tiến sĩ Ying Wang, Tiến sĩ Hongyan Li, Tiến sĩ Xiaodong Jiang, Tiến sĩ Lei Ji, Tiến sĩ Tianhong Liu và Tiến sĩ Yuanqin Sun.

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/evaluating-pacific-white-shrimp-strains-for-variability-in-quality-nutritional-composition/

Biên dịch: Huyền Thoại – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *