Kết quả của nghiên cứu ở Indonesia cho thấy tôm có hiệu suất tăng trưởng và lợi nhuận tốt hơn, cũng như tỷ lệ sống cao hơn đáng kể sau khi cảm nhiễm với Vibrio harveyi

Bổ sung nucleotide thương mại vào khẩu phần của tôm thẻ chân trắng được nuôi trong các ao thâm canh ngoài trời ở Indonesia

Các tác giả đã đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung nucleotide thương mại vào khẩu phần của tôm thẻ chân trắng được nuôi trong các ao thâm canh ngoài trời ở Indonesia. Kết quả cho thấy những con tôm được cho ăn với khẩu phần chứa nucleotide có hiệu suất tăng trưởng và lợi nhuận tốt hơn, cũng như tỷ lệ sống sót cao hơn đáng kể khi cảm nhiễm với Vibrio harveyi. Ảnh của Darryl Jory.

Trong vài năm qua, các nhà sản xuất tôm đã dần nhận thức được rằng chiến lược bền vững nhất để nâng cao hiệu suất tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là phải tập trung vào việc phát triển các khẩu phần chứa các thành phần chức năng, mang lại lợi ích về kinh tế và sức khỏe bên cạnh chế độ dinh dưỡng cơ bản. Có một số sản phẩm chức năng có sẵn có thể góp phần vào việc xây dựng các mục tiêu này, chẳng hạn như chất kích thích tăng trưởng, probiotics, prebiotics, chất điều hòa miễn dịch, chất phytogenic và axit hữu cơ vì sức khỏe đường ruột, khả năng chống stress và kháng bệnh của các sinh vật thủy sinh.

Nucleotide là các hợp chất điều hòa miễn dịch, là các khối cấu tạo của DNA và RNA, chúng rất quan trọng đối với nhiều quá trình sinh lý trong cơ thể sống. Ở tôm thẻ chân trắng, việc sử dụng nucleotide đã được nghiên cứu và báo cáo vì chúng có thể được bổ sung vào thức ăn giúp tăng cường khả năng kháng bệnh và năng suất tăng trưởng trong suốt thời gian nuôi. Ngoài ra, việc bổ sung nucleotide vào chế độ ăn cũng đã được chứng minh là cải thiện các chức năng sinh học và mang lại một số lợi ích sức khỏe ở các loài động vật khác, bao gồm điều chỉnh phản ứng miễn dịch, chống lại nhiễm trùng và tăng cường hiệu suất tăng trưởng.

Ở họ tôm He, Vibrio harveyi được coi là nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng chết hàng loạt trong quá trình nuôi thương phẩm. Từ góc độ sinh học, việc bổ sung nucleotide vào khẩu phần ăn dường như đặc biệt đầy đủ trong giai đoạn đầu, vì tôm có sự tăng trọng nhanh trong giai đoạn juvenile (con non). Để thiết kế chế độ ăn có lợi và bền vững về mặt kinh tế cho tôm thẻ chân trắng, việc giảm sử dụng bột cá dự kiến ​​sẽ tiếp tục xem xét trong tương lai gần, và nucleotide có thể được bổ sung trong thức ăn cho tôm để chống lại tác động tiêu cực của các thành phần khác.

Bài báo này – được tóm tắt từ bài báo gốc (Novriadi, R. và cộng sự, 2022. Tác dụng của việc bổ sung nucleotide vào chế độ ăn đối với hiệu suất tăng trưởng, lợi nhuận và khả năng kháng bệnh của tôm thẻ chân trắng được nuôi ở Indonesia trong ao nuôi thâm canh ngoài trời. Animals 2022, 12 (16), 2036) – trình bày các kết quả nghiên cứu để đánh giá tác dụng lâu dài của việc bổ sung nucleotide đối với hiệu suất tăng trưởng, lợi nhuận, phản ứng miễn dịch và khả năng chống lại V. harveyi ở tôm thẻ L. vannamei được nuôi bằng chế độ ăn với bột cá (FM) đã được thay thế một phần bằng bột đậu nành (SBM) và được nuôi trong điều kiện ao nuôi thâm canh ngoài trời ở Indonesia.

Thiết lập nghiên cứu

Thử nghiệm tăng trưởng được thực hiện trong 2 ao thương phẩm với kích thước 20×30m tại Đại học Thủy sản Kỹ thuật Jakarta (Jakarta, Indonesia). 22.500 con tôm thẻ L. vannamei được thu thập từ Salira teknik Benur (Serang, Banten, Indonesia) và được thuần 1 tuần trong bể ương. Sau đó, tôm (trọng lượng trung bình ban đầu 1,06 ± 0,01 gram) được phân chia ngẫu nhiên vào 50 lồng (mỗi lồng chứa 450 con) với kích thước 2×2×1m. 10 nhóm tôm lặp lại được cho ăn với các khẩu phần thử nghiệm khác nhau (4.500 con tôm cho mỗi nhóm nghiên cứu) sử dụng quy trình tiêu chuẩn nghiên cứu dinh dưỡng trong 110 ngày và cho ăn bằng tay 4 lần/ngày. Dựa trên kết quả nghiên cứu trước đây của chúng tôi, lượng thức ăn đưa vào đã được lập trình sẵn với giả định tôm phát triển bình thường và hệ số chuyển đổi thức ăn là 1,5. Mức cho ăn hàng ngày được điều chỉnh dựa trên mức tiêu thụ thức ăn, số lượng tôm và tỷ lệ chết hàng tuần quan sát được.

Chế độ ăn được chuẩn bị với các tỷ lệ bột cá khác nhau và được xây dựng với bột đậu nành, bột gluten ngô và các sản phẩm lúa mì làm nguồn protein chính. Chế độ ăn đối chứng (10FM, chứa 10% bột cá) được thiết kế để đại diện cho chế độ ăn thường được sử dụng để sản xuất PWS ở thị trường Indonesia. Mặt khác, khẩu phần với 6FM (6% bột cá), đại diện cho chế độ ăn trong đó một phần bột cá đã được thay thế bằng các nguồn thực vật. Các nucleotide thương mại (N, Nucleoforce®, Bioiberica, S.A.U., Palafolls, Tây Ban Nha) được bổ sung 0,1% trong chế độ ăn có chứa các mức bột cá khác nhau: 10% (10FMN), 8% (8FMN) và 6% (6FMN). Tất cả khẩu phần được sản xuất tại Trung tâm Phát triển Nuôi trồng Thủy sản Karawang và được sản xuất theo phương pháp thương mại với máy đùn trục vít đôi (CXE 65 E, Jinan Shengrun, Jinan, China).

Để biết thông tin chi tiết về thiết kế thí nghiệm, việc chuẩn bị chế độ ăn thử nghiệm và cách nuôi dưỡng; sự tăng trưởng và thử nghiệm cảm nhiễm; phân tích thành phần cơ thể và các xét nghiệm khác; và các phân tích thống kê, vui lòng tham khảo bài báo gốc.

Kết quả và thảo luận

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng nucleotide thương mại đã cải thiện hiệu suất tăng trưởng và lợi nhuận ở tôm thẻ chân trắng, đồng thời tăng khả năng kháng bệnh của chúng. Cụ thể, ở nhóm tôm có bổ sung nucleotide khẩu phần mà trong đó bột cá đã được thay thế một phần bằng nguồn protein thực vật, đã giúp trọng lượng cơ thể cuối cùng tốt hơn (FBW), phần trăm tăng trọng (PWG), hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), tăng trưởng trung bình hàng ngày (ADG) và lợi nhuận kinh tế cao hơn, cũng như gan tụy khỏe mạnh hơn và tăng tỷ lệ sống khi cảm nhiễm với V. harveyi. Mặt khác, ở nhóm tôm được nuôi theo chế độ ăn thương mại với lượng bột cá bình thường, việc bổ sung nucleotide cho phép khả năng kháng bệnh cao hơn và không làm giảm hiệu suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và lợi nhuận, đồng thời không làm thay đổi các thông số cảm quan.

Tác động tích cực chính của việc bổ sung nucleotide ở tôm thẻ L. vannamei được quan sát trong nghiên cứu này có lẽ là sự cải thiện về hiệu suất tăng trưởng. Khi xu hướng giảm sử dụng bột cá tiếp tục được thực hiện, tác dụng có lợi này sẽ hỗ trợ việc kết hợp các nucleotide trong quá trình sản xuất tôm. Các tác giả khác đã báo cáo rằng việc bổ sung 0,2% nucleotide vào khẩu phần tạo ra tốc độ tăng trưởng cụ thể (SGR) và hiệu quả chuyển đổi thức ăn (FCE) tốt hơn đáng kể so với tôm không có nucleotide trong khẩu phần sau 60 ngày thử nghiệm. Trong nghiên cứu trước đây của chúng tôi, mặc dù không đạt được ý nghĩa thống kê, nhưng việc bổ sung 0,1% nucleotide đã dẫn đến hiệu suất tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt ở nhóm trong đó bột cá đã được thay thế một phần bằng bột đậu nành, so với chế độ ăn đối chứng.

Vai trò của nucleotide và các chất chuyển hóa trong các sinh vật thủy sinh đã được nghiên cứu trong hơn 2 thập kỷ qua, và tác động tích cực của các sản phẩm nucleotide khác nhau đối với sự tăng trưởng và hiệu suất sử dụng thức ăn ở cá và động vật giáp xác đã được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, có rất ít báo cáo giải thích về cách thức hoạt động của các nucleotide hoặc cách chúng nâng cao hiệu suất tăng trưởng ở tôm thẻ L. vannamei. Một số tác giả trước đây đã lập luận rằng tính hấp dẫn của thức ăn chứa nucleotide thúc đẩy tôm hấp thu lượng thức ăn nhanh chóng, ngăn chặn sự rửa trôi các chất dinh dưỡng, đặc biệt là hỗ trợ hiệu suất tăng trưởng, từ các đặc tính dinh dưỡng hoàn chỉnh có trong chế độ ăn.

Trong nghiên cứu hiện tại, chúng tôi đã quan sát thấy nucleotide có tác dụng lâu dài đối với sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng, cho đến khi chúng đạt đến kích cỡ thị trường. Chúng tôi cho rằng với thời gian 110 ngày thử nghiệm, việc nuôi thâm canh trong hệ thống ao ngoài trời cung cấp một xu hướng tích cực rõ ràng đối với sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng so với kết quả 70 ngày thu được trong nghiên cứu trước đây của chúng tôi.

Nucleotides có tác dụng điều chỉnh phản ứng miễn dịch, và điều này được nhận thấy thông qua kết quả cải thiện các thông số miễn dịch được đánh giá trong thử nghiệm này. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không nhận thấy hiệu quả đáng kể về vấn đề này so với các thử nghiệm trước. Ngoài ra, các xu hướng chỉ ra rằng có thể có một tác động đáng kể nếu giới hạn các giai đoạn phát triển ban đầu và giai đoạn dễ bị tổn thương của tôm.

Dữ liệu của chúng tôi sau khi phân tích thành phần toàn bộ cơ thể cho thấy sự lắng đọng protein ở các nhóm nhận nucleotide trong chế độ ăn cao hơn so với nhóm không nhận được. Ngoài ra, chúng tôi đã tìm thấy các giá trị có thể so sánh được đối với các chế độ dinh dưỡng khác, bao gồm tổng chất béo, độ ẩm, carbohydrate và hàm lượng chất xơ thô. Mức protein cao hơn trong các nhóm được bổ sung nucleotide có thể là do khả năng của các nucleotide trong chế độ ăn ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp protein bằng cách điều chỉnh nguồn nucleotide nội bào. Điều này có liên quan mật thiết đến vai trò của nucleotide như khối xây dựng nên DNA, được phiên mã và dịch mã để tạo thành protein trong cơ thể tôm.

Chúng tôi cũng quan sát thấy rằng việc bổ sung 0,1% nucleotide có khả năng ngăn chặn một phần sự phát triển của các biến đổi mô học gan tụy rõ rệt được quan sát thấy ở tôm được cho ăn khẩu phần chứa 6 và 8% bột cá. Lợi ích của việc bổ sung nucleotide vào chế độ ăn có thể là do trọng lượng phân tử thấp của chúng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ tối ưu trong gan tụy.

Có rất ít báo cáo về việc đánh giá cảm quan của tôm được nuôi bằng các thành phần chức năng hoặc thay thế. Chúng tôi nhận thấy tôm có kết cấu tốt hơn và hương vị ngọt hơn khi chứa các nucleotide trong chế độ ăn. Do đó, có lẽ việc sử dụng nucleotide trong khẩu phần có thể cung cấp tác động tích cực đến các thuộc tính cảm quan của tôm khi giảm lượng bột cá.

Lợi nhuận là một thông số quan trọng trong sản xuất tôm. Nó liên đến chi phí thức ăn, tạo thành một biến số chính trong sản xuất tôm từ quan điểm kinh tế. Về tổng thể, kết quả của chúng tôi cho thấy rằng việc bổ sung nucleotide tạo ra lợi tức đầu tư cho người nông dân. Cụ thể hơn, việc bổ sung nucleotide vào khẩu phần ăn của tôm thẻ L. vannamei với lượng bột cá giảm đã dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn nhờ hiệu suất tăng trưởng được cải thiện rõ rệt, mặc dù cần tăng nhẹ vốn đầu tư lúc đầu. Hơn nữa, lợi nhuận ở nhóm 10FMN tương đương với 10FM, nhưng 10FMN cho khả năng kháng bệnh tốt hơn.

Các nghiên cứu sâu hơn được thực hiện để xác nhận thêm tác dụng của nucleotide ở loài tôm này cũng như hỗ trợ phương pháp đề xuất khả năng chống lại các tác động tiêu cực của việc thay thế bột cá bằng bột đậu nành trong khẩu phần ăn của tôm. Điều này có thể được thực hiện ở các quốc gia khác có xu hướng tương tự, như ở Việt Nam.

Quan điểm

Kết quả nghiên cứu của hiện tại đã chứng minh rằng việc bổ sung nucleotide trong khẩu phần ăn cho tôm thẻ L. vannamei mà trong đó bột cá đã được thay thế một phần bằng các nguồn thực vật khác giúp cải thiện năng suất tăng trưởng, kháng bệnh tốt hơn và lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, việc chứa các nucleotide không ảnh hưởng đến các đặc tính cảm quan của tôm.

Dựa trên những kết quả khả quan đạt được trong nghiên cứu, việc bổ sung 0,1% nucleotide trong khẩu phần có thể được coi là một cách để nâng cao sản lượng tôm nuôi trong hệ thống ao thâm canh ngoài trời.

Theo Tiến sĩ Romi Novriadi, Oriol Roigé, và Tiến sĩ Sergi Segarra

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/dietary-nucleotide-supplementation-of-pacific-white-shrimp-farmed-in-intensive-outdoor-ponds/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page