1/ Dấu hiệu nhận biết:

Cơ thịt tôm có màu trắng đục, cơ thể bị co lại hình chữ C, tôm không tự duỗi thẳng ra được. Hiện tượng này thường xuất hiện khi thăm nhá, chài thăm tôm và khi tôm nhảy lên khỏi mặt nước đồng loạt.

2/ Nguyên nhân:

– Độ kiềm thấp CaCO3 < 100 mg/l.

– Hàm lượng Canxi < 200 mg/l, Magie  < 600 mg/l.

– Thiếu khoáng vi đa lượng: làm mất cân đối giữa các khoáng trong cơ thể.

– Hàm lượng chất hữu cơ cao: làm giảm hấp thu khoáng.

– Hàm lượng phèn cao: Fe > 1 mg/l làm giảm hấp thu khoáng.

– Bị sốc do môi trường: sau khi mưa to hoặc nắng nóng làm thay đổi nhiệt độ, độ mặn, hiện tượng phân tầng nước và tăng hàm lượng khí độc.

– Sang tôm khi sức khỏe không tốt, thời điểm nhiệt độ cao hoặc do sự chênh lệch các yếu tố môi trường giữa ao nuôi và ao sang.

– Nhiễm khuẩn và virus IMNV (hoại tử cơ).

– Ao nghèo dinh dưỡng do có ốc và động vật 2 mảnh vỏ.

– Nuôi tôm mật độ cao và độ mặn thấp < 5‰.

Bệnh đục cơ do virus và vi khuẩn

3/ Tác hại:

– Bệnh nhẹ: tôm lột không cứng vỏ, lột không hoàn toàn, tôm giảm ăn, đục cơ kéo dài gây ra hiện tượng ốp thân, đục cơ có thể chết từ 10-20% tôm và tôm bị phân đàn.

– Bệnh nặng: tôm đục cơ, cong thân hình chữ C không bơi lội được và chết hàng loạt từ 50 – 70% tôm.

4/ Biện pháp khắc phục:

– Tăng độ kiềm bằng cách sử dụng vôi CaCO3 10kg/ 1000m3 và Bicarbonate 2kg/1000m3 định kỳ 2 ngày/lần. Độ kiềm lý tưởng CaCO3 = 140-180 mg/l.

– Bổ sung hàm lượng Canxi và Magie bằng cách sử dụng vôi Dolomite 10kg/1000m3 hoặc các loại khoáng nguyên liệu có chứa Canxi và Magie định kỳ 2 ngày/lần. Hàm lượng lý tưởng Canxi = 400 – 450 mg/l và Magie = 1.300-1.600 mg/l.

– Bổ sung các loại khoáng vi đa lượng vào ao nuôi để cân bằng các khoáng chất trong cơ thể định kỳ 3 ngày/lần.

– Giảm hàm lượng chất hữu cơ: sử dụng men vi sinh định kỳ 7 ngày/lần, Zeolite 10kg / 1000mđịnh kỳ 3 ngày/lần, siphon đáy ao hoặc sử dụng keo lắng tụ khi cần thiết.

– Giảm độ phèn trong ao: sử dụng EDTA 2kg/ 1000m3 định kỳ 5 ngày/lần, 1kg/1000m3 sau những lần mưa lớn.

– Sau những lần mưa hoặc nắng nóng kéo dài nên chạy quạt nước, oxy liên tục tránh phân tầng nước, tạt vôi, khoáng hoặc yucca để hấp thu khí độc.

– Khi tôm nhiễm khuẩn: sử dụng BKC 80% 1 lít / 1000m3

– Nên diệt ốc, động vật 2 mảnh vỏ, động vật cạnh tranh độ kiềm với tôm nuôi ngay đầu vụ nuôi.

– Mật độ nuôi thích hợp, độ mặn > 5‰.

* Bệnh có thể xuất hiện sau 10 ngày nuôi và ảnh hưởng  lớn đến tỷ lệ sống. Định kỳ kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời.

Người thực hiện: ThS. Huỳnh Duy Phong – Công Ty TNHH Phát Triển Thủy Sản Bình Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *