Kiểm tra tính khả thi của dự án thí điểm với hệ thống RAS và biofloc trước những thách thức về logistics và khí hậu

Mly M’hamed Loultiti (thứ ba bên trái) bên cạnh các con trai của ông, Ayoub và Youssef cùng với cố vấn USGC ở Ma-rốc, Mustapha El Youssoufi (trái); Chuyên gia tư vấn nuôi trồng thủy sản Ronnie Tan (thứ năm bên trái), Mohamed Salah Bouthour, Trợ lý Giám đốc phụ trách Châu Phi (thứ sáu bên trái), Francisco Miranda Gutierrez (phải) và khách tham quan.

Chính phủ Ma-rốc đang lên một kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, và nó đang ở giai đoạn đầu. Mục đích của Cơ quan Phát triển Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia (ANDA) mới được thành lập là tận dụng lợi thế của 3.500 km bờ biển. Đồng thời, các thành viên của hợp tác xã nông nghiệp, COPAG, đã xem xét nuôi trồng thủy sản để ổn định, sử dụng các ao chứa phục vụ tưới tiêu cho các vùng đất nông nghiệp trên khắp đất nước. Ý tưởng là sử dụng các ao một cách hiệu quả trước khi sử dụng chúng để tưới tiêu. COPAG, được thành lập vào năm 1987, là tập hợp lớn các nhà sản xuất tham gia vào các hoạt động thương mại và nông nghiệp đối với các sản phẩm từ thực vật và động vật, bao gồm cả sữa và các chất dẫn xuất của nó. Đứng đầu là Chủ tịch Mly M’hamed Loultiti, người đã quyết định thực hiện một dự án nuôi tôm thẻ chân trắng thí điểm gần đây.

Khoản đầu tư đầu tiên của ông để chứng minh tính khả thi của nuôi tôm thẻ chân trắng là dự án một ha ở Mazaria. Loultiti cũng đã chỉ định nhiều khu vực hơn để mở rộng dự án thí điểm này trước khi chuyển đến trang trại thương phẩm đã được lên kế hoạch ở gần Moulay Bousselham.

Nhận thấy sự quan tâm của những người làm nông nghiệp ở Ma-rốc trong việc đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản, Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) đã tài trợ cho chuyến công tác đầu tiên của các chuyên gia nuôi trồng thủy sản vào năm 2017. Đối với nuôi trồng thủy sản trên đất liền, lời khuyên của các chuyên gia là nuôi cá rô phi sông Nile và tôm thẻ chân trắng. Tiến sĩ Mustapha El Youssoufi, cố vấn của USGC tại Ma-rốc cho biết: “Ma-rốc có một thị trường đặc quyền với các đối tác kinh tế chính, được hưởng lợi từ vị trí gần nhau. Tây Ban Nha nhập khẩu 185.000 tấn tôm thẻ chân trắng, chủ yếu từ Mỹ Latinh. Cá rô phi sẽ giành cho thị trường nội địa nhưng tiềm năng xuất khẩu phụ thuộc vào việc sản xuất các sản phẩm chất lượng. Trước đó, hầu hết các nguồn nước đều được dành cho nông nghiệp, nhưng chúng ta có thể sử dụng các nguồn tài nguyên này cho nuôi trồng thủy sản”. Vào tháng 8, Mustapha tổ chức một đoàn công tác khác, lần này có sự tham gia của Ronnie Tan, chuyên gia tư vấn nuôi trồng thủy sản của USGC. Cùng với Loultiti và nhóm của anh ấy, họ đã thảo luận về các chiến lược cho bước tiếp theo của dự án.

Trang trại thí điểm

Việc lập kế hoạch cho trang trại thí điểm này là trách nhiệm của một nhóm các chuyên gia nuôi trồng thủy sản bao gồm Fernando Huertas từ Ecuador, Tiến sĩ Darryl Jory có trụ sở tại Florida và doanh nhân nuôi trồng thủy sản người Colombia gốc Tây Ban Nha, Francisco Miranda Gutierrez, thường được gọi là Paco. Bên cạnh hệ thống nuôi, vấn đề cần cân nhắc chính là nhiệt độ. Vào ban ngày, nhiệt độ môi trường là 26°C và giảm xuống 16-17°C vào ban đêm. Paco cho biết: “Đây là thử thách lớn nhất cần vượt qua vì chúng tôi không sử dụng điện hay gas để giữ nhiệt độ nước ở mức 30°C. Vào mùa đông, nhiệt độ rất lạnh, với 4°C vào ban đêm và 14°C vào ban ngày.”

Có sáu ao được lót bạt HDPE dày 1 mm với nước chảy dựa vào trọng lực đến ao xử lý được đặt ở giữa, trong một nhà kính 8000m². Công nghệ biofloc và hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) đã được chọn. Paco giải thích rằng đây là một hệ thống hybrid, biofloc và bộ lọc sinh học MBBR. Thể tích floc được giữ ở mức 12ml/L. Cá rô phi cái được nuôi trong ao xử lý để kiểm soát ấu trùng của ruồi muỗi có trong bùn chất hữu cơ trong bể phân hủy. Bể phân hủy trong ao xử lý giúp làm trong nước, ổn định pH ở mức 7,5 – pH8 và độ kiềm ở mức 160 – 220ppm. Quá trình khử nitrat được thực hiện trong điều kiện thiếu khí sẽ giải phóng độ kiềm. Do đó, chúng ta không cần thêm NaHCO3. Nước trở lại ao không có chất rắn lơ lửng, Paco cho biết thêm.

Hình ảnh một số nhà kính bao quanh ao và cơ sở thí nghiệm để theo dõi chất lượng nước và dịch bệnh.

Ao nuôi thương phẩm (trái) và ao xử lý (phải) có rào chắn để làm chậm dòng nước và lắng chất rắn. Cá rô phi được thả để kiểm soát ấu trùng ruồi muỗi có trong chất hữu cơ trong bể phân hủy.

Trong nhà kính, nhiệt độ nước được duy trì ở mức 30°C. “Tôi tiếp tục thử nghiệm với ao có độ sâu 1,5m và 2,3m. Ở ao sâu 2,3m, thể tích là 900m³ và tôi thả 250.000 post (PL). Theo Robins McIntosh, CPF, mật độ thả lý tưởng là 5kg/m³ để tận dụng toàn bộ cột nước. Mục tiêu của chúng tôi là tối đa 4kg/m³, cơ bản là vì chúng tôi đang sử dụng nước biển nhân tạo.”

Vấn đề về hậu cần là một thách thức đối với dự án này, cả về hậu ấu trùng và thức ăn. Nguồn tôm đến từ trại sản xuất giống Charoen Pokhand ở Florida, Hoa Kỳ, nhưng lịch bay không phù hợp vào năm 2021 đã dẫn đến tỷ lệ chết cao đối với chuyến hàng đầu tiên. Với kế hoạch tốt hơn, lứa thứ hai được gọi là PL4 đã vận chuyển thành công. Tuy nhiên, Paco không hài lòng với chi phí vận chuyển cao đối với nguồn cung cấp tôm giống. Hơn nữa, cũng có sự tăng trưởng không đều khi thả trực tiếp trong ao. Hiện ông đang có kế hoạch nhập nauplii và nuôi thành ấu trùng (PL25) trước khi thả nuôi.

Về dịch bệnh và quản lý chất lượng nước, Paco chưa phát hiện vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mà chỉ có sự hiện diện của Vibrio alginolyticus.

Một lần thu hoạch tôm size 22g/con

Sản xuất quy mô thương phẩm và thị trường

Trại thương phẩm rộng 50 ha được thiết kế mô-đun, phát triển theo 5 giai đoạn. Ao sẽ được bao phủ với hệ thống khép kín và năng suất dự kiến là 3kg/m³ sẽ có 3-4 vụ/năm. Loultiti cũng đã lên kế hoạch cho các thị trường tiềm năng – thị trường tôm sống và tươi quanh Barcelona, Tây Ban Nha, quốc gia dễ tiếp cận và gần châu Âu nhất. Công ty đã có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường Châu Âu. Nhóm đã thảo luận chi tiết về hậu cần xuất khẩu tôm sống và tôm tươi cũng như các chứng nhận để thâm nhập thị trường châu Âu.

Nhu cầu tôm trong nước đang tăng mạnh. Khảo sát tại một siêu thị ở Marrakech cho thấy thị trường bán lẻ tôm thẻ chân trắng bóc vỏ đông lạnh (kích cỡ 31/40) nhập khẩu từ Ấn Độ có giá 155 MAD/kg (14,1 USD /kg) và 60 MAD/kg (5,5 USD/kg) với kích cỡ 50/70. Nhập khẩu tôm sú HOSO đông lạnh (kích cỡ 21/30) từ Bangladesh bán lẻ ở mức 140 MAD/kg (12,8 USD/kg). Tôm trong nước đã chế biến cỡ 50 con/kg được bán với giá 149 MAD/kg (13,6 USD/kg). Ngoài ra, có những nhà hàng hải sản với tôm tươi sống bóc vỏ trong thực đơn ngoài các phần cá hồi, nguyên con, cá chẽm và cá bơn.

Một nhà hàng hải sản ở Marrakech cung cấp hải sản tươi sống bao gồm tôm thẻ chân trắng tươi bóc vỏ với giá 100 MAD/kg (10 USD/kg) và tôm Argentina với giá 270 MAD/kg (24,6 USD/kg).

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/november-december-2022/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Vi Bào Tử Trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) Là Yếu Tố Nguy Cơ Gây Bệnh Hoại Tử Gan Tụy Cấp Tính (AHPND) Và Hoại Tử Gan Tụy (SHPN) Trên Tôm Thẻ Chân Trắng (Penaeus vannamei)

Sử Dụng Học Máy Để Dự Đoán Giá Tôm

Đặc Điểm Của Chất Kích Thích Miễn Dịch Ở Tôm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *