Việc sử dụng phụ gia thức ăn phytogen (có nguồn gốc thực vật) như tỏi và quế có ích cho sự tăng trưởng, đồng thời cải thiện tình trạng miễn dịch và sức khỏe của tôm.

Sản lượng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) đã gia tăng trong những thập kỷ qua và dự kiến sẽ tăng nhiều hơn nữa trong tương lai (gần). Nuôi tôm là một lĩnh vực thú vị để sản xuất ra những sản phẩm cuối cùng có giá trị cao, nhưng nó đang ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức hiện nay là kết hợp việc cải thiện năng suất và chuyển sang nuôi bền vững hơn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm. Nghề nuôi tôm đang chịu áp lực phải giảm tác động lên môi trường trong khi dịch bệnh đang bùng phát. Để duy trì năng suất và sức khỏe của tôm, đồng thời đối phó với những thách thức này, việc tối ưu hóa thức ăn là cần thiết.

Phụ gia thức ăn có nguồn gốc từ thực vật

Một chiến lược về dinh dưỡng phổ biến là sử dụng các chất phụ gia thức ăn có nguồn gốc từ thực vật (PFA). PFA, như tỏi và quế, được biết đến rộng rãi như một chất kích thích thèm ăn, kích thích tăng trưởng và kích thích miễn dịch. Ngoài ra, chúng cũng có đặc tính kháng mầm bệnh, vi khuẩn và ký sinh trùng. Tỏi và quế chứa một số phân tử hoạt tính sinh học có thể có nhiều tác dụng đối với sức khỏe đường ruột, chúng kháng khuẩn bằng cách phá vỡ màng tế bào của mầm bệnh. Nó cũng có thể tăng cường khả năng miễn dịch của vật chủ, giúp phản ứng chống viêm và chống oxy hóa. Điều này dẫn đến việc chuyển hướng năng lượng để duy trì hoặc thậm chí là tăng hiệu suất của vật nuôi khi nhiễm bệnh.

Phương thức hoạt động đằng sau các thành phần này có thể là do các hợp chất hoạt tính, đó là allicin (tỏi) và cinnamaldehyde (quế). Cả hai đều được biết là có tác dụng có lợi cho động vật.

Tác dụng của tỏi và quế đối với vi khuẩn và ngoại ký sinh trùng

Việc sử dụng tỏi và quế trong chăn nuôi đã có lịch sử từ lâu đời. Trong chăn nuôi, cả hai thành phần này đã được sử dụng từ khá phổ biến do có hiệu quả trong việc chống lại ký sinh trùng và vi khuẩn cơ hội. Trong nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng tỏi và quế để hỗ trợ cá chống lại mầm bệnh đã được công nhận rộng rãi. Trong nuôi cá bớp (Rachycentron canadum), người ta quan sát thấy rằng việc bổ sung 1 kg/tấn thức ăn có chứa tỏi và quế đã làm giảm đáng kể sự xuất hiện của rận biển trên cá lên đến 60%. Ngoài ra, trong cùng thử nghiệm này, người ta quan sát thấy rằng kích thước vết thương do rận biển gây ra trên cá được cho ăn sản phẩm có chứa tỏi và quế nhỏ hơn, và ở những con cá được cho ăn loại thức này, khả năng lành vết thương cũng nhanh hơn.

Bên cạnh việc đẩy lùi ký sinh trùng, người ta biết rằng allicin và cinnamaldehyde đều rất hiệu quả trong việc chống lại vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Nhìn vào một thử nghiệm in vitro đối với allicin, có thể nhận thấy rằng allicin có khả năng kháng lại vi khuẩn gây bệnh mạnh hơn so với các chất kích thích sức khỏe đã biết khác hoặc thậm chí là một số loại thuốc (Hình 1). Các vòng tròn xung quanh mỗi sản phẩm trong Hình 2 cho thấy vùng ức chế chống lại vi khuẩn gây bệnh cơ hội được thử nghiệm, Escherichia coliSalmonella. Các vùng ức chế lớn hơn có nghĩa là tác dụng chống vi khuẩn mạnh hơn đối với mầm bệnh cụ thể đó. Những kết quả này chỉ ra rằng việc sử dụng PFA này có thể làm giảm nhu cầu bổ sung kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Các hiệu ứng tương tự cũng được quan sát thấy khi sử dụng cinnamaldehyde, điều này cho thấy hiệu quả kháng lại mầm bệnh khi kết hợp hai sản phẩm.

Hình 1. Khả năng chống mầm bệnh của allicin so với các thành phần kháng vi khuẩn khác.

Tác dụng của tỏi và quế đối với tôm

Các mầm bệnh vi khuẩn, virus và ký sinh trùng đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với toàn bộ ngành nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đối với tôm, tác hại có thể nghiêm trọng hơn do hệ thống miễn dịch của tôm kém phát triển hơn so với cá. Do đó, việc đưa ra một chiến lược khả thi để giảm các tác động bất lợi và tăng khả năng phục hồi cho tôm là cần thiết. PFA được cho là có tác dụng có lợi đối với năng suất và sức khỏe của tôm. Điều này đã được xác nhận bởi một thử nghiệm tại Đại học Kasetsart ở Bangkok, Thái Lan. Dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Orapint Jintasataporn, Phó Giáo sư, Khoa Thủy sản, một thí nghiệm đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả của hỗn hợp tỏi-quế (GC) trên tôm thẻ chân trắng dựa trên hiệu suất tăng trưởng và khả năng miễn dịch, trong trường hợp không có cảm nhiễm và sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio parahaemolyficus.

Để kiểm tra hiệu quả của hỗn hợp, 300 con tôm (2,21 ± 0,06 g) được chia thành 15 bể. Các bể này được phân chia ngẫu nhiên thành ba nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại năm lần. Chế độ ăn đối chứng là chế độ ăn thương mại cơ bản với 1.000ppm canxi cacbonat được thêm vào như một giả dược. Các chế độ ăn thử nghiệm, với hàm lượng hỗn hợp tỏi-quế ở mức thấp (500ppm) và mức cao (1000ppm), được mô tả trong Bảng 2. Sau 8 tuần cho ăn, hiệu suất tăng trưởng của tôm về tăng trọng, tốc độ tăng trưởng cụ thể (SGR), lượng thức ăn tiêu thụ và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) được đo lường. Ngoài ra, sau 4 tuần cho ăn, tổng lượng hemocyte, hemolymph và hoạt tính phenoloxidase cũng đã được đo và so sánh giữa các nghiệm thức. Sau 8 tuần thử nghiệm cho ăn, tôm được cảm nhiễm với V. parahaemolyticus. Sau 12 giờ, các thông số miễn dịch được đo lại cùng với hoạt tính lysozyme, hoạt tính superoxide dismutase và hoạt tính glutathione peroxidase.

Bảng 2. Chế độ ăn đối chứng và chế độ ăn thử nghiệm trong thí nghiệm về hiệu quả của hỗn hợp tỏi-quế (GC)

Hiệu suất tăng trưởng

Nhìn vào hiệu suất tăng trưởng, kết quả nhận thấy rằng việc bổ sung PFA mang lại mức tăng trọng lượng và tốc độ tăng trưởng cụ thể cao hơn đáng kể ở bất kỳ mức độ bổ sung nào (Hình 3). Sự tăng trưởng về số lượng tốt nhất được quan sát thấy ở nghiệm thức được bổ sung GC ở mức cao (3,73 g) so với nghiệm thức bổ sung GC ở mức thấp (3,46 g), và cả hai nhóm đều tốt hơn đáng kể so với nghiệm thức đối chứng (2,86 g). Kết quả tương tự với các chỉ số hiệu suất tăng trưởng đã được quan sát. Đối với SGR (tỷ lệ phần trăm tăng trưởng mỗi ngày), có thể nhận thấy sau 8 tuần, nhóm đối chứng thấp hơn rõ rệt (1,47%/ngày) so với nghiệm thức được bổ sung GC ở mức thấp (1,67%/ngày) và mức cao (1,78%/ngày).

Hình 3. Tăng trọng của tôm thẻ chân trắng được cho ăn trộn sản phẩm có tỏi quế ở mức 500 và 1.000ppm.

Lượng thức ăn tiêu thụ

Trong số các chế độ ăn thử nghiệm, lượng thức ăn tiêu thụ không bị ảnh hưởng bởi việc bổ sung PFA, cho thấy rằng tốc độ tăng trưởng gia tăng là kết quả của việc bổ sung sản phẩm này vào chế độ ăn của tôm. Điều này được xác nhận bởi FCR ở nghiệm thức bổ sung GC ở mức cao là 1,18, thấp hơn đáng kể so với nghiệm thức được bổ sung GC ở mức thấp (1,27) và nghiệm thức đối chứng (1,52), sau 8 tuần cho ăn.

Vì giá trị dinh dưỡng của sản phẩm chứa bột tỏi/quế thấp (nó không phải là nguồn protein, chất béo hay năng lượng) và mức độ bổ sung không đáng kể, nên hiệu quả sử dụng thức ăn tăng lên có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe của tôm tăng lên. Tác dụng có lợi của PFA đã được xác nhận trong thử nghiệm này, rằng người ta quan sát thấy rằng tình trạng miễn dịch tổng thể ở nghiệm thức không bị cảm nhiễm với vi khuẩn đã được cải thiện, đặc biệt là trong chế độ ăn được bổ sung GC ở mức cao (Hình 4).

Hình 4. Tình trạng miễn dịch của tôm được cho ăn trộn tỏi/quế ở các mức độ khác nhau.

Thông số miễn dịch

Cụ thể, chúng tôi đã quan sát thấy rằng hoạt động của hemolymph – một loại protein chống mầm bệnh, và hoạt động của phenoloxidase – một loại enzyme phòng thủ, đã được cải thiện đáng kể nhờ bổ sung PFA vào thức ăn, với 1.000ppm là mức bổ sung tối ưu (Hình 4). Tình trạng miễn dịch được cải thiện có liên quan đến tăng trưởng do tôm phát triển tốt hơn. Một khía cạnh thú vị khác là sự khác biệt về tình trạng miễn dịch sau khi cảm nhiễm với V. parahaemolyticus. 12 giờ sau cảm nhiễm, các thông số miễn dịch được phân tích lại (Hình 5). Có thể quan sát thấy rằng sự khác biệt về tình trạng miễn dịch đã được cải thiện, và việc bổ sung hỗn hợp ở mức 1.000ppm cho thấy tác động mạnh mẽ, đặc biệt là đối với hoạt động của phenoloxidase. Ngoài ra, quan sát thấy rằng tôm ăn chế độ ăn bổ sung GC ở mức cao có hoạt tính lysozyme cao hơn đáng kể (610 đơn vị/mL) so với chế độ ăn bổ sung GC ở mức thấp (323 đơn vị/mL) và chế độ ăn đối chứng (227 đơn vị/mL). Cả trong trường hợp cảm nhiễm và không cảm nhiễm với vi khuẩn, việc bổ sung bột tỏi/quế ở mức 1.000ppm được cho là có lợi đối với tình trạng miễn dịch và sức khỏe của tôm. Cùng với kết quả về hiệu suất tăng trưởng của tôm, mức độ lý tưởng để đưa bột tỏi/quế vào khẩu phần ăn của tôm là 1 kg/tấn thức ăn.

Hình 5. Tình trạng miễn dịch của tôm được cho ăn trộn bột tỏi quế ở các mức độ khác nhau sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio

Phần kết luận

Việc sử dụng bột tỏi/quế trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã được chấp nhận rộng rãi. Thí nghiệm được mô tả trong bài báo này cho thấy tiềm năng của bột tỏi/quế đối với tôm cả trong các trường hợp cảm nhiễm và không cảm nhiễm. Hiệu suất tăng trưởng có thể được cải thiện ở mức bổ sung 500g/tấn thức ăn. Tuy nhiên, mức độ bổ sung cao hơn có thể cho thấy tác dụng rõ rệt hơn. Việc bổ sung 1 kg/tấn thức ăn mang lại hiệu suất tăng trưởng tốt hơn, và về tổng thể, tình trạng sức khỏe của tôm cũng được cải thiện. Với áp lực ngày càng tăng trong việc nuôi tôm thâm canh và năng suất cao hơn, việc sử dụng phụ gia thức ăn có nguồn gốc thực vật dựa trên tỏi và quế có thể là chiến lược tối ưu để giảm áp lực về mầm bệnh, tác động môi trường và sử dụng kháng sinh.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/september-october-2022/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page