Tài trợ cho những nghiên cứu có mục tiêu là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển các “lựa chọn thay thế sáng tạo và bền vững” cho thuốc kháng sinh

Việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Một bài đánh giá đã phác thảo các lựa chọn thay thế tiềm năng cho việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhưng cũng cho biết thêm rằng cần có kinh phí nghiên cứu để phát triển công nghệ. Ảnh của Darryl Jory.

Một bài đánh giá gần đây đã chỉ ra các phương pháp thay thế tiềm năng cho việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhưng cũng nhấn mạnh rằng cần có kinh phí nghiên cứu để phát triển công nghệ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Reviews in Aquaculture, bàn luận về phạm vi của vấn đề liên quan đến việc sử dụng kháng sinh và sự xuất hiện tình trạng kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản (AMR). Các tài liệu thảo luận về các lựa chọn thay thế khả thi, như tiêm chủng, thực khuẩn thể, quorum quenching, probiotics và prebiotics, kháng thể lòng đỏ trứng gà và dẫn xuất từ cây thuốc.

Các tác giả viết: “Các lựa chọn thay thế kháng sinh được xem xét trong bài báo này có tiềm năng lớn; một số đã chứng minh được lợi ích, trong khi một số khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, chúng nên được xem xét cẩn thận dựa trên các yếu tố liên quan đến nhu cầu của quốc gia, hệ thống và loài nuôi trồng thủy sản, mầm bệnh mục tiêu, dễ quản lý, kinh tế (chi phí-lợi ích), rủi ro và nhận thức của công chúng.”

Được tài trợ bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad), nghiên cứu cũng thảo luận về “các bài học kinh nghiệm” từ các nghiên cứu cho từng trường hợp cụ thể, như việc tiêm chủng cho cá hồi nuôi ở Na Uy và việc sử dụng giống “không có mầm bệnh đặc trưng” (SPF), như một phần chính và thiết yếu của chiến lược an toàn sinh học.

Các tác giả viết: “Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và an toàn sinh học, bao gồm việc sử dụng kháng sinh một cách thận trọng và có trách nhiệm, cũng như sử dụng các chất thay thế kháng sinh, củng cố các hoạt động cơ bản để có thể làm giảm khả năng xảy ra tình trạng kháng kháng sinh. Có kế hoạch an toàn sinh học, là một phần của chiến lược quốc gia về quản lý sức khỏe các loài thủy sinh, có thể làm giảm sự xâm nhập và lây lan của các tác nhân truyền nhiễm vào các địa điểm hoặc cơ sở nuôi xác định, và sự lây truyền của chúng sang các khu vực khác. Các chiến lược khác bao gồm tránh sự xâm nhập của mầm bệnh thông qua việc sử dụng giống SPF.”

Theo các nhà nghiên cứu, cần có thêm kinh phí cho nghiên cứu nuôi trồng thủy sản tập trung vào sức khỏe của các sinh vật thủy sinh, với trọng tâm là phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc nâng cao kiến thức về các bệnh thủy sản, hiệu quả và độ an toàn của thuốc thú y trong các điều kiện môi trường khác nhau, tác động môi trường và các lựa chọn thay thế cho việc sử dụng các chất kháng sinh, phương pháp giám sát chủ động và thụ động về thời gian thu hồi, xử lý nước thải, dư lượng, sử dụng kháng sinh (AMU) và sự kháng kháng sinh.

Các nhà nghiên cứu viết: “Nhóm điều phối liên ngành (IACG) về AMR khuyến nghị các quốc gia thành viên hỗ trợ khả năng tiếp cận các lựa chọn thay thế hiệu quả về chi phí cho thuốc kháng sinh, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Do đó, tài trợ cho nghiên cứu nên được hướng đến để thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp thay thế sáng tạo và bền vững cho việc sử dụng kháng sinh.”

Bài báo cũng nêu rõ rằng để kiểm soát tốt hơn việc sử dụng kháng sinh, việc bán kháng sinh phải được quy định và quản lý việc sử dụng chúng dưới sự giám sát của nhân viên/chuyên gia y tế thủy sản được đào tạo để loại bỏ hoặc giảm thiểu tác động của chúng đối với môi trường và an toàn thực phẩm.

Theo Responsible Seafood Advocate

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/study-finds-great-potential-in-alternatives-to-antibiotic-use-in-aquaculture/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xêm thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page