Đây là thông tin hiển thị trên website, KHÔNG dùng để quét mã QR. Vui lòng liên hệ 1900 86 68 69 nếu link QR dẫn đến trang web này.
Đây là thông tin hiển thị trên website, KHÔNG dùng để quét mã QR. Vui lòng liên hệ 1900 86 68 69 nếu link QR dẫn đến trang web này.

Sự mở rộng quy mô của các trại sản xuất giống đã dẫn đến nhu cầu trứng Artemia ngày càng gia tăng. Mức tiêu thụ hàng năm hiện ước tính khoảng 3.500-4.000 tấn, hỗ trợ sản xuất hơn 900 tỷ hậu ấu trùng giáp xác và cá bột của ngành sản xuất giống trị giá hơn 2 tỷ USD, và tạo ra sản lượng cuối cùng với hơn 10 triệu tấn các loài thủy sản có giá trị cao.

Vào những năm 1960, hai công ty ở Mỹ bắt đầu đưa ra thị trường dòng trứng Artemia được thu thập từ các ao muối ở Vịnh San Francisco, California và Hồ Muối Lớn (Great Salt Lake) ở Utah. Kể từ những năm 1960, các viện nghiên cứu khác nhau đã phát triển quy trình sản xuất giống đầu tiên sử dụng ấu trùng Artemia như một nguồn thức ăn sống quan trọng, ban đầu là ở Nhật Bản với cá tráp và tôm kuruma, sau đó là ở các nơi khác trên thế giới với các loài cá/tôm khác.

Mặc dù ban đầu còn có những lo ngại về chi phí sản xuất và sự sẵn có của Artemia, nhưng nhờ vào những cải tiến trong kỹ thuật sản xuất, việc sản xuất Artemia ngày càng được phát triển hơn. Với việc thành lập Trung tâm tham khảo Artemia vào năm 1978 tại Đại học Ghent và với cách tiếp cận liên ngành quốc tế, các chuyên gia ở Châu Âu và Châu Mỹ đã giải quyết một số vấn đề liên quan đến các kỹ thuật xử lý trứng, quy trình ấp nở, và bảo quản, v.v.

Nguồn: Trung tâm tham khảo Artemia, Đại học Ghent, Bỉ.

Kể từ những năm 1980, và đặc biệt là vào những năm 1990, ngành sản xuất giống thương mại đã trải qua một sự tăng trưởng lớn, đặc biệt là với sự phát triển của ngành nuôi tôm biển ở Châu Mỹ Latinh và Châu Á, cá biển ở Châu Á và Châu Âu. Mức tiêu thụ trứng Artemia hàng năm tăng từ dưới 100 tấn trong những năm 1980 lên đến hơn 2.000 tấn vào cuối thế kỷ.

Hiện tại, trứng bán trên thị trường được thu hoạch từ Great Salt Lake ở Bắc Mỹ, một số hồ muối lớn và các ruộng muối ven biển ở châu Á, và từ quá trình sản xuất có kiểm soát (nhưng vẫn ở số lượng vừa phải) trong các ruộng muối theo mùa ở Đông Nam Á.

Cũng như một số hồ muối khác, trong thập kỷ qua, các hồ muối nội địa đang có nguy cơ bị cạn kiệt liên tục và với biến đổi khí hậu, tình trạng này chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Với khoảng 90% sản lượng Artemia hiện tại được thu hoạch từ các hồ muối nội địa, tương lai của ngành sản xuất giống có thể gặp rủi ro và đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp. Chính vì thế, Trung tâm Tham khảo Artemia của Đại học Ghent, Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản Châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp hội Artemia Trung Quốc và Trung tâm Tham khảo Artemia Khu vực Châu Á đã tổ chức hai hội thảo diễn ra vào tháng 9 năm 2021 để giải quyết những vấn đề này với mục đích tìm hiểu nhu cầu và cơ hội cho một sáng kiến quốc tế mới, đảm bảo cung cấp Artemia bền vững hơn.

Hiện trạng sử dụng Artemia trên thế giới

Các chuyên gia đã trình bày sự khác biệt trong thực tiễn về việc sử dụng trứng Artemia tại các trại sản xuất giống cá và giáp xác ở các quốc gia khác nhau.

Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu thị trường lớn nhất thế giới về Artemia. Sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 1.700 tấn Artemia sấy khô (chiếm 50% sản lượng toàn cầu), trong đó 76% dành cho tôm giống, 15% cho tôm Macrobrachium và 9% cho cá biển.

Ở Trung Quốc, sẽ có các yêu cầu đặc biệt khác nhau đối với trứng Artemia từ các nguồn khác nhau. Ấu trùng cá biển cần nguồn Artemia mà giai đoạn Nauplii có khả năng tách ra khỏi vỏ tốt hơn, như giống Tây Tạng và Ebiet. Ấu trùng tôm Macrobrachium thích loài Artemia bơi nhanh hơn, như loài ở vịnh Bohai. Loài Artemia mà bào xác của nó có khả năng chịu nhiệt độ ấp cao hơn thường được ưa chuộng hơn vào mùa hè ở tỉnh Hainan, và loại Artemia có khả năng chịu độ mặn thấp hơn lại được ưa thích ở những vùng nước biển có độ mặn thấp (1%) trong một số mùa nhất định.

Cơ sở vật chất và kỹ thuật ấp trứng đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Một số trại giống có cơ sở nuôi Artemia riêng theo quy trình tiêu chuẩn. Để tạo điều kiện tách vỏ, vào cuối giai đoạn ấp cần tắt ánh sáng và sục khí, sau đó thêm bột hỗ trợ tách (H₂O₂, hoặc natri percarbonate nồng độ 5 ppm). Sau mười phút, ấu trùng sẽ được tách ra khỏi vỏ.

Các trại giống Artemia là một loại mô hình kinh doanh mới sản xuất Artemia bởi một công ty chuyên biệt ở gần các trại giống. Trại giống này bắt đầu sản xuất vào năm 2005 ở phía nam và hiện đang hoạt động trên khắp Trung Quốc. Hằng năm, các công ty này sản xuất từ 500-1.000 tấn nauplii, chiếm 50-80% tổng nhu cầu nauplii ở Trung Quốc. Artemia này được bán tươi hoặc đông lạnh.

Trung Quốc cũng là nhà sản xuất trứng Artemia, hàng năm thu hoạch khoảng từ 800-1.200 tấn trứng sấy khô, nhưng vẫn phải nhập khẩu từ các nước khác như Nga, Kazakhstan và Uzbekistan để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra, nước này cũng xuất khẩu từ 400-600 tấn Artemia sấy khô.

Các loại Artemia khác được sử dụng trong trại giống là trứng Artemia đã tách vỏ và sinh khối Artemia (sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 100.000 tấn).

Thái Lan

Với 468 cơ sở sản xuất và ương dưỡng tôm giống vào năm 2019, ước tính sản lượng tôm hàng năm của cả nước là 66,58 tỷ nauplii và 33 tỷ postlarvae (PL). Theo thông tin từ Tập đoàn Kiểm soát Xuất nhập khẩu Thủy sản, Thái Lan đã nhập khẩu 634 tấn trứng Artemia vào năm 2019 và 482 tấn vào năm 2020, 90% từ Trung Quốc, Nga, Uzbekistan và Kazakhstan và 10% từ Mỹ.

Artemia sấy khô thu được từ quá trình làm giàu ấu trùng Instar I hoặc Instar II. Instar I và II đông lạnh cũng có sẵn trên thị trường, mang lại sự ổn định hơn về số lượng và chất lượng. Trứng Artemia tươi và trứng Artemia đã tách vỏ cũng được sử dụng. Trứng Artemia tách vỏ rẻ hơn 30-40% so với trứng Artemia tiêu chuẩn và được sử dụng để nuôi PL5 trở lên.

Trước đây, để sản xuất tôm sú xuất bán với kích cỡ PL 15-16, việc bổ sung các dưỡng chất có chất lượng cao vào thức ăn sống đã được áp dụng (được gọi là “giàu hóa thức ăn”), nhưng hiện tại, kỹ thuật này được xem là không cần thiết đối với tôm thẻ chân trắng xuất bán ở PL10. Tuy nhiên, một số trang trại vẫn thực hiện quá trình giàu hóa trong thời gian ngắn bằng cách bổ sung các loại vitamins và dịch lipid.

Các trại giống quy mô lớn sử dụng 90-100% Artemia giai đoạn Instar I&II đông lạnh và 10% trứng Artemia khô truyền thống. Các trại giống quy mô trung bình sử dụng 40% Artemia đông lạnh và 60% Artemia truyền thống, hoặc 100% Artemia truyền thống ở hầu hết các trại giống phía đông. Các trại giống quy mô nhỏ sử dụng 100% trứng Artemia truyền thống.

Các trại giống cá chẽm châu Á ít sử dụng Artemia do họ sử dụng động vật phù du có sẵn từ ao đất để giảm chi phí sản xuất.

Quy trình sản xuất và thu hoạch Artemia khô ở Thái Lan, do ông Montakan Tamtin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nuôi trồng Thủy sản Ven biển Samut Sakhon, thuộc Bộ Thủy sản Thái Lan trình bày.

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, có 401 cơ sở sản xuất tôm giống với tổng sản lượng PL năm 2020 là 70 tỷ con. Quốc gia này ước tính mức tiêu thụ Artemia vào năm 2020 là 325-345 tấn với Mỹ là quốc gia cung ứng chính. Lượng tiêu thụ Artemia trung bình trên 1 triệu PL được sản xuất là 3,8 kg. Nước này sử dụng GSL Artemia theo quy trình tiêu chuẩn. Đôi khi, họ cũng sử dụng các chất dinh dưỡng vi lượng để làm giàu hóa cho Artemia đông lạnh.

Probiotic (5-20 ppm), clo dioxide (2-5 ppm) hoặc ozone (300-350 ORP) được sử dụng trong quá trình ấp để giảm tải lượng vi khuẩn, đồng thời cải thiện tỷ lệ nở từ 2-5%. Đối với nauplii, probiotic (10-20 ppm) và/ hoặc thể thực khuẩn (5-10 ppm) hoặc povidone-iod (20-30 ppm) được sử dụng để giảm và kiểm soát lượng vi khuẩn.

Đối với giai đoạn zoea và mysis, “Instar I bất hoạt” (ấu trùng không còn hoạt động) được ương chuộng hơn, chúng được sử dụng bằng cách đông lạnh (đông lạnh trong 6-8 giờ trước khi cho ăn) hoặc đun sôi.

Nhiệt độ là thông số thách thức nhất đối với các trại sản xuất ở Ấn Độ, do sự dao động giữa ngày và đêm lớn, đặc biệt là vào mùa đông và do việc kiểm soát nhiệt độ quá tốn kém. Việc thiếu ánh sáng và kiểm soát pH cũng ảnh hưởng đến sản lượng Artemia, cũng như nhiễm Vibrio và thiếu nguồn lao động có kỹ năng.

Việt Nam

Trứng Artemia được tiêu thụ ở ĐBSCL chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Việt Nam cũng có sản xuất Artemia Vĩnh Châu với quy mô nhỏ, vì thế không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Các trại giống sử dụng trứng Artemia khô theo quy trình chuẩn. Đối với các trại giống quy mô lớn cũng có sẵn Artemia đông lạnh giai đoạn Instar I&II.

Gần đây, một cải tiến đã được phát triển là thay thế rotifer (luân trùng) bằng Artemia giai đoạn “bung dù” (umbrella) trong giai đoạn zoea của ấu trùng cua biển, sử dụng dòng Artemia Vĩnh Châu. Để thu được Artemia giai đoạn bung dù, quy trình ấp chuẩn được thực hiện trong 12-14 giờ. Lúc này, dưới 70% giai đoạn bung dù sẽ xuất hiện. Ngừng sục khí và dùng que khuấy để tách phôi ra khỏi vỏ và thu hoạch Artemia.

Quy trình ấp Artemia giai đoạn “bung dù” (umbrella) được trình bày bởi Nguyễn Văn Hòa từ Đại học Cần Thơ

Các bước trong hình từ trái sang phải: Làm thế nào để thu được Artemia giai đoạn bung dù?

– Ấp trong 12-14 giờ; >70% Artemia bung dù

– Tắt sục khí

– Sử dụng đũa khuấy để loại phần con tách khỏi vỏ

– Xả van để thu con bung dù

Bangladesh

Vào năm 2021, số lượng trại sản xuất giống tôm sú đang hoạt động ở Bangladesh là 56 và tôm Macrobrachium là 6. Số lượng PL được sản xuất mỗi năm là 10-14 tỷ con tôm sú và 30 triệu con tôm Macrobrachium, nhu cầu trứng Artemia cần thiết mỗi năm là 50 tấn.

Quốc gia này sử dụng trứng Artemia khô theo các quy trình khác nhau gần giống với quy trình tiêu chuẩn, nhưng cần phải cải thiện để quản lý trại giống tốt hơn. Các biện pháp xử lý khử trùng Nauplii Artemia được sử dụng trước khi cho ấu trùng vật nuôi ăn là Chloramine-T, formalin, kháng sinh, probiotics, và vitamin C.

Năm 2020, dự án Artemia do EU tài trợ (Artemia4Bangladesh) đã thành công trong việc sản xuất trứng và sinh khối Artemia cung cấp thị trường nội địa với mục tiêu giảm phụ thuộc nhập khẩu và mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người dân.

Châu Âu

Các trại sản xuất giống cá biển Địa Trung Hải ấp và thu hoạch Artemia trong cơ sở riêng của họ có thể kiểm soát hoàn toàn các thông số nuôi. Địa Trung Hải là nơi đầu tiên áp dụng phương pháp bảo quản lạnh ấu trùng Artemia và hiện cũng sử dụng phương pháp này bảo quản sữa. Kỹ thuật bảo quản lạnh cần được quan tâm nhiều hơn vì nó cho phép giữ Artemia ở điều kiện dinh dưỡng tốt nhất trong thời gian dài, đồng thời giúp cho việc sản xuất Artemia trở nên dễ dàng hơn vì quá trình ấp của trứng có thể được tập trung trong một thời gian ngắn hơn, hạn chế sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn. Hơn nữa, việc bảo quản Artemia sống cũng cho phép tần suất ăn của ấu trùng cá/ tôm được thường xuyên hơn, cuối cùng là có thể cho ăn bằng các thiết bị bơm tự động.

Mức tiêu thụ Artemia đối với cá chẽm và cá tráp ở trại sản xuất giống thương mại Địa Trung Hải (Avramar) là khoảng 50 kg trứng Artemia trên một triệu con cá được sản xuất, và 100 kg đối với cá đù (meagre), vì đây là loài tăng trưởng nhanh hơn.

Ecuador

Ở Ecuador có 386 trại giống, sản xuất 159,479 triệu Nauplii và 79,739 triệu PL. Năm 2020, Ecuador đã nhập khẩu 194.331 kg trứng Artemia, trong đó có 60% từ Nga và 40% từ Mỹ.

Quy trình ấp trứng không theo dõi các thông số ấp và thông số nuôi chính. Hầu hết các trứng Artemia (98%) được tách vỏ và chỉ có 2% trại giống sử dụng phương pháp ủ trực tiếp.

Dung dịch peroxide hoặc nước muối được thêm vào bể ấp để tách vỏ trứng. Nauplii có thể được khử trùng bằng formalin (10 ppm) hoặc hydrogen peroxide (50 ppm). Ấu trùng tôm hiếm khi được cho ăn ấu trùng Artemia tươi mới thu hoạch và khử trùng, ấu trùng Artemia tươi có thể được bảo quản bằng cách đông lạnh trong túi nhựa, hoặc đun nóng (ngâm trong nước nóng) rồi đông lạnh để sử dụng sau. Việc đun Artemia có thể tiêu diệt Vibrios nhưng cũng có thể làm tổn thương ấu trùng Artemia.

Khuyến cáo

Theo thời gian, các thực hành được sử dụng bởi các trại sản xuất giống ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh đã có sự khác biệt so với các thực hành nuôi trồng thủy sản tốt để sản xuất Artemia được khuyến nghị trong sổ tay hướng dẫn sử dụng thức ăn tươi sống năm 1996 của FAO. Đã có những cải tiến trong việc tối ưu hóa sử dụng trứng Artemia trong các trại sản xuất giống thủy sản, và điều này không chỉ giúp tiết kiệm việc sử dụng mà còn cung cấp nguồn thức ăn dinh dưỡng cao, không có Vibrio cho ấu trùng cá/ động vật giáp xác.

Để đảm bảo cung cấp Artemia bền vững hơn, cả từ nguồn tự nhiên và từ nuôi Artemia có kiểm soát, kết hợp với sản xuất muối và nuôi trồng các loài thủy sản khác, hội thảo đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể sau:

  • Xây dựng các hướng dẫn cải tiến về sản xuất và sử dụng Artemia an toàn sinh học trong các trại giống, bao gồm việc cập nhật sổ tay hướng dẫn về Artemia của FAO và tổ chức các khóa đào tạo về Artemia cho các trại giống địa phương, để phổ biến các thực hành tốt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các quy trình tiêu chuẩn hóa.
  • Hiện có rất nhiều loài và dòng Artemia khác nhau trên thị trường, do đó, cần nghiên cứu các đặc điểm cụ thể của chúng để xác định ứng dụng phù hợp nhất cho từng loài cá và động vật giáp xác cụ thể. Điều này có thể liên quan đến thành phần dinh dưỡng, tính đồng bộ trong quá trình ấp hoặc các đặc tính liên quan đến quá trình làm giàu của chúng.
  • Bắt đầu lựa chọn chủng và nhân giống chọn lọc để phát triển các chủng Artemia cải tiến cho các ứng dụng nuôi trồng thủy sản, lưu ý đến sự sẵn có của bộ gen Artemia.
  • Nghiên cứu việc sử dụng Artemia trong giai đoạn bung bù đã được áp dụng thành công trong các trại sản xuất giống cua ở Việt Nam. Để ứng dụng rộng rãi hơn trong nuôi trồng thủy sản, Artemia được xem như một nguồn thức ăn sống mới trong giai đoạn đầu của ấu trùng tôm hoặc cá.
  • Xem xét lại việc sử dụng rộng rãi các kỹ thuật làm giàu Artemia trong các trại sản xuất giống, vì hiện nay kỹ thuật này chỉ được giới hạn trong sản xuất cua và cá biển. Phương pháp này không chỉ cho phép nâng cao giá trị dinh dưỡng của nauplii mà còn có thể được sử dụng như một vật trung gian để cung cấp các chất dinh dưỡng như prebiotics và probiotics cho ấu trùng.
  • Điều tra tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất Artemia ở các hồ nội địa và các cơ sở muối ven biển.
  • Phát triển các quy trình dựa trên cơ sở khoa học để đảm bảo thu hoạch bền vững các nguồn Artemia hoang dã, đặc biệt là ở Trung Á.
  • Bảo tồn đa dạng sinh học Artemia thông qua các biện pháp như ngân hàng trứng, xác định loài, loài “hoang dã” và loài “nuôi”, kiểu gen và đặc điểm chủng.
  • Nghiên cứu nuôi kết hợp Artemia + cá/ giáp xác thâm canh.
  • Nghiên cứu việc sử dụng sinh khối Artemia làm protein có giá trị cao trong khẩu phần ăn của con người.
  • Xem xét sản xuất tích hợp Artemia trong canh tác muối thủ công ở Châu Á và Châu Phi, vùng sa mạc/ khô hạn và các khu vực bị ảnh hưởng bởi muối.
  • Dự kiến sẽ sớm thành lập Hiệp hội nuôi trồng thủy sản Artemia quốc tế (IAAC) để đưa ra nhiều cải thiện hơn nữa trong nghề nuôi Artemia.

Theo Hatchery Feed Management

Nguồn: https://hatcheryfm.com/magazine/hatchery-feed-management-vol-10-issue-1-2022/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page