Đây là thông tin hiển thị trên website, KHÔNG dùng để quét mã QR. Vui lòng liên hệ 1900 86 68 69 nếu link QR dẫn đến trang web này.
Đây là thông tin hiển thị trên website, KHÔNG dùng để quét mã QR. Vui lòng liên hệ 1900 86 68 69 nếu link QR dẫn đến trang web này.

Chia sẻ dữ liệu về các đợt bùng phát dịch bệnh có thể mang lại giá trị thực cho ngành nếu tất cả các phân đoạn của chuỗi cung ứng hoạt động cùng nhau và nếu các cơ quan quản lý sử dụng các hệ thống cung cấp dữ liệu theo thời gian thực để hỗ trợ hành động nhanh chóng

Dịch bệnh và quản lý sức khỏe kém trong nuôi tôm vẫn là những trở ngại chính đối với tăng trưởng bền vững của ngành và có tác động kinh tế rất lớn. Shin và cộng sự (2018) ước tính thiệt hại kinh tế ở Thái Lan do các đợt bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trong suốt giai đoạn 2009-2016 vào khoảng 7,38 tỷ USD. Việc thu thập dữ liệu không được thực hiện thường xuyên bởi nông dân hoặc cơ quan quản lý và báo cáo dịch bệnh không bắt buộc ở nhiều quốc gia. Do đó, để hiểu về cách lây nhiễm và lây lan mầm bệnh, việc biết sớm về các rủi ro thông qua chia sẻ dữ liệu giữa các nhà sản xuất và cơ quan quản lý có thể giúp đảm bảo các biện pháp phòng ngừa sớm và giảm thiểu tác động của bệnh. Việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến các mục đích quản lý sức khỏe đã giúp giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh trong nuôi cá hồi, ví dụ như rận biển, và trong các ngành sản xuất động vật như chăn nuôi lợn hoặc gia súc, ví dụ như bệnh lở mồm long móng (FMD).

Ngành tôm toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt bệnh như virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV), virus gây hội chứng Taura (TSV), AHPND và gần đây là do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). Ở Thái Lan, tôm là đối tượng nuôi trồng thủy sản quan trọng nhất xét về sản lượng và doanh thu. Năm 2010, sản lượng tôm của Thái Lan giảm từ 600.000 tấn xuống còn 189.000 tấn do dịch bệnh bùng phát. Năm 2020, sản lượng là 275.000 tấn.

Ghi nhận bệnh

Hầu hết người nuôi tôm không thu thập dữ liệu một cách có hệ thống và kỹ thuật số, do đó việc hướng tới một phương pháp dựa trên bằng chứng để cải thiện hoạt động kinh doanh của họ trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, ở Thái Lan không có quy định bắt buộc nào về báo cáo hoặc ghi phép về các đợt bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi của nông dân, mặc dù Cục Thủy sản đã báo cáo với OIE- Tổ chức Thú y Thế giới về các bệnh phải khai báo như WSSV hoặc AHPND.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều công ty công nghệ cung cấp cho nông dân và các bên liên quan khác trong ngành một loạt ứng dụng di động, cảm biến và các thiết bị kết nối vạn vật (loT) khác để giám sát hiệu suất trang trại và tiến hành phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ này trong ngành tôm dường như vẫn còn chậm. Việc thu hút người nuôi tôm sử dụng các công nghệ này dường như khó khăn hơn so với các ngành khác như cá hồi, gia cầm hoặc lợn.

Kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm (giống như hầu hết các ngành nuôi khác) rất phức tạp, vì các con đường và cơ chế lây nhiễm rất đa dạng. Môi trường, điều kiện nuôi và phương pháp quản lý, tất cả đều đóng một vai trò trong việc kiểm soát dịch bệnh. Để hiểu về sự bùng phát dịch bệnh, điều quan trọng là phải nhận thức được các động lực bên trong các hệ thống nuôi, như nguồn lây nhiễm tiềm ẩn, con đường lây nhiễm của chúng, cách chúng có thể lây lan hoặc phát tán, các điều kiện cần thiết hoặc liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh, và tính nhạy cảm hoặc khả năng phục hồi tương đối của các nhóm trong quần thể (tuổi, trạng thái phát triển, chủng, v.v.). Việc phát triển các chiến lược kiểm soát sau đó có thể dựa trên những thông tin cơ bản này. Các hệ thống nuôi tôm không được tiêu chuẩn hóa, càng làm tăng thêm sự phức tạp trong việc phát triển các chiến lược quản lý và kiểm soát. Nếu các con đường lây nhiễm có thể được xác định và các biện pháp kiểm soát được thực hiện nhanh chóng, thì có thể giảm khả năng xảy ra bệnh hoặc, tùy thuộc vào cơ chế liên quan và khả năng gây bệnh, có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Đối phó với dịch bệnh

Nông dân và ngành đã áp dụng các chiến lược khác nhau để đối phó với dịch bệnh và giảm bùng phát dịch bệnh. Các biện pháp an toàn sinh học và phòng ngừa như các điểm kiểm soát quan trọng tại trại giống vẫn là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu khả năng lây nhiễm hoặc giảm sự lây lan và mức độ lây nhiễm. Việc sử dụng các tấm polyetylen và lưới nilon để lót dọc theo bờ ao làm hàng rào ngăn chặn sự xâm nhập của các sinh vật mang mầm bệnh là biện pháp phổ biến trong các trang trại nuôi tôm và là một trong những hàng rào hiệu quả để tránh sự lây nhiễm WSSV. Cua là sinh vật mang mầm bệnh và đóng vai trò là điểm tiếp nhận loại virus này vào ao.

Một khi ao bị nhiễm bệnh, trong hầu hết các tình huống, nông dân không có nhiều cách để tiêu diệt mầm bệnh, nhưng thông qua các biện pháp can thiệp nhanh chóng, có thể kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian nuôi còn lại. Trong nhiều trường hợp bùng phát WSSV trong ao, nông dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc thu hoạch sớm nếu có người mua quan tâm, hoặc tiêu hủy ao nếu tôm chưa đạt kích cỡ thị trường. Tuy nhiên, điều này có ý nghĩa kinh tế vì tôm lớn hơn có giá trị hơn và ít biến động giá hơn so với những con tôm nhỏ hơn. Nếu tôm quá nhỏ để bán, nông dân thường tiêu hủy toàn bộ tôm và khử trùng ao. Một số nông dân có thể chọn sống chung với dịch bệnh, khi đó, các vụ tiếp theo có thể có sản lượng thấp hơn, như trường hợp nhiễm EHP.

Chia sẻ dữ liệu

Chia sẻ dữ liệu có thể giúp ích theo nhiều cách khác nhau, nhưng mỗi bệnh hoặc vấn đề quản lý sức khỏe cần được xác định và hiểu rõ để biết nó cần được giải quyết ở đâu, như thế nào và khi nào. Loại dữ liệu, thời điểm và nơi chia sẻ, dữ liệu từ đâu và chia sẻ cho ai, và tại sao chia sẻ dữ liệu đó là một số câu hỏi và phương pháp quan trọng cần được xem xét khi chia sẻ dữ liệu theo dõi dịch bệnh. Việc có kiến thức về một đợt bùng phát dịch bệnh sớm hơn cho phép có nhiều thời gian hơn để phản ứng và đưa ra hoặc mở rộng các biện pháp an toàn sinh học. Điều này cũng có nghĩa là chi phí can thiệp thấp hơn so với việc giải quyết các tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí tệ hơn, đó là không còn lựa chọn nào khác ngoài thu hoạch hoặc tiêu hủy.

Một ví dụ điển hình gần đây về quản lý sức khỏe và chia sẻ dữ liệu là chia sẻ thông tin COVID-19 giữa các quốc gia và khu vực, bao gồm các báo cáo hàng ngày về số ca nhiễm mới, tử vong, các biện pháp kiểm soát và phục hồi. Việc xác định và hiểu rõ các con đường lây lan của dịch bệnh là rất quan trọng để kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó, việc chia sẻ dữ liệu có lợi cho nông dân nếu những con đường đó được kiểm soát. Cả trong hệ thống trên cạn và dưới nước, cơ chế và con đường lây truyền bệnh là tương tự nhau. Chúng có liên quan đến sự di chuyển của động vật sống, nước hoặc các vật thể vô sinh, nơi mầm bệnh có thể sinh sống và chúng tạo thành các con đường lây lan chính cần được kiểm soát.

Mặc dù chưa có việc chia sẻ dữ liệu có hệ thống hoặc kỹ thuật số về nuôi tôm và dịch bệnh, nhưng việc chia sẻ dữ liệu không chính thức đang diễn ra thường xuyên giữa những người nông dân. Giao tiếp giữa cá nhân hoặc nhóm trong các nhóm trò chuyện trực tuyến và trong các tổ chức của nông dân như câu lạc bộ và hợp tác xã đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin. Các hội thảo, cuộc họp hàng tháng và chia sẻ kinh nghiệm là thông lệ phổ biến giữa các nông dân trong nhóm, nơi họ học hỏi lẫn nhau thông qua chia sẻ kinh nghiệm trong quá khứ và từ kiến thức mới. Ví dụ về các phương pháp nuôi, tin tức về cập nhật quy định, công nghệ mới, cập nhật về yêu cầu từ các nhà máy chế biến, những khó khăn trong từng bước của chuỗi cung ứng, v.v. được chia sẻ hàng năm tại các hội chợ hoặc hội thảo về tôm.

Tất nhiên, việc báo cáo về dịch bệnh hoặc tổn thất cũng có những hệ quả tiêu cực. Nghề nuôi tôm trước đây đã bị ảnh hưởng bởi các tin tức quốc tế tập trung vào các vấn đề môi trường nuôi tôm và giải mã một số thông tin liên quan đến dịch bệnh. Các nhà máy chế biến và người mua tôm khi biết ao phải thu hoạch do dịch bệnh, họ lợi dụng điều này bằng cách chào giá thấp hơn giá thị trường. Một nông dân khi được biết là có bệnh trong trang trại của họ, họ có thể gặp phải sự bất tiện hoặc bị xa lánh. Không chỉ riêng ngành nuôi tôm; các vấn đề tương tự cũng xảy ra trong chăn nuôi các mặt hàng khác như lợn và gia súc.

Chia sẻ những thách thức chung phải đối mặt trong một trang trại do dịch bệnh và đánh giá trang trại.

Cảnh báo là cần thiết

Các chương trình quản lý sức khỏe tôm cần được nâng cấp về mục tiêu, phạm vi và cách tiếp cận để giảm tác động của dịch bệnh. Các cảnh báo gần đây từ các chuyên gia quốc tế về các bệnh DIV1 (virus ánh kim – decapod iridescent virus 1) và HPTV (virus làm mờ đục gan tụy) được báo cáo từ các trại sản xuất giống là một mối lo ngại cấp bách đối với ngành, ngoài rất nhiều bệnh hiện có. Trên toàn cầu, các nguồn sản xuất giống gây ra mối lo ngại đáng kể vì sự di chuyển của ấu trùng bị bệnh dẫn đến sự lây truyền theo chiều dọc và lây lan bệnh sang các ao nuôi thương phẩm. Người nuôi cần được nhắc nhở tìm nguồn giống từ các cơ sở sản xuất giống có uy tín, thực hiện vệ sinh ao nuôi hiệu quả và xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi để đảm bảo ao nuôi của họ sạch bệnh.

Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị các cơ quan quản lý sức khỏe động vật thủy sản tuân theo các quy trình như tăng cường an toàn sinh học trại giống, tập trung vào việc kiểm soát và giám sát tôm bố mẹ và tôm giống nhập khẩu theo khuyến cáo của OIE. Họ nên hỗ trợ phát triển chính sách đầy đủ thông tin hơn và các chiến lược quản lý dịch bệnh nhanh nhạy hơn bằng cách tăng xét nghiệm tôm giống và nuôi thương phẩm, cũng như công bố dữ liệu kiểm soát và bùng phát dịch bệnh theo thời gian thực. Tất cả các phân đoạn của chuỗi cung ứng đều có dữ liệu sẽ giúp quản lý dịch bệnh. Có sẵn các công cụ để báo cáo dữ liệu này theo thời gian thực có thể giúp kiểm soát dịch bệnh. Tất cả nông dân phải có trách nhiệm xã hội trong việc chia sẻ dữ liệu vì lợi ích của ngành và hướng tới các hoạt động bền vững hơn.

Cân bằng lợi ích

Nếu phần lớn nông dân sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả hơn và nếu các cơ quan quản lý yêu cầu và thực hiện nó theo thời gian thực, thì sẽ có cơ hội vượt qua các chu kỳ dịch bệnh đang diễn ra và liên tục ảnh hưởng xấu đến ngành tôm châu Á.

Hành động nhanh chóng và chia sẻ dữ liệu sẽ giúp ngăn chặn sự tái diễn của các tác động kinh tế liên quan đến các dịch bệnh đã có như AHPND, WSSV và EHP cùng các bệnh khác, và cuối cùng dẫn đến một ngành tôm mạnh mẽ và bền vững hơn. Dữ liệu thời gian thực về các vấn đề dịch bệnh và quản lý trang trại cũng có thể mang lại lợi ích cho toàn ngành thông qua việc tăng tính minh bạch và giá trị thị trường lớn hơn của sản phẩm. Ai biết được, trong tương lai gần, nó có thể trở thành một giải pháp thay thế cho việc chứng nhận. Chúng tôi để bạn suy ngẫm: ngành có nên bỏ lỡ cơ hội này để cải thiện quản trị và hướng tới một ngành bền vững hơn với ít rủi ro hơn từ sự bùng phát dịch bệnh không?

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/march-april-2021/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA- CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG 

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page