Đây là thông tin hiển thị trên website, KHÔNG dùng để quét mã QR. Vui lòng liên hệ 1900 86 68 69 nếu link QR dẫn đến trang web này.
Đây là thông tin hiển thị trên website, KHÔNG dùng để quét mã QR. Vui lòng liên hệ 1900 86 68 69 nếu link QR dẫn đến trang web này.

Hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore, công ty khởi nghiệp Forte Biotech sẵn sàng tung ra các xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại phòng thí nghiệm và thực tế tại chỗ cho người nuôi tôm

Nuôi tôm chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Mặc dù nuôi tôm là một ngành kinh doanh cực kỳ sinh lợi cho người dân ở nông thôn, nhưng nó cũng cực kỳ rủi ro do các mối đe dọa dịch về bệnh thường xuyên xảy ra. Biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường khiến dịch bệnh ngày càng trở nên hoành hành và khó trị hơn. Theo một số nông dân ở Việt Nam, dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến 6/10 vụ nuôi của họ (Hình 1).

Hình 1. Một số nông dân cho biết có đến 6/10 vụ tôm của họ đều nhiễm bệnh.

Mặc dù tôm bị bệnh không đe dọa đến sức khỏe con người khi tiêu thụ, nhưng tôm chết vì bệnh sẽ nhanh chóng bị phân hủy và không thể sử dụng làm thực phẩm cho con người. Khi dịch bệnh xảy ra, chúng thường không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi tôm chết. Nông dân có thể mất phần lớn vụ thu hoạch nếu dịch bệnh không được phát hiện sớm trong trang trại của họ. Điều này đặt ra những vấn đề lớn về xã hội, kinh tế và môi trường.

Giải pháp hiện tại

Hiện nay, người dân thường sử dụng kháng sinh để đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là một phương pháp nguy hiểm và một số đối tác canh tác của Forte Biotech đã nói rằng những loại kháng sinh này đang bắt đầu mất tác dụng nên nông dân tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Về mặt chẩn đoán bệnh, hiện có hai loại xét nghiệm hàng đầu dành cho nông dân: PCR trong phòng thí nghiệm (xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase), và bộ test nhanh ART (Xét nghiệm nhanh kháng nguyên). Mặc dù các xét nghiệm PCR tại phòng thí nghiệm có độ nhạy cao, nhưng toàn bộ quá trình có thể mất từ 24-48 tiếng và chi phí trên 20 USD/xét nghiệm. Nó không chỉ tốn kém mà còn không thể cung cấp cho nông dân thông tin kịp thời để hành động và giảm bớt thiệt hại. Hơn nữa, vào thời điểm nông dân nhận được kết quả xét nghiệm, dịch bệnh có thể đã quét sạch mùa màng của họ.

Hình 2. Ưu và nhược điểm của các giải pháp chẩn đoán hiện có trên thị trường

Mặt khác, bộ test ART có thể cung cấp kết quả nhanh chóng nhưng không nhạy bằng xét nghiệm PCR. Người nuôi chỉ phát hiện được bệnh trên tôm chết hoặc tôm nhiễm bệnh nặng. Các hộ nuôi hiện nay chủ yếu thực hiện các xét nghiệm trên tôm của họ sau khi tôm chết hoặc được thu hoạch để xác nhận bệnh, điều này không cung cấp cho họ thông tin hữu ích.

Giải pháp

Forte Biotech đã phát triển một hệ thống chẩn đoán phân tử mới với sự hợp tác của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), trong Chương trình Đổi mới Nghiên cứu Sau đại học (GRIP). Những người sáng lập, là Kit Yong và Michael Nguyễn, đến từ nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, có kinh nghiệm tình nguyện và làm việc tại các vùng nông thôn ở Việt Nam, nơi họ đã xây dựng mối quan hệ rộng rãi với cộng đồng nuôi tôm và tìm hiểu về những khó khăn trong quá trình kinh doanh. Ban đầu, họ đang xem xét đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm ở Việt Nam và nhận ra rằng việc huy động vốn rất khó khăn do tính chất rủi ro của hoạt động kinh doanh. Từ đó, họ nảy ra ý tưởng giảm thiểu rủi ro trong nuôi tôm thông qua xét nghiệm bệnh tôm.

Công nghệ này được đồng phát minh bởi Kit và Tiến sĩ Ou Chung-Pei, một chuyên gia trong lĩnh vực chẩn đoán. Bằng sáng chế cho công nghệ này đã được nộp cùng với NUS. Forte Biotech cũng nhận được sự hỗ trợ từ NUS về mặt tài trợ và phát triển sản phẩm. Hiện tại, các nhóm ở Singapore và Việt Nam đang nghiên cứu và phát triển các xét nghiệm và thiết bị.

RAPID (hoặc Robust Accuracy Prawn Infection Detector) là một hệ thống chẩn đoán dạng PCR rẻ và dễ sử dụng, cho phép nông dân thu được kết quả như trong phòng thí nghiệm trong vòng một giờ tại trang trại của họ. Nó được thiết kế ổn định ở nhiệt độ môi trường để hỗ trợ vận chuyển, và đơn giản để cho phép nông dân sử dụng tại chỗ mà không cần bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào. Quan trọng nhất, việc xét nghiệm cho từng bệnh dự kiến sẽ có giá không quá 10 USD, đánh bại hầu hết các phương pháp khác tương đương PCR.

Kit Yong (trái) và Michael Nguyễn

Hình 3. Xét nghiệm RAPID bao gồm thiết bị xử lý mẫu (vòng tròn màu đỏ) và bộ dụng cụ chiết mẫu (vòng tròn màu vàng). Quá trình này rất đơn giản; nông dân chỉ cần chạy mẫu của họ thông qua Kit “A” (vòng tròn màu xanh lá cây) để chiết xuất axit nucleic từ tôm, tiếp theo là Kit “B” để cung cấp hình ảnh về sự hiện diện của từng loại bệnh.

Mục tiêu là cho phép nông dân có thể tự tiến hành các xét nghiệm này thường xuyên hơn thông qua việc loại bỏ rào cản về kỹ năng, cho phép họ phát hiện bệnh sớm hơn và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại.

Cắt giảm thiệt hại

Một phần lớn chi phí mà người nuôi phải gánh chịu là chi phí thức ăn cho tôm. Để hỗ trợ nông dân phát hiện bệnh sớm, Forte Biotech hoạt động để giúp nông dân thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích của họ. Ví dụ, trong trường hợp vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), nông dân có thể chọn thu hoạch sớm để giảm lãng phí thức ăn hoặc có kế hoạch thay nước thường xuyên hơn để loại bỏ mầm bệnh. Trường hợp đối với virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV), nông dân có thể thu hoạch tôm càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nó có thể giết chết tới 99% đàn tôm trong vòng 24 giờ.

Ngoài ra, quá trình thu hoạch được chia thành thu hoạch thường xuyên và khẩn cấp. Trong trường hợp thu hoạch khẩn cấp, thông thường những người trung gian sẽ thu phần lợi nhuận lớn hơn từ nông dân do họ là người đưa ra thông báo về sự xuất hiện của mầm bệnh. Tuy nhiên, với RAPID, nông dân sẽ có thể nhận được cảnh báo sớm về sự hiện diện của mầm bệnh trong tôm và trong nước của họ, cho phép họ có kế hoạch thu hoạch phù hợp.

Hình 4. Một nông dân ở huyện Cần Giờ, Việt Nam, đang thực hiện xét nghiệm RAPID trên mẫu nước lấy từ ao nuôi tôm. WSSV đã được phát hiện trong nước, và khuyến cáo nên thay nước và giám sát thường xuyên hơn.

Tại Việt Nam, nhóm Forte Biotech đã hợp tác chặt chẽ với một đối tác nuôi tôm ở Bến Tre tên Giàu, ông là người nuôi tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei. Thử nghiệm được tiến hành liên tục, nhân viên kỹ thuật của ông thường xuyên sử dụng bộ test RAPID. Ông Giàu cho biết trang trại của ông ở Bến Tre đã phát hiện dịch bệnh, nhưng nhờ kiểm tra thường xuyên nên ông đã kịp thu hoạch trước khi tôm chết hàng loạt. Thử nghiệm đang tiếp tục tại trang trại thứ hai của Giàu.

Tăng năng suất

Việc phát hiện bệnh sớm cho phép nông dân hành động sớm hơn, giảm thiểu thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng dòng tiền của dịch bệnh đối với hoạt động của trang trại. Forte Biotech tin rằng nông dân sẽ có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn hàng năm thông qua việc phát hiện sớm hơn, và do đó cũng áp dụng các biện pháp canh tác tốt hơn và thân thiện với môi trường hơn. Cuối cùng, Forte Biotech đang phát triển một mô hình dự đoán rủi ro để tư vấn cho nông dân khi nào mùa vụ của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng như nhiều thử nghiệm hơn để kiểm tra nhiều loại bệnh hơn ngoài WSSV, AHPND và EHP.

Phát triển

Hiện tại, RAPID vừa kết thúc các thử nghiệm khả năng sử dụng với hai đối tác và đang tìm cách chính thức ra mắt sản phẩm vào cuối tháng 9 năm 2022. Forte Biotech rất vui khi có nhiều nông dân trong và xung quanh khu vực Đông Nam Á tham gia trong các thử nghiệm.

Hình 5. Kết quả của các bộ test được xác định dựa trên mức huỳnh quang. Kết quả dương tính (giữa và phải) sẽ sáng hơn nhiều so với kết quả âm tính (trái). Forte Biotech đã phát triển một máy đọc tự động để hỗ trợ nông dân đọc kết quả.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/september-october-2022/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA- CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG 

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page