Trong phần tiếp theo sau chuyên đề về sự nguy hiểm của việc lạm dụng chất khử trùng, Robins McIntosh cho rằng người nuôi tôm ở châu Á cần phải có cái nhìn khác hơn về an toàn sinh học và mật độ thả nuôi.
Một trang trại nuôi tôm ở Thái Lan
Việc xem xét lại mật độ thả và an toàn sinh học có thể giúp các trang trại nuôi tôm ở châu Á lấy lại vị thế của họ trên thị trường toàn cầu © FAI Farms
Như McIntosh giải thích, các biện pháp thực hành an toàn sinh học ở các trang trại châu Á ban đầu chủ yếu tập trung vào việc ngăn ngừa virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) bằng cách sử dụng “nguyên tắc loại trừ”: cụ thể là thả tôm giống sạch mầm bệnh cụ thể (SPF) và tiêu diệt/loại trừ động vật giáp xác hoang dã – chủ yếu là ấu trùng tôm và cua – đã mang virus vào ao qua nguồn nước cấp.
Tuy nhiên, như ông phản ánh, sự xuất hiện của hội chứng tôm chết sớm (EMS) do vi khuẩn Vibrio gây ra vào năm 2008 có nghĩa là nông dân nên thay đổi chiến lược canh tác. Ông nhận thấy: “Hầu hết nông dân đã không làm như vậy, thay vào đó họ đã cố gắng sử dụng chất khử trùng để loại trừ mầm bệnh vi khuẩn”. Đó là một thực tế mà McIntosh coi là sai lầm cơ bản.
Ông giải thích: “Khi Vibrio xuất hiện, nguyên tắc loại trừ không áp dụng được nữa. Ban đầu, việc sử dụng chất khử trùng nhằm cố gắng tiếp tục nguyên tắc loại trừ, nhưng không thể loại trừ Vibrio, vì vậy chúng tôi cần đưa ra một nguyên tắc an toàn sinh học khác – mà tôi gọi là khống chế trong giới hạn”.
Lấy mẫu tôm
McIntosh nói rằng các trang trại nuôi tôm vẫn có thể thành công khi có sự hiện diện của các mầm bệnh khác nhau
Ông nói thêm: “Nếu hạn chế được tải lượng mầm bệnh và hệ miễn dịch của tôm đủ mạnh thì chúng có thể sống chung với mầm bệnh mà dịch bệnh không bùng phát. Đây là những gì đang diễn ra ở Nam Mỹ, nơi có mật độ thả nuôi thấp. Mầm bệnh xuất hiện ở Nam Mỹ nhưng tôm nuôi không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đối với hệ thống nuôi thâm canh, mật độ nuôi là một yếu tố gây stress – hệ miễn dịch của tôm trong các hệ thống nuôi thâm canh ở châu Á yếu hơn so với các hệ thống nuôi thâm canh mật độ thấp của Nam Mỹ.”
McIntosh cho rằng nhiều nông dân đã có sự hiểu lầm về EMS, đây cũng là một phần của vấn đề.
Ông giải thích: “EMS không phải là một bệnh truyền nhiễm như hầu hết mọi người nghĩ – tôm không bị nhiễm bệnh, nhưng khi Vibrios trú ngụ trên chất thải, xác vỏ tôm sau lột, thậm chí cả thức ăn thừa và tôm ăn phải những thứ này, có nghĩa là tôm đã nhiễm phải độc tố do Vibrios tạo ra”
Hố siphon trong ao nuôi
Giữ đáy ao sạch và không có chất thải có thể giúp mật độ vi khuẩn ở mức thấp
Ông nói thêm: “Khi chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc giữ đáy ao sạch bằng cách không cho ăn quá nhiều và vận dụng hố siphon trong ao, cho phép chất thải được bơm ra ngoài thường xuyên để giữ mật độ vi khuẩn trong ao ở mức thấp. Nếu bạn áp dụng, đây sẽ là một chiến lược rất thành công.”
Các yếu tố quan trọng khác bao gồm những tiến bộ trong các chương trình lai tạo giúp tăng khả năng chống chịu với độc tố.
McIntosh phản ánh: “Vẫn có một số đợt bùng phát, nhưng hầu hết các đợt bùng phát EMS nghiêm trọng đều xảy ra ở quá khứ.”
Một thách thức mới
Tuy nhiên, mầm bệnh tiếp theo có tác động đến ngành tôm là vi bào tử trùng microsporidian Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).
McIntosh giải thích: “Chúng tôi đã biết đến EHP vào năm 1995, nhưng nó chưa được xem là dịch bệnh cho đến năm 2012. Và đến năm 2014, nó đã trở thành một dịch bệnh nghiêm trọng gây tổn thất nặng nề về chi phí và dẫn đến thất bại.”
Ông lập luận rằng sự xuất hiện của dịch bệnh này phần lớn là do việc nuôi tôm thâm canh đang diễn ra rộng rãi ở châu Á vào thời điểm đó. Một xu hướng mà tôm đang phải “vật lộn” để thích nghi.
McIntosh nhận xét: “Theo tôi, EHP là một bệnh liên quan đến stress. Khi tôm không bị stress, nó có thể sống chung với bệnh. Nhưng khi nó trở nên stress, EHP sẽ nhanh chóng phá hủy mọi hy vọng về lợi nhuận. Khi nông dân tăng cường thâm canh hóa ao nuôi và bổ sung thêm thức ăn, khả năng thất bại của họ ngày càng tăng.”
Và, ông nói thêm, quyết định của nông dân trong việc cố gắng chống lại thực trạng lúc bấy giờ bằng thuốc khử trùng lại một lần nữa thất bại.
Ông lập luận: “Clo không giúp ích gì trong tình huống này vì EHP không phải do sự hiện diện của mầm bệnh mà là một dịch bệnh ảnh hưởng đến tôm đang bị stress và không có khả năng đối phó với mầm bệnh.”
Loại bỏ màng sinh học có thể ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh
Loại bỏ màng sinh học dưới đáy ao bị nhiễm EMS ở Việt Nam
Tìm kiếm trang trại nuôi tôm thành công
McIntosh khuyên rằng cách tốt nhất để học được cách đối phó những tác nhân gây bệnh này không phải là nghiên cứu lý do tại sao thất bại, mà là xem xét điều gì đã giúp cho một số trang trại thành công mặc dù họ vẫn đối mặt với những thách thức do dịch bệnh gây ra bởi vi khuẩn.
Ông cho biết: “Ở Thái Lan có những trang trại rất thành công có thể cạnh tranh với Ecuador và thậm chí còn thành công hơn so với năm 2010 (đỉnh cao về hiệu suất nuôi tôm của Thái Lan) – vì di truyền đã giúp tạo nên sự thành công khi đó.”
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng – nếu không có sự quản lý phù hợp – việc áp dụng di truyền là không đủ để đảm bảo thành công.
Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng bạn có thể tạo ra bất kỳ dòng gen nào có thể chống lại mọi tác nhân gây stress và giữ cho động vật khỏe mạnh khi có nhiều mầm bệnh.”
Robins McIntosh – phó chủ tịch điều hành của CP Foods
McIntosh tin rằng việc cải thiện các hoạt động canh tác sẽ giúp ngành tôm châu Á lấy lại vị thế
McIntosh tin rằng, bất chấp những thách thức ở châu Á, những trang trại áp dụng các quy trình phù hợp vẫn sẽ phát triển tốt. Và ông lưu ý rằng các trang trại thành công nhất là những trang trại giữ được mật độ thả nuôi hợp lý, từ 85-120 con/m2 – thấp hơn nhiều so với mật độ 200-300 con, đây hiện đang là mức “bình thường” của ngành tôm ở Thái Lan – kết hợp với việc tránh khử trùng, sẽ cho phép tỷ lệ sống sót liên tục đạt 95% và FCR từ 1.1-1.3.
McIntosh giải thích: “Ngay cả ở mật độ thả 85-120 con/m2, họ vẫn có thể sản xuất 30 tấn tôm/ha (size 30gram) trong vòng chưa đầy 90 ngày – đây là một sự kết hợp thành công.
Ông nói thêm: “Những trang trại này không sử dụng Clo, một trong số đó thậm chí còn không sử dụng thuốc trừ sâu và có EHP trong môi trường nuôi. Điều họ chú trọng là sự cẩn thận, đảm bảo sinh khối không quá lớn gây stress cho tôm. Tất cả đều có hy vọng, miễn là chúng ta tiếp tục truyền bá câu trả lời cho sự thành công – rằng đó không phải nhờ vào sử dụng hóa chất hay chất khử trùng. Tất cả là về mặt quản lý.”
Probiotics là một lựa chọn phi hóa học khác. Mặc dù McIntosh thừa nhận rằng thái độ của ông đối với những chất này đã dịu đi trong những năm gần đây, nhưng ông không tin vào giá trị của việc mua vi khuẩn, vì rất nhiều vi khuẩn có lợi có sẵn, miễn phí và có thể được tạo ra thông qua các kỹ thuật quản lý tốt.
Ông lưu ý: “Về việc sử dụng probiotics để giữ đáy ao sạch, tôi thật sự không hiểu. Tôi không tin vào việc sử dụng probiotics để xử lý chất thải, vì nó vẫn đi vào nước và tạo ra tảo lam, cũng như vi khuẩn Vibrios. Tôi rất thích việc loại bỏ chất thải một cách vật lý và sau đó xử lý đúng cách hơn là cố gắng sử dụng probiotics để xử lý chất thải trong nước.”
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng một số probiotics vẫn có thể có tác động tích cực.
Ông giải thích: “Nếu probiotics có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch của tôm hoặc tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột, thì việc sử dụng chúng là phù hợp, nhưng tôi cần thấy lợi ích về mặt chi phí. Tôi hầu như không sử dụng probiotics trong các trang trại của riêng mình, nhưng tỷ lệ sống và tăng trưởng vẫn đạt ở mức cao. Tôi không phải không có probiotics mà là có nhưng không sử dụng.”
Tôm thẻ chân trắng
McIntosh tin rằng nông dân bắt đầu nhận ra vấn đề khi họ cố gắng sản xuất nhiều tôm hơn khả năng đáp ứng của hệ thống © Gregg Yan
Kinh nghiệm của McIntosh chủ yếu ở châu Á, nên không có gì ngạc nhiên với tốc độ tăng trưởng thần tốc của tôm ở nơi đây, ông cũng quan tâm đến việc nuôi tôm ở Nam Mỹ và ông tin rằng mô hình Nam Mỹ có thể sẽ tiếp tục thành công, trừ khi các nhà sản xuất trở nên quá tham lam.
McIntosh lập luận: “Cuối cùng, nó bắt nguồn từ lòng tham – vấn đề xuất phát từ việc nông dân cố gắng sản xuất nhiều tôm hơn mức mà hệ thống của họ có thể đáp ứng theo một cách bền vững.”
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ông ghen tị với Ecuador, vì hầu hết nông dân ở Ecuador vẫn có khả năng tăng sản lượng từ 4 lên đến 18 tấn/ha/năm với những thay đổi đơn giản, như lắp đặt máy cho ăn tự động và máy sục khí.
Những thay đổi như vậy cho phép nông dân ở Ecuador tăng tỷ lệ thả giống từ 12-15 con/m2 và thu hoạch mỗi năm một lần, lên thả 30-35 con/m2 và thu hoạch một phần. Qua đó cho phép họ thu hoạch từ 16 đến 18 tấn một năm, đồng thời hạn chế sinh khối tối đa ở mức 4 tấn mỗi ha.
Nếu so sánh về thuận lợi – từ góc độ stress – với một số ao châu Á, có thể có sinh khối lên tới 50 tấn mỗi ha tại bất kỳ thời điểm nào, như ông giải thích.
“Ecuador chưa từng xảy ra bất kỳ đợt bùng phát EHP nào ở mật độ thả từ 30-35 con/m2, họ cũng chưa nhận thấy sự xuất hiện của EMS (cái mà họ gọi là Vibrio cực độc) trên bất kỳ mô hình nào với mật độ thả nuôi lớn. Do đó, việc tăng cường thả nuôi với mật độ cao dường như vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục tăng mật độ thả – cái mà tôi gọi là lòng tham theo chiều dọc – thì đến một lúc nào đó họ sẽ phá vỡ hệ thống.”
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng sự xa xỉ của “lòng lam theo chiều ngang” – tức là việc tăng cường dần dần các ao nuôi hiện có – là không khả thi ở châu Á, do tính chất nhỏ lẻ và thưa thớt của các trang trại.
McIntosh nhận xét: “Nếu nông dân của chúng tôi ở châu Á muốn thu được nhiều lợi nhuận hơn từ trang trại của mình, họ cảm thấy cần phải tăng số lượng tôm nuôi và chính lòng tham đó đã khiến chúng tôi gặp rắc rối.”
Ông nói thêm: “Mặc dù một số hệ thống mới cho phép sản xuất chuyên sâu hơn và khả năng đáp ứng cao hơn, nhưng lòng tham vẫn có thể giết chết các hệ thống này.”
Lấy mẫu tôm
Quá trình như vậy cũng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, do đó rủi ro có thể lớn hơn nhiều.
Ông kết luận: “Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi và không phải lúc nào tôi cũng đúng, nhưng tôi đang cố gắng ghi lại những quan sát mà tôi nghĩ mọi người nên xem xét lại. Và có thể những thử nghiệm phương thức canh tác sẽ ngày càng nhiều hơn nữa.”
Theo The Fish Site
Nguồn: https://thefishsite.com/articles/why-less-can-be-more-for-asias-shrimp-farms-robins-mcintosh
Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh
“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”
Xem thêm:
- Mật Độ Của Vi Bào Tử Trùng Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP) Cao Trong Phân Của Tôm Thẻ Chân Trắng (Penaeus Vannamei) Có Biểu Hiện Của Hội Chứng Phân Trắng Và Con Đường Lây Truyền Của Chúng Sang Tôm Khỏe Mạnh
- Các Nhà Sản Xuất Tôm Có Thể Giảm Hàm Lượng Protein Trong Khẩu Phần Ăn Nếu Họ Áp Dụng Công Nghệ Biofloc
- Ảnh Hưởng Của Độ Mặn Lên Sự Lây Nhiễm EHP Trên Tôm Thẻ Chân Trắng Trong Điều Kiện Thí Nghiệm