Theo một dự án nghiên cứu mới, các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể được sử dụng hiệu quả trong chiến lược xử lý nước thải trong nuôi tôm.

Sản xuất với nhiều mức độ thâm canh khác nhau sẽ gây ra nhiều rủi ro khác nhau cho môi trường. Các hệ thống quảng canh thường có diện tích không gian cao và rủi ro ô nhiễm thấp, trong khi các hệ thống thâm canh thường có diện tích không gian nhỏ hơn và rủi ro ô nhiễm cao hơn © FAO

Được thực hiện bởi các chương trình Cơ sở hạ tầng Xanh – Xám và Nuôi trồng thủy sản của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, nghiên cứu mới đã so sánh hiệu quả, tính kinh tế, yêu cầu về không gian và việc cung cấp dịch vụ hệ sinh thái của nhiều hệ thống xử lý nước thải khác nhau. Kết luận cho thấy rằng phương pháp tiếp cận giải pháp dựa trên thiên nhiên (NbS) để quản lý nước thải có thể là một cách khả thi để ngành nuôi tôm giải quyết các rủi ro ô nhiễm do chất dinh dưỡng, đồng thời mang lại lợi ích về dịch vụ hệ sinh thái.

Các giải pháp dựa trên thiên nhiên được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế định nghĩa là “hành động bảo vệ, quản lý bền vững và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên hoặc hệ sinh thái bị biến đổi nhằm giải quyết các thách thức xã hội một cách hiệu quả và phù hợp, mang lại lợi ích cho con người và đa dạng sinh học.”

Sản lượng nuôi tôm đã tăng 10.000% trong bốn thập kỷ qua, từ 74.000 tấn năm 1980 lên 7,4 triệu tấn vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Một bài báo mới có tiêu đề “A nature-based solutions approach to managing shrimp aquaculture effluent” (Giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý nước thải nuôi tôm) đánh giá các rủi ro môi trường liên quan đến nước thải giàu dinh dưỡng, đặc biệt ở châu Á, nơi ngành tôm đang có xu hướng chuyển dần sang các mô hình sản xuất thâm canh hơn và so sánh chi phí và lợi ích của bảy hệ thống xử lý khác nhau.

Minh họa về cách tiếp cận “Nuôi tôm thông minh phù hợp khí hậu” của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế. Việc phục hồi rừng ngập mặn ven biển có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm nước thải đồng thời mang lại lợi ích về thích nghi khí hậu và khả năng phục hồi

© Tổ chức Bảo tồn Quốc tế

Việc mở rộng quy mô của ngành vào cuối thế kỷ 20 đã gây thiệt hại cho các hệ sinh thái ven biển quan trọng, như chặt phá rừng ngập mặn để tạo ra các ao nuôi tôm mới. Mặc dù tốc độ phá rừng đã chậm lại trong những năm gần đây, nhưng những rủi ro môi trường mới đã xuất hiện, các trang trại sử dụng thức ăn ngày càng nhiều và thả tôm với mật độ cao hơn, làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước thải và nguy cơ gây ô nhiễm hệ sinh thái thủy sinh gần đó. Nghiên cứu mới đánh giá tiềm năng của các phương án xử lý nước thải thông thường và giải pháp dựa trên thiên nhiên NbS để giải quyết tổng lượng nitơ và tổng phốt pho với nhiều cường độ sản xuất khác nhau, đồng thời xem xét các yêu cầu về diện tích không gian, chi phí thực hiện, duy trì và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái.

Khối lượng nitơ và phốt pho được mô hình hóa để ước tính rủi ro ô nhiễm nước thải ở bốn mức độ sản xuất khác nhau. Các tác giả đã sử dụng phương pháp này để đồng nhất các chất ô nhiễm đầu vào cho từng hệ thống xử lý nước thải, nhưng cũng bắt buộc phải làm như vậy do thiếu thông tin cụ thể về sản xuất tôm thương phẩm và quản lý nước thải của nó ở cả cấp khu vực và toàn cầu.

Trong khi các tổ chức chứng nhận nuôi trồng thủy sản quốc tế yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng nước và ghi chép dữ liệu thì phần lớn các nhà sản xuất tôm trên toàn cầu lại không được chứng nhận. Việc thiếu dữ liệu về sản xuất và nồng độ chất dinh dưỡng trong nước thải đã tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro đối với chất lượng nước ven biển và hiện tượng phú dưỡng, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất mật độ cao hoặc có sự pha trộn thủy văn thấp (ví dụ: vịnh).

Kết quả cho thấy ở các vùng đất ngập mặn nhân tạo, phương pháp NbS không chỉ có hiệu quả kinh tế hơn so với các phương pháp truyền thống như ao lắng, mà còn có thể cung cấp thêm các dịch vụ hệ sinh thái. Những loại vùng đất ngập nước này, khi được thiết kế phù hợp, có thể giảm thiểu nước thải một cách hiệu quả đồng thời đáp ứng nhu cầu thâm canh của các nhà sản xuất thủy sản. Tuy nhiên, diện tích không gian cần thiết để hệ thống NbS hoạt động hiệu quả được xác định là lớn hơn nhiều so với các hệ thống thông thường.

Tổ chức Bảo tồn Quốc tế đang nỗ lực tăng cường áp dụng các phương pháp tiếp cận NbS để quản lý nước thải thông qua sáng kiến Nuôi tôm thông minh phù hợp khí hậu, trong đó việc thâm canh có trách nhiệm trên một phần diện tích nuôi có năng suất thấp có thể giúp tài trợ và cung cấp không gian cho việc phục hồi rừng ngập mặn trên phần còn lại. Quỹ Nuôi tôm thông minh phù hợp khí hậu chuyên dụng nhằm mục đích áp dụng phương pháp này trên quy mô lớn ở Đông Nam Á và Ecuador.

Nghiên cứu mới nhấn mạnh tính khả thi của việc tích hợp phục hồi rừng ngập mặn, như giải pháp xử lý nước thải dựa trên thiên nhiên, vào các hệ thống nuôi trồng thủy sản thông thường. Sản xuất và lợi nhuận trong ngành nuôi trồng thủy sản không cần phải “hy sinh” để quản lý hiệu quả nước thải và đạt được lợi ích về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tăng cường đa dạng sinh học.

Theo The Fish Site

Nguồn: https://thefishsite.com/articles/a-nature-based-solutions-approach-to-managing-shrimp-aquaculture-effluent

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *