Bổ sung nucleotide vào chế độ ăn của tôm với hàm lượng protein thực vật cao cho thấy tác động tích cực đến hiệu suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và khả năng kháng vi khuẩn Vibrio harveyi của tôm thẻ chân trắng

Trong hệ thống nuôi thâm canh, việc thiết kế một chế độ ăn cân bằng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của tôm là điều cần thiết để hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc sản xuất tôm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo các thành phần dinh dưỡng được tiêu hóa, hấp thu và vận chuyển đến tế bào cũng như nâng cao năng suất sinh trưởng và khả năng kháng bệnh, việc sử dụng các chất phụ gia thức ăn ngày càng trở nên quan trọng. Có rất nhiều loại phụ gia cho thức ăn thủy sản như các chất có nguồn gốc từ thực vật, probiotics, enzyme, chất chống oxy hóa và nucleotide. Tất cả những chất này có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng sức khỏe và sự tăng trưởng của vật chủ, thông qua việc hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ cũng như bảo vệ vật chủ khỏi mầm bệnh.

Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu hụt nucleotide có thể làm suy giảm chức năng gan, tim, ruột và miễn dịch. Do đó, việc cung cấp nucleotide thông qua chế độ ăn có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho các sinh vật dưới nước, đặc biệt là trong giai đoạn diễn ra các quá trình sinh lý và trao đổi chất.

Chúng tôi đã thử nghiệm giả thuyết rằng việc bổ sung các nguồn nucleotide có hàm lượng bột cá thấp trong chế độ ăn có thể tối ưu hóa sự tăng trưởng và sức khỏe của tôm. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã nghiên cứu tác động của việc bổ sung một sản phẩm nucleotide trong chế độ ăn của tôm với hàm lượng bột đậu nành cao. Các thông số được nghiên cứu là hiệu suất tăng trưởng, mức protein, phản ứng miễn dịch và khả năng kháng bệnh của tôm.

Thử nghiệm tăng trưởng

Có tổng cộng 900 con tôm post thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei được thu thập từ PT Maju Tambak Sumur (Kalianda, Lampung, Indonesia) để sử dụng cho thử nghiệm tăng trưởng. Trong thời gian thuần 3 tuần, tôm được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp (Evergreen Feed, Lampung, Indonesia).

Thử nghiệm tăng trưởng kéo dài 70 ngày này được thực hiện tại Trạm nghiên cứu PT Batam Dae Hae Seng (Batam, Indonesia). Tôm (trọng lượng trung bình ban đầu 4,24 ± 0,03g) được phân chia ngẫu nhiên vào 60 bể, mỗi bể có thể tích 98L. Có 10 nghiệm thức bao gồm cả nghiệm thức đối chứng, mỗi nghiệm thức được lặp lại 6 lần với chế độ ăn thử nghiệm.

Chế độ ăn thử nghiệm

Hàm lượng protein thô trong chế độ ăn thử nghiệm dao động từ 34,9 – 35,7%, chất béo thô dao động từ 7,0 – 7,9%. Chế độ ăn đối chứng có protein từ 10% bột cá và 43% bột đậu nành và không có nucleotide. Trong chế độ ăn thử nghiệm, bột cá được thay thế bằng bột đậu nành. Tôm được cho ăn bằng tay 4 lần/ngày, vào lúc 07:00, 11:00, 15:00 và 20:00. Lượng thức ăn cho phép hàng ngày được điều chỉnh dựa trên mức tiêu thụ thức ăn quan sát được, số lượng tôm hàng tuần và tỷ lệ chết. Thức ăn thừa, phân và vỏ tôm lột được loại bỏ bằng cách hút bể trước lần cho ăn đầu tiên.

Lượng thức ăn đầu vào hàng ngày (g) được tính toán như sau:

Lượng thức ăn đầu vào hàng ngày (g) = Lượng FCR ước tính x Tăng trưởng dự kiến x số lượng tôm /7 ngày

Lượng thức ăn đầu vào được thiết lập sẵn với giả định tôm tăng trưởng bình thường, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn ước tính là 1,5 trong suốt thử nghiệm tăng trưởng.

Vào cuối giai đoạn cho ăn, tất cả tôm được phân nhóm và cân riêng để tính toán sinh khối cuối cùng, trọng lượng cơ thể cuối cùng, phần trăm tăng trọng, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, tỷ lệ sống và hệ số tăng trưởng. Lấy mẫu hai con tôm đang lột xác trong mỗi bể hoặc 10 con tôm từ mỗi nghiệm thức. Haemolymph của tôm được thu thập từ đốt bụng thứ hai bằng một ống tiêm vô trùng 1mL. Hoạt tính lysozyme được đo bằng cách sử dụng bộ phát hiện lysozyme và kết quả được xác định bằng quá trình ly giải tế bào Micrococcus lysodeikticus.

Cảm nhiễm vi khuẩn

Thử nghiệm này được thực hiện sau thử nghiệm tăng trưởng bằng cách sử dụng huyền phù vi khuẩn Vibrio harveyi để đạt mật độ 1×105 CFU/mL. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 6 lần và được cho ăn bằng khẩu phần ăn thử nghiệm 4 lần/ngày. Tỷ lệ chết của tôm được quan sát hàng ngày trong suốt 7 ngày cảm nhiễm để tính toán tỷ lệ chết tích lũy. Thí nghiệm nuôi được tiếp tục trong 7 ngày và 25% lượng nước được hút và thay thế mỗi ngày để tránh tình trạng suy giảm chất lượng nước. Nước được thay thế có chứa nồng độ chủng vi khuẩn tương ứng để duy trì nồng độ vi khuẩn.

Hiệu suất tăng trưởng

Việc bổ sung nucleotide cho thấy hiệu suất tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt là ở các nhóm mà bột cá được thay thế một phần bằng bột đậu nành. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm (P>0,05) như trong Hình 1.

Do tất cả các chế độ ăn được sản xuất bằng cách sử dụng các thành phần dễ tiêu hóa và nhắm mục tiêu đến mức protein và lipid tương tự nhau nên không có sự khác biệt đáng kể (P>0,05) về mức độ protein trong toàn bộ cơ thể tôm cũng như tỷ lệ giữ lại protein.

Tuy nhiên, việc bổ sung các nucleotide nói chung có thể tăng cường việc sử dụng chất dinh dưỡng ở tôm tương tự như tôm được cho ăn bằng chế độ ăn đối chứng Điều thú vị là, việc giảm bột cá và bổ sung nucleotide không ảnh hưởng đến sự tích tụ protein ở tôm.

Bảng 1. Thành phần (% nguyên trạng) của khẩu phần ăn chứa hai mức nucleotide đối với tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei được cho ăn trong 70 ngày

Sức khỏe và phản ứng với cảm nhiễm V. harveyi

Việc bổ sung nucleotide cho phép tăng đáng kể (P<0,05) tổng số lượng haemocyte (THC) và hoạt tính lysozyme, so với nhóm không bổ sung nucleotide, trong đó bột cá đã được thay thế một phần bằng bột đậu nành (Hình 2 và 3). Một hiệu ứng về liều lượng đã được quan sát đối với nucleotide, rằng tỷ lệ bổ sung 0,1% đạt kết quả tốt hơn so với 0,05%.

Trong thử nghiệm cảm nhiễm, tất cả các khẩu phần có bổ sung nucleotide đều cho tỷ lệ sống cao hơn đáng kể (P<0,05) so với khẩu phần đối chứng, và cũng cao hơn so với nhóm được cho ăn bằng khẩu phần không bổ sung nucleotide và thay thế một phần bột cá bằng bột đậu nành (khẩu phần 1). Tỷ lệ sống cao nhất đạt được ở chế độ ăn có hàm lượng bột cá lần lượt là 10% và 8%, và được bổ sung 0,1% nucleotide (Hình 4).

Hình 1. Trọng lượng cơ thể cuối cùng trung bình (ABW) của tôm được cho ăn với các chế độ ăn khác nhau.

Hình 2. Tổng số haemocyte của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus Vannamei (106 tế bào/mL) khi kết thúc thử nghiệm tăng trưởng. Các giá trị đại diện cho giá trị trung bình của sáu lần lặp lại. Các thanh có ký tự chỉ số trên khác nhau biểu thị sự khác biệt đáng kể (P<0,05) dựa trên phân tích phương sai, sau đó là phép thử của Tukey

Hình 3. Hoạt tính lysozyme của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei (U/mL) khi kết thúc thử nghiệm tăng trưởng. Các giá trị đại diện cho giá trị trung bình của sáu lần lặp lại. Các vạch có các chữ cái chỉ số trên khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,05) dựa trên phân tích phương sai, sau đó là phép thử của Tukey

Hình 4. Tỷ lệ sống (%) của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei trong 7 ngày sau thử nghiệm cảm nhiễm với Vibrio harveyi (105 CFU/mL). Các giá trị đại diện cho giá trị trung bình của sáu lần lặp lại

Phần kết luận

Trong các điều kiện thử nghiệm của nghiên cứu, việc bổ sung nucleotide cho thấy tác động tích cực đến năng suất, hệ thống miễn dịch và khả năng kháng bệnh đối với V. harveyi ở tôm. Do đó, nucleotide có thể được sử dụng làm thành phần dinh dưỡng chức năng để cải thiện sức khỏe của tôm. Nghiên cứu này cũng cung cấp bằng chứng về lợi ích liên quan đến sức khỏe của nucleotide trong chế độ ăn khi giảm lượng bột cá.

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/september-october-2022/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *