Bệnh microsporidiosis ở gan tụy do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm bệnh rõ ràng cụ thể nào. Bệnh vi bào tử trùng có liên quan đến sự chậm lớn bất thường. Do đó, trong trường hợp không có các dấu hiệu bệnh nào rõ ràng, vi bào tử trùng phải được xác định thông qua kính hiển vi hoặc phương pháp phân tử (Flegel, 2015).

Một bài báo gần đây cung cấp thông tin sinh học, bệnh lý học, chẩn đoán và kiểm soát, tóm tắt kiến thức hiện tại về sự lây nhiễm và động lực lây truyền của EHP, cũng như các biện pháp kiểm soát thực tế được khuyến nghị hiện đang được áp dụng để hạn chế tác động tiêu cực của EHP đối với nghề nuôi tôm, theo Chaijarasphong và cộng sự (2020). Các tác giả chỉ ra rằng microsporidian được mô tả chính thức vào năm 2009. Phát hiện sớm nhất là vào đầu năm 1989 ở tôm sú Penaeus monodon. Từ giữa năm 2010, nhiễm EHP ngày càng trở nên phổ biến ở tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei. Những lỗ hổng lớn về kiến thức cần được quan tâm khẩn cấp để cải thiện các biện pháp kiểm soát đối với EHP.

Một bản tóm tắt đồ họa bởi Chaijarasphong và cộng sự (2020).

Trong 2 ngày (9-10/2), Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản tại Châu Á Thái Bình Dương (NACA) đã tổ chức hội thảo trực tuyến về các chiến lược đối với bệnh vi bào tử trùng ở gan tụy do EHP gây ra. Chương trình nghị sự bao gồm tình trạng của EHP trong khu vực, những đổi mới gần đây và các chiến lược kiểm soát được khuyến cáo hiện nay. Các bài thuyết trình về việc theo dõi, giám sát và báo cáo bệnh EHP ở Châu Á, bao gồm cả những nghiên cứu gần đây và hiện tại.

Tiến sĩ Diva J. Aldama‐Cano, Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Quốc gia (BIOTEC) đã nhấn mạnh mức độ lây nhiễm cho đến hiện tại. Một nghiên cứu vào năm 2018 về xử lý nguyên nhân phức tạp của hội chứng tôm chết sớm (EMS) trên 196 ao đã cho kết quả ngoài mong đợi về tỷ lệ nhiễm EHP cao (60%). Trong một dự án lấy mẫu 509 ao trên 3 tỉnh (Chumphon, Rayong và Surat Thani) ở Thái Lan, Tiến sĩ Andy Shinn cho thấy tỷ lệ nhiễm EHP là 84,3% trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 12 năm 2020. Năm 2019, khảo sát 135 trang trại và 451 ao, tỷ lệ nhiễm bệnh là 48,6% và mức độ nhiễm bệnh liên quan đến điều kiện đáy ao; trong các ao được trang bị hố siphon, các ao lót PE hoàn toàn có tỷ lệ dương tính với EHP là 61% so với 75% dương tính với EHP đối với ao đất. Shinn cảnh báo: “Chúng tôi đã xem xét 135 trang trại, đây chỉ là một phần nhỏ trong số 21.500 trang trại ở Thái Lan.”

Tiến sĩ Jumroensri Thawonsuwan, Phòng Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe Động vật (AAHRDD), Bộ Thủy sản (DOF), Thái Lan cho biết: “Việc giám sát thụ động các trang trại nuôi tôm năm 2020 của Thái Lan, được tiến hành hàng quý, bất chấp đại dịch, cho thấy sự gia tăng các trường hợp dương tính với EHP ở các trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng P. vannamei lên 44% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020 so với 33,7% trong cùng kỳ năm 2019. Tương đương 52% đối với các trang trại nuôi tôm sú P. monodon (năm 2020) và 11% (năm 2019)”. Tuy nhiên, cô ấy làm rõ rằng những dữ liệu này đến từ các mẫu tôm bị sự cố trong lúc vận chuyển, không thể được coi là mức độ phổ biến của bệnh.

Kiểm soát và phòng ngừa

Để giải quyết những lo ngại của nông dân về các con đường lây truyền, Cano đã đề cập đến một số lo ngại về con đường lây truyền qua đường ăn (đường miệng). Cô trích dẫn một nghiên cứu gần đây của Munkongwongsiri và cộng sự (2020) chỉ ra rằng các bào tử rất nhạy cảm với nhiệt và sau khi đun nóng ở 75°C trong 1 phút, tỷ lệ bộc phát mầm bệnh và tính lây nhiễm của EHP sẽ bị loại bỏ. Do đó, thức ăn thương mại được làm nóng để đạt đến nhiệt độ cốt lõi ≥75 °C có thể xem là không còn rủi ro trong việc lây truyền EHP. “Ngay cả khi thức ăn có thể dương tính với EHP thông qua xét nghiệm PCR, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng có khả năng lây nhiễm.”

Đối với các đường lây truyền khác, Cano ghi nhận sự hiện diện của các bào tử EHP đang hoạt động trong cột nước. Nước chưa qua xử lý bị nhiễm EHP có thể là nguồn lây nhiễm cho tôm giống (PL12). Một nghiên cứu cho thấy loài trai hai mảnh vỏ Mytilopsis là vật mang mầm bệnh EHP tiềm năng. Trong số các phương pháp khử trùng đã biết, sử dụng thuốc tím (K2MnO4) trong 15 phút là hiệu quả nhất, tiếp theo là clo, hai phương pháp này hiệu quả hơn so với formalin và etanol. Ở nhiệt độ 75°C hoặc -20°C có thể làm bất hoạt các bào tử EHP. Việc tăng pH lên 11 sẽ kích hoạt quá trình đùn ống phân cực trước khi nó tiếp xúc với tế bào và làm gián đoạn quá trình lây nhiễm.

Trong quá trình giám sát EHP tại các trang trại, Shinn khuyến khích nông dân thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên về sức khỏe chung và trong giai đoạn đầu, lấy mẫu tại nhiều vị trí khác nhau của ao vì EHP có thể không đồng đều. Cỡ mẫu khuyến nghị là 3 lô với 100 con tôm trong vòng 30 ngày và 3 lô với 10 con tôm trong vòng 60 ngày. Qua trực tuyến, ông hướng dẫn cách lấy mẫu gan tụy và ruột. Shinn nói rằng điểm giao giữa gan tụy và ruột là nơi có thể tìm thấy bào tử. Bào tử được nhìn thấy rõ ràng khi nhuộm phloxin B. Ông nói thêm rằng các phương pháp điều trị trong ao bị nhiễm bệnh cần phải được thực hiện liên tục và gấp đôi.

Jumroensri cho biết, một số bước quan trọng để ngăn chặn các bào tử EHP ở cấp trang trại giống bao gồm việc khử trùng hiệu quả, yêu cầu các bể nuôi phải được ngâm và hệ thống đường ống liên quan được xả bằng natri hydroxit 2,5% trong 3 giờ và sau đó để khô hoàn toàn trong 7 ngày. Tăng pH >9 giúp 90% bào tử không thể lây nhiễm vào tế bào vật chủ. Nông dân được khuyến khích mua tôm giống từ các trại sản xuất giống có trong danh sách trắng của DOF. DOF có một dự án làm sạch, sử dụng chẩn đoán PCR thời gian thực trên PL10 trong phân khúc trại sản xuất giống và ương giống. Số lượng trại giống trong danh sách trắng đã tăng lên 366 vào năm 2020 từ 171 vào năm 2019.

Về các biện pháp phòng ngừa ở giai đoạn nuôi thương phẩm, nên khử trùng đáy ao bằng canxi oxit để đạt pH > 9, trong nước và trầm tích với K2MnO4 >15 ppm hoặc Clo >40ppm. Về các bước kiểm soát, Shinn nhắc lại rằng việc kiểm soát theo chiều dọc hiệu quả hơn theo chiều ngang. Các phương pháp khác được báo cáo bởi Shinn là sử dụng nồi hơi nước nóng trên lớp lót ao và lò đốt propan để đốt cháy trầm tích ao.

Trong một báo cáo về các đợt bùng phát ở Philippines, Tiến sĩ Sonia S. Somga, Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản (BFAR) cho biết không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng nào ở tôm bị nhiễm EHP ngoại trừ tốc độ tăng trưởng chậm. Các trường hợp chết xảy ra khi đồng nhiễm với virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) nhưng không có trường hợp nào được báo cáo khi đồng nhiễm với virus gây hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV). Về thực hành quản lý trại giống ở Philippines, Somga đã báo cáo các bước như khử trùng bằng HCL 90-98%; và đối với các ống, van và ống dẫn thì sử dụng clo. BFAR cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho việc vận chuyển tôm post xuyên quốc gia. BFAR tiến hành sàng lọc tôm bố mẹ với tỷ lệ 1% nhưng không quá 10 con bố mẹ.

Một số phương pháp quản lý trang trại ở Philippines bao gồm việc áp dụng probiotics trong thức ăn ở mức 2g/kg thức ăn. Nên khử trùng ao bị nhiễm bệnh ở mức 30-40 ppm Clo.

Cano cho biết vẫn còn nhiều điều chưa biết về EHP, bao gồm các câu hỏi về các giai đoạn phát triển trong các loài vật chủ khác, các phương thức lây truyền khác nhau ở tôm và còn có cách nào khác để vô hiệu hóa các vi khuẩn EHP không? Có thể có phương pháp điều trị nào?

Sự biến đổi về kích thước khi nhiễm EHP

Hình ảnh nổi bật. Andy Shinn nói rằng bằng cách thêm một giọt Phloxin B và để yên trong 5-10 phút, các bào tử sẽ được nhìn thấy rõ ràng.

Shinn đã tính toán rằng thiệt hại từ 387,9 USD đến 555,8 triệu USD vào năm 2019 do nhiễm EHP đã làm giảm kích cỡ thu hoạch từ 18 g xuống 13g và tăng 23,2% chi phí sản xuất (FCR là 1,47 ở ao bị nhiễm bệnh, so với 1,39 ở ao không bị nhiễm bệnh). Năm 2019, sản lượng tôm của Thái Lan là 304.000 tấn. Shinn cho biết: “Sự thay đổi về kích thước, tăng trưởng chậm và FCR thường là dấu hiệu đầu tiên của nhiễm EHP.”

Theo Aqua Culture Asia Pacific

Nguồn: https://aquaasiapac.com/2021/02/13/update-on-ehp-at-the-naca-consultation-on-strategies-for-hepatopancreatic-microsporidosis/

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *