Phân tích SWOT và mô hình kinh doanh tôm có lợi nhuận ở châu Á trong tương lai để đáp ứng nhu cầu thị trường
Khi tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei du nhập vào châu Á, mô hình nuôi tôm theo hệ thống thâm canh của Châu Á đã được áp dụng. Trong khi trước đây nuôi tôm sú Penaeus monodon chỉ được nuôi với mật độ 30 con (PL)/m², giờ đây các nhà sản xuất châu Á đã bắt đầu thả tôm thẻ chân trắng với mật độ 80 con/m² để tận dụng tổng cột nước và sau đó lên tới mật độ 500 con/m². Sử dụng mô hình quảng canh của Ecuador làm tiêu chuẩn, tại TARS 2021, một nhóm chuyên gia trong ngành do Giáo sư Patrick Sorgeloos, Đại học Ghent, Bỉ dẫn đầu đã thảo luận về mức độ bền vững của mô hình nuôi tôm thâm canh ở châu Á.
Phân tích SWOT về “Nuôi tôm năm 2030: Mô hình mật độ thấp của Châu Mỹ hoặc mô hình mật độ cao hơn của Châu Á” của Robins McIntosh, Phó Chủ tịch Điều hành, Charoen Pokphand Foods, Bangkok, Thái Lan và trình bày về “Đưa tôm sú trở lại – đúng hay sai” của Tiến sĩ Manoj Sharma, Mayank Aquaculture, Ấn Độ, đã tạo nên cuộc trò chuyện này. Các thành viên tham gia hội thảo trong ngành bao gồm Darryl E. Jory – Chuyên gia tư vấn của Hoa Kỳ và Tiến sĩ Hoàng Tùng – Nhà khoa học nghiên cứu chính, CSIRO, Úc.
McIntosh đã tiếp cận vấn đề bằng cách xem xét khối lượng mà thị trường có thể tiêu thụ trong tương lai (2030) và sử dụng điều này để sản xuất phù hợp với nhu cầu trong tương lai. Một phân tích hồi quy dựa trên 10 năm sản xuất đã đưa ra 5 triệu tấn là nhu cầu mục tiêu vào năm 2030, cao hơn 1,5 triệu tấn so với sản lượng hiện tại là 3,5 triệu tấn (Hình 1). So sánh thị phần từ năm 2008, McIntosh cho biết ngành tôm ở Mỹ Latinh ngày càng tăng thị phần tôm toàn cầu (Hình 2). “Họ đã tăng từ 13% năm 2008 lên 27% vào năm 2021. Châu Á chiếm 82% sản lượng tôm toàn cầu vào năm 2008 và hiện giảm xuống còn 63%.”
Hình 1. Phân tích hồi quy dữ liệu trong hơn 10 năm được sử dụng để đưa ra ước tính sản lượng cho năm 2030.
Hình 2. Thị phần tôm toàn cầu từ 2008 đến 2021.
Sản xuất ở Mỹ Latinh là câu chuyện của Ecuador, tăng sản lượng ở mức 25% mỗi năm. Trong phần trình bày này, Ecuador đã trở thành cơ sở phân tích để đại diện cho mô hình Mỹ Latinh. McIntosh nói thêm: “Ở châu Á, mô hình đại diện là Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Họ thực sự đã tạo nên một “hình mẫu” cho những gì mà chúng tôi muốn hướng tới ở châu Á; họ tăng 13% trong khi phần còn lại của châu Á giảm 4% một năm”. Phần lớn sự suy giảm là do sản lượng của Trung Quốc giảm, đạt đỉnh điểm vào năm 2009-2010.
Mô hình nuôi
Về mô hình, có 3 mô hình nuôi – mô hình Mỹ Latinh với các ao có diện tích lớn, mô hình châu Á bắt đầu với các ao nhỏ hơn và sau đó phát triển thành mô hình châu Á cải tiến với các ao và bể thậm chí còn nhỏ hơn để kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tỷ lệ thất bại là rất quan trọng (Bảng 1). Ở Mỹ Latinh, nhìn chung hầu hết các ao đều đã được thu hoạch. Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và các bệnh khác làm tăng tỷ lệ thất bại trong mô hình châu Á, nhưng tỷ lệ thất bại sẽ giảm khi kiểm soát tốt hơn trong các bể nhỏ hơn (mô hình châu Á cải tiến). Chi phí sản xuất trong các mô hình thâm canh của châu Á đã tăng lên do tỷ lệ thất bại cao. Các ao không mang lại nhiều lợi nhuận ở châu Á làm tăng thêm chi phí tổng thể. “Trở lại năm 2009, các nhà sản xuất Ecuador ghen tị với chi phí sản xuất ở châu Á, khi chúng ta có tỷ lệ sống và tỷ lệ thành công cao.”
Bảng 1. So sánh hiệu suất trung bình của ba mô hình
Do đó, các yếu tố được xem xét cho mô hình nuôi tôm trong 10 năm tới sẽ là số lượng tôm bổ sung. “Để tăng sản lượng, nguồn lực hiện có là gì? Đất ở Mỹ Latinh sẽ đắt hơn nhiều so với những năm 1980 khi nghề nuôi tôm mới bắt đầu. Yếu tố thứ ba là tính bền vững – hiệu quả và công nghệ. Mỹ Latinh đang áp dụng cả ba trong khi ở mô hình châu Á, công nghệ là chìa khóa cho sự thành công trong tương lai.”
SWOT
Đối với mô hình Mỹ Latinh (mô hình của Ecuador) thì điểm mạnh là ít dịch bệnh, nhưng tất cả các mầm bệnh có ở châu Á cũng có mặt trong ao nuôi ở Mỹ Latinh. Nhưng những tác nhân gây bệnh này không biểu hiện thành bệnh như ở châu Á do căng thẳng thấp hơn trong các ao lớn có tính chất quang hợp cao.
Điểm yếu là sản lượng thấp hơn, sử dụng đất và ao với diện tích lớn nên không thể thực hiện an toàn sinh học. Không phát triển ao nuôi mới, khó tăng nguồn cung tôm. McIntosh cho biết: “Họ có câu chuyện tốt hơn về tôm của họ. Nhưng mối đe dọa là không thể duy trì vị thế trên thị trường khi thị trường tôm mở rộng”.
“Trong các hệ thống nuôi thâm canh của châu Á ở Thái Lan và Việt Nam, với diện tích đất ít hơn, chúng ta có thể sản xuất được nhiều tôm hơn. Với nhiều công nghệ hơn, chúng ta có thể nuôi mật độ cao hơn. Với tôm bố mẹ sạch mầm bệnh cụ thể (SPF), chúng ta có thể có nhiều cải thiện hơn về kiểu hình và tốc độ tăng trưởng khi phát triển tôm bố mẹ SPF so với tôm bố mẹ phơi nhiễm với mầm bệnh (APE). Điểm yếu là căng thẳng trong ao nuôi nhiều hơn. Cơ hội chính là các công nghệ mới. Mối đe dọa lớn nhất là tăng nguy cơ xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới do căng thẳng. Chúng ta cần phát triển các công nghệ và di truyền mới cũng như quản lý hệ thống, để khắc phục các vấn đề môi trường. Công nghệ đang giúp ích cho ngành tôm ở châu Á, nhưng chúng ta không thể tiếp tục với tỷ lệ sống 65%, chúng ta cần tăng tỷ lệ sống lên 90% để giảm chi phí.”
APE so với SPF
Phương pháp thuần hóa và kháng bệnh ở dòng APE đã thành công khi nuôi mật độ thấp, nhưng chúng lại khó cải thiện các đặc điểm về tăng trưởng và tỷ lệ sống. McIntosh nói thêm: “ADG (tăng trưởng trung bình hàng ngày) với tôm bố mẹ APE là 0,135-0,20g, khác xa so với mức cải thiện tăng trưởng đạt được ở châu Á với các chương trình SPF. Tại trang trại Camanor ở Brazil, nơi CPF có cổ phần, đã gặp khó khăn trong việc sử dụng giống không có SPF khi nuôi mật độ cao, nơi có các mầm bệnh như Virus hoại tử cơ (IMNV) và EHP, tuy nhiên, trong các ao lớn với mật độ nuôi thấp, sẽ ít bị căng thẳng hơn với các vấn đề về dịch bệnh.”
Về việc sử dụng dòng SPF phát triển ở Mỹ Latinh, McIntosh cho biết, “Vào những năm 1990, tôm bố mẹ SPF ở Ecuador, nhập khẩu từ Hawaii nhưng có sức khỏe thấp. SPF sau này được phát triển ở Mỹ Latinh, sạch bệnh và khỏe mạnh. Sự phát triển của SPF ở Mỹ Latinh sẽ xảy ra khi có nhu cầu sản xuất nhiều hơn.”
Hiệu quả sử dụng đất
Với mô hình châu Á để sản xuất 5 triệu tấn trong 10 năm sẽ cần 35.000ha. “Mô hình Mỹ Latinh sẽ cần 1,75 triệu ha. Tuy nhiên, ngành tôm ở Mỹ Latinh không đứng yên và đang dần được nâng cấp với các thiết bị sục khí, máy cho ăn tự động và hố siphon ở các trang trại của Ecuador cũng như ở các quốc gia khác. Vì họ vẫn sử dụng dòng APE, nên điều này sẽ trở thành một hạn chế.”
Cũng có thể trang bị thêm các ao có kích thước lớn theo mô hình châu Á. Ở Guatemala, các ao lớn đã được chuyển đổi thành các ao nhỏ hơn để đạt năng suất 120 tấn/ha/năm với tỷ lệ sống 75%, trong khi mô hình năm 2014 đạt năng suất 8 tấn/ha/năm với tỷ lệ sống 45%.
Mô hình Châu Á thúc đẩy công nghệ
Ngược lại, mô hình châu Á được thúc đẩy bởi công nghệ và đã được chứng minh là giảm phát (chi phí thấp hơn). McIntosh nói: “Giá tôm đã giảm theo thời gian, nhưng khi chúng tôi tăng mật độ nuôi, tăng hiệu quả sử dụng đất, nước và năng lượng, áp dụng công nghệ này trong việc chọn giống, từ chọn lọc kiểu hình đến chọn lọc kiểu gen, mở ra nhiều khả năng chịu đựng và cải thiện khả năng sống trong điều kiện căng thẳng. Chúng tôi cũng đang sử dụng nhiều phân tích hơn trong quản lý.”
Các trang trại thâm canh cũng có một câu chuyện về môi trường xanh; chúng ta có thể trả lại vùng đất ven biển cho rừng ngập mặn. Chúng ta có thể thu gom rác thải và xử lý chúng một cách có trách nhiệm. Ở Việt Nam, chúng tôi sử dụng hầm biogas và thiết bị xử lý nước.”
Trong tương lai
Khi thảo luận về thị phần cho sản lượng toàn cầu 5 triệu tấn trong tương lai vào năm 2030, đây chỉ là dự báo dựa trên dữ liệu trước đó, McIntosh dự đoán rằng Mỹ Latinh với mô hình môi trường sạch của họ sẽ chiếm 40% thị phần. Ông nói thêm rằng 70% sản lượng của Mỹ Latinh sẽ đến từ các trang trại sử dụng mô hình châu Á với tôm SPF. Châu Á sẽ có 48% thị phần, với 95% sử dụng các mô hình thâm canh của Châu Á. Các nước sản xuất tôm khác như Trung Đông sẽ đóng góp 600.000 tấn theo mô hình châu Á.
Dự đoán về thị phần năm 2030 được McIntosh trình bày tại TARS 2021
Tiến sĩ Hoàng Tùng cho biết: “Việc theo dõi thị trường là điều cần thiết. Thị trường đã tăng trưởng ở mức 7-8% trong khi nguồn cung ở mức 10%. Nhiều nhà sản xuất cảm thấy rằng họ đã bão hòa thị trường vì lợi nhuận ngày càng giảm và rủi ro ngày càng cao. Cuối cùng, tôi tin rằng mô hình quảng canh và siêu thâm canh có thể chiếm ưu thế do rủi ro dịch bệnh thấp hoặc được kiểm soát tốt. Theo một nhà chế biến tôm sú hàng đầu Việt Nam, thế giới có nhu cầu tôm sú nhưng giá rẻ, chỉ cao hơn 1,2 lần so với tôm thẻ chân trắng. Có lẽ chúng ta cần sản xuất tôm ít nhưng chất lượng.”
Ngoài Mỹ Latinh, Jory lưu ý rằng mối quan tâm tập trung vào thị trường và năng lực sản xuất. “Trên toàn cầu, ngành này có công suất lắp đặt để sản xuất nhiều tôm hơn. Có những dấu hiệu cho thấy người nuôi tôm ở Trung Quốc đang thực hiện tốt hơn. Nhiều nhà cung cấp đang nhắm đến thị trường Trung Quốc. Châu Phi có thể có tiềm năng về các ao theo mô hình Mỹ Latinh. Các khu vực có tiềm năng mở rộng sản xuất tôm bao gồm Brazil, Colombia, Venezuela và một phần của Trung Mỹ, với điều kiện là có sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hậu cần.”
Cuối cùng, vì thị trường rất quan trọng đối với tính bền vững, Sorgeloos lưu ý rằng ở Ecuador, nông dân đã hợp tác để tạo uy tín cho sản phẩm tôm của họ. Liệu đây có phải là một mô hình để thực hiện theo không? So sánh hai nhà sản xuất lớn là Ấn Độ và Ecuador, Manoj nói rằng ở Ấn Độ, nơi chủ yếu là nông dân quy mô nhỏ, việc thực hiện chương trình chứng nhận là một nhiệm vụ to lớn nhưng Ecuador đã có lợi thế về vấn đề này với các trang trại lớn và tích hợp.
Theo Aqua Culture Asia Pacific
Nguồn: https://aquaasiapac.com/issue/nov-dec-2021/
Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh
TÔM GIỐNG GIA HÓA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG
Xem thêm:
- Rà Soát Lại Bệnh Vibriosis Trong Nuôi Tôm
- Vấn Đề Trong Nuôi Tôm Trong Mùa Mưa
- Các Biện Pháp An Toàn Sinh Học Giúp Giảm Thiểu Sự Thất Bại