Để giúp bà con nuôi tôm hiểu rõ hơn về bệnh đốm đen và một số biện pháp kỹ thuật hiệu quả nhằm xử lý sớm trong phòng và trị bệnh. Bệnh đốm đen trên tôm, đặc biệt là thẻ chân trắng xuất hiện ngày càng nhiều do nhu cầu thị trường và người nuôi tôm sản lượng cao, mật độ cao, từ đó sinh ra lượng chất thải ra môi trường nhiều hơn trong khi cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng với sự gia tăng các vụ nuôi tôm thẻ trong năm.
- Nguyên nhân tôm nhiễm bệnh
– Do vi khuẩn gây bệnh có trong nguồn nước ao nuôi. Loài vi khuẩn này có khả năng ăn mòn lớp vỏ kitin của tôm bằng các chất men đặc biệt được chúng tiết ra. Quan sát và theo dõi các dấu hiệu ban đầu cho thấy bệnh đốm đen rất giống với các triệu chứng của bệnh NHPB (Necrotizing hepatopancreatitis bacterium – hoại tử gan tụy) và bệnh EMS/AHPNS/AHPND (Vibrio parahaemolyticus bị nhiễm phage – bệnh hoại tử gan tụy cấp tính).
Vi khuẩn gây bệnh đốm đen
Tôm thường mắc bệnh trong giai đoạn 25 ngày đến cuối vụ nuôi và tỷ lệ chết lên tới 80 – 90%.
– Thiếu dinh dưỡng trong cơ thể và vitamin C để tạo sức đề kháng.
– Tôm thường có tỷ lệ mắc bệnh cao khi vào giai đoạn giao mùa, hoặc nhiệt độ nước tăng cao trên 29oC, thời tiết thay đổi bất thường kéo dài trong 5 – 7 ngày. Bệnh có thể xảy ra bất cứ thời gian nào trong năm.
– Ao nuôi nhiều vụ, nuôi mật độ cao, chất lượng nước không đảm bảo, độ kiềm thấp dưới 100 mg/l kéo dài, hàm lượng khí độc NH3, NO2, H2S vượt mức cho phép, hàm lượng oxy hòa tan thấp, dưới 0.4 ppm.
– Tùy điều kiện môi trường ao nuôi, thời tiết và sức khỏe của tôm mà tốc độ phát triển, lây lan bệnh diễn ra là nhanh hay chậm.
- Dấu hiệu bệnh đốm đen trên tôm thẻ chân trắng
– Giai đoạn đầu (1 – 3 ngày) sau khi nhiễm bệnh, tôm vẫn ăn bình thường, vẫn có thức ăn trong ruột, gan cũng chưa có dấu hiệu bất thường nhưng đuôi tôm bị mòn, râu cụt mà mọi người hay nhầm tưởng do tôm cắn lẫn nhau.
– Giai đoạn (4 – 7 ngày) bệnh nặng hơn, râu và đuôi của tôm chuyển sang màu đỏ, đuôi có thể bị phồng nhẹ. Xuất hiện các đốm đen nhỏ, ẩn dưới vỏ hoặc các mảng lớn ở giáp đầu ngực, phụ bộ, ở thân tôm, vùng mang đen, tôm xuất hiện những dấu trắng trên lưng, đục thân, ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt, nhiều đốm đen rải rác trên vỏ tôm. Vỏ tôm bị ăn mòn và có thể bị lở loét ở phần dưới vỏ, là nơi thuận lợi để các mầm bệnh khác như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,… tấn công vào cơ thể làm cho bệnh càng nặng thêm và tôm giảm ăn.
– Giai đoạn (sau 7 ngày) tôm bệnh nặng thường lờ đờ, tấp bờ, bỏ ăn, khó lột xác, bị dính vào vỏ cũ hoặc mất phụ bộ khi lột xác và tăng trưởng chậm.
Các đốm đen xuất hiện trên tôm
- Biện pháp phòng bệnh ngăn ngừa đốm đen trên tôm
– Nguồn giống được cung cấp từ các cơ sở, uy tín, không mang mầm bệnh.
– Ao nuôi tôm cần được thiết kế và xử lý đúng theo yêu cầu quy trình kỹ thuật.
– Mật độ thả nuôi hợp lý và tương ứng với từng mô hình nuôi.
– Đảm bảo quạt, hệ thống cung cấp oxy đầy đủ (> 5 mg O2/l) cho hệ vi sinh nền đáy phát triển tốt nhất.
– Giữ vững độ kiềm > 120 mg CaCO3/l, bổ sung các khoáng chất, chất diệt khuẩn vào ao nuôi ngay sau khi thả để giảm tối đa nguy cơ tôm nhiễm bệnh.
– Nên sử dụng định kì các chế phẩm sinh học 5-7 ngày/lần và nuôi theo quy trình an toàn sinh học.
– Thường xuyên kiểm tra mật độ vi khuẩn trong ao nuôi không vượt mức 500 CFU/ml định kỳ 5-7 ngày/ lần.
Quạt nước tăng cường oxy cho ao nuôi tôm
– Quản lý tốt chế độ cho ăn, bổ sung vitamin C, khoáng tổng hợp để tạo sức đề kháng và giúp quá trình lột xác cho tôm tốt hơn. Tùy vào điều kiện ao nuôi, mùa vụ, thời tiết mà có những điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp.
- Biện pháp trị bệnh đốm đen trên tôm
– Đối với môi trường ao nuôi:
+ Tiến hành diệt khuẩn 3 – 5 lần liên tục tùy theo mật khuẩn trong ao.
+ Sau 2 ngày diệt khuẩn, sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy nền đáy liều gấp 2 – 3 lần, liên tục 2 ngày.
+ Tăng cường hàm lượng oxy bằng các quạt nước, sục khí oxy vào ao nuôi.
+ Lấy mẫu nước kiểm tra các chỉ tiêu môi trường và theo dõi mật độ khuẩn trong ao hàng ngày.
– Đối với tôm nuôi:
+ Cắt giảm khẩu phần ăn của tôm từ 20 – 50%, tùy theo sức khỏe tôm.
+ Tăng cường bổ sung vitamin C, khoáng tổng hợp, men tiêu hóa, enzyme tiêu hóa để tăng cường hệ miễn dịch cho tôm trong suốt thời gian trị bệnh.
+ Không nên sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị để tránh gây lờn thuốc khi chưa khống chế được vi khuẩn trong môi trường nước.
* Lưu ý: có thể chữa trị khỏi bệnh cho tôm nhưng sau đó tôm sẽ bị xấu hình dạng, chất lượng cơ thịt không chắc chắn, thường bị giảm giá sản phẩm khi xuất bán. Tôm nuôi sau 15-20 ngày, nên đặt vó hoặc chài tôm kiểm tra xem tôm có nhiễm bệnh không để có biện pháp xử lý thích hợp.
Ths. Huỳnh Duy Phong – Công ty TNHH PTTS Bình Minh
“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”
Xem thêm:
- Tổng Quan Về Bệnh Gây Ra Do Vi Khuẩn Vibrio Trong Ngành Nuôi Tôm (Phần I)
- 10 Vấn Đề Thường Gặp Khi Nuôi Tôm
- Phương Pháp Phát Hiện Virus Gây Hội Chứng Đốm Trắng Trên Tôm Bằng Điện Cực Dùng Một Lần