Theo một nghiên cứu mới, việc cân bằng được tỷ lệ của thực vật phù du trong ao nuôi tôm có thể ngăn chặn sự phát triển của quần thể vi khuẩn Vibrio, bao gồm cả Vibrio parahaemolyticus – tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính – EMS / AHPND.

Cân bằng quần thể thực vật phù du trong ao nuôi tôm có thể giúp ngăn chặn mầm bệnh

Cân bằng quần thể thực vật phù du trong ao nuôi tôm có thể giúp ngăn chặn mầm bệnh

Dịch bệnh dường như luôn là một thách thức mà ngành nuôi tôm ở Indonesia phải đối mặt. Các bệnh do vi rút gây ra như vi rút hội chứng đốm trắng (WSSV), vi rút gây bệnh hoại tử cơ (IMNV) hoặc hội chứng taura (TSV), cũng như các bệnh do vi khuẩn gây ra, như vi khuẩn Vibrio – gây ra nhiều khó khăn cho người nuôi. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, được biết đến là nguyên nhân gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hay còn được gọi là hội chứng tôm chết sớm (EMS), gần đây đã trở thành mối quan tâm lớn đối với người chăn nuôi.

Bệnh AHPND đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng kể từ lần bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2009. Sau đó, nó đã lan sang một số nước Đông Nam Á – như Malaysia, Việt Nam và Thái Lan – làm cho năng suất của các nước này giảm mạnh sau mỗi đợt bùng phát. Indonesia may mắn không bị thiệt hại trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, do đó người dân ở nước này nên học hỏi trước kinh nghiệm từ các nước bạn láng giềng như Thái Lan và Việt Nam về cách phòng tránh và xử lý dịch bệnh.

Hành động để ngăn ngừa bệnh AHPND

Sau đây là một số hành động có thể được thực hiện để ngăn ngừa bệnh AHPND. Đầu tiên là đảm bảo rằng tất cả các nguồn – đặc biệt là nguồn tôm giống và nguồn nước biển – không có vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Prakan Chiarahkhongman – một chuyên gia về sức khỏe tôm thuộc Công ty Charoen Pokphand (CP) Foods của Thái Lan, đã từng tóm tắt rằng có ba quy trình chính để phòng chống bệnh AHPND, đó là giống sạch, nước sạch và ao sạch. Theo ông, những bước này là một trong những việc làm thành công để khôi phục lại năng suất sau khi dịch bệnh EMS bùng phát.

Việc duy trì con giống sạch, nước sạch và ao sạch là rất quan trọng trong việc phòng chống bệnh AHPND

Việc duy trì con giống sạch, nước sạch và ao sạch là rất quan trọng trong việc phòng chống bệnh AHPND

Để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh EMS trong tất cả các khu vực nuôi tôm ở Indonesia, chính phủ và các công ty liên kết – như Central Proteina Prima (CPP) và Japfa Comfeed Indonesia – đã đưa ra các khuyến nghị để ngăn chặn bệnh AHPND thông qua việc siết chặt các quy trình trong nuôi trồng thủy sản, như thực hiện công tác chuẩn bị tốt và tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học; sử dụng nguồn giống có giấy chứng nhận; quan sát AHPND trong nước, trầm tích, cơ thể tôm và phân; và thiết lập hệ thống xử lý nước. Cả chính phủ và các công ty tư nhân cũng đã chủ động tiến hành giám sát để sàng lọc và thực hiện các biện pháp đối phó, như nâng cao năng lực của các phòng thí nghiệm để kiểm tra bệnh AHPND.

Ngoài ra, vấn đề Dtôm chết sớm do vi khuẩn V. parahaemolyticus gây ra buộc người nuôi phải nỗ lực gấp đôi để đảm bảo rằng nguồn giống và nguồn nước đầu vào của họ không có vi khuẩn này. Người nuôi hiện đã bắt đầu thực hiện việc kiểm tra nước biển định kỳ trước khi bơm vào ao nuôi của họ và sẽ hoãn việc sản xuất lại cho đến khi họ thực sự chắc chắn rằng nước biển không chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Trong khi đó, chính phủ khuyến cáo người dân chỉ thả nuôi giống từ các cơ sở đã được chứng nhận đảm bảo rằng tôm giống của họ không có bệnh AHPND.

Những quy trình này đã hoạt động tốt đối với những nông dân đã áp dụng chúng một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, phòng trừ dịch bệnh là công việc được thực hiện liên tục trong suốt quá trình nuôi, do đó, các biện pháp an toàn sinh học cũng cần được áp dụng thường xuyên trong suốt quá trình sản xuất.

Tối ưu hóa mật độ của thực vật phù du

Sau khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa được đề cập ở trên, có một số cách để giúp ngăn ngừa bệnh AHPND khi quy trình đang được tiến hành. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất là giữ cho mật độ của thực vật phù du ở mức tối ưu để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Vibrio.

Heny Budi Utari – chuyên gia về sức khỏe tôm của CPP

Heny Budi Utari – chuyên gia về sức khỏe tôm của CPP

Theo chuyên gia sức khỏe tôm từ Cục Thú y CPP – Heny Budi Utari, thực vật phù du không chỉ cung cấp oxy và nguồn thức ăn tự nhiên, mà còn cung cấp bóng râm trong nước giúp tôm có thể hoạt động thoải mái và khỏe mạnh. Vì những con tôm giống này đến từ các trại giống được kiểm soát chặt chẽ, do đó, nó có thể bị stress khi chuyển sang ao nuôi. Nếu môi trường mới này không thoải mái, hệ thống miễn dịch của tôm có thể yếu đi, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh cơ hội như Vibrios phát triển.

Do đó, theo Utari, thực vật phù du nên có trong ao nuôi trước khi thả giống.

Tuy nhiên, thực vật phù du sau đó phải được duy trì với số lượng và thành phần loài một cách tối ưu. Sự nở hoa hoặc số lượng sinh vật phù du giảm mạnh có thể làm cho các thông số nước khác dao động mạnh. Việc thực vật phù du chết hàng loạt có thể làm cho vi khuẩn Vibrio phát triển mạnh. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến tôm stress, tạo điều kiện cho vi khuẩn Vibrio dễ dàng lây nhiễm cũng như tấn công hệ tiêu hóa của tôm.

Dựa trên quan sát của Utari, tôm bị nhiễm vi khuẩn Vibrios vẫn có thể sống sót cho đến khi thu hoạch, miễn là vấn đề nhiễm khuẩn này được xử lý nhanh chóng. Một trong những dấu hiệu của bệnh do Vibrio gây ra là sự hiện diện của tôm chết tập trung ở đáy ao, nhưng trước đó là sự suy giảm nghiêm trọng của sinh vật phù du. Trong tình huống này, Utari khuyến cáo người nuôi nên xi phông đáy ao và thay nước mới từ ao chứa của họ – nguồn nước mà họ đảm bảo rằng quần thể thực vật phù du phát triển tốt, để chất lượng nước được ổn định.

Ngoài ra, cũng có thể giảm thiểu việc cho ăn thức ăn công nghiệp để hạn chế chất thải hữu cơ từ thức ăn và phân. Thức ăn có thể được bổ sung các chế phẩm sinh học như Bacillus và Lactobacillus, vitamin C hoặc các sản phẩm miễn dịch khác – để cải thiện sức khỏe của tôm. Sau đó, người nuôi nên cấy và tạo sự cân bằng mới cho thực vật phù du bằng một số biện pháp xử lý, như bổ sung phân bón – CaCO3 hoặc CaMg(CO3)2, bột đậu nành lên men và vi khuẩn nitrat hóa – để tạo môi trường nước ổn định cho thực vật phù du phát triển. Utari nói rằng sự cân bằng của thực vật phù du sẽ trở lại sau 3-7 ngày và sau đó có thể tiếp tục nuôi cấy cho đến khi thu hoạch. Cô nói thêm rằng thậm chí có thể nuôi tôm lớn đến kích cỡ 20 sau khi nhiễm vi khuẩn Vibrio.

Utari khuyến nghị bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng cường sức khỏe cho tôm

Utari khuyến nghị bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng cường sức khỏe cho tôm

Nghiên cứu của Kamilia và cộng sự đã chỉ ra rằng mật độ và thành phần của thực vật phù du trong ao có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của ao. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng các ao có khối lượng thực vật phù du lớn hơn có năng suất cao hơn các ao có khối lượng thấp hơn. Ngoài ra, nghiên cứu cũng quan sát thấy mật độ của thực vật phù du lên đến 220.000 tế bào/ml cho thấy các tác động tích cực. Chúng thường dao động từ 500.000 – 1 triệu tế bào/ml. Thành phần loài thực vật phù du càng đa dạng thì càng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrios.

Trong một hội thảo trên web gần đây được thực hiện bởi Diễn đàn Tôm Indonesia (Forum Udang Indonesia / FUI), một người nuôi tôm kỳ cựu – Hardi Pitoyo, cũng đã nói về tầm quan trọng của việc cân bằng thực vật phù du trong ao nuôi. Tảo silic thuộc lớp Bacillariophyceae và tảo lam (BGA) từ Cyanophyta là hai nhóm sinh vật phù du mà ông nghiên cứu. Ông cho rằng tảo silic có hàm lượng protein tốt, nhưng quá dễ chết, vì vậy nên bổ sung thêm tảo lam. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng không nên cho phép tảo lam chiếm ưu thế, vì nó có thể gây độc cho tôm.

Ngoài ra, Pitoyo nói thêm rằng việc tảo lam chiếm ưu thế có thể là một chỉ báo về chất lượng nước không ổn định, vì dạng sinh vật phù du này có thể thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt. Trong những trường hợp này, người nuôi có thể sử dụng phân bón để khôi phục lại sự cân bằng của thực vật phù du. Pitoyo cũng đề xuất rằng chính phủ nên đưa ra các hướng dẫn liên quan đến việc nuôi và duy trì thực vật phù du trong quy trình sản xuất của mình, để người nuôi, đặc biệt là những người mới bắt đầu, có thể thực hiện đúng quy trình.

Theo The Fish Site

Nguồn: https://thefishsite.com/articles/how-plankton-management-can-help-to-reduce-vibrios-shrimp-farming-indonesia

Biên dịch: Huyền Thoại – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *