Những tiến bộ di truyền gần đây đang được dự đoán là những nhân tố có thể thay đổi chỗ đứng cho ngành tôm sú (Penaeus monodon), có khả năng mang lại sự phục hưng đáng kể cho một ngành đã tụt hậu xa so với tôm thẻ chân trắng trong những thập kỷ qua.

Tôm sú (Penaeus monodon)

Tôm sú (Penaeus monodon)

Điều này diễn ra như thế nào, ở đâu và khi nào sẽ là một trong những chủ đề chính của phiên thảo luận chủ yếu dành cho các nhà sản xuất tôm sú tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu sắp tới.

Willem van der Pijl, đồng sáng lập và MD của diễn đàn, người sẽ chủ trì phiên thảo luận giải thích: “Tôm sú đã chuyển từ một loại hàng hóa thành một sản phẩm. Một vài năm trở lại đây, chỉ những nông dân nuôi theo hình thức quảng canh mới thả tôm sú. Họ thường thả với mật độ dưới 5 con/m2 trong hệ thống không cho ăn.”

Ông nói thêm: “Giờ đây, Ấn Độ đã có những đột phá lớn trong di truyền tôm sú, đây có thể được xem là một giải pháp thay thế có ích cho những nông dân không thể cạnh tranh trên thị trường tôm thẻ chân trắng được nữa. Giá cả giảm, chi phí tăng và điều này thực sự khó khăn đối với các nhà sản xuất quy mô nhỏ trong việc cạnh tranh với những nhà sản xuất lớn trong ngành tôm ở Việt Nam và Ecuador.”

Tôm sú có thể được nuôi đại trà trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn

Tôm sú có thể được nuôi đại trà trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn

Phiên thảo luận sẽ bao gồm ý kiến đóng góp từ một số người nuôi tôm sú tận tâm nhất trên thế giới – bắt đầu với Robins Mackintosh của CP Foods, người sẽ đi sâu vào chi tiết của những cải tiến trong di truyền tôm sú và tác động của chúng đối với ngành, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi loài tôm này đang bắt đầu phục hưng.

Tiếp theo đó là Dhaval Contractor, một đối tác tại Vaishnavi Aquatech, người sẽ cung cấp những thông tin độc quyền về trung tâm nhân giống tôm sú bố mẹ SPF mới mà công ty đã phát triển. Đây là công ty di truyền tôm vừa thành lập vào tháng này – hợp tác với Moana và có trụ sở tại Hawaii.

Willem van der Pijl lưu ý: “Một số nông dân ở Ấn Độ đã bắt đầu nuôi tôm sú trở lại. Có thể thấy rằng, đây là một cơ hội thú vị để người nuôi không phụ thuộc hoàn toàn vào tôm thẻ chân trắng. Họ có thể thả nuôi tôm sú với mật độ thấp nhưng vẫn đạt được hiệu suất cao và bán được với giá cạnh tranh.”

Mô hình này đã được phản ánh ở Bangladesh, nơi mà tôm sú SPF được nuôi cùng với tôm hoang dã. Đây sẽ là chủ đề trong bài thuyết trình của Khondokar Mahbubul Haque, tổng giám đốc Cục thủy sản Ấn Độ.

Sau đó, bộ ba sẽ tham gia thảo luận với ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú, người sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về ngành tôn sú ở Việt Nam – nơi có sản lượng tôm nuôi lớn nhất thế giới.

Van der Pijl giải thích: “Họ sẽ thảo luận về xu hướng sản xuất tôm sú và xem rằng liệu sản lượng của tôm sú có khả năng tăng vọt trong vài năm tới vì sự di truyền tốt hơn hay không.”

Trong khi đó, việc cải thiện di truyền ở tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) sẽ là chủ đề được Glen Illing, cổ đông của Enzootic thảo luận. Việc này sẽ bao gồm những thông tin chi tiết về các lựa chọn khác nhau để lai tạo – với 100% dòng đực và 100% dòng cái của mỗi loài sẽ được chọn để cung cấp cho các thị trường ngách.

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii)

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii)

Van der Pijl giải thích: “Theo truyền thống, để tôm càng xanh đạt được kích thước lớn, các nhà sản xuất đã sử dụng 100% giống đực, nhưng giờ đây, họ phát hiện ra rằng việc sử dụng 100% giống cái giúp tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn vào thời gian đầu, do đó, nó có khả năng cạnh tranh với tôm sú và tôm thẻ chân trắng cỡ trung.”

Glen Illing cũng sẽ phổ biến những kế hoạch của công ty để trở thành một nhà sản xuất tích hợp theo chiều dọc, sau sự thành lập gần đây của một trang trại tích hợp và hệ thống trồng trọt ở Thái Lan.

Một dự án quan trọng khác được chú ý sẽ là phát triển trang trại nuôi tôm sú của Primstar ở Nigeria trong vài năm qua. Điều này sẽ được thảo luận bởi Harm Kampen, người sẽ trình bày chi tiết những nỗ lực của công ty trong việc tiến vào thị trường tôm cao cấp của Pháp.

Phiên họp sẽ kết thúc bằng một cuộc thảo luận về việc liệu thị trường tôm sú và tôm càng xanh có thể gia tăng được sản lượng hay không. Sự kiện này có sự tham gia của Heiko Lenk, MD của Lenk Frozen Foods, một trong những nhà chế biến tôm sú lớn nhất ​​Bangladesh cho thị trường châu Âu và Philippe Blais, giám đốc chất lượng và bền vững tại Unima Group – công ty sản xuất tôm sú cao cấp ở Madagascar.

Nuôi tôm càng xanh

Nuôi tôm càng xanh

Van der Pijl kết luận: “Câu hỏi chính mà tôi muốn trả lời trong buổi hội thảo là: Với những cải tiến này trong di truyền, liệu tôm sú có thể một lần nữa bắt đầu cạnh tranh với tôm thẻ chân trắng như một loài tôm cao cấp, không chỉ được sản xuất bởi những người nông dân quy mô nhỏ mà còn với số lượng lớn hơn bởi các nhà sản xuất bán thâm canh trên khắp châu Á, Châu Phi và thậm chí có thể trong tương lai trên khắp Trung và Nam Mỹ?”

Theo The Fish Site

Nguồn: https://thefishsite.com/articles/could-genetic-breakthroughs-breathe-new-life-into-the-monodon-and-macrobrachium-sectors-global-shrimp-forum

Biên dịch: Huyền Thoại – Tôm Giống Gia Hóa Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *