Phân tích về tính bền vững của vòng đời mới (LCSA) nhằm đánh giá việc sử dụng vi tảo làm nguyên liệu thức ăn thay thế cho dầu cá có tác động lên môi trường. Mặc khác, nó giúp xác định được những cân nhắc chính về tính bền vững – liệu việc chuyển đổi này có thể giúp giảm gánh nặng lên môi trường nhờ vào sản xuất thức ăn thủy sản nguyên liệu biển sang đất liền.

Dạng bột mảnh của vi tảo Schizochytrium sp.

Các nhà nghiên cứu của cơ sở nuôi trồng thủy sản sinh thái UC Santa Cruz đã phát triển LCSA để ghi lại những lợi ích và tác động đến môi trường về việc sử dụng vi tảo Schizochytrium sp. như một thành phần thức ăn trong nuôi trồng thủy sản để thay thế dầu cá có nguồn gốc từ thức ăn cá đánh bắt tự nhiên.

Phát hiện của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Elementa, rằng Schizochytrium sp. có thể là một thành phần thức ăn chăn nuôi bền vững hơn dầu cá liên quan đến tác động của sự nóng lên toàn cầu và sử dụng các nguồn tài nguyên sinh vật từ các sinh vật sống. Tuy nhiên, có những tác động môi trường tương đối lớn hơn ở các lĩnh vực khác – như sử dụng nước ngọt, sử dụng đất và khả năng ô nhiễm chất dinh dưỡng trong đại dương và nước ngọt – chủ yếu do các bước trong quy trình sản xuất vi tảo có liên quan đến nông nghiệp trên đất liền.

Các nhà nghiên cứu nói rằng việc xác định sự đánh đổi này là rất quan trọng trong việc cân nhắc lợi ích của Schizochytrium sp. như một thành phần thức ăn cho cá trong nuôi trồng thủy sản. Trong nỗ lực loại bỏ áp lực của hệ sinh thái đại dương, một số loại thức ăn nuôi trồng thủy sản hiện đang được pha chế với nhiều loại thành phần khác nhau để thay cho dầu cá. Vi tảo biển là những lựa chọn đầy hứa hẹn vì chúng có thể cung cấp cho cá nuôi trong trang trại với hàm lượng axit béo Omega-3 tương tự như cá tự nhiên.

Thức ăn thủy sản dạng viên

Schizochytrium sp. là một trong số ít các vi tảo được sản xuất ở quy mô thương mại để sử dụng làm các chất bổ sung cho chế độ ăn của cho con người và thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. Các nhà nghiên cứu của UC Santa Cruz đã thử nghiệm nó để tạo ra các lựa chọn thức ăn mới không chứa cá có hiệu suất cao, và họ muốn hiểu rõ hơn về tính bền vững tổng thể của Schizochytrium sp. bằng cách xem xét toàn bộ quy trình sản xuất của nó thông qua đánh giá tính bền vững của vòng đời.

Brandi McKuin, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại UC Santa Cruz và là tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết: “Nghiên cứu này có thể hữu ích cho các công ty sản xuất vi tảo và các nhà sản xuất thức ăn thủy sản về việc hiểu tác động môi trường đối với thành phần thức ăn chăn nuôi này là gì, đồng thời cung cấp các nỗ lực nhằm thực hiện các cải tiến có mục tiêu trong quá trình sản xuất. Nhìn chung, tôi nghĩ những phát hiện của chúng tôi là một thông điệp đầy hy vọng rằng vi tảo có thể là một thành phần thức ăn thay thế bền vững, cùng với một chút nghiên cứu trên toàn bộ chuỗi cung ứng, nó có thể trở nên hơn thế nữa.”

Nhóm nghiên cứu đặc biệt tập trung vào việc so sánh tính bền vững của dầu cá so với hỗn hợp của Schizochytrium sp. và dầu hạt cải để thay thế cả axit béo DHA Omega-3 và hàm lượng lipid của dầu cá. Hai lựa chọn thành phần thức ăn chăn nuôi này được phân tích theo sáu hạng mục bền vững: rủi ro tiểm ẩn về hiện tượng nóng lên toàn cầu, tiêu thụ nước, sử dụng đất, tiềm năng dinh dưỡng từ biển, tiềm năng dinh dưỡng từ nước ngọt và sử dụng tài nguyên sinh vật.

Cho cá hồi ăn

Cho cá hồi ăn

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu đã công bố và bằng sáng chế để lập mô hình tác động bền vững của cả hai thành phần, sau đó họ xác thực các giả định của mình với các cố vấn tình nguyện trong ngành. Nghiên cứu cũng xem xét một số phương pháp khác nhau để điều chế Schizochytrium sp. để đưa vào thức ăn cho cá, vì nó có thể được sử dụng dưới dạng toàn tế bào hoặc chế biến thành dầu bằng kỹ thuật vi sóng hoặc chiết xuất dung môi.

Các thành phần thức ăn chăn nuôi được xây dựng bằng cách sử dụng Schizochytrium sp. có ít tác động hơn dầu cá về việc suy giảm nguồn tài nguyên sinh vật ở tất cả các hình thức chế biến, trong khi phương pháp toàn tế bào có khả năng nóng lên toàn cầu thấp hơn đáng kể so với dầu cá, do ít quá trình xử lý hơn so với phương pháp chiết xuất dầu từ Schizochytrium sp. Nhưng giữa hai phương pháp chiết xuất dầu, chiết xuất bằng dung môi thông thường có tác động môi trường thấp hơn đáng kể so với chiết xuất bằng kỹ thuật vi sóng ở tất cả các loại trừ khả năng nóng lên toàn cầu.

Trong khi đó, Schizochytrium sp. có tác động môi trường cao hơn dầu cá đối với việc tiêu thụ nước ngọt, sử dụng đất, tiềm năng dinh dưỡng từ biển và tiềm năng dinh dưỡng từ nước ngọt, một phần lớn là do Schizochytrium sp. phải được cho ăn đường trong khi nó đang được trồng thương mại. Những loại đường này đến từ các nguồn nông nghiệp trên đất liền. Nghiên cứu đã phân tích cụ thể hai nguồn: mía được trồng ở Brazil và củ cải đường được trồng ở Hoa Kỳ.

Kết quả của các nghiên cứu cho thấy tác động lớn của quá trình canh tác đối với các loại đường này về tính bền vững tổng thể của Schizochytrium sp., đây có thể là một tiềm năng lớn.

Giáo sư nghiên cứu môi trường Anne Kapuscinski, tác giả chính của bài báo mới cho biết: “Các công ty thực sự có thể sử dụng những kết quả này để khuyến khích tăng tính bền vững trong cách trồng các loại cây lấy đường này. Nếu việc sản xuất những loại cây này có thể sử dụng ít nước hơn, tiết kiệm đất hơn, hoặc sử dụng ít phân bón hoặc phân hữu cơ hơn, thì nghiên cứu này có thể giúp mở ra cánh cửa để có thể hỗ trợ những lợi ích như vậy.”

Nhìn chung, nghiên cứu minh họa cách thay thế dầu cá có nguồn gốc từ đại dương bằng các thành phần thức ăn thay thế trong nuôi trồng thủy sản giúp chuyển gánh nặng môi trường từ biển sang đất liền. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nói rằng việc sắp xếp thứ tự ưu tiên trong số những hình thức đánh đổi này là một quá trình phức tạp. Mỗi lợi ích và tác động phải được cân nhắc trong bối cảnh toàn cầu và khu vực.

Kapuscinski nói: “Mọi lựa chọn đều có một số tác động đến môi trường, vì vậy bạn luôn phải đánh đổi sự cân bằng trong quá trình đánh giá vòng đời. Không có một giải pháp nào là hoàn hảo, nhưng việc đưa ra những ước tính như thế này về tác động của nó, dựa trên bằng chứng khoa học tốt nhất hiện có, thực sự có thể giúp đưa ra quyết định sáng suốt trong các nỗ lực bền vững.”

Theo The Fish Site

Nguồn: https://thefishsite.com/articles/sustainability-picture-of-alternative-feed-ingredients-becomes-more-complex

Biên dịch: Huyền Thoại – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *