Các ao nuôi tôm hình tròn ngày càng được những người nông dân và các doanh nghiệp quy mô nhỏ sử dụng nhiều ở Indonesia, điều này cũng đang được chính phủ của họ ủng hộ.

Một số ao nuôi tôm hình tròn mới nhất của anh Rizky Darmawan ở Indonesia

Một số ao nuôi tôm hình tròn mới nhất của anh Rizky Darmawan ở Indonesia

Indonesia là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất ở Đông Nam Á. Vào những năm 1980, tôm sú (Penaeus monodon) là đối tượng được nông dân nuôi rộng rãi trong các ao hình chữ nhật lớn với diện tích trung bình từ 2.500 – 5.000 m2.

Từ khi hầu hết các hộ nuôi chuyển sang sản xuất tôm thẻ chân trắng vào đầu những năm 2000, do vi rút gây hội chứng đốm trắng (WSSV) bùng phát nghiêm trọng trên các loài tôm sú. Cho đến nay, ngoài việc sử dụng lớp lót nhựa HDPE hoặc lớp bê tông cho ao thì các loại ao nuôi này vẫn còn rất ít sự thay đổi.

Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, mô hình nuôi tôm đã bắt đầu thay đổi, bao gồm cả việc xây dựng một số ao nuôi nhỏ hơn, có diện tích từ 1.000 m2 trở xuống. Sự phổ biến của các loại ao kích cỡ nhỏ này xuất phát từ những người muốn tham gia vào lĩnh vực nuôi tôm nhưng bị hạn chế về vốn và đất đai. Ban đầu, những ao nhỏ này có dạng hình chữ nhật truyền thống với cấu trúc rất đơn giản (sử dụng tre làm khung và lót bạt). Loại ao này được những người nông dân ở đảo Madura, tỉnh Đông Java thực hiện trong các khu sau nhà.

Gần đây, xu hướng chuyển đổi sang các ao nuôi tôm quy mô nhỏ thiết kế theo hình tròn, có đường kính từ 5 đến 30 mét. Đây là loại hình trang trại phổ biến trong giới người nuôi trẻ. Đồng thời, nhà nước và các công ty tư nhân cũng đang tham gia vào việc phát triển loại hình ao này thành một mô hình thí điểm cho thế hệ Y và người nuôi có quy mô nhỏ.

 Tìm kiếm giải pháp tốt nhất

Anh Rizky Darmawan là một trong những nông dân đang thử nghiệm mô hình ao hình tròn. Chàng nông dân thuộc thế hệ Y này, đồng thời là chủ tịch Hội nông dân nuôi tôm trẻ của Indonesia (gọi tắc là Petambak Muda Indonesia / PMI) đã phát triển các thiết kế hình tròn kể từ năm 2019 tại khu vực ao hiện có của mình ở Tây Nusa Tenggara (NTB). Anh lấy cảm hứng từ một người nuôi mang tên Erwin Budiman đến từ thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra đã bắt đầu sử dụng mô hình này vào năm 2016 và hiện là chủ tịch của Câu lạc bộ Tôm Indonesia (SCI) tại Medan.

Anh cho biết: “Chúng tôi xây dựng hai ao nuôi hình tròn đầu tiên vào năm 2019. Các ao hiện tại của chúng tôi đang bước sang chu kỳ thứ 4. Ban đầu, chúng tôi quyết định xây dựng các ao hình tròn để lấp đầy dải đất hẹp còn lại trong khu vực ao của mình. Đồng thời, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và phát triển (R & D) mô hình này tại khu vực của chúng tôi”.

Anh ấy cũng đang thử nghiệm việc sử dụng các ao tròn để ương tôm của mình, vì anh ấy có thể dễ dàng chuyển tôm nhỏ sang các ao lớn để nuôi thương phẩm.

Hiện anh đang vận hành 10 ao hình tròn có đường kính trung bình 20 mét (diện tích sản xuất là 3.140 m2). Bên cạnh đó, anh cũng đang xây dựng thêm 35 ao ở hai địa điểm khác.

Nhìn chung, ao nuôi tôm hình tròn được xây dựng bằng cách dùng lưới thép hoặc tre làm khung và lớp nhựa HDPE làm lớp lót bên trong. Tuy nhiên, cũng có những người sử dụng kết hợp thép mạ kẽm và sợi thủy tinh. Đường kính của các ao thay đổi từ 3 đến 30 mét.

Do mô hình này còn mới nên người nuôi tôm vẫn chưa hiểu hết để tốt quản lý hệ thống ao nuôi này.

Trong quá trình nghiên cứu của mình, anh Rizky không áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn nào mà thay vào đó, anh thử nghiệm các phương pháp sản xuất khác nhau. Anh giải thích: “Chúng tôi chỉ quyết định thử và xem xét kết quả như thế nào. Nếu mô hình đó có hiệu quả, chúng tôi có thể tăng hiệu quả của các ao nuôi của mình.”

Theo Rizky, ưu điểm của thiết kế ao hình tròn là để đảm bảo việc lưu thông nước dễ dàng, do đó chất thải được loại bỏ dễ dàng hơn qua cống trung tâm. Ngoài ra, kích thước ao nhỏ hơn giúp dễ dàng kết hợp với các công nghệ mới, chẳng hạn như RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn).

Trong khi đó, thách thức là các kỹ thuật viên của trang trại phải cố gắng tập trung vào nhiều loại ao khác nhau trong cùng một khu vực. Trong khi một ha truyền thống có từ 2 đến 4 ao hình chữ nhật và các ao hình tròn có thể chứa từ 10 đến 20 đơn vị nên có thể gây tốn công hơn.

Anh lưu ý: “Tuy nhiên, do ao được chia thành nhiều đơn vị nên việc nuôi tôm trở nên tương đối an toàn. Vì khi dịch bệnh xảy ra, tôm bị ảnh hưởng sẽ ít hơn. Vì vậy, chúng tôi có thể giảm thiểu rủi ro”.

Anh Risky nhận thức rằng điều quan trọng nhất là duy trì lợi nhuận. Thay vì áp dụng công nghệ mới nhất ngay lập tức vào các ao tròn của mình, anh ấy bắt đầu với công nghệ thấp hơn cho đến khi tìm ra hệ thống tối ưu. Anh ấy vẫn chưa đầu tư vào số hóa và công nghệ liên quan đến công nghệ IoT.

Do đó, hiện anh đang thả tôm với mật độ 150 con post/m2. Với mật độ này, mục tiêu sản lượng mà anh muốn đạt được là 1,3 tấn / ao trong 90 ngày (tương đương 41 tấn/ha).

Để quản lý chất lượng nước, anh đã áp dụng các phương pháp tương tự như các ao nuôi thông thường, thay nước hàng ngày nếu cần. Anh cũng đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ để tìm ra cách tốt nhất để duy trì mức oxy hòa tan bằng cách thử nghiệm nhiều cách kết hợp khác nhau, bao gồm việc sử dụng 1 cánh khuấy với 1 quạt thổi, 2 cánh khuấy với 1 quạt thổi và 1 cánh khuấy với 1 nanojet.

Anh cho biết: “Gần đây, chúng tôi có thể thu gom bùn ở giữa ao bằng cách sử dụng một cánh khuấy. Vì vậy, chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp này cho chu kỳ tiếp theo.

 

Việc quản lý thức ăn cũng gần giống như trong các ao lớn khác. Anh sử dụng máy cho ăn tự động Profeeder, được sản xuất bởi Công ty Phát triển Nuôi trồng Thủy sản Indonesia, để đạt được tính hiệu quả và tính chính xác cao. Với hệ thống này, anh có thể nhận được hệ số chuyển đổi thức ăn trung bình (FCR) dưới 1,2.

Anh Rizky dự đoán rằng các ao hình tròn sẽ ngày càng trở nên phổ biến ở Indonesia. Một số nông dân là thành viên của PMI cũng đã bắt đầu phát triển mô hình này. Anh cũng cho biết rằng anh cũng được nhiều người thăm hỏi về việc xây dựng hệ thống này.

Anh nói: “Những nông dân khác đã phát triển thiết kế của riêng họ, tôi cũng đã đến tham quan và học hỏi.”

Công ty Central Proteina Prima (CPP) hợp tác với những nông dân có nguồn lực hạn chế về vốn và đất đai, hiện đang ủng hộ các ao nuôi hình tròn.Công ty Central Proteina Prima (CPP) hợp tác với những nông dân có nguồn lực hạn chế về vốn và đất đai, hiện đang ủng hộ các ao nuôi hình tròn.

Cơ hội cho người nuôi quy mô nhỏ

Hệ thống ao tròn cũng được khởi xướng bởi ông Nonot Tri Waluyo, một nhà sản xuất tôm từ một công ty thủy sản tổng hợp, mang tên Central Proteina Prima (CPP). Thông qua công ty của mình, ông nhắm đến những nông dân có nguồn lực hạn chế về vốn và đất đai để trở thành đối tác của mình. Theo ông, ưu điểm của mô hình ao tròn bao gồm việc sử dụng hiệu quả đất, thiết thực hơn, chi phí thấp hơn và phù hợp với các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ. Ông cũng lưu ý rằng những ao này có thể được xây dựng chỉ trong 48 giờ.

Các ao tròn do các đối tác của CPP sở hữu có đường kính từ 15 mét. Tuy nhiên, theo Nonot, hầu hết các ao này có đường kính từ 28 đến 30 mét. Để có hiệu suất tối ưu, ao 30 mét cần ba cánh khuấy để duy trì mức oxy hòa tan.

Mật độ nuôi với hệ thống này có thể được đẩy lên 200 con tôm post / m2. Nhưng tất nhiên việc quản lý trang trại sẽ khó khăn hơn vì mật độ nuôi cao hơn. Theo ông Nonot, đối với quy mô hộ gia đình thì mật độ 100 – 125 con / m2 khá có lợi và thực tế hơn để đạt được tỷ lệ sống của tôm là 80 – 90%.

Ông Nonot tin rằng việc quản lý chất lượng nước trong ao tròn sẽ dễ dàng hơn vì chất thải hữu cơ có thể được tập trung ở trung tâm của ao và dễ dàng được loại bỏ thông qua cống trung tâm. Vì vậy, “nơi ở” cho tôm cũng ngày càng rộng hơn. Tình trạng này có thể làm giảm mức độ căng thẳng của tôm và giúp tôm khỏe mạnh hơn.

Ông Nonot và công ty CPP đã khởi xướng ao nuôi tôm hình tròn này ở nhiều vùng khác nhau, bao gồm Lampung, Trung Java, Đông Java và Tây và Đông Nusa Tenggara.

Các ao nuôi tôm hình tròn này là một phần trong Dự án Nuôi tôm của thế hệ Y tại Situbondo, Đông JavaCác ao nuôi tôm hình tròn này là một phần trong Dự án Nuôi tôm của thế hệ Y tại Situbondo, Đông Java

Nuôi tôm thế hệ Y (MSF)

Dự án nuôi tôm trong ao tròn cũng được phát triển bởi Bộ Biển và Nghề cá (MMAF) thông qua một số trung tâm nghiên cứu. Kiểu ao này được xây dựng như một dự án thí điểm và cũng là cơ sở học tập cho những nông dân trẻ muốn tham gia vào việc nuôi tôm. Do đó, dự án này được gọi là Dự án Nuôi tôm thế hệ Y (MSF), được khởi xướng bởi MMAF và một mạng lưới khởi nghiệp nghề cá Indonesia, có tên là Digifish Network.

Thông qua dự án MSF, chính phủ đang hướng đến sự phát triển của nông dân trẻ ở Indonesia. Những nông dân này được kỳ vọng sẽ là những người đóng góp cho sản xuất tôm quốc gia và có thể giúp tăng giá trị xuất khẩu tôm của đất nước lên tới 250% từ năm 2020 (khi giá trị này đạt 2 tỷ đô la) vào năm 2024.

Các trang trại thí điểm của MSF sử dụng các công nghệ mới nhất, chẳng hạn như kỹ thuật số hóa và IoT, để tăng tốc độ ra quyết định và giảm thiểu thiệt hại nếu dịch bệnh bùng phát.

Một trong những ứng dụng công nghệ mới nhất đang được thử nghiệm tại các cơ sở MSF là Bong bóng mịn hòa lẫn với oxy -Oxygen-Mixed (Oxy-Mix) Fine Bubble, được sản xuất bởi nhà nghiên cứu Wendy Prabowo tại UTP ở Đông Java. Chúng có khả năng tạo ra oxy từ hai nguồn, đó là từ không khí tự do và oxy lỏng. Sự kết hợp này có thể tạo ra oxy ở dạng nano và bong bóng siêu nhỏ có thể duy trì nồng độ oxy trong nước đúng cách.

Ông Slamet Soebjakto-Tổng giám đốc nuôi trồng thủy sản của MMAF cho biết:”Dự án nuôi tôm thế hệ Y (MSF) là một trong những chương trình nổi bật của MMAF, nhằm thúc đẩy nghề nuôi tôm và cải thiện kinh tế địa phương. Việc lắp đặt dự án MSF thí điểm đã được xây dựng tại hai địa điểm của Đơn vị triển khai kỹ thuật (Đơn vị Pelaksana Teknis / UPT) của Tổng cục Nuôi trồng thủy sản, cụ thể là ở Jepara và Situbondo.”

Theo The Fish Site

Biên dịch: Huỳnh Thùy – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

Nguồn: https://thefishsite.com/articles/the-circular-economy-why-indonesian-shrimp-farmers-are-changing-the-shape-of-their-ponds

 

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *