Theo giáo sư Jin Niu

Nghiên cứu đã chứng minh tác động có lợi của tảo biển đến sự tăng trưởng, phản ứng miễn dịch, cũng như hệ vi sinh của đường ruột của tôm.

Tảo Biển Đỏ - Tảo Bẹ Châu Á - Tảo Bẹ Wakame -Khẩu Phần Ăn - Tôm Thẻ Chân Trắng

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy các loại tảo vĩ mô khác nhau như tảo biển đỏ (Gracilaria sp; ảnh bên trái) và tảo bẹ châu Á hoặc tảo bẹ wakame (ảnh ở giữa, bên phải; Undaria pinnatifida), ngoài việc là thực phẩm phổ biến ở nhiều nước châu Á, chúng còn có thể trở thành những thành phần có chức năng ăn kiêng trong thức ăn thủy sản L. vannamei. Ảnh bên trái: Gracilaria sp. Ảnh của Emoody26 tại trang Wikipedia tiếng Anh, CC BY 3.0 (qua Wikimedia Commons). Ở giữa: Ảnh của 박미희, CC BY 2.0 KR (qua Wikimedia Commons). Phải: tảo bẹ châu Á dưới nước. Ảnh của National Marine Sanctuaries (Public domain, qua Wikimedia Commons. National Marine Sanctuaries, Public domain, qua Wikimedia Commons).

Nhiều loài rong biển hoặc tảo biển khác nhau đã được sử dụng làm thức ăn cho người tại nhiều quốc gia nhằm thay thế các thành phần thức ăn có nguồn gốc từ động vật được chăn nuôi trên cạn. Đây là một nguồn sắc tố giúp tăng cường hoạt động chống oxy hóa, chống viêm, cải thiện chức năng đường ruột và cho nhiều mục đích sử dụng khác. Rong biển hiện nay cũng đang ngày càng được chú ý do chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học có lợi đối với một số loài nuôi trồng thủy sản chính như: cá hồi vân, cá vược, tôm sú và tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, cũng như một số loài khác. Rong biển được coi như là chất bổ sung vào chế độ ăn để cải thiện chất lượng thức ăn dạng viên, hiệu quả sử dụng thức ăn, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm từ thủy sản.

Một số loài tảo biển đã được kiểm nghiệm là thành phần tiềm năng trong khẩu phần ăn của tôm. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng đâu đó vẫn có những loại tảo biển khác có thể trở thành thành phần thức ăn cho tôm, bao gồm cả những loại tảo có tầm quan trọng về kinh tế cũng cần được kiểm tra và so sánh đồng thời cả về mặt dinh dưỡng, lẫn những tác dụng có lợi khác của chúng đối với tôm nuôi.

Bài báo này được tóm tắt và điều chỉnh từ ấn phẩm gốc của ông Jin Niu  và các cộng sự vào năm 2019. So sánh và đánh giá bốn loài tảo biển có thể trở thành thành phần trong khẩu phần ăn ở tôm thẻ chân trắng trong điều kiện nuôi bình thường và trong môi trường có nguy cơ gây hội chứng đốm trắng (WSSV). Bài báo cáo về nghiên cứu này đã đánh giá bốn loài tảo biển, bao gồm: tảo đỏ (Porphyra haitanensis), tảo bẹ Undaria (Undaria pinnatifida), tảo nâu (Saccharina japonica) và tảo đỏ (Gracilaria lemaneiformis) là thành phần trong chế độ ăn có tác động đến sự tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và hệ vi sinh vật đường ruột, cũng như khả năng chống lại Virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) ở tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei) tại giai đoạn ấu trùng.

Thiết lập nghiên cứu

Các mẫu tảo biển sấy khô và nghiền mịn được cung cấp từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Dự án Tảo Quốc gia của Trung Quốc. Chế độ ăn vào ngày 1 là chế độ ăn đối chứng và không có bổ sung tảo vĩ mô. Chế độ ăn từ ngày 2 đến ngày 5 sẽ được bổ sung thêm tảo đỏ (Porphyra haitanensis-PH), tảo bẹ Undaria (Undaria pinnatifida-UP), tảo nâu (Saccharina japonica-SJ) và tảo đỏ (Gracilaria lemaneiformis-GL) tương ứng theo từng ngày.

Thử nghiệm cho ăn được thực hiện tại Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Trước khi thử nghiệm, ấu trùng tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) đã được làm quen với chế độ ăn đối chứng trong hai tuần. Sau đó 600 con tôm (trọng lượng cá thể khoảng 0,65 ± 0,01 gam) không được cho ăn trong 24 giờ, sẽ được cân, phối ngẫu nhiên trong 15 bồn nhựa cốt sợi thủy tinh,  nuôi trong vòng 56 ngày được cho ăn theo khẩu phần đối chứng và khẩu phần thí nghiệm.

Để biết thông tin chi tiết về cách thiết lập thử nghiệm; nuôi trồng; chuẩn bị chế độ ăn uống; thu thập mẫu; phân tích thành phần của tảo vĩ mô trong khẩu phần ăn và trong mẫu tôm; phản ứng miễn dịch; kiểm tra nguy cơ hội chứng bênh đốm trắng (WSSV) và thu nhận kết quả; các phân tích thống kê, hãy tham khảo ấn phẩm gốc.

Kết quả và thảo luận

Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng tôm có khẩu phần ăn chứa tảo đỏ (Gracilaria lemaneiformis-GL) có mức tăng trưởng cao nhất và lớn hơn đáng kể so với tôm ăn khẩu phần đối chứng và tảo nâu SJ. Điều này cho thấy rằng loại rong biển này là thành phần thức ăn phù hợp nhất so với ba loại tảo vĩ mô khác mà chúng tôi đã thử nghiệm. Dữ liệu cũng cho thấy một phản ứng cụ thể của từng loài đối với tảo vĩ mô và ngay cả những loại rong biển có hàm lượng thấp trong khẩu phần ăn của tôm cũng có chung lợi ích trên vật nuôi được thí nghiệm.

Tảo vĩ mô ảnh hưởng đến hệ số khuếch tán biểu kiến trung bình (ADC) của khẩu phần thí nghiệm, phản ánh mức độ của thành phần được tiêu hóa và hấp thụ. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng tôm ăn khẩu phần  tảo đỏ PH, tảo bẹ Undaria UP và tảo đỏ GL có ADC chất khô cao hơn so với tôm có chế độ ăn chứa tảo nâu SJ. Như đã được các nhà nghiên cứu khác trước đây chỉ ra rằng chỉ số ADC tương đối thấp hơn trong tảo nâu SJ có thể được giải thích là do hàm lượng polysaccharide và các hợp chất tro gây khó tiêu hóa đối với tôm thẻ chân trắng (L. vannamei. Đối với hệ số ADC trong protein có giá trị cao nhất được xác định trong tôm có khẩu phần ăn chứa tảo đỏ GL và tảo bẹ Undaria UP. Đồng thời, hệ số ADC thấp nhất trong protein của tôm ăn khẩu phần đối chứng và có thành phần tảo nâu SJ. Hệ số ADC trong protein cao đối với chế độ ăn chứa tảo đỏ GL và tảo bẹ Undaria UP có thể liên quan đến cấu hình axit amin cân bằng tốt của chúng.

Trong thử nghiệm có nguy cơ nhiễm vi rút gây hội chứng đốm trắng (WSSV) mà chúng tôi thực hiện đã cho thấy tôm bị nhiễm vi rút sau khi kết thúc 56 ngày đầu thử nghiệm và tôm bắt đầu chết vào ngày thứ tư. Tỷ lệ chết của tôm trong nhóm thử nghiệm có chế độ ăn ngày 2,  ngày 3 và ngày 5 thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng có chế độ ăn chưa tảo nâu SJ trong thời gian thử  nghiệm này (P <0,05).

Ảnh hưởng của tảo vĩ mô lên hệ vi sinh vật đường ruột của tôm được thí nghiệm cho thấy sự đa dạng vi sinh vật trong ruột tôm tăng lên so với nhóm đối chứng. Mức độ đa dạng cao nhất (được đánh giá bằng cách sử dụng chỉ số đa dạng sinh thái chung- Chỉ số Shannon) được quan sát trong nhóm tôm có chế độ ăn chứa tảo đỏ GL, tiếp theo là tảo bẹ Undaria UP, tảo đỏ PH, tảo nâu SJ và nhóm tôm có chế độ ăn đối chứng. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cho thấy rằng chế độ ăn và mức phản ứng với sự căng thẳng có thể dễ dàng làm thay đổi thành phần cộng đồng vi sinh vật đường ruột, gây rối loạn cân bằng nội môi đường ruột [tình trạng ổn định] và ảnh hưởng đến phản ứng chống viêm.

Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng một số chất kích thích miễn dịch chưa biết trong tảo có thể hoạt động như một prebiotic [chất dinh dưỡng kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột] để hỗ trợ cân bằng nội môi của vi sinh vật trong ruột tôm. Ngoài ra, các thí nghiệm của chúng tôi cũng cho thấy rằng việc bổ sung tảo vĩ mô trong chế độ ăn  của tôm có thể giúp làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của tôm thẻ chân trắng L. vannamei, làm tăng sự phong phú tương đối của các vi khuẩn có lợi như Bacteroidetes, Firmicutes và Bacillaceae, đồng thời giảm vi khuẩn có hại như Gammaproteobacteria và Vibrionaceae.

Dữ liệu từ nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng tảo trong thức ăn được thử nghiệm, đặc biệt là tảo đỏ GL có thể điều chỉnh thành phần cộng đồng ruột và có thể cải thiện cân bằng nội môi trong ruột. Các vi khuẩn đường ruột và các sản phẩm của chúng đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các phản ứng miễn dịch ở ruột và có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của hệ thống miễn dịch của vật nuôi.

Chúng tôi quan sát thấy rằng các thành phần trong cộng đồng vi sinh vật đường ruột của ấu trùng tôm thẻ chân trắng L. vannamei với các loài tảo vĩ mô khác nhau được bổ sung vào thức ăn, cũng như sự điều chỉnh các phản ứng miễn dịch đường ruột của chúng có sự khác nhau đáng kể. Dữ liệu của chúng tôi, bao gồm cả kết quả của thử nghiệm phơi nhiễm bệnh đốm trắng (WSSV), cho thấy tảo đỏ GL, tảo đỏ PH hoặc tảo bẹ Undaria UP trong chế độ ăn có thể tạo ra sự khác biệt tích cực đối với sức khỏe tôm thông qua việc ức chế vi khuẩn gây bệnh đốm trắng WSSV, cải thiện dinh dưỡng và tăng cường phản ứng miễn dịch của tôm. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các cơ chế của tảo vĩ mô có thể điều chỉnh thành phần hệ vi sinh vật đường ruột và duy trì cân bằng nội môi trong ruột tôm thẻ chân trắng L. vannamei vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Ngoài ra, việc bổ sung tảo vĩ mô vào chế độ ăn trong nghiên cứu của chúng tôi đã giúp tăng cường khả năng miễn dịch của gan tụy thông qua các cơ chế chống oxy hóa khác nhau và giảm thiệt hại cho cơ quan này ở giai đoạn ấu trùng của tôm thẻ chân trắng L. vannamei. Nhìn chung, kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng việc bao gồm tối ưu các loài tảo vĩ mô khác nhau có thể góp phần làm giảm tổn thương gan do sự oxy hóa bằng cách cải thiện khả năng chống oxy hóa và khả năng miễn dịch của gan tụy, cũng như điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột ở tôm thẻ chân trắng L. vannamei. Bên cạnh đó, dữ liệu của chúng tôi cho thấy tảo đỏ G. lemaneiformis (GL) là loại tảo vĩ mô thích hợp nhất để đưa vào chế độ ăn của tôm thẻ chân trắng L. vannamei, tiếp theo là tảo bẹ Undaria U. pinnatifida và tảo đỏ P. haitanensis.

Quan điểm

Kết quả thí nghiệm của chúng tôi cho thấy tảo vĩ mô trong chế độ ăn, đặc biệt là tảo đỏ Gracilaria lemaneiformis (GL), tảo đỏ Porphyra haitanensis (PH), hoặc tảo bẹ Undaria pinnatifida (UP), làm giảm tác hại oxy hóa và cũng cải thiện khả năng miễn dịch đường ruột ở ấu trùng tôm thẻ chân trắng L. vannamei.

Ngoài ra, chế độ ăn bao gồm tảo vĩ mô giúp làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của tôm thẻ chân trắng L. vannamei bằng cách tăng cường sự phong phú tương đối của họ vi khuẩn phyla như BacteroidetesFirmicutes, và họ Bacillaceae. Đồng thời làm giảm sự phong phú của lớp Gammaproteobacteria và họ Vibrionaceae.

Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng chế độ ăn có chứa các loài tảo khác nhau đóng vai trò là thành phần chức năng hoặc có vai trò giống như prebiotic để ngăn ngừa tổn thương đường ruột do quá trình oxy hóa ở tôm thẻ chân trắng L. vannamei kể cả trong điều kiện nuôi bình thường hoặc trong điều kiện có nguy cơ phơi nhiễm hội chứng đốm trắng (WSSV).

Theo Global Aquaculture Alliance

Biên dịch: Huỳnh Thùy – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

Nguồn: https://www.aquaculturealliance.org/advocate/assessing-the-effect-of-four-macroalgae-inclusions-in-diets-of-pacific-white-shrimp/

 

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *