BỆNH PHÁT SÁNG TRÊN TÔM NUÔI

Bệnh phát sáng trên tôm nuôi thường gặp ở các khu vực ao nuôi có độ mặn cao (> 15‰), bệnh xảy ra trong tất cả giai đoạn từ ấu trùng đến khi tôm trưởng thành. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và xuất hiện quanh năm trên cả tôm sú và tôm thẻ, làm tôm bỏ ăn, chậm lớn, ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ nuôi của bà con. Vì thế việc phát hiện bệnh kịp thời và biện pháp phòng ngừa là điều rất quan trọng trong quá trình nuôi.

Hình 1: Tôm nhiễm bệnh phát sáng.

1/ Nguyên nhân

Bệnh phát sáng trên tôm có thể do một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

 Do vi khuẩn Vibrio (harveyi): vi khuẩn này phát triển mạnh khi nhiệt độ nước tăng cao, hàm lượng chất hữu cơ cao, hàm lượng oxy hòa tan thấp. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể tôm đồng thời vi khuẩn tiết ra enzyme (Luciferase) có khả năng phát ra ánh sáng trắng hoặc xanh vào ban đêm => gây ra hiện tượng tôm phát sáng.

 Do nhóm tảo roi (Dinoflagellate):  gồm các loài Peridinium, Ceratium, Gymnodinium và một số loại tảo giáp làm nước phát sáng, không trực tiếp gây bất lợi cho tôm nhưng chúng tiết ra chất độc gây bệnh gan và ruột cho tôm, làm tôm giảm ăn và tăng trưởng chậm.

 Do hàm lượng lân trong ao nuôi cao: nuôi tôm mật độ cao, hàm lượng chất thải chứa phospho nhiều vào cuối vụ nuôi => cũng gây hiện tượng nước phát sáng vào ban đêm.

 Ngoài ra: bệnh còn có thể lây lan từ nguồn con giống bố mẹ không rõ nguồi gốc trong sản xuất, từ nguồn nước cấp vào ao nuôi và động vật trung gian truyền bệnh.

2/ Biểu hiện bệnh

– Cơ thể tôm phát sáng vào ban đêm khi tôm di chuyển hoặc nước phát sáng khi bị tác động bởi quạt nước.

Hình 2: Kết quả mẫu nhiễm khuẩn Vibrio gây hại trên tôm

– Quan sát cơ thịt và máu của tôm qua kính hiển vi sẽ phát hiện vi khuẩn phát sáng.

– Tôm giảm ăn, chậm lớn, phát triển không đồng đều, chu kỳ lột xác chậm, đóng rong ở thân và mang.

– Khi bệnh nặng tôm bỏ ăn, thân và mang tôm có màu xám, cơ thịt màu đục => tôm yếu dần, bơi lờ đờ tấp mé bờ, phản ứng chậm chạp và chết. Tùy theo mức độ nhiễm bệnh mà tỷ lệ tôm chết nhiều hay ít.

3/ Phòng bệnh

– Lựa chọn cơ sở sản xuất giống uy tín chất lượng.

Hình 3: Cải tạo ao nuôi

– Cải tạo ao nuôi đúng quy trình và điều kiện sản xuất.

– Hạn chế nhiệt độ nước tăng cao vào mùa nắng nóng, giữ mức nước trong ao 1.1-1.3 m.

– Mật độ thả giống thích hợp theo từng đối tượng và mô hình nuôi.

– Sử dụng men vi sinh, hạt sinh học (chế phẩm sinh học) để gây màu nước, tạo thức ăn tự nhiên (trùng chỉ, ốc gạo, coperpoda) trước khi thả tôm => giúp tôm mau lớn, sức đề kháng tốt.

Hình 4: Hạt sinh học tạo thức ăn tự nhiên.

– Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và vi khuẩn Vibrio trong nước ao nuôi định kỳ 5 ngày/lần.

– Định kỳ sử dụng men vi sinh để phân hủy giảm chất hữu cơ đáy và trong nước hạn chế nguy cơ thừa lân => ổn định môi trường nước.

– Quản lý tốt lượng thức ăn, định kỳ siphon đáy(nếu có), để giảm bớt lượng chất hữu cơ trong ao gây ô nhiễm nước.

– Thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, enzyme tiêu hóa, vitamin và khoáng tổng hợp vào khẩu phần ăn hàng ngày của tôm nuôi để giảm stress và tạo sức đề kháng cho tôm.

4/ Trị bệnh

Khi phát hiện tôm bị nhiễm bệnh từ những biểu hiện bệnh đã nêu trên:

– Bà con nhanh chóng thu mẫu nước và mẫu tôm(nếu tôm trên 20 ngày) đến nơi xét nghiệm gần nhất để kịp thời xác định nguyên nhân gây bệnh.

– Nếu tôm bị nhiễm vi khuẩn V.harveyi: để an toàn sinh học ta có thể sử dụng men vi sinh với hàm lượng tỉ lệ khuẩn cao cấy 2-3 lần liên tiếp để ức chế vi khuẩn có hại đồng thời bổ sung thêm vi sinh có lợi, kết hợp với trộn men tiêu hóa và sản phẩm tăng cường sức đề kháng cho tôm.

– Nếu tôm bị nhiễm bệnh do nhóm tảo roi (Dinoflagellate): tiến hành thay nước 30-50%, sử dụng những sản phẩm cắt giảm tảo độc. Sau đó sử dụng men vi sinh, khoáng tổng hợp với vôi dolomite gây màu nước (tảo lục hoăc tảo khuê) để ức chế và lấn át tảo có hại.

* Tuy bệnh phát sáng không gây nguy hiểm hơn so với các bệnh nghiêm trọng khác nhưng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Vì thế, bà con nên áp dụng biện pháp phòng bệnh ngay từ đầu khi chuẩn bị vụ nuôi là tốt nhất..

Ths. Huỳnh Duy Phong – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

“Tôm giống gia hóa – Chìa Khóa thành công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *