Kết quả nghiên cứu cho thấy có thể sử dụng biofloc làm nguồn thức ăn cho cá rô phi sông Nile

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của vi tảo Scenedesmus đối với tôm thẻ chân trắng và cá rô phi sông Nile trong môi trường biofloc. Kết quả nhấn mạnh tiềm năng của biofloc khi được dùng làm thức ăn cho cá rô phí sông Nile, và cho thấy rằng việc bổ sung vi tảo vào thức ăn cho cá rô phi và nước nuôi đã góp phần cải thiện năng suất và tăng trưởng của cá, mà không ảnh hưởng đến việc tạo bùn trong hệ thống.

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của vi tảo Scenedesmus đối với tôm thẻ chân trắng và cá rô phi sông Nile trong môi trường biofloc

Ảnh của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (Phạm vi công cộng, Wikimedia Commons).

Việc nuôi kết hợp các loài khác nhau nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các chất dinh dưỡng được tạo ra bởi loài được cho ăn chính, bằng cách nuôi thêm một loài khác có thể tận dụng các chất dinh dưỡng dư thừa, từ đó, cải thiện việc sử dụng các nguồn thức ăn của hệ thống sản xuất chung. Hai loài có tiềm năng nuôi kết hợp với nhau là tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và cá rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus). Một số nghiên cứu về cả hai loài này đã báo cáo rằng cá được cho ăn ở mức 1% sinh khối của chúng có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) nằm trong khoảng từ 0,15 – 0,38, kết quả này cho thấy rằng có sự đóng góp của biofloc trong dinh dưỡng của cá. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào đánh giá xem rằng liệu cá rô phi sông Nile có thể được nuôi mà không cần bổ sung thức ăn nhưng vẫn duy trì hiệu suất tăng trưởng và không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống nuôi tổng thể hay không, điều này sẽ cho phép giảm đầu vào của hệ thống.

Vi tảo Scenedesmus Obquus là một loại tảo lục nước ngọt giàu protein và lipid. Theo báo cáo, loài vi tảo này đã được sử dụng để thay thế một phần bột cá trong thức ăn cho cá rô phi, kết quả cho thấy sự tăng trưởng và hệ thống miễn dịch của cá đã được cải thiện. Việc kết hợp loài vi tảo này với vi khuẩn và các loài vi tảo khác trong việc xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đã giảm nồng độ các chất dinh dưỡng như nitơ, phốt pho và carbon, điều này cho thấy rằng việc bổ sung các loài vi tảo vào nước của các hệ thống nuôi kết hợp áp dụng công nghệ biofloc có thể tăng cường sức hấp dẫn của hệ thống biofloc và thành phần dinh dưỡng, tăng tiêu thụ thức ăn tự nhiên của cá nuôi và cải thiện năng suất tăng trưởng của chúng.

Bài báo này – được chỉnh sửa và tóm tắt từ bài báo gốc (Silva, V.F. và cộng sự 2022. Ảnh hưởng của việc bổ sung vi tảo và bổ sung thức ăn cho cá trong việc nuôi kết hợp tôm thẻ chân trắng và cá rô phi sông Nile bằng công nghệ Biofloc. Animals 2022, 12 (12), 1527) – đã đánh giá tác động của việc bổ sung thức ăn và vi tảo S. obliquus trong hệ thống nuôi kết hợp cá rô phi sông Nile O. niloticus và tôm thẻ chân trắng L. vannamei bằng công nghệ biofloc, đánh giá năng suất tăng trưởng của vật nuôi, sản xuất bùn và vi sinh vật nước.

Thiết lập nghiên cứu

Nghiên cứu đánh giá hệ thống nuôi kết hợp tôm thẻ chân trắng và cá rô phi sông Nile sử dụng công nghệ biofloc có hoặc không có bổ sung vi tảo Scenedesmus Obquus, và có hoặc không có bổ sung thức ăn cho cá trong vòng 62 ngày. Thí nghiệm liên quan đến 2 yếu tố, mỗi yếu tố có hai mức, được đánh giá 4 lần: bổ sung vi tảo Scenedesmus vào nước và bổ sung thức ăn cho cá, tổng cộng có 4 nghiệm thức, cụ thể là:

(1) Không bổ sung vi tảo và thức ăn cho cá;

(2) không bổ sung vi tảo và có bổ sung thức ăn cho cá;

(3) bổ sung vi tảo và không bổ sung thức ăn cho cá;

(4) bổ sung đồng thời vi tảo và thức ăn cho cá.

Không có thay đổi nào được thực hiện trong việc cho tôm ăn ở các nghiệm thức.

Thí nghiệm được tiến hành tại Phòng thí nghiệm Marine Shrimp (LCM) thuộc Khoa Nuôi trồng Thủy sản của Đại học Liên bang Santa Catarina (UFSC), Brazil. Ấu trùng Nauplius (dòng Speedline Aqua) được mua từ một nhà cung cấp thương mại (Aquatec Ltda., Rio Grande do Norte, Brazil). Chúng được nuôi trong hệ thống biofloc cho đến khi đạt trọng lượng trung bình là 2g. Cá rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus) giai đoạn chưa trưởng thành (dòng GIFT) được mua từ một nhà cung cấp thương mại (Acqua Sul Piscicultura, Ilhota, Brazil) với trọng lượng trung bình 1,53 ± 0,12 g. Các vi tảo Scenedesmus obliquus được lấy từ ngân hàng chủng của Phòng thí nghiệm Nuôi trồng Tảo (LCA), thuộc Đại học Liên bang Santa Catarina (UFSC), đặt tại Barra da Lagoa, Florianópolis, Santa Catarina, Brazil.

Tôm (trọng lượng 2,16 ± 0,01 g) được nuôi với mật độ 400 con/m3 và cá (trọng lượng 1,53 ± 0,12 g) được nuôi với mật độ 522 con/m3. Vi tảo được thêm vào nước nuôi 2 lần/tuần. Các đơn vị thí nghiệm (Hình 1) được sử dụng là bể 1.000 lít (thể tích sử dụng 800 lít) và bể 100 lít (thể tích sử dụng 90 lít) cho tôm và cá, lần lượt, được đặt trong nhà kính nông nghiệp và che bằng màn. Hiệu suất tăng trưởng, sản xuất bùn và vi sinh trong nước được đánh giá thường xuyên.

Để biết thông tin chi tiết về thiết kế thí nghiệm và cách nuôi dưỡng; thu thập dữ liệu và phân tích thống kê, vui lòng tham khảo bài báo gốc.

Bản vẽ sơ đồ của các đơn vị thí nghiệm được sử dụng trong hệ thống nuôi kết hợp hợp tôm thẻ L. vannamei và cá rô phi O

Hình 1: Bản vẽ sơ đồ của các đơn vị thí nghiệm được sử dụng trong hệ thống nuôi kết hợp hợp tôm thẻ L. vannamei và cá rô phi O. niloticus bằng công nghệ biofloc trong 62 ngày.

Kết quả và thảo luận

Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng việc bổ sung cả vi tảo và thức ăn cho cá không ảnh hưởng đến năng suất tăng trưởng của tôm. Tỷ lệ tăng trọng trung bình là 1,1 ± 0,1 g/tuần, kết quả này tương tự như các báo cáo của các tác giả khác đối với hệ thống nuôi tôm độc canh sử dụng công nghệ biofloc. Nguyên nhân có thể là do tôm được cho ăn nhiều hơn cá, và biofloc, vi tảo sẽ ít quan trọng hơn về mặt dinh dưỡng của tôm.

Tỷ lệ sống trung bình của tôm là 78,3 ± 7,1%, thấp hơn so với báo cáo của các nghiên cứu khác khi sử dụng các điều kiện tương tự, và có thể do mật độ nuôi cao (400 con/m3), cho thấy sức chứa của hệ thống đã đạt. Các tác giả khác thả nuôi với mật độ thấp hơn là 250 con/m3, đã báo cáo năng suất ~ 2,1 – 2,6 kg/m3; trong thử nghiệm của chúng tôi, năng suất tôm đạt 3,67 – 3,88 kg/m3. FCR của tôm được nuôi trong hệ thống biofloc tương tự như FCR thu được trong nghiên cứu khác.

Đối với cá rô phi sông Nile, biofloc đóng góp đáng kể vào dinh dưỡng của chúng trong nghiên cứu hiện tại, điều này củng cố báo cáo của các nhà nghiên cứu khác về tiềm năng của biofloc như một nguồn thức ăn cho loài cá này.

Tỷ lệ sống của cá rô phi tương tự như những gì đã được báo cáo bởi các nhà nghiên cứu khác. Tỷ lệ sống cao hơn ở các nghiệm thức bổ sung vi tảo cho thấy S. obliquus đã cung cấp các chất dinh dưỡng không có sẵn trong hệ thống. Giá trị dinh dưỡng của biofloc phụ thuộc chủ yếu vào tỷ lệ Carbon: Nitơ và nguồn carbon hữu cơ được sử dụng. Bởi vì trong nghiên cứu của chúng tôi không có bổ sung carbon hữu cơ, nên giá trị dinh dưỡng biofloc có thể thấp hơn khi so sánh với các hệ thống dị dưỡng.

Không có sự khác biệt đáng kể nào được tìm thấy về hiệu suất tăng trưởng của tôm, nhưng lại có sự khác biệt đáng kể về hiệu suất tăng trưởng của cá, điều này có thể là do việc bổ sung thức ăn cá trong hệ thống nuôi kết hợp. Về việc cung cấp thức ăn cho cá, kết quả cho thấy tăng 8% về sinh khối và năng suất tăng trưởng, và giá trị này tương tự như báo cáo của các tác giả khác khi nghiên cứu hệ thống nuôi kết hợp hai loài. Đối với FCR, ở các nghiệm thức có bổ sung thức ăn cho cá, sinh khối cao hơn đồng nghĩa với việc bổ sung thức ăn nhiều hơn so với các nghiệm thức không bổ sung thức ăn cho cá. Do đó, mặc dù có lượng thức ăn đầu vào lớn hơn trong hệ thống nuôi kết hợp, nhưng FCR tổng thể vẫn thấp hơn.

Ở các nghiệm thức có bổ sung thức ăn cho cá, do có lượng chất hữu cơ đầu vào nhiều hơn nên năng suất tổng thể của hệ thống kết hợp đã tăng lên, dẫn đến lượng sản xuất bùn như nhau: đây là mối quan hệ sinh khối giữa các nghiệm thức.

Đối với các vi sinh vật trong nước, vi khuẩn và vi tảo có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực vào đến sự phát triển của chúng do việc sản xuất các hợp chất sinh học hoặc cạnh tranh về chất dinh dưỡng. Vi khuẩn có thể phản ứng với cả tế bào sống cũng như tế bào chết. Trong các điều kiện thí nghiệm của chúng tôi, không có sự khác biệt đáng kể nào về số lượng của tổng số vi khuẩn dị dưỡng và vi khuẩn Vibrio ở cuối thí nghiệm.

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của vi tảo Scenedesmus đối với tôm thẻ chân trắn

Hình 2. Tổng số vi khuẩn dị dưỡng và Vibrio spp. trong nước của hệ thống nuôi kết hợp tôm thẻ L. vannamei và cá rô phi O. niloticus áp dụng công nghệ biofloc trong 62 ngày, trong đó việc bổ sung hoặc không bổ sung cả vi tảo và thức ăn cho cá được đánh giá trong mẫu yếu tố.

Mặc dù có những báo cáo rằng vi tảo có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát Vibrio spp., nhưng kết quả này không được nhận thấy ở nghiên cứu hiện tại. Sự tương tác giữa vi tảo và vi khuẩn có thể rất cụ thể, nhưng cũng có thể rất phức tạp, và người ta đã chứng minh rằng sự thay đổi về ánh sáng và chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự tương tác của Scenedesmus spp. và vi khuẩn dị dưỡng. Những yếu tố này có thể là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu sự khác biệt về tổng số vi khuẩn dị dưỡng và vi khuẩn Vibrio giữa hai nghiệm thức. Tuy nhiên, số lượng vi khuẩn khi bắt đầu và kết thúc thí nghiệm là tương đương nhau, với các giá trị có thể so sánh với các giá trị được báo cáo đối với hệ thống biofloc hóa dưỡng.

Quan điểm

Kết quả của chúng tôi nhấn mạnh tiềm năng của cá rô phi sông Nile trong việc sử dụng biofloc làm nguồn thức ăn, nhưng cũng cho thấy rằng biofloc chỉ đóng góp một phần vào việc đáp ứng các nhu cầu của cá về chất dinh dưỡng. Trong nghiên cứu này, việc bổ sung thức ăn cho cá là một yếu tố quan trọng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của chúng. Việc bổ sung vi tảo vào chế độ ăn với tỷ lệ 1% trọng lượng cá đã làm tăng sinh khối cá rô phi trong hệ thống biofloc nuôi kết hợp tôm – cá rô phi mà không ảnh hưởng đến quá trình tạo bùn và vi sinh trong nước, đồng thời cải thiện FCR và năng suất của hệ thống nuôi tổng thể. Các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc đánh giá hiệu quả kinh tế của cả hai cách phương pháp, bổ sung thức ăn cho cá và bổ sung vi tảo vào nước.

Tiến sĩ Felipe d.N. Vieira

Nguồn: https://www.globalseafood.org/advocate/effect-of-microalgae-scenedesmus-on-pacific-white-shrimp-and-nile-tilapia-in-a-biofloc-environment/

Biên dịch: Huyền Thoại – Công ty TNHH PTTS Bình Minh

“Tôm Giống Gia Hóa – Chìa Khóa Thành Công”

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *